Đại thắng mùa Xuân 1975: Những bài học sâu sắc từ lý luận đến thực tiễn

Hội thảo khoa học cấp quốc gia, chủ đề: 'Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam', do Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Công an, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức, ghi nhận nhiều tham luận trực tiếp và gửi về hội thảo có giá trị sâu sắc. Tất cả đều khẳng định tầm vóc vĩ đại của chiến thắng, khẳng định nhiều bài học quý báu là niềm tin, động lực tiến vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

* Đại tướng Phạm Văn Trà, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng:

Phát huy sức mạnh tổng hợp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh

Chiến dịch Hồ Chí Minh, ta hình thành thế bao vây Sài Gòn từ 5 hướng: Hướng Bắc - Quân đoàn 1, hướng Tây Bắc - Quân đoàn 3, hướng Đông Nam - Quân đoàn 2, hướng Đông - Quân đoàn 4, hướng Tây và Tây Nam - Đoàn 232 và Sư đoàn 8 (Quân khu 8 cũ). Chủ trương của ta là trong bất kỳ điều kiện nào cũng phải giải phóng hoàn toàn miền Nam và phải làm cho được, với quyết tâm là 5 mũi tấn công, bằng sức mạnh quân sự kết hợp với chính trị.

 Đại tướng Phạm Văn Trà.

Đại tướng Phạm Văn Trà.

Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, sức mạnh của chúng ta không chỉ là sức mạnh quân sự, chính trị mà còn địch vận, dân vận… góp phần làm tan rã hàng ngũ địch, tạo thế nổi dậy vững chắc, đã thể hiện sự lãnh đạo toàn diện của Đảng ta. Sức mạnh của toàn dân và sức mạnh của ba mũi giáp công với lực lượng quân sự là chính giúp chúng ta giải phóng miền Nam, nhất là giải phóng Sài Gòn còn nguyên vẹn, không bị tàn phá. Đây chính là sự lãnh đạo, chỉ đạo rất sắc bén của Đảng ta.

--------------

* Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh, nguyên Phó tư lệnh về Chính trị Quân đoàn 4 (nhân chứng lịch sử):

Thời khắc quý giá của dân tộc

Tham gia Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Quân đoàn 4 chúng tôi được đảm nhiệm ba mũi tiến công trên hai hướng là hướng Đông và hướng Tây Nam Sài Gòn. Trưa ngày 30-4-1975, Quân đoàn 4 cùng hợp các lực lượng tại Dinh Độc Lập trong giờ phút thiêng liêng lịch sử của ngày vui Đại thắng mùa Xuân 1975. Đối với tôi, lá cờ Mặt trận Dân tộc giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, miền Nam được giải phóng, đất nước được thống nhất là niềm hạnh phúc ngập tràn của toàn thể dân tộc Việt Nam.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Doanh.

Sau ngày giải phóng, Quân đoàn 4 được cấp trên giao nhiệm vụ làm quân quản ở Sài Gòn - Gia Định tại 9 quận, 2 huyện. Trong quá trình làm nhiệm vụ quân quản, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 luôn đoàn kết một lòng, quyết tâm cao, có trách nhiệm, khi tiếp xúc vận động nhân dân tham gia các phong trào của địa phương rất hòa nhã, giao tiếp với nhân dân để cùng cấp ủy, chính quyền phường, xã bảo vệ an ninh trật tự và giúp nhân dân hiểu được đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và những quy định của phường, xã tại địa phương, dần dần ổn định đời sống, tạo được lòng tin của nhân dân và hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trong lòng nhân dân được lan tỏa. Suốt thời gian đó, cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 4 đã khắc phục khó khăn, nêu cao phẩm chất tốt đẹp Bộ đội Cụ Hồ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, có một số đơn vị hoàn thành xuất sắc, được Đại tướng Võ Nguyên Giáp vào thăm và khen ngợi “các đồng chí vào thành vững như thành!”.

 Toàn cảnh hội thảo.

Toàn cảnh hội thảo.

* GS, TS Lê Văn Lợi, Phó giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Thành quả vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc

Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Đây là thành quả vĩ đại của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, của khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông. Đại thắng mùa Xuân 1975 đánh dấu thắng lợi của cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - Kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, đổi mới, hội nhập và phát triển.

GS, TS Lê Văn Lợi.

GS, TS Lê Văn Lợi.

Đại thắng mùa Xuân 1975 còn là sự kết tinh truyền thống yêu nước, đỉnh cao của sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong thời đại Hồ Chí Minh. Kế thừa và phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong Đại thắng mùa Xuân 1975, sau ngày đất nước thống nhất, cả nước tiến hành khắc phục hậu quả chiến tranh, từng bước phát triển kinh tế - xã hội; tiến hành sự nghiệp đổi mới, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Sau 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đặc biệt là sau gần 40 năm tiến hành sự nghiệp đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa lịch sử to lớn. Hơn lúc nào hết chúng ta cần chung sức, đồng lòng, tranh thủ thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược do Đảng đề ra, qua đó, đưa đất nước vững bước trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

-------------

* Đồng chí Nguyễn Văn Nên, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh:

Kế thừa và tiếp nối truyền thống, xây dựng TP Hồ Chí Minh phát triển vượt bậc

Cách đây 50 năm, ngày 30-4-1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã kết thúc thắng lợi, đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Chiến thắng này là kết tinh của tinh thần đoàn kết, ý chí kiên cường, bất khuất với khát vọng cháy bỏng của toàn dân, toàn Đảng, toàn quân ta, dưới sự lãnh đạo tài tình, sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam. Thời gian càng lùi xa thì ý nghĩa, tầm vóc lịch sử của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 càng tỏa sáng.

 Đồng chí Nguyễn Văn Nên.

Đồng chí Nguyễn Văn Nên.

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TP Hồ Chí Minh nhận thức sâu sắc ý nghĩa, tầm vóc lịch sử và giá trị thiêng liêng của hòa bình, thống nhất mang lại và mãi mãi biết ơn bao thế hệ tiền nhân đã cống hiến hy sinh cho Tổ quốc. Kế thừa và tiếp nối truyền thống cách mạng vẻ vang, 50 năm qua, Đảng bộ, chính quyền, LLVT, các tầng lớp nhân dân TP Hồ Chí Minh đã nỗ lực phấn đấu kiên cường, bền bỉ vì cả nước, cùng cả nước thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, góp phần thực hiện các nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

TP Hồ Chí Minh đã, đang và sẽ tập trung triển khai đồng bộ các nhiệm vụ đột phá chiến lược phát triển kết cấu hạ tầng, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, sắp xếp lại tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả; tập trung nỗ lực, quyết tâm cao nhất để đến năm 2030 trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á. Thành phố đã tập trung triển khai và tổ chức thực hiện các chủ trương, quyết sách lớn, mang tính đột phá, cấp bách của Trung ương, chuẩn bị tâm thế và điều kiện bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.

 Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo.

Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng trao đổi cùng các đại biểu tại hội thảo.

* Trung tướng Nguyễn Trường Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân khu 7:

Nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với LLVT Quân khu 7

Trên hành trình đi tới Đại thắng mùa Xuân 1975, LLVT miền Đông Nam Bộ (Quân khu 7) từng bước trưởng thành, lớn mạnh, góp phần to lớn vào sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất non sông. LLVT miền Đông Nam Bộ được tổ chức linh hoạt, sáng tạo, lúc tập trung, khi phân tán. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, cùng với các quân đoàn chủ lực và nhân dân, LLVT miền Đông Nam Bộ đồng loạt tiến công các mục tiêu theo kế hoạch trên các hướng; tạo bàn đạp và dẫn đường cho các binh đoàn tiến vào nội đô Sài Gòn. LLVT các quận, huyện hỗ trợ quần chúng nhân dân nổi dậy, tiêu diệt lực lượng chống cự, thành lập và bảo vệ chính quyền cách mạng. Đến ngày 1-5-1975, Côn Đảo - địa phương cuối cùng của miền Đông Nam Bộ được giải phóng hoàn toàn.

 Trung tướng Nguyễn Trường Thắng.

Trung tướng Nguyễn Trường Thắng.

Đại thắng mùa Xuân 1975 để lại nhiều bài học có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc đối với LLVT Quân khu 7. Tiếp nối hành trình đi tới Đại thắng mùa Xuân 1975, phát huy truyền thống “Trung thành vô hạn, chủ động sáng tạo, tự lực tự cường, đoàn kết quyết thắng”, LLVT Quân khu 7 ngày nay đang nỗ lực thực hiện “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới” của Trung ương Đảng, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc, chủ động sáng tạo trong thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7-10-2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; xây dựng LLVT tinh, gọn, mạnh, sẵn sàng ứng phó, xử lý thắng lợi mọi tình huống, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

-------------

* Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân, Cục trưởng Cục Khoa học, Chiến lược và Lịch sử Công an, Bộ Công an:

“Thế trận lòng dân” từ Chiến dịch Hồ Chí Minh

Những kết quả của Đại thắng mùa Xuân 1975 đã tiếp tục khẳng định vấn đề đoàn kết, dựa vào dân, lấy dân làm gốc, gắn bó máu thịt với nhân dân, bảo đảm sự đồng thuận tạo nên sức mạnh. Lòng dân và “thế trận lòng dân” được xây dựng dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng, qua các phong trào quần chúng và sự động viên tinh thần quân dân cả nước, đã trở thành yếu tố quyết định trong việc hoàn thành mục tiêu giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

 Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân.

Trung tướng, PGS, TS Trần Vi Dân.

Khi dân tộc Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới thì những bài học kinh nghiệm về lòng dân và xây dựng “thế trận lòng dân” từ Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử càng có ý nghĩa thực tiễn sâu sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam. Bài học về xây dựng “thế trận lòng dân” tiếp tục gợi mở những vấn đề đặt ra trong việc động viên, khuyến khích nhân dân đồng lòng, tin tưởng vào chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật của Nhà nước.

--------------

* Đồng chí Phạm Chánh Trực, nguyên Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Truyền thống Thành đoàn TP Hồ Chí Minh (nhân chứng lịch sử):

Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra kỷ nguyên mới

Khi đoàn Quân Giải phóng tiến vào trung tâm thành phố Sài Gòn thì khắp nơi các lực lượng cách mạng đã phát động nhân dân nổi dậy giành chính quyền từ cơ sở đến quận, huyện và làm chủ hầu khắp địa bàn từ ngoại thành đến nội đô. Rừng người và rừng cờ Mặt trận Giải phóng tung bay rợp trời thành phố. Ngày 30-4-1975 trở thành biểu tượng chiến thắng được ca ngợi khắp nơi trên thế giới. Việt Nam được các dân tộc yêu chuộng hòa bình, công lý, tự do, độc lập yêu quý và tin cậy.

 Đồng chí Phạm Chánh Trực.

Đồng chí Phạm Chánh Trực.

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 có nhiều ý nghĩa đối với lịch sử dân tộc Việt Nam và đối với thế giới đương đại. Đó là thành công về sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy Miền; thành công của tư tưởng Hồ Chí Minh “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và “Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội”; thành công của đường lối kết hợp đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang trên cả ba vùng chiến lược rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị; thành công của khối đoàn kết dân tộc: “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết; thành công, thành công, đại thành công”…

Thắng lợi của Đại thắng mùa Xuân 1975 mở ra kỷ nguyên mới cho dân tộc Việt Nam - kỷ nguyên độc lập, thống nhất, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Từ thắng lợi này đã trở thành nguồn cổ vũ lớn lao, giúp chúng ta đã từng bước vượt qua khủng hoảng kinh tế, xã hội những năm đầu sau giải phóng đến đổi mới, hội nhập sâu rộng, quyết tâm xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

------------

* Đại tá, Thạc sĩ Trần Huy Định, Trưởng phòng Khoa học Quân sự, Quân khu 7:

Vai trò lý luận, thực tiễn quan trọng của biệt động Sài Gòn - Gia Định

Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định được biên chế, tổ chức thành nhiều tiểu đoàn vừa tích cực phối hợp với các đơn vị bạn chiến đấu, giữ cửa mở trên các hướng, hướng dẫn các cánh quân chủ lực tiến vào Sài Gòn, vừa phối hợp với địa phương phát động quần chúng nổi dậy giành chính quyền, góp phần to lớn vào thắng lợi của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

 Đại tá, Thạc sĩ Trần Huy Định.

Đại tá, Thạc sĩ Trần Huy Định.

Trong đội hình kết hợp đặc công - biệt động, lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đánh chiếm, làm chủ các đầu cầu, chuẩn bị đường tiến quân và dẫn đường cho các binh đoàn chủ lực tiến vào thành phố Sài Gòn, góp phần làm nên thắng lợi trọn vẹn của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Hoạt động tác chiến của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định là mẫu mực về mức độ hoàn thiện các hình thức chiến thuật, về hiệp đồng tác chiến giữa một binh chủng đặc biệt (lực lượng biệt động) với các quân binh chủng của Bộ, các LLVT địa phương; phối hợp giữa đấu tranh quân sự và đấu tranh chính trị, binh vận, giữa tiến công và nổi dậy. Hoạt động tác chiến của lực lượng biệt động Sài Gòn - Gia Định đóng góp những vấn đề lý luận về xây dựng tổ chức lực lượng, về hoạt động tác chiến của một binh chủng đặc biệt trong chiến tranh giải phóng; đồng thời để lại nhiều bài học kinh nghiệm có giá trị thực tiễn to lớn, để nghiên cứu vận dụng trong chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.

HOÀNG THÀNH - XUÂN CƯỜNG - HÙNG KHOA (lược ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/dai-thang-mua-xuan-1975-nhung-bai-hoc-sau-sac-tu-ly-luan-den-thuc-tien-824821
Zalo