Đại Từ lắng đọng không gian - Thăng hoa ký ức

Khi tiếng ve gọi hè bắt đầu vang trên những chùm phượng đỏ rực và những tán bằng lăng tím nhớ cũng là lúc huyện Đại Từ chuẩn bị bước vào một dấu mốc chuyển mình chưa từng có trong lịch sử hơn một thế kỷ hình thành và phát triển. Từ ngày 1/7/2025, tên gọi 'huyện Đại Từ' sẽ không còn hiện diện trên bản đồ hành chính Thái Nguyên. Nhưng Đại Từ không mất đi, mà sẽ sống mãi trong ký ức, trong trái tim những người con của quê hương 'địa linh nhân kiệt', nơi sinh ra công thần khai quốc nhà Lê sơ - Tể tướng Lưu Nhân Chú…

Trung tâm huyện Đại Từ. Ảnh: T.L

Trung tâm huyện Đại Từ. Ảnh: T.L

Những ngày này, thật khó có thể dùng từ ngữ để miêu tả tâm trạng, bầu không khí ở các cơ quan, đơn vị tới các xóm, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Đại Từ vì ai cũng đan xen nhiều cảm xúc… Chỉ có một điều chúng tôi biết rõ, mọi người đang nỗ lực, cố gắng hết sức để hoàn thành tốt nhất có thể những nhiệm vụ thuộc phận sự, thẩm quyền để không tồn đọng công việc, để có thể thoải mái bước tiếp vào một hành trình mới với những kỳ vọng mới.

Trải qua hơn 100 năm hình thành và phát triển, nhân dân các dân tộc trong huyện luôn phát huy truyền thống đoàn kết, lòng yêu nước, khí phách anh hùng cách mạng để bảo vệ, xây dựng và phát triển Đại Từ trở thành huyện có bề dày lịch sử đấu tranh cách mạng và truyền thống văn hóa, đạt được những thành tựu quan trọng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng và xây dựng hệ thống chính trị. Từ một huyện miền núi sản xuất nông nghiệp lạc hậu, đời sống khó khăn, cơ sở hạ tầng kém phát triển, đến nay, Đại Từ đã đạt được những kết quả nổi bật, rất đáng tự hào.

Một góc xã Hoàng Nông.

Một góc xã Hoàng Nông.

Kinh tế tăng trưởng và phát triển, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm đạt trên 12%/năm; cơ cấu chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng dần tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ. Trước Cách mạng Tháng Tám, dân số của huyện mới chỉ có khoảng 12 nghìn người, đến nay trên 180 nghìn người với 27 đơn vị hành chính cấp xã; thu nhập bình quân đạt gần 54 triệu đồng/người/năm.

Sản xuất nông nghiệp từng bước phát triển theo chiều sâu, xuất phát từ nền sản xuất mang tính độc canh, tự cung tự cấp, năng suất thấp, đến nay, ngành nông, lâm nghiệp đang tích cực chuyển hướng sản xuất hàng hóa, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng bình quân trên 4%/năm; sản lượng lương thực giữ ổn định ở mức 80.000 tấn/năm, an ninh lương thực được đảm bảo. Cây chè trở thành cây trồng mũi nhọn của huyện với diện tích hơn 6.600ha, huyện Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất của tỉnh Thái Nguyên (chiếm 1/3 diện tích chè toàn tỉnh), sản lượng chè búp tươi đạt trên 80.000 tấn/năm và sản phẩm trà Đại Từ ngày càng khẳng định được thương hiệu và uy tín trên thị trường trong nước, quốc tế. Đặc biệt, nhờ ứng dụng khoa học công nghệ, giá trị sản xuất bình quân trên 1ha đất trồng trọt đạt hơn 143 triệu đồng.

Về kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội có bước phát triển quan trọng, 100% xã, thị trấn đạt tiêu chí Quốc gia về y tế; 100% xã, thị trấn đã có điện lưới Quốc gia, có đường ô tô đến trung tâm; các tuyến đường giao thông tỉnh lộ, huyện lộ, công trình thủy lợi; hệ thống trường học, trạm y tế, chợ nông thôn… được đầu tư xây dựng, giúp cho bộ mặt nông thôn thay đổi rõ rệt; môi trường đầu tư kinh doanh không ngừng được cải thiện, thu hút đầu tư nhiều dự án lớn; quá trình đô thị hóa được đẩy mạnh…

Góc phố thị trấn Hùng Sơn.

Góc phố thị trấn Hùng Sơn.

Với sự chỉ đạo quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, cùng cách làm sáng tạo của cấp ủy, chính quyền; sự đoàn kết, chung sức đồng lòng của nhân dân, sau 14 năm triển khai thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), huyện đã huy động được hơn 25 nghìn tỷ đồng để đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn. Năm 2023, huyện được công nhận đạt chuẩn NTM và tiếp tục đạt chuẩn NTM nâng cao năm 2024. Công tác giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững được triển khai đồng bộ, kịp thời và hiệu quả; tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn hơn 2%...

Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân thường xuyên được tăng cường và củng cố vững chắc. An ninh chính trị, trật tự xã hội luôn được đảm bảo, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế - xã hội, tạo niềm tin trong Nhân dân. Những thành tựu của 100 năm qua là kết tinh của tinh thần đoàn kết, thống nhất cao trong Đảng bộ và sự đồng thuận trong Nhân dân; việc tích cực đổi mới tư duy, phương pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ của cấp ủy, chính quyền, trong từng thời kỳ, từng giai đoạn.

Việc sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã của Thái Nguyên và hợp nhất tỉnh Bắc Kạn - Thái Nguyên là chủ trương lớn, hướng tới tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực quản lý, phát triển bền vững. Dẫu biết là hợp lý, dẫu biết là cần thiết, nhưng với bao thế hệ người dân Đại Từ, việc cái tên “huyện Đại Từ” không còn, vẫn mang theo biết bao nỗi bâng khuâng.

Huyện Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên (với hơn 6.600ha). Trong ảnh: Vùng chè xã Hoàng Nông.

Huyện Đại Từ là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh Thái Nguyên (với hơn 6.600ha). Trong ảnh: Vùng chè xã Hoàng Nông.

Song cũng chính từ đây, Đại Từ sẽ bước sang một trang mới. Không còn mang tên “huyện”, nhưng hồn cốt Đại Từ - con người, văn hóa, lịch sử, truyền thống, niềm tự hào vẫn nguyên vẹn. Những xã mới, những đơn vị hành chính mới sẽ tiếp tục mang theo tinh thần Đại Từ, để truyền thống được tiếp nối, để quá khứ thăng hoa trong hiện tại, để tương lai được chắp cánh bởi nền tảng vững vàng từ hôm qua. “Đại Từ không còn là huyện, nhưng mãi mãi là quê hương” - câu nói ấy vang lên trong lòng mỗi người con xa quê, mỗi cán bộ, người dân từng gắn bó với mảnh đất này.

* Đại Từ là huyện miền núi nằm ở phía Tây Bắc tỉnh Thái Nguyên. Tên gọi Đại Từ đã có từ lâu đời. Thời Hùng Vương, Đại Từ thuộc bộ Vũ Định, thời nhà Lý, Đại Từ thuộc phủ Phú Lương. Thời nhà Lê, Đại Từ là một huyện thuộc phủ Phú Bình của thừa tuyên Ninh Sóc. Năm 1466, Đại Từ thuộc phủ Phú Bình, đạo Thái Nguyên. Năm 1835, dưới thời nhà Nguyễn, Đại Từ thuộc phủ Tòng Hóa của tỉnh Thái Nguyên. Ngày 01/8/1922, Đại Từ sáp nhập với Châu Văn Lãng (phía Bắc của huyện hiện nay) và chính thức lấy tên là huyện Đại Từ.

* Huyện Đại Từ đã 2 lần vinh dự được Bác Hồ về thăm: Năm 1954, Bác về thăm cánh đồng xóm Đồng Cả, xã Hùng Sơn (nay là thị trấn Hùng Sơn); lần thứ 2 vào năm 1958, Bác về thăm Hợp tác xã (HTX) Cầu Thành, xã Hùng Sơn, một trong những HTX nông nghiệp đầu tiên ở miền Bắc trong thời kỳ này.

* Huyện Đại Từ đã nhiều lần được đón các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước về thăm và ghi nhận, trao tặng các phần thưởng cao quý: Vinh dự được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp (năm 1998); Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới (năm 2000); Huân chương Lao động hạng Nhì, Ba; Cờ thi đua của Chính phủ về phong trào xây dựng nông thôn mới (năm 2015); năm 2022, được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất…

Hải Đăng

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/dat-va-nguoi-thai-nguyen/202505/dai-tu-lang-dong-khong-gian-thang-hoa-ky-uc-98a30f9/
Zalo