Dải thiên hà trên bầu trời Paris

Olympic Paris 2024 đã bị nghi ngờ bởi chính người dân Pháp. Thế rồi, 17 ngày tranh tài sôi nổi, gay cấn ở Thế vận hội kỳ này đã khiến tất cả thay đổi, từ nước Pháp, cho đến các đoàn thể thao đều nhìn thấy/tìm thấy thứ họ cần trong chặng đường chinh phục đỉnh cao vinh quang: Ánh sáng. Thứ ánh sáng của niềm tin, không chỉ cho khát vọng chiến thắng mà còn cho ước vọng hòa bình.

Chiều Chủ nhật, 11-8, bên ngoài một quán cà phê (có từ năm 1686) nằm trên con phố cổ Rue des Rosiers, ở quận 6, Paris, một người phục vụ luống cuống làm đổ một tách cà phê. Người phục vụ hốt hoảng, gượng cười xin lỗi: “Tôi không nghĩ các bạn đông đến vậy”, rồi cố gắng phục vụ đám đông hơn 30 người. Chủ quán khéo kê ti vi ở vị trí thuận lợi để mọi người cùng xem (chỉ khi nào có các đội tuyển thể thao Pháp thi đấu ở Olympic Paris 2024, quán mới mở ti vi). Tại Bercy Arena, cách quán cà phê khá xa, trận chung kết bóng rổ nữ giữa chủ nhà Pháp và đội tuyển Mỹ diễn ra cực kỳ kịch tính.

 Du khách khám phá sông Seine sau khi kết thúc Olympic Paris 2024.

Du khách khám phá sông Seine sau khi kết thúc Olympic Paris 2024.

Tiếng reo hò có thể được nghe thấy từ khắp con phố Rue des Rosiers. Một bản tình ca lớn quá đỗi ngọt ngào như dòng sữa tan chảy trong ly cà phê trước mặt tôi. Khi trận đấu kết thúc với chiến thắng 67-66 cho đội tuyển bóng rổ nữ Mỹ, một điều tuyệt vời đến mức ngay cả những người hoài nghi nhất hay những kẻ bi quan nhất cũng phải mỉm cười: Tiếng vỗ tay từ khắp mọi nơi. Khắp khu phố, mọi người vỗ tay chúc mừng đội tuyển bóng rổ nữ Pháp đã chiến đấu kiên cường đến giây cuối cùng. Vỗ tay cho chính họ và vỗ tay ngợi khen đội chiến thắng.

Đó là sự thay đổi đột ngột về những gì các bạn và tôi được nghe về Thế vận hội kỳ này. Hai ngày trước lễ khai mạc, một cuộc thăm dò do Elabe-công ty nghiên cứu và tư vấn độc lập của Pháp tiến hành cho thấy chỉ có 25% dân số Pháp nhiệt tình với Thế vận hội; phần còn lại thờ ơ (47%), hoài nghi (25%) và không ý kiến gì (3%). Cuộc thăm dò tương tự do Elabe tiến hành cũng cho thấy 74% dân Pháp không tin rằng Thế vận hội Paris 2024 sẽ cải thiện tinh thần của người Pháp. Thời điểm đó, cả châu Âu lo ngại về cuộc khủng hoảng chính trị ở Pháp, nên những con số trên cũng là điều dễ hiểu.

Thế rồi ngọn lửa bùng cháy và Olympic Paris 2024 bắt đầu tỏa sáng rực rỡ.

Mọi địa điểm, mọi sự kiện sống động và tự hào. Đối với những người đã xem và đặc biệt là những vận động viên-nhân vật chính của Olympic Paris 2024, thì đây chính là Thế vận hội mà chúng ta cần. Thế vận hội đưa mọi người xích lại với nhau còn các ngôi sao thể thao tỏa sáng như dải thiên hà trên bầu trời Paris.

Guồng quay của Thế vận hội kỳ này diễn ra trên các đấu trường đỉnh cao, nơi Đoàn thể thao Mỹ và Trung Quốc cạnh tranh ngôi vị nhất toàn đoàn tới những giờ thi đấu cuối cùng. Olympic Tokyo 2020, Mỹ nhất toàn đoàn nhờ hơn Trung Quốc 1 huy chương vàng (HCV). Kỳ này, hai đội cùng giành được 40 HCV và Mỹ chỉ có thể bảo vệ được ngôi nhất toàn đoàn nhờ hơn số huy chương bạc (HCB, 44 so với 27). Trung Quốc cho thấy họ có đủ sức mạnh để thách thức sự thống trị của thể thao Mỹ ở đấu trường Olympic. 4 năm tới thì chưa khả thi khi Thế vận hội được tổ chức ở xứ cờ hoa nhưng Olympic 2032 ở Australia, sẽ là nơi Đoàn thể thao Trung Quốc phô diễn sức mạnh.

Ở các kỳ Olympic, không chỉ người hâm mộ thích được tận mắt chứng kiến các siêu sao tranh tài, mà bản thân các ngôi sao cũng thích chiêm ngưỡng các anh tài thi đấu. Leon Marchand là hảo thủ vĩ đại nhất của Olympic Paris 2024 với 4 HCV, phá 4 kỷ lục Thế vận hội trên đường đua xanh. Anh là niềm tự hào của thể thao Pháp và giúp Đoàn thể thao Pháp có được vị trí thứ 5 trên bảng xếp hạng toàn đoàn với 16 HCV.

Nhật Bản cho thấy sức mạnh và sự bền bỉ khi xếp hạng 3 toàn đoàn với 20 HCV. Australia trỗi dậy thách thức Mỹ trên đường đua xanh và họ xứng đáng với vị trí thứ 4 toàn đoàn với 18 HCV.

Trong tốp 10 toàn đoàn, Hàn Quốc củng cố cho vị thế thể thao châu Á với 13 HCV, xếp hạng 8. Đứng ở vị trí thứ 10, nhưng lại là sự thất vọng lớn khi Đoàn thể thao Đức chỉ được 12 HCV. Trước đây, Đức luôn nằm trong tốp đầu bảng xếp hạng Olympic. Phải chăng khi kinh tế bị khủng hoảng thì nền thể thao Đức cũng bị vạ lây.

Mỹ là đoàn duy nhất tại Olympic năm nay giành hơn 100 huy chương các loại, với tổng cộng 126. Trung Quốc theo sau với 91 huy chương, đồng thời cũng là đoàn duy nhất giành trọn HCV ở hai môn, là nhảy cầu (8 HCV) và bóng bàn (5 HCV). Trung Quốc cũng trở thành đoàn thể thao thứ ba trong lịch sử Thế vận hội cán mốc hơn 300 HCV (303), sau Mỹ (1.105) và Liên Xô (395).

Olympic Paris 2024 có 91 đoàn giành huy chương, trong tổng số 206 đoàn. Khu vực Đông Nam Á có 5 đoàn giành huy chương. Philippines dẫn đầu khi xếp hạng 37 toàn đoàn, với 2 HCV và 2 huy chương đồng (HCĐ). Indonesia đứng thứ 39 với 2 HCV, 1 HCĐ. Thái Lan hạng 44 với 1 HCV, 3 HCB, 2 HCĐ. Malaysia hạng 80 với 2 HCĐ và Singapore hạng 84 với 1 HCĐ.

Danh sách quốc gia và vùng lãnh thổ chưa giành huy chương ở Olympic là lăng kính phản chiếu của lịch sử, chính trị, kinh tế... Nó bao gồm các quốc gia nhỏ (như Eswatini, Bhutan và Tuvalu), những quốc gia kém phát triển (như Cộng hòa Trung Phi, Yemen và Honduras), những quốc gia mới hơn (như Seychelles, Bosnia và Herzegovina, Belize) và một số quốc gia là sự kết hợp của cả 3 yếu tố.

Khi Olympic Paris 2024 khép lại cũng là lúc các nền thể thao hướng tới Thế vận hội Los Angeles 2028.

Trái ngược với những gì nhiều người nghĩ rằng Olympic Paris 2024 sẽ không thành công, Thế vận hội kỳ này đã mang lại kết quả vượt trên cả sự mong đợi, với nhiều kỷ lục được thiết lập, với những ngôi sao tỏa sáng rực rỡ, giúp cho Paris thêm phần hoa lệ. Olympic Paris 2024 là sự trở lại với những gì mọi người đang tìm kiếm: Ánh sáng.

Bài và ảnh: PHƯƠNG THANH (từ Paris, Pháp)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/the-thao/quoc-te/dai-thien-ha-tren-bau-troi-paris-789243
Zalo