Đại sứ Phạm Việt Hùng: Thời điểm 'chín muồi' đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan lên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn
Nhân dịp Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra có chuyến thăm chính thức Việt Nam (15-16/5), Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng đã chia sẻ với TG&VN về ý nghĩa và những trọng tâm của chuyến thăm, kỳ vọng về một tầm cao mới trong quan hệ song phương.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp gỡ với Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra nhân dịp dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 44, 45 tại Vientiane, Lào (tháng 10/2024). (Ảnh: Đình Bắc)
Xin Đại sứ đánh giá ý nghĩa và những nội dung trọng tâm trong chuyến thăm Việt Nam lần này của Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra?
Đây là chuyến thăm chính thức Việt Nam của một Thủ tướng Thái Lan sau 11 năm kể từ chuyến thăm của Thủ tướng Prayut Chan-o-cha năm 2014, diễn ra vào thời điểm hai nước đang hướng tới dịp kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (1976 - 2026), dấu mốc quan trọng trong lịch sử quan hệ ngoại giao giữa hai nước.
Trong bối cảnh quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan tiếp tục phát triển tốt đẹp, toàn diện và ngày càng đi vào chiều sâu trên tất cả các lĩnh vực, chuyến thăm sẽ là dịp quan trọng để hai bên đưa mối quan hệ đó tiếp tục phát triển trên tầm cao mới, thực chất và hiệu quả hơn.

Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Phạm Việt Hùng. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan)
Trong chuyến thăm, hai bên sẽ tiến hành họp Nội các chung lần thứ 4, cơ chế với tên gọi rất đặc biệt thể hiện sự quan tâm cao và quyết tâm chung nhằm phát triển quan hệ song phương.
Dưới sự đồng chủ trì và chỉ đạo trực tiếp của hai Thủ tướng, hai bên sẽ rà soát, giải quyết những vấn đề đang đặt ra và xác định phương hướng hợp tác trên tất các lĩnh vực.
Về chính trị – ngoại giao, hai bên sẽ tập trung trao đổi các biện pháp tiếp tục củng cố sự tin cậy chính trị, trao đổi đoàn và hợp tác hợp tác giữa tất cả các kênh Đảng, Chính phủ, Quốc hội và địa phương, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực và quốc tế, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN và các cơ chế tiểu vùng Mekong.
Về kinh tế - thương mại – đầu tư, hai bên sẽ cùng rà soát tiến độ triển khai các kế hoạch, sáng kiến trong lĩnh vực này trong đó có sáng kiến “Ba kết nối”, đồng thời thúc đẩy các biện pháp mở rộng hợp tác, hướng tới mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 25 tỷ USD trong thời gian tới theo hướng cân bằng, bền vững; thu hút đầu tư của Thái Lan vào những lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam.
Về văn hóa, giáo dục và giao lưu nhân dân, hai bên sẽ thảo luận về biện pháp kết nối giữa các địa phương, cũng như tăng cường các hoạt động giao lưu văn hóa, du lịch, tạo nền tảng xã hội bền vững cho quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Kỳ họp Nội các chung được tái khởi động sau hơn 9 năm có tầm quan trọng như thế nào đối với việc thúc đẩy các mục tiêu hợp tác trong giai đoạn mới giữa hai nước, thưa Đại sứ?
Kỳ họp Nội các chung lần thứ 4 diễn ra vào thời điểm then chốt đối với mỗi nước và quan hệ Việt Nam-Thái Lan.
Việt Nam đang đẩy mạnh thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra; tiến hành tổng kết 40 năm Đổi mới và từng bước chuẩn bị cho Đại hội XIV.
Trong quan hệ với các đối tác ở khu vực, mới đây Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Malaysia, Indonesia, Singapore lên mức Đối tác chiến lược toàn diện. Thái Lan đang nỗ lực triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội Quốc gia lần thứ 13 (2023 - 2027) và chương trình nghị sự của Chính phủ Thái Lan cho năm 2025, trong đó tập trung vào phát triển kinh tế và chăm lo phúc lợi xã hội.
Sau hơn 10 năm kể từ khi thiết lập năm 2013, khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan đã phát huy hết sức hiệu quả trong việc tăng cường và làm sâu sắc quan hệ hữu nghị và hợp tác hai nước trên tất cả các kênh và các lĩnh vực, ở cấp độ song phương và đa phương.
Sau khi nhậm chức, Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn ưu tiên thăm các nước láng giềng, khu vực như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Malaysia và nay là Việt Nam.
Hai nước đều hiểu rõ tầm quan trọng hàng đầu của quan hệ song phương trong sự phát triển của mỗi nước.
Trong bối cảnh đó, Kỳ họp là dịp để hai nước thành rà soát, đánh giá, giải quyết những vướng mắc, tồn đọng trong quan hệ hợp tác thời gian qua, trong đó có việc thực hiện Chương trình hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giai đoạn 2022 – 2027; đi sâu trao đổi chiến lược, xác định các định hướng, biện pháp lớn, thiết lập khuôn khổ quan hệ mới, tạo động lực mới đưa quan hệ Việt Nam-Thái Lan phát triển thực chất và bền vững hơn nữa vì lợi ích của nhân dân hai nước, góp phần vào việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới, thiết thực hướng tới kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Thái Lan vào năm 2026.

Đại sứ Phạm Việt Hùng tham dự Lễ khai mạc Triển lãm ảnh "Việt Nam hạnh phúc 2024" tại Thái Lan. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan)
Đại sứ đánh giá như thế nào về mục tiêu kim ngạch thương mại 25 tỷ USD giữa hai nước, cũng như triển vọng hợp tác kinh tế song phương trong bối cảnh hai nước thúc đẩy mạnh mẽ Chương trình Hành động triển khai quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường Việt Nam-Thái Lan giai đoạn 2022-2027 hay Chiến lược “Ba kết nối”?
Thái Lan và Việt Nam là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của nhau trong khu vực. Đầu tư FDI của Thái Lan vào Việt Nam vẫn đứng trong top 10 nhà đầu tư lớn nhất tính theo lũy kế, ước đạt khoảng 15 tỷ USD tại thời điểm hiện nay.
Thái Lan là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong ASEAN và là nhà đầu tư lớn thứ 9 của Việt Nam với kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 19,5 tỷ USD, năm 2024 đạt 20,18 tỷ USD (tăng 6,5%). Kim ngạch thương mại song phương 3 tháng đầu năm 2025 đạt trên 1,2 tỷ USD, tăng 8,02% so với cùng kỳ năm 2024.
Mục tiêu đạt 25 tỷ USD kim ngạch thương mại song phương được đặt ra vào năm 2021 nhưng vì nhiều lý do khác nhau, trong đó có tác động không nhỏ từ đại dịch Covid-19, mục tiêu này vẫn chưa đạt được khi trao đổi thương mại giữa hai nước những năm gần chỉ đạt ở mức trên dưới 20 tỷ USD/năm.
Tuy nhiên, việc đạt và vượt mục tiêu 25 tỷ USD là hoàn toàn khả thi trong thời gian tới vì hai nước đều có nhiều tiềm năng. Bên cạnh đó, việc triển khai tốt Chiến lược “Ba kết nối”, trong đó có việc tăng đầu tư và du lịch song phương sẽ là động lực, tác động rất hiệu quả trong việc làm tăng kim ngạch thương mại.
Theo Đại sứ, việc Thái Lan tạo điều kiện cho việc bảo tồn các địa điểm văn hóa, tôn giáo của cộng đồng người Việt, Phố Việt Nam đầu tiên trên thế giới tại tỉnh Udon Thani… có ý nghĩa như thế nào trong thúc đẩy giao lưu hữu nghị giữa hai nước?
Việc Thái Lan tạo điều kiện cho cộng đồng người Việt bảo tồn các địa điểm văn hóa, tôn giáo – trong đó nổi bật là Phố Việt Nam tại Udon Thani – mang ý nghĩa sâu sắc, không chỉ đối với bà con kiều bào mà còn với quan hệ hữu nghị giữa hai nước.
Nhiều năm qua, các khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, phố Việt Nam tại Udon Thani và gần đây là tại Nakhon Phanom, cùng hơn 20 ngôi chùa Việt và tông phái Phật giáo An Nam tông vẫn luôn được Chính phủ Thái Lan quan tâm, hỗ trợ bảo tồn và phát triển.
Những công trình này đã trở thành địa điểm giao lưu văn hóa – tâm linh đặc sắc để người dân hai nước thêm hiểu và gần nhau hơn, đồng thời là minh chứng cho sự hiện diện bền vững, đóng góp tích cực và hòa nhập của cộng đồng người Việt tại Thái Lan qua nhiều thế hệ.
Bên cạnh đó, các sự kiện văn hóa thường niên của bà con kiều bào như Tết Nguyên đán, giỗ Tổ Hùng Vương, kỷ niệm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng luôn có sự hiện diện và ủng hộ của chính quyền và nhân dân địa phương.
Điều này khẳng định rõ nét sự ghi nhận và trân trọng của chính quyền và nhân dân Thái Lan đối với những giá trị văn hóa – lịch sử của cộng đồng người Việt, thể hiện cách tiếp cận cởi mở, nhân văn và ngày càng gắn bó giữa hai dân tộc.
Những biểu tượng văn hóa Việt trên đất nước Thái Lan, với sự quan tâm của chính quyền sở tại, đang góp phần làm sâu sắc thêm mối quan hệ Đối tác chiến lược tăng cường giữa Việt Nam và Thái Lan, đặc biệt trên phương diện giao lưu nhân dân – một trụ cột ngày càng quan trọng trong hợp tác khu vực hiện nay.

Đại sứ Phạm Việt Hùng trao giải tại Cuộc thi nói tiếng Việt bậc đại học tại Thái Lan Thái Lan tháng 11/2024. (Nguồn: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan)
Cùng là những thành viên tích cực, chủ động trong “mái nhà chung” ASEAN, Đại sứ đánh giá như thế nào về nỗ lực hợp tác Việt Nam-Thái Lan trong việc hiện thực hóa các mục tiêu và tầm nhìn của Cộng đồng ASEAN?
Quan hệ Việt Nam-Thái Lan đã trải qua chặng đường gần 50 năm phát triển bền chặt, trong đó có 30 năm hai nước cùng đồng hành, đóng góp cho sự phát triển của ASEAN kể từ khi Việt Nam gia nhập tổ chức vào ngày 28/7/1995. Trong suốt quá trình đó, Việt Nam và Thái Lan luôn là hai Đối tác chiến lược, thành viên tích cực và chủ động trong việc thúc đẩy các mục tiêu và tầm nhìn chung của Cộng đồng ASEAN:
Về chính trị - an ninh, hai nước phối hợp chặt chẽ trong việc giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất nội khối, phát huy vai trò trung tâm của ASEAN trước những diễn biến khu vực và toàn cầu. Việt Nam và Thái Lan cùng chia sẻ lập trường về tầm quan trọng của hòa bình, ổn định ở Biển Đông, cùng ủng hộ thực hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên (DOC) và hướng tới một Bộ Quy tắc ứng xử (COC) hiệu quả, thực chất.
Trên phương diện kinh tế, Việt Nam và Thái Lan là những đối tác thương mại lớn của nhau, với kim ngạch song phương không ngừng tăng trưởng. Hai nước cũng đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại nội khối, phát triển chuỗi cung ứng khu vực, đóng góp tích cực vào xây dựng Cộng đồng Kinh tế ASEAN năng động và hội nhập.
Đồng thời, Việt Nam và Thái Lan cùng tham gia các sáng kiến khu vực như Hành lang Kinh tế Đông - Tây, Mạng lưới Thành phố Thông minh ASEAN nhằm tăng cường kết nối và phát triển bền vững.
Về văn hóa - xã hội, hai nước duy trì các chương trình hợp tác giáo dục, giao lưu thanh niên, trao đổi sinh viên và hợp tác du lịch. Những hoạt động này góp phần thắt chặt tình hữu nghị nhân dân, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau và xây dựng một bản sắc ASEAN thống nhất, hướng tới một cộng đồng vì người dân, lấy người dân làm trung tâm.
Đặc biệt, Việt Nam và Thái Lan đều là những quốc gia đi đầu trong việc thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và đang tích cực tham gia đóng góp xây dựng Tầm nhìn ASEAN sau 2025. Hai nước cùng ưu tiên các lĩnh vực như chuyển đổi số, phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các quốc gia thành viên.
Có thể khẳng định rằng, hợp tác giữa Việt Nam và Thái Lan có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy tiến trình xây dựng và củng cố Cộng đồng ASEAN. Với nền tảng hợp tác vững chắc, sự tin cậy chính trị cao và khuôn khổ hợp tác chiến lược mới, tôi tin tưởng quan hệ Việt Nam-Thái Lan sẽ tiếp tục phát triển sâu sắc, toàn diện, đóng góp hiệu quả hơn nữa vào một ASEAN hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững.
Hai nước sẽ có nhiều cơ hội đi sâu hợp tác, ủng hộ lẫn nhau trong khai thác tiềm năng, thế mạnh riêng để góp phần quan trọng hơn trong tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN ở giai đoạn mới.
Trân trọng cảm ơn Đại sứ!