Đại tá Nguyễn Hữu Sơn chỉ ra 4 giải pháp để phòng, chống lãng phí nguồn lực

Theo Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, cần nâng cao trách nhiệm từng cá nhân; xóa bỏ cơ chế 'xin - cho' trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Lãng phí còn hiện diện ở nhiều ngành, lĩnh vực

Phát biểu tại Diễn đàn “Bộ Công Thương: Chống lãng phí, khơi thông nguồn lực phát triển”, sáng ngày 23/12, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (Bộ Công an) đề cập đến thực tế công tác phòng ngừa, phát hiện và đấu tranh với các hành vi vi phạm liên quan lãng phí thời gian qua của các ngành, các cấp, trong đó có lực lượng Công an đã đạt được một số kết quả tích cực.

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trình bày phiên tham luận. Ảnh: Cấn Dũng

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu trình bày phiên tham luận. Ảnh: Cấn Dũng

Về kết quả sắp xếp tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, cải cách thủ tục hành chính có nhiều dấu ấn nổi bật, tạo tiền đề quan trọng để cải cách thể chế đi vào thực chất, tích lũy thêm các nguồn lực, khơi thông các điểm nghẽn, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội…

Điển hình, Bộ Công Thương chỉ đạo quyết liệt xây dựng hệ thống truyền tải đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) trong 6 tháng đã hoàn thành đưa vào sử dụng, trong khi trước đó, với quy mô này, thông thường phải xây dựng trong 4-5 năm.

Đối với Bộ Công an, sau 7 năm thực hiện Nghị quyết 18/NQ-TW ngày 25/10/2017, Bộ đã tiến hành 2 lần tinh giản, kiện toàn bộ máy, tổ chức theo phương châm Bộ tinh, tỉnh mạnh, huyện đại diện, xã bám cơ sở. Kết quả đến nay đã xóa bỏ hoàn toàn cấp Tổng Cục, sáp nhập giảm 55 đơn vị cấp Cục, sáp nhập giảm 7 trường Công an Nhân dân, giảm 20 đơn vị cảnh sát phòng cháy chữa cháy cấp tỉnh, giảm 1.200 đơn vị cấp phòng và trên 3.500 đơn vị cấp đội.

Đại tá Nguyễn Hữu Sơn cũng đề cập vấn đề đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm có Bài viết về phòng, chống lãng phí trong tình hình mới, trong đó chứa đựng nhiều nội dung hết sức phong phú, sâu sắc, mang tầm chiến lược, đã xác lập những quan điểm, tư duy mới rất phù hợp với thực tiễn phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay; chỉ đạo, định hướng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta nêu cao quyết tâm chính trị thì công tác phòng, chống lãng phí đã thực sự trở thành phong trào sâu, rộng, thực chất của cả hệ thống chính trị và toàn dân.

Từ kết quả công tác phòng ngừa và thực tiễn điều tra các vụ án liên quan đến đầu tư công, quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực kinh tế trọng điểm thời gian qua, chúng tôi thấy còn nhiều hạn chế trong công tác phòng, chống lãng phí, gây thất thoát nghiêm trọng nguồn lực của Nhà nước và nhân dân. Lãng phí còn hiện diện ở nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, điển hình trong hoạt động đầu tư, xây dựng.

Cụ thể, tình trạng lập dự án để tranh thủ nguồn vốn tài trợ, vốn vay, vốn đầu tư công trong khi chưa có nhu cầu cấp thiết, dẫn đến công trình sau khi hoàn thành không được sử dụng hoặc sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí.

Tính toán tổng mức đầu tư, phân kỳ đầu tư không phù hợp, quyết định đầu tư dàn trải dẫn đến nhiều dự án phải kéo dài thời gian do không bố trí đủ nguồn vốn, làm đội vốn lên gấp nhiều lần so với tổng mức đầu tư được phê duyệt ban đầu; lựa chọn nhà thầu (đặc biệt là nhà thầu EPC) không đủ năng lực, phát sinh nhiều tranh chấp trong quá trình triển khai dự án, dẫn đến một số dự án phải dừng thi công, sau nhiều năm không đưa vào sử dụng được gây lãng phí nghiêm trọng tài sản nhà nước.

Cùng với đó là vấn đề cố ý hoặc thiếu trách nhiệm trong tính toán hiệu quả đầu tư dẫn đến không tính đúng nhu cầu của thị trường, sự biến động của chi phí đầu vào, giá thành sản phẩm; đầu tư các nhà máy chế biến sâu với số vốn đầu tư lớn, nhưng sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh, không phù hợp với nhu cầu thị trường, giá thành cao hơn các đơn vị khác trong nước hoặc cao hơn giá nhập khẩu, dẫn đến phải bán thấp hơn giá thành, thua lỗ buộc phải dừng sản xuất, đóng cửa nhà máy.

Đáng chú ý, một số dự án năng lượng tái tạo, dự án chế biến sâu… được lập ra chưa phù hợp với quy hoạch tổng thể ngành, lĩnh vực, không tính đến điều kiện địa lý, khả năng đáp ứng của cơ sở hạ tầng kỹ thuật hiện có dẫn đến sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được, gây lãng phí lớn nguồn lực xã hội.

Ngoài ra, có tình trạng một số dự án chồng chéo trong đầu tư, không đồng bộ về thời gian thực hiện dẫn đến ảnh hưởng tiến độ do xuất hiện tình trạng dự án này phải chờ dự án kia hoàn thành mới tiếp tục triển khai được hoặc dự án đã đầu tư nhưng sau đó lại thay đổi về công nghệ, sản phẩm, nguyên vật liệu sử dụng, dẫn đến phải hủy bỏ phần đầu tư trước đó, gây thất thoát, lãng phí.

4 giải pháp phòng, chống lãng phí

Bên cạnh chỉ ra một số nguyên nhân dẫn tới vấn đề lãng phí trong trong hoạt động đầu tư, xây dựng, Đại tá Nguyễn Hữu Sơn đã kiến nghị một số giải pháp để cải thiện.

Một là, thực hiện nghiêm các quy định hiện hành của Đảng về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (trọng tâm là Điều 31, 32, 40 và 54 trong Quy định số 69, ngày 06/7/2022 của Bộ Chính trị); thể chế hóa và quy định cụ thể vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng, chống lãng phí; đồng thời tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí; thực hiện tốt cơ chế kiểm tra, giám sát chéo việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên nguyên tắc minh bạch về thời gian, tiến độ thực hiện; quy định đầy đủ, gắn trách nhiệm quản lý sai phạm liên đới đối với người đứng đầu tổ chức, đơn vị nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả làm việc của từng cá nhân; xóa bỏ cơ chế “xin - cho” trong phân bổ và sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Hai là, các ban, bộ, ngành, địa phương cần tập trung khẩn trương rà soát các quy định của pháp luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế - xã hội dễ nảy sinh lãng phí như: Đầu tư công, xây dựng cơ sở hạ tầng; mua sắm; quản lý tài sản công; các chương trình dự án khoa học và công nghệ; giáo dục… để sửa đổi, bổ sung, khắc phục những sơ hở, thiếu sót, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, đồng bộ cho giám sát, kiểm tra, phát hiện, xử lý mạnh, có tính răn đe cao đối với các hành vi lãng phí.

Ba là, chủ động thực hiện các biện pháp tự phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực xảy ra trong cơ quan, đơn vị… Đồng thời chấn chỉnh, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên đề ở tất cả các cấp đối với các lĩnh vực dễ phát sinh lãng phí. Trường hợp phát hiện vụ việc, đối tượng liên quan đến vi phạm, tội phạm cần thông tin, trao đổi kịp thời với các đơn vị chức năng của Bộ Công an để có biện pháp phối hợp giải quyết theo quy định của pháp luật.

Quang cảnh sự kiện. Ảnh: Cấn Dũng

Quang cảnh sự kiện. Ảnh: Cấn Dũng

Bốn là, về phía Bộ Công an, chúng tôi sẽ tiếp tục chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai đồng bộ các biện pháp công tác công an trên cơ sở bám sát các chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước để chủ động dự báo, đánh giá tình hình, phát hiện vấn đề nổi lên ở từng ngành, từng lĩnh vực, từng cấp; chỉ ra phương thức thủ đoạn phạm tội mới cũng như sơ hở, thiếu sót trong các quy định, quy chế, công tác quản lý, điều hành để tham mưu đề xuất, kiến nghị chấn chỉnh, khắc phục và phối hợp với các bộ, ngành, chính quyền địa phương tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; không để sai phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn. Kịp thời phát hiện các hành vi, vụ việc gây lãng phí để điều tra làm rõ, với phương châm “xử lý 1 vụ cảnh tỉnh cả vùng”, thu hồi triệt để tài sản bị lãng phí, thất thoát cho Nhà nước.

Trần Đình

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-ta-nguyen-huu-son-chi-ra-4-giai-phap-de-phong-chong-lang-phi-nguon-luc-365693.html
Zalo