Đại tướng Nguyễn Quyết tròn 100 tuổi (20/8/1922 - 20/8/2022):Những kỷ niệm với Đại tướng - người cộng sản kiệt xuất
Những kỷ niệm với Đại tướng - người cộng sản kiệt xuất
Đại tướng Nguyễn Quyết - một tác phong giản dị
Tháng Tám năm 2014, tôi cùng gia đình bà Thái Tiên đến chúc thọ Đại tướng Nguyễn Quyết tròn 92 tuổi. Lần đầu đến tư dinh vị Đại tướng khai quốc công thần, tôi không khỏi xúc động, bùi ngùi khi đứng trước cánh cổng khung sắt lập là cũ kỹ bịt tôn đã hoen gỉ, mở ra cái sân nhỏ lát gạch đỏ Bát Tràng dẫn vào phòng khách tầng trệt chỉ vừa bày bộ bàn ghế gỗ giả cổ. Cơ ngơi của Đại tướng chẳng hơn gì cơ ngơi của một gia đình bậc trung, thậm chí còn thua mấy căn nhà khác trong cùng khu tập thể.
Từ đó, tôi có nhiều dịp gặp Đại tướng hơn. Cứ vào dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2/9, cũng là dịp kỷ niệm Sinh nhật Đại tướng, tôi lại được gặp, nghe ông nói về những kinh nghiệm thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám long trời lở đất, một cuộc cách mạng đầy tính nhân văn, đã cảm hóa được kẻ thù, biến lực lượng địch thành lực lượng ta, thành công mà không đổ một giọt máu. Tôi nhớ mãi câu nói của ông: "Không có quần chúng kém, chỉ có lãnh đạo tồi. Người lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược càng phải biết dựa vào quần chúng, phải biết sửa sai, chống tả khuynh, chống hữu khuynh để giành thắng lợi".
Có lần đến mừng Sinh nhật Đại tướng, tôi thưa: Cháu nhân danh là một cựu chiến binh, lính của Bác, theo tập quán của người Việt, xin biếu Bác một trăm để Bác ăn quà. Đại tướng ngạc nhiên rồi cười, vui vẻ nhận "quà". Nghĩ lại thấy mình cũng láu cá, nhưng chân tình, đến với Đại tướng như đến với thủ trưởng cũ, và Đại tướng hài lòng về điều đó.
Tòa chung cư tôi ở có anh Nguyễn Thanh Tài, nhân viên an ninh đã lớn tuổi hay làm thơ và thơ cũng khá hay. Đọc những bài báo tôi viết về Đại tướng, anh ta xin tôi tư liệu để viết… trường ca vê cuộc đời Đại tướng. Bài trường ca 166 khổ, gần 1.000 câu thơ viết xong, tôi giúp anh biên tập, rồi khuyên anh cứ mặc nguyên bộ trang phục "Security", đi cùng tôi đến gặp, đọc cho Đại tướng nghe, như một món quà mừng Sinh nhật Ông. Đại tướng rất vui. Bài "trường ca", dù tính nghệ thuật chưa cao, đã được Nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành. Nhìn nét mặt đầy xúc động của Tài khi nhận sách, tôi cũng thầm vui lây.
Đến hôm nay, "thế hệ vàng" những người lãnh đạo Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 ở Thủ đô, những cụ Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, đại diện Xứ ủy Bắc kỳ… đã lần lượt ra đi, chỉ còn hai cụ Vũ Oanh, Chủ tịch Mặt trận Việt Minh Hà Nội và Nguyễn Quyết, Bí thư Thành ủy Hà Nội năm 1945. Năm ấy, cụ Nguyễn Quyết 23 tuổi, cụ Vũ Oanh 21 tuổi.
Trong số 53 đội viên Đội Thanh niên Tuyên truyền Xung phong Thành Hoàng Diệu chỉ còn 3 cụ đã ở tuổi ngót trăm. Cụ bà Thái Tiên, phu nhân cụ Phạm Thái Hy, Đội phó Đội Thanh niên Tuyên truyền Xung phong Thành Hoàng Diệu cũng vừa đi gặp cụ ông cách nay hơn tháng.
Tròn một thế kỷ cuộc đời, hơn 80 năm hoạt động cách mạng, Đại tướng Nguyễn Quyết đã góp phần làm nên lịch sử và thúc đẩy lịch sử phát triển, để lại dấu ấn trong những ngày Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945, trong kháng chiến chống thực dân Pháp, kháng chiến chống Mỹ và trong sự nghiệp xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.
Đại tướng là người tiên phong thực hiện đường lối của Đảng trong nhiều lĩnh vực: Xây dựng Đảng, xây dựng Quân đội, xây dựng thể chế dân chủ, giải phóng sức sản xuất, phát huy quyền làm chủ của nhân dân...
Đại tướng Nguyễn Quyết - người cộng sản kiệt xuất
Sinh ngày 20/8/1922 trong một gia đình nông dân có 10 người con ở thôn Dưỡng Phú, xã Chính Nghĩa, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, Đại tướng Nguyễn Quyết (tên thật là Nguyễn Tiến Văn) chỉ được học đến hết bậc tiểu học. 15 tuổi, ông lên Hà Nội kiếm sống. Lăn lộn trong cuộc sống lầm than, ông sớm giác ngộ cách mạng. Năm 1939, ông được Đảng giao nhiệm vụ trở về gây dựng phong trào phản đế ở tỉnh Hưng Yên. Đầu năm 1940, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Cuối năm 1941, ông tham gia lãnh đạo phong trào phản đế ở phía Nam Hưng Yên và năm 1943 là Tỉnh ủy viên. Năm 1944, ông tham gia Ban Cán sự xây dựng phong trào phản đế ở Hà Nội, Thành ủy viên Thành phố Hà Nội. Tháng 3/1945, ông được giao nhiệm vụ Bí thư Thành ủy, Ủy viên Ủy ban Quân sự cách mạng, tham gia lãnh đạo khởi nghĩa cướp chính quyền ở Thủ đô.
Chiều 16/8/1945, nghe báo cáo hôm sau có cuộc mittinh của Tổng hội Viên chức ủng hộ chính quyền Trần Trọng Kim thân Nhật ở Nhà hát Lớn Hà Nội, Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết giao nhiệm vụ cho Đội Thanh niên Tuyên truyền Xung phong Thành Hoàng Diệu cướp diễn đàn, biến cuộc mittinh của địch thành cuộc tuần hành thị uy của quần chúng cách mạng.
Trưa hôm ấy, tại làng Vạn Phúc, Hà Đông, các đồng chí Nguyễn Khang, Trần Tử Bình, đại diện Xứ ủy hội ý, quyết định: Dựa vào Chỉ thị "Nhật Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", cho Hà Nội tổng khởi nghĩa, không chờ lệnh cấp trên. Ngay tối 17/8/1945, Bí thư Thành ủy triệu tập cuộc họp Ủy ban Quân sự ở Dịch Vọng, quyết định Hà Nội Tổng Khởi nghĩa vào ngày 19/8/1945. Và cuộc Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội đã thành công, ta chiếm Trại Bảo an binh, Phủ Khâm sai, Tòa Thị chính, Sở Cảnh sát... không tốn một viên đạn, không đổ một giọt máu, "mở đường cho cách mạng Tháng Tám thành công trên cả nước" như đánh giá của Tổng Bí thư Trường Chinh.
Lúc đó, quân Nhật ở Hà Nội có một vạn lính trang bị hiện đại, thiện chiến, đã điều hai xe tăng và rất nhiều lính bao vây Trại Bảo an binh, ra tối hậu thư buộc Việt Minh đầu hàng. Ta đã sáng tạo, vận dụng biện pháp "ngoại giao quân sự" với hậu thuẫn là khí thế ngút trời của quần chúng cách mạng, cử đoàn đại diện Việt Minh trực tiếp đàm phán với Tướng Tsuchihashi - Tổng Tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật tại Đông Dương - ngay tại Tổng Hành dinh Quân đội Nhật (nay là 33 Phạm Ngũ Lão). Phía Nhật đồng ý án binh bất động, không can thiệp vào công việc nội bộ của người Việt Nam, đổi lại, họ được Việt Minh bảo đảm an toàn, không bị tấn công để chờ ngày về nước.
Kết quả đàm phán với Nhật mang ý nghĩa quyết định cho thắng lợi của cuộc Tổng Khởi nghĩa ở Hà Nội, phe Việt Minh đã không chỉ tránh được cuộc đối đầu trực tiếp với lực lượng vũ trang của Nhật mà còn dập tắt mọi hy vọng của các lực lượng chính trị khác vào khả năng đảo ngược tình thế tại Thủ đô. Nếu Hà Nội giáo điều, máy móc thì máu đổ, người chết, cách mạng thất bại trong biển máu.
Theo Đại tướng, cách mạng là cải tạo con người, chúng ta đã vận động, giác ngộ không chỉ quần chúng lao động nghèo khổ mà cả những người thuộc tầng lớp trên, những người trong hàng ngũ địch, biến lực lượng của địch thành lực lượng cách mạng. Sau khi cách mạng thành công, đã có nhiều quan lại cấp cao trong triều đình nhà Nguyễn và chính phủ thân Nhật, nhiều nhân sĩ, trí thức yêu nước, có tinh thần dân tộc và cả những sĩ quan quân đội Nhật, đã theo Đảng, theo Chủ tịch Hồ Chí Minh lên chiến khu kháng chiến chống Pháp, nhiều người trở thành cán bộ cấp cao của Đảng và Nhà nước Dân chủ Cộng hòa.
Ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Quyết gia nhập đội quân Nam tiến với cương vị Chính trị viên Chi đội, vào Liên khu V, lần lượt được giao những cương vị lãnh đạo Quân khu V. Trong kháng chiến chống Pháp, Quân khu V đã lập nhiều chiến công vang dội, đánh bại cuộc hành quân Atland của Pháp, hỗ trợ đắc lực, phối hợp chia lửa với chiến trường Điện Biên Phủ.
Năm 1972, là Tư lệnh Quân khu 3, Đại tướng nắm chắc tình hình, quyết đoán, sáng tạo, cùng Bộ Tư lệnh Quân khu tổ chức cho nhân dân Hải Phòng sơ tán triệt để trước khi B-52 Mỹ đánh phá, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người.
Đại tướng Nguyễn Quyết với tầm nhìn phát triển kinh tế
Đại tướng còn có tầm nhìn chiến lược về phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế biển đảo. Năm 1976, khi là Chính ủy Quân khu 3, ông đã phát động phong trào "Vươn ra Biển Đông, làm giàu, đánh thắng". Những năm tháng sau đó, với cương vị là Chính ủy, rồi Chính ủy kiêm Tư lệnh Quân khu 3, ông đã chỉ huy quân và dân khắc phục khó khăn, lấn biển ở Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình, Hà - Nam - Ninh. Chỉ trong 10 năm (1976-1985), cả Quân khu đã lấn biển được 55.468ha.
Con đường ra bán đảo Đình Vũ, đường xuyên đảo Cát Hải, Cát Bà, Hải Phòng được mở ngày nay không chỉ góp phần làm thay đổi bộ mặt kinh tế huyện đảo mà còn tăng cường khả năng quốc phòng tại địa bàn trọng yếu.
Ông là người sớm đề xuất chủ trương phát triển kinh tế hộ gia đình, góp phần "cởi trói" cho lực lượng sản xuất, đưa nền kinh tế đất nước tiến lên, đạt được những thành tựu vượt bậc.
Tháng 5/1989, sau khi ra thăm, làm việc và dự míttinh Kỷ niệm lần thứ 99 Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Quần đảo Trường Sa, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam Nguyễn Quyết được Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh giao nhiệm vụ làm Trưởng đoàn Đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam dự Hội nghị Bí thư Trung ương các Đảng Cộng sản và Công nhân các nước xã hội chủ nghĩa về công tác tổ chức, xây dựng Đảng tại La Havana, Thủ đô nước Cộng hòa Cuba trong hai ngày 6, 7/6/1989. Đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Việt Nam gồm 3 người, ngoài Đại tướng có Trợ lý Trần Can và đồng chí Nguyến Phú Trọng - Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản.
Thay mặt Đảng Cộng sản Việt Nam, Đại tướng đã có bài phát biểu quan trọng, nêu bật 6 nguyên tắc cơ bản để chỉ đạo công cuộc Đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam, khẳng định sự cần thiết tăng cường sức mạnh và hiệu lực của chuyên chính vô sản.
Tại hội nghị này, lần đầu tiên, Đảng ta vạch rõ nguy cơ "thù trong" có thể dẫn đến tình trạng tự suy thoái trong Đảng Cộng sản và nguy cơ tan rã của hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa.
Muốn chống "thù trong", Đảng phải giáo dục, rèn luyện đảng viên ở tất cả các cấp, từ trung ương tới cơ sở, từ người lãnh đạo cấp chiến lược đến đảng viên thường. Đúng như dự báo của Đại tướng, hai năm sau, ngày 26.12.1991, Liên bang Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Xô viết (Liên Xô) đã chính thức chấm dứt tồn tại.
Từ kinh nghiệm thực tiễn của bản thân, Đại tướng khẳng định nguyên lý: Cách mạng Việt Nam do Đảng lãnh đạo phải dựa vào quần chúng, sức mạnh của cách mạng là ở nhân dân. "Không có quần chúng kém, chỉ có lãnh đạo tồi. Người lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược càng phải biết dựa vào quần chúng, phải biết sửa sai, chống tả khuynh, chống hữu khuynh để giành thắng lợi. Ta vẫn quen nói, Đảng muôn năm, lãnh tụ muôn năm, nhưng nếu có sai lầm mà không sửa thì muôn năm thế nào được".
Ông đã được trao tặng Huy hiệu 80 năm tuổi Đảng và Huân chương Sao Vàng cao quý.
Về hưu từ năm 1992, Đại tướng sống trong căn nhà bình dị ba tầng một tum lợp tôn ở khu tập thể Quân đội. Năm 2021, Thành phố Hà Nội đã cấp kinh phí tu sửa lại ngôi nhà đã xuống cấp của vị Khai quốc công thần.
Đại tướng Nguyễn Quyết - người chiến sĩ cộng sản kiệt xuất suốt đời phấn đấu vì dân, vì nước, là tấm gương sáng cho những người cộng sản Việt Nam chân chính và thế hệ trẻ noi theo.
Nguồn: Tổng hợp