Đại sứ Trịnh Thị Tâm: Việt Nam, Sri Lanka không ngừng củng cố quan hệ qua các thời kỳ
Nhân dịp Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 4 - 6/5/2025 và dự Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 từ ngày 6-8/5 tại Việt Nam, phóng viên TTXVN tại Nam Á đã phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm về quan hệ hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Sri Lanka Trịnh Thị Tâm. Ảnh: Ngọc Thúy/PV TTXVN tại Nam Á
Thưa Đại sứ, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam lần này của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake có ý nghĩa và tầm quan trọng như thế nào đối với quan hệ Việt Nam-Sri Lanka?
Chuyến thăm của Tổng thống Sri Lanka Anura Kumara Dissanayake theo lời mời của Chủ tịch nước Lương Cường có ý nghĩa quan trọng đối với quan hệ hai nước trên nhiều bình diện.
Thứ nhất, đây là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên trong vòng 16 năm qua kể từ năm 2009 của một nguyên thủ quốc gia Sri Lanka và cũng là chuyến thăm Việt Nam đầu tiên của Tổng thống Kumara Dissanayake kể từ khi nhậm chức tháng 11/2024. Chuyến thăm thể hiện sự coi trọng đặc biệt mà lãnh đạo và nhân dân Sri Lanka dành cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống với Việt Nam. Về phía Việt Nam, chuyến thăm sẽ là dịp để tái khẳng định sự coi trọng đối với Sri Lanka, nước bạn bè truyền thống và là đối tác quan trọng của Việt Nam tại khu vực Nam Á, đồng thời trao đổi và thúc đẩy hợp tác cùng có lợi, nhất là trong các lĩnh vực mà hai nước đều có thế mạnh như thương mại, đầu tư, nông nghiệp, thủy sản, du lịch, giáo dục, văn hóa, dược phẩm, năng lượng tái tạo, giao lưu nhân dân. Chuyến thăm cũng sẽ giúp đẩy mạnh hợp tác trong các lĩnh vực mới và tiềm năng như chuyển đổi số, kinh tế số, chuyển đổi năng lượng, trí tuệ nhân tạo…
Thứ hai, chuyến thăm diễn ra đúng dịp Việt Nam và Sri Lanka kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1970 - 2025) nên sẽ là dịp tốt để hai bên cùng nhìn lại quan hệ hợp tác sau hơn 5 thập kỷ hình thành và phát triển, từ đó đề ra các phương hướng, biện pháp để củng cố, phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác trong bối cảnh tình hình mới, phù hợp với lợi ích của hai nước, đồng thời đóng góp cho sự phát triển chung, hòa bình và hợp tác ở khu vực. Chuyến thăm có nhiều hoạt động trên các trụ cột chính trị, kinh tế, văn hóa, trong đó điểm nhấn quan trọng là các cuộc hội đàm, hội kiến cấp cao, ký kết các văn kiện hợp tác quan trọng, tiếp xúc các doanh nghiệp lớn của Việt Nam…
Thứ ba, thời gian qua, tình hình chính trị - kinh tế - xã hội ở cả Việt Nam và Sri Lanka đều có sự phát triển tích cực với nhiều thành tựu và dấu mốc quan trọng, trong đó có việc Sri Lanka tổ chức thành công bầu cử Tổng thống, Quốc hội và đang nỗ lực phục hồi, phát triển kinh tế; Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng và đang tăng tốc, bứt phá để bước vào kỷ nguyên mới. Đáng lưu ý, cả hai nước đều có các mục tiêu lớn nhằm trở thành các quốc gia phát triển vào dịp kỷ niệm 100 năm lập quốc (với Việt Nam là năm 2045, với Sri Lanka là năm 2048). Trong khi đó, tình hình khu vực, quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường cả về địa chính trị, an ninh và kinh tế. Chuyến thăm sẽ là dịp để Việt Nam và Sri Lanka chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ nhau phát triển, nhất là về kinh tế, với tư cách hai nước bạn bè truyền thống và là đối tác gần gũi, có nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hóa. Ngoài ra, là các quốc gia nằm ở những vị trí trọng yếu thuộc Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, các khu vực địa chiến lược quan trọng và phát triển năng động, chuyến thăm sẽ là dịp để hai nước cùng trao đổi, thúc đẩy hợp tác trong các vấn đề chung của khu vực và thế giới, trong đó có biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng, bảo vệ môi trường, chống khủng bố, chống tội phạm xuyên quốc gia…
Nhân dịp này, Tổng thống Kumara Dissanayake sẽ tham dự với tư cách khách chính và phát biểu tại lễ khai mạc Đại lễ Phật đản Vesak lần thứ 20 do Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên hợp quốc tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6-8/5. Việc Tổng thống Kumara Dissanayake nhận lời tham dự hoạt động này thể hiện sự gắn kết sâu sắc về Phật giáo và văn hóa giữa hai nước.
Theo Đại sứ, chuyến thăm này sẽ góp phần định hình quan hệ Việt Nam – Sri Lanka trong thời gian tới như thế nào?
Việt Nam và Sri Lanka có quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp. Các chính phủ của Sri Lanka qua các thời kỳ đều coi trọng tăng cường và phát triển quan hệ với Việt Nam. Nhiều thế hệ lãnh đạo và người dân Sri Lanka vẫn dành nhiều tình cảm yêu mến và sự quý trọng đối với Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Do các hoàn cảnh khách quan và chủ quan, trong đó có đại dịch COVID-19 và khủng hoảng kinh tế-tài chính tại Sri Lanka, quan hệ hợp tác giữa hai nước những năm gần đây có phần chững lại.
Nhưng với những diễn biến tích cực của tình hình chính trị - an ninh - kinh tế của Sri Lanka gần đây, cùng với các điều chỉnh chính sách của Chính phủ Sri Lanka, Việt Nam - với sự ổn định chính trị - an ninh và phát triển kinh tế năng động - đang trở thành một hình mẫu mà Sri Lanka mong muốn học hỏi, một đối tác ở khu vực Đông Nam Á mà Sri Lanka mong muốn tăng cường hợp tác. Trong bối cảnh đó, chuyến thăm sẽ góp phần định hình sự phát triển của quan hệ hai nước trong thời gian tới, hướng tới các tầng nấc mới.
Thứ nhất, hai nước sẽ xác định ưu tiên đẩy mạnh các lĩnh vực hợp tác thế mạnh và truyền thống như nông nghiệp, thủy sản, văn hóa, giáo dục, du lịch, Phật giáo …. trên cơ sở các văn kiện hợp tác đã ký kết và các cơ chế hợp tác đã thiết lập để có các kết quả cụ thể, thực chất.
Thứ hai, hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng nhưng thời gian qua bị tác động do các yếu tố khách quan như thương mại, đầu tư, quốc phòng, an ninh, giao lưu nhân dân, chế tạo máy, bảo tồn di tích, công nghệ thông tin…, tạo các đòn bẩy mới cho hợp tác song phương.
Thứ ba, hai nước sẽ nghiên cứu mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực mới như hải quan, dược phẩm, logistics, năng lượng tái tạo, điện tử, xe điện, khảo cổ, trí tuệ nhân tạo, thương mại điện tử, kinh tế số, chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, hợp tác địa phương, kết nối hàng không và hàng hải…, để mở rộng thêm không gian hợp tác, thích ứng với tình hình khu vực và quốc tế.
Thứ tư, hai nước cũng sẽ xác định phối hợp chặt chẽ, hiệu quả hơn tại các diễn đàn đa phương, nhất là Liên hợp quốc (LHQ), Phong trào không liên kết (NAM), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF) với tư cách là các đối tác có trách nhiệm, qua đó nâng cao hơn vai trò và vị thế của mỗi nước.
Tôi tin rằng chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Sri Lanka lần này sẽ là sự khởi đầu cho giai đoạn hợp tác sâu rộng hơn giữa Việt Nam và Sri Lanka trong những năm tới, mang lại lợi ích cho cả hai quốc gia và đóng góp vào hòa bình, hợp tác, phát triển, thịnh vượng chung của khu vực và thế giới.
Trong 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, đâu là những dấu mốc quan trọng và tiềm năng nổi bật trong mối quan hệ giữa Việt Nam và Sri Lanka?
Việt Nam và Sri Lanka đã có quan hệ ở cấp lãnh sự từ tháng 7/1964 trước khi chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/7/1970. Trong các năm 1971 và năm 2013, hai nước đã mở cơ quan đại diện thường trú lần lượt tại Colombo và Hà Nội. Mối quan hệ giữa Việt Nam và Sri Lanka sau 55 năm hình thành và phát triển, dù trải qua nhiều biến động và thử thách do hoàn cảnh lịch sử, thậm chí có giai đoạn Việt Nam đã phải đóng cửa Đại sứ quán tại Colombo, nhưng vẫn đạt được nhiều thành tựu và ghi nhiều dấu mốc quan trọng.
Đầu tiên, việc trao đổi đoàn, tiếp xúc cấp cao và các cấp giữa hai nước được duy trì đều đặn. Ngay sau khi Việt Nam thống nhất đất nước năm 1975, Bộ trưởng Ngoại giao Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam Nguyễn Thị Bình và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã lần lượt thăm Sri Lanka vào các năm 1976 và 1978. Các giai đoạn sau đó, về phía Sri Lanka, Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao qua các chính phủ đã thăm Việt Nam. Về phía Việt Nam, Chủ tịch nước, Phó Thủ tướng, Phó Chủ tịch Quốc hội, các Bộ trưởng qua các thời kỳ đã thăm Sri Lanka. Đặc biệt, sử sách ghi lại ít nhất 3 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tới Sri Lanka vào các năm 1911,1928 và 1946, và Người là một trong số ít lãnh tụ nước ngoài có tượng đặt ở Thủ đô Colombo.
Thứ hai, giữa hai nước đã thiết lập 3 cơ chế hợp tác quan trọng gồm Ủy ban Hỗn hợp cấp Bộ trưởng Ngoại giao, Tham khảo Chính trị cấp Thứ trưởng Ngoại giao và Tiểu ban Hỗn hợp Thương mại cấp Thứ trưởng Ngoại giao. Các cơ chế này được duy trì khá đều đặn, góp phần rà soát và thúc đẩy hợp tác. Hai nước cũng đã ký kết trên 30 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực chủ chốt như thương mại, đầu tư, quốc phòng, nông nghiệp, văn hóa, giáo dục, nông nghiệp…
Thứ ba, tuy còn khiêm tốn nhưng thương mại hai chiều nhiều năm gần đây được duy trì ở mức khá ổn định: trên dưới 300 triệu USD/năm. Hiện Sri Lanka có khoảng 30 dự án đầu tư tại Việt Nam với vốn đầu tư hơn 40 triệu USD. Hợp tác văn hóa, Phật giáo, giao lưu nhân dân… đang trở thành các thế mạnh và tiềm năng trong hợp tác song phương. Cộng đồng người Việt Nam tại Sri Lanka ngày càng phát triển, hiện có khoảng 150 người và có những đóng góp cho phát triển kinh tế-xã hội của sở tại.
Hai nước có nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực thế mạnh như nông nghiệp, thủy sản, lâm nghiệp, thương mại, văn hóa, du lịch…. Tôi tin rằng với sự ổn định về chính trị và kinh tế của Sri Lanka, đây sẽ là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư, doanh nghiệp cũng như du lịch của Việt Nam.
Đại sứ có kiến nghị gì để thúc đẩy quan hệ mọi mặt giữa hai nước?
Việt Nam và Sri Lanka có quan hệ hữu nghị tốt đẹp, tin cậy chính trị cao, nhiều điểm tương đồng về địa lý, lịch sử và văn hóa, do đó có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy và mở rộng quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực.
Thứ nhất, Việt Nam và Sri Lanka đều là những quốc gia nông nghiệp. Hai nước đều là các quốc gia ven biển, nằm ở những vị trí chiến lược của Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Nông nghiệp, thủy sản và tài nguyên đại dương là những lĩnh vực thế mạnh mà hai nước có thể tiếp tục phát triển dựa trên những thành tựu hiện có.
Thứ hai, du lịch là lĩnh vực rất tiềm năng do cả hai quốc gia đều sở hữu nhiều di tích, di sản văn hóa phong phú và cảnh đẹp thiên nhiên. Bằng cách thúc đẩy các sáng kiến du lịch chung, trong đó có du lịch tâm linh, du lịch văn hóa, du lịch biển…., hai nước có thể vừa hỗ trợ nhau thúc đẩy phát triển kinh tế, đồng thời tăng cường giao lưu văn hóa và kết nối nhân dân. Việc sớm mở các chuyến bay thẳng giữa Việt Nam và Sri Lanka cũng như việc tạo thuận lợi cho thị thực nhập cảnh sẽ giúp tăng lượng du khách giữa hai nước trong thời gian tới.
Thứ ba, thương mại tuy có phần hạn chế do cơ cấu mặt hàng xuất khẩu giữa hai nước khá tương đồng nhưng hai bên có thể xem xét liên doanh khai thác, sản xuất, chế biến… tại chỗ để xuất khẩu sang nước thứ ba, nhằm tiết kiệm chi phí sản xuất, thời gian vận chuyển cũng như giảm hàng rào thuế quan. Hai bên cũng cần sớm khởi động đàm phán về một Hiệp định thương mại tự do, đẩy mạnh kết nối (hàng không, hàng hải) nhằm tạo thuận lợi hơn cho giao thương; thúc đẩy trao đổi các đoàn doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp tư nhân, cũng như các phòng/hiệp hội thương mại. Bên cạnh đó, Sri Lanka cần tạo thuận lợi để thu hút thêm đầu tư của Việt Nam, phấn đấu có một số dự án tiên phong thành công, từ đó khuyến khích, tạo động lực cho các nhà đầu tư khác.
Thứ tư, một lĩnh vực quan trọng khác là giáo dục và công nghệ. Thông qua việc hợp tác trong nghiên cứu và đổi mới sáng tạo, hai nước có thể cùng giải quyết những thách thức chung và phát huy thế mạnh của nhau.
Thứ năm, năng lượng tái tạo cũng là một lĩnh vực đầy tiềm năng. Cả Việt Nam và Sri Lanka đều cam kết phát triển bền vững và có rất nhiều cơ hội để hợp tác trong các dự án năng lượng Mặt Trời, năng lượng gió. Hai nước cũng cần thúc đẩy hợp tác để cùng ứng phó với những thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu, chuyển đổi năng lượng…, qua đó không chỉ làm sâu sắc thêm quan hệ song phương mà còn đóng góp vào hòa bình và phát triển ở khu vực và thế giới.
Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!