Đại tướng Nguyễn Quyết - Vị tướng tài năng, đức độ, nhất mực trung thành của Đảng ta, Quân đội ta - Bài 1: Từ một thiếu niên nông thôn vùng đất Kim Động (Hưng Yên) đến Bí thư Thành ủy Hà Nội trong Cách mạng Tháng Tám
Đại tướng Nguyễn Quyết là vị tướng luôn được tổ chức phân công đảm đương những vị trí công tác chiến lược ở những giai đoạn bước ngoặt của cách mạng.
Năm 1945, khi mới 23 tuổi, ông đã đảm đương cương vị Bí thư Thành ủy Hà Nội, cùng tập thể lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Tiếp đó, năm 1947, ông được phân công Nam tiến, đảm đương các chức vụ quan trọng trong Quân khu ủy Quân khu 5, Chính ủy Mặt trận Quảng Đà. Năm 1955, ông được điều về làm quyền Chính ủy rồi Chính ủy Quân khu Tả Ngạn. Từ năm 1977 đến năm 1986, ông Quyết giữ chức Tư lệnh kiêm Chính ủy, Bí thư Quân khu ủy Quân khu 3.
Đặc biệt, trong dấu mốc Đổi mới 1986, ông được điều về đảm đương cương vị Phó chủ nhiệm rồi Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị. Đại tướng Nguyễn Quyết là vị Thủ trưởng Tổng cục Chính trị có nhiều đóng góp lớn trong giai đoạn bước ngoặt từ dấu mốc Đổi mới 1986 khi thực hiện trở lại cơ chế Đảng ủy lãnh đạo, thực hiện sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang.
Đồng chí Nguyễn Quyết tên khai sinh là Nguyễn Tiến Văn. Ông sinh ngày 20-8-1922 tại xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Hưng Yên cũng là mảnh đất sinh ra nhiều vị tướng lĩnh tài ba, kiên trung sớm theo Đảng, theo Bác Hồ từ những ngày đầu lập nước và trưởng thành trong các cuộc chiến tranh vệ quốc như: Trung tướng Nguyễn Bình, Thượng tướng Hoàng Minh Thảo, Thượng tướng Đặng Vũ Hiệp, Thượng tướng Phạm Thanh Ngân, Thượng tướng Lê Quang Hòa, Thượng tướng Nguyễn Trọng Xuyên và đặc biệt là Đại tướng Nguyễn Quyết.
Ngay từ nhỏ, cậu bé Nguyễn Tiến Văn đã tỏ rõ bản tính thông minh sôi nổi tham gia các công việc nhưng cũng rất điềm đạm và chăm chỉ nên rất được cha mẹ, thầy cô và bè bạn quý mến. Cuộc sống ở các vùng quê Bắc Bộ trong đó có vùng đất xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên rất khó khăn. Chính quyền thực dân Pháp và bè lũ tay sai ra sức đàn áp, bóc lột nhân dân ta đến kiệt cùng. Giới địa chủ cường hào đứng đầu là bọn lý trưởng, chánh tổng, tri huyện, tri phủ cấu kết ngoại bang không từ một thủ đoạn nào để bóc lột người nông dân, bần cùng hóa đúng như những gì trong tiểu thuyết "Tắt đèn" của nhà văn Ngô Tất Tố đã mô tả.
Trước cảnh đất nước lầm than cơ cực, chàng thiếu niên Nguyễn Quyết đã sớm có suy nghĩ phải làm việc gì đó để giúp ích cho gia đình, bà con làng xóm, cho đất nước và cũng là mở ra trang mới với cuộc đời mình. Mới ở tuổi mười lăm, Nguyễn Quyết đã rời quê hương Kim Động lên Hà Nội tìm việc làm cũng là để thấy rõ hơn xã hội nhiều mặt ở Thủ đô. Trong tâm tư của chàng thiếu niên, lúc nào cũng ám ảnh việc dân bản xứ lầm than cơ cực còn những kẻ cầm quyền luôn phè phỡn, xa hoa. Vốn có hiểu biết về chữ nghĩa và sự chín chắn, khéo léo trong lời ăn tiếng nói, Nguyễn Quyết đã xin vào được làm thư ký kiêm phát hành báo cho Báo Đuốc Tuệ của Trung tâm Phật giáo Bắc kỳ, có trụ sở ở chùa Quán Sứ. Ở vị trí này, Nguyễn Quyết vừa được làm vừa được học ngay tại tòa soạn và các nơi khác. Có dịp tiếp xúc với nhiều người ở các tầng lớp xã hội khác nhau đã cho Nguyễn Quyết một cái nhìn bao quát, rộng khắp, những sự cọ xát hết sức hữu ích.
Trong khoảng thời gian này, chàng thanh niên Nguyễn Quyết bị lôi cuốn bởi các hoạt động của cuộc vận động dân chủ do Đảng Cộng sản Đông Dương phát động. Tận mắt chứng kiến và tham gia nhiều hoạt động của phong trào, được tiếp xúc với các công nhân, người lao động thành phố, giới trí thức và các giai tầng xã hội khác nhau đã cho ông hiểu sâu sắc và nhận định rõ ràng rằng thân phận của người dân mất nước thì ở đâu cũng như nhau, nông thôn hay thành thị, nông dân hay công nhân, trí thức đều bị bọn thực dân cướp nước và bè lũ tay sai đè đầu cưỡi cổ, phải chịu bóc lột, bất bình đẳng thậm chí là bị giết oan mà không có pháp luật bảo vệ. Đây cũng là những bài học lớn cho Nguyễn Quyết trưởng thành.
Cũng trong thời gian đó, đồng chí Nguyễn Quyết đã lọt vào vòng ngắm theo dõi của bọn mật thám. Chúng lùng sục tìm cách bắt ông, khiến ông phải tạm trở về quê hương. Tại Kim Động, ông đã may mắn gặp đồng chí Nguyễn Văn Tích (còn có bí danh là Tạo) - một đảng viên cộng sản, là cán bộ liên tỉnh (gồm các tỉnh: Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Kiến An...) và được giao nhiệm vụ vận động quần chúng xây dựng phong trào phản đế ở huyện Kim Động. Nguyễn Quyết đã hoạt động rất tích cực và có nhiều thành tích. Năm 1940, khi vừa tròn 18 tuổi, đồng chí Nguyễn Quyết được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương, được phân công phụ trách Bí thư Thanh niên phản đế huyện Kim Động. Đây chính là dấu mốc rất quan trọng của đồng chí Nguyễn Quyết.
Tháng 8-1943, khi mới 21 tuổi, đồng chí Nguyễn Quyết đã được Xứ ủy Bắc kỳ chỉ định tham gia Ban Cán sự Đảng Hà Nội, được phân công phụ trách xây dựng căn cứ ngoại thành và vận động công nhân đấu tranh trong nội thành. Khoảng thời gian này, ông cùng các đồng chí lãnh đạo trong Ban Cán sự Đảng Hà Nội tổ chức thành lập các chi bộ, giác ngộ số công nhân cư trú ở ngoại thành bắt mối với các nhà máy, cơ sở sản xuất trong nội thành. Nhiều cơ sở, chi bộ ở nội thành và ngoại thành Hà Nội đã được thành lập, phong trào cách mạng ở Hà Nội được nâng cao chính là cơ sở, nền tảng cho Cách mạng Tháng Tám.
Mùa hè năm 1944, sau khi tham dự một lớp học quân sự tại tỉnh Thái Nguyên để chuẩn bị cho Tổng khởi nghĩa, ông được chỉ định làm Bí thư Thành ủy Hà Nội thay đồng chí Lê Quang Đạo do bị lộ nên Trung ương điều đi làm nhiệm vụ khác. Ông chia sẻ: “Đó là thời kỳ một ngày bằng hai mươi năm sục sôi không khí chuẩn bị mọi mặt cho cuộc cách mạng giành chính quyền về tay nhân dân. Tôi được phân công đặc trách công tác quân sự, đồng chí Phương phụ trách công vận, đồng chí Vũ Oanh phụ trách thanh vận... Chúng tôi nắm chắc các đội tự vệ vũ trang mới thành lập, tổ chức huấn luyện dưới những hình thức khác nhau. Đây sẽ là lực lượng vũ trang hậu thuẫn quan trọng cho nhân dân giành chính quyền ở Hà Nội”.
Chính từ sự chuẩn bị công phu, sáng suốt, kiên quyết của Ban lãnh đạo Thành ủy Hà Nội với sự đứng đầu của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết đã tiến tới một quyết định lịch sử: Hà Nội tiến hành khởi nghĩa vào ngày 19-8-1945 đánh đổ chính quyền tay sai, thành lập chính quyền cách mạng và đã thành công rực rỡ, trọn vẹn, không đổ máu. Sau này, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã nhận định về dấu mốc lịch sử trên: “Trong thời cơ lịch sử có một không hai đó, đã xuất hiện những con người thông tuệ được tôi luyện trong môi trường cách mạng, những trái tim và khối óc không chỉ dựa vào lòng yêu nước nồng nàn mà còn có tư chất tuyệt vời, phán đoán sắc sảo về khả năng thắng lợi của cách mạng và sự nhạy cảm thời cuộc đặc biệt. Ban lãnh đạo của Hà Nội khi đó toàn những người trẻ tuổi, dưới 30, mà người đứng đầu là Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết mới ở tuổi 23 và kinh qua 6 năm tôi luyện trong đấu tranh cách mạng. Thật là tuyệt vời!”.
Đó cũng là một trong những dấu mốc quan trọng nhất trong cuộc đời Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết.
Trong mỗi lần các nhà văn, nhà báo chúng tôi tiếp xúc với Đại tướng Nguyễn Quyết, ông đều tỏ ra rất phấn chấn khi kể về quãng thời gian trai trẻ của mình, nhất là khi được tổ chức tin tưởng giao chức vụ Bí thư Thành ủy Hà Nội vào thời điểm then chốt nhất của Cách mạng Tháng Tám. Chính từ sự tin tưởng tuyệt đối của cấp trên, của Đảng, đã cho ông nền tảng vững chắc để sau này đảm đương các cương vị, trọng trách trong Quân đội. Đây cũng chính là một trong những vẻ đẹp, chiều sâu thành tựu của Đảng ta trong việc bồi dưỡng, rèn luyện và sử dụng những người con ưu tú trong công cuộc cách mạng.
Nhà văn PHÙNG VĂN KHAI
(Còn nữa)