Đắk Lắk: Chuyển đổi số, ứng dụng CNTT nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu

Ở các địa bàn vùng sâu của tỉnh Đắk Lắk, cùng với sự quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị học tập, sự nỗ lực của các thầy cô giáo đồng hành cùng học sinh, đã góp phần từng bước nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, góp phần hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Công tác tại trường tiểu học Hoàng Diệu, xã Cư Né, huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk hơn 10 năm, cô giáo H Luê Buôn Krông luôn được nhà trường tin tưởng giao nhiệm vụ giảng dạy học sinh lớp 1– là lớp đầu cấp, học sinh còn nhiều bỡ ngỡ. Cô giáo H Luê chia sẻ, hơn 65% học sinh của mình là người dân tộc thiểu số nên cùng với phương pháp truyền thống, cô đã chủ động tham khảo cách dạy mới trên internet, kết hợp sử dụng song ngữ Việt – Ê Đê để học sinh có thể hiểu và tiếp thu bài học.

“Vấn đề khó khăn nhất khi dạy là các em chưa nhận biết mặt chữ, mặt số, trong quá trình dạy thì các em không hiểu tiếng Việt, chỉ quen dùng tiếng mẹ đẻ nên việc giao tiếp, giảng dạy các em cũng rất khó. May mắn là mình cũng là người Ê Đê, sử dụng song ngữ trong quá trình giao tiếp để các em dễ hiểu và tiếp thu tốt hơn” - cô giáo nói.

Học sinh vùng sâu Đắk Lắk được học trong những ngôi trường khang trang hơn.

Học sinh vùng sâu Đắk Lắk được học trong những ngôi trường khang trang hơn.

Cũng chủ động tìm tòi, vận dụng các phương pháp dạy học mới, thầy giáo Y Bih Êban, trường THCS Phan Chu Trinh, xã Cư Né, huyện Krông Búk cố gắng tận dụng tối đa các phương tiện kỹ thuật, đồ dùng dạy học đã được trang bị tại trường để bài học trở nên sinh động hơn. Thầy giáo Y Bih cho biết, trước mỗi tiết học, mình truy cập internet tìm kiếm hình ảnh minh họa bài học, kết hợp phương pháp vừa học vừa chơi, đố vui, hỏi nhanh đáp nhanh để tiết học thêm sôi nổi. Từ đó học sinh có hứng thú và tiếp thu bài học dễ dàng hơn.

“Trường được trang bị các thiết bị công nghệ, ti vi, máy chiếu thì chúng tôi tận dụng chiếu các hình ảnh trực tiếp để giúp các em được quan sát trực quan, hình ảnh thực tế, cụ thể, từ đó hiểu bài nhanh hơn” - thầy giáo Y Bih Êban nói.

Các trang thiết bị dạy học được trang bị và sử dụng ngày càng hiệu quả

Các trang thiết bị dạy học được trang bị và sử dụng ngày càng hiệu quả

Với cách giảng dạy mới mẻ, thu hút này, mỗi tiết học đều trở nên thú vị, được học sinh háo hức mong chờ. Em H Na Ni Mlô, lớp 9C, trường THCS Phan Chu Trinh, xã Cư Né, huyện Krông Búk cho biết, em đã thấy yêu thích những giờ học trên lớp: “Các thầy cô giáo giảng dạy rất nhiệt tình, kỹ càng, dễ hiểu. Bản thân em cũng cố gắng học tập thật tốt để thi cuối cấp đạt kết quả cao và đậu vào lớp 10”.

Tỉnh Đắk Lắk hiện có gần nửa triệu học sinh từ bậc học mầm non đến phổ thông cơ sở. Xác định giáo dục và đào tạo là một trong những tiêu chí quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, thời gian qua tỉnh đã có nhiều giải pháp, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển trường lớp và mở rộng quy mô giáo dục.

Theo ông Đỗ Tường Hiệp, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Đắk Lắk, 70% các trường học từ bậc mầm non đến THCS ở tỉnh đã được đầu tư xây dựng kiên cố, trang bị đầy đủ phương tiện dạy học. Các trường thực hiện tốt tiêu chí số 14 về giáo dục và đào tạo, đảm bảo phổ cập giáo dục bậc THCS với tỉ lệ học sinh hoàn thành chương trình bậc THCS đạt từ 70% trở lên. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, ông Đỗ Tường Hiệp cho rằng vấn đề nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác giáo dục cần tiếp tục được chú trọng.

“Phải nâng nâng cao việc phát triển đội ngũ nhà giáo, nhất là nhà giáo người dân tộc thiểu số đáp ứng được năng lực, trình độ, phẩm chất để có thể thực hiện dạy học và dạy học có hiệu quả. Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo vào trong dạy và học trong các nhà trường. Phải rà soát để sắp xếp lại mạng lưới trường lớp, xóa bỏ những điểm trường và xây dựng cơ sở học tập, huy động các lực lượng xã hội để phục vụ cho quá trình đổi mới" - ông Hiệp nói.

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó là một trong các mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk để phấn đấu xây dựng nông thôn mới

Nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó là một trong các mục tiêu của tỉnh Đắk Lắk để phấn đấu xây dựng nông thôn mới

Trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới có 2 tiêu chí liên quan đến lĩnh vực giáo dục, đã được tỉnh thực hiện đạt 83% và 98%. Cùng với những nỗ lực của chính quyền, ngành chức năng, các thầy cô giáo ở Đắk Lắk, nhất là tại các địa bàn vùng khó vẫn đang kiên trì bám trường, bám lớp, thực hiện tốt công tác “trồng người”, xây dựng nguồn nhân lực tham gia phát triển quê hương.

H Xíu/VOV-Tây Nguyên

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/dak-lak-chuyen-doi-so-ung-dung-cntt-nang-cao-chat-luong-giao-duc-vung-sau-post1147893.vov
Zalo