Đại sứ Malaysia Dato' Tan Yang Thai mang không khí Lễ Hari Raya tới Việt Nam

Chiều 22/4, Đại sứ Malaysia Dato' Tan Yang Thai đã tổ chức Lễ Hari Raya tại tư gia tại Việt Nam, với mong muốn mang đến không khí truyền thống của một trong những ngày lễ lớn nhất Malaysia.

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai và phu nhân trong trang phục truyền thống, bên cạnh biểu tượng của Lễ Hari Raya. Ảnh: Phương Thảo.

Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai và phu nhân trong trang phục truyền thống, bên cạnh biểu tượng của Lễ Hari Raya. Ảnh: Phương Thảo.

Tham dự Lễ Hari Raya có Đại sứ các nước ASEAN, đại diện Hội Hữu nghị Việt Nam –Malaysia, một số thành viên Hội cựu học viên Chương trình Hợp tác Kỹ thuật Malaysia – (Malaysian Technical Cooperation Programme), cộng đồng doanh nhân và người Malaysia sinh sống tại Hà Nội và cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Malaysia tại Hà Nội.

Lễ hội diễn ra trong khí ấm cúng và mang đậm màu sắc truyền thống của Malaysia từ cách trang trí đến các món ăn và trang phục.

Chia sẻ với Mekong ASEAN về thông điệp của Lễ Hari Raya được tổ chức tại Hà Nội, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam Dato’ Tan Yang Thai cho biết, ở Malaysia có Ramadan là dịp lễ lớn nhất. Trong tháng lễ này, người Hồi giáo sẽ nhịn ăn trong một tháng từ lúc mặt trời mọc cho tới khi mặt trời lặn.

Ảnh: Phương Thảo.

Ảnh: Phương Thảo.

"Đây là khoảng thời gian mà mỗi người tự nhìn nhận lại bản thân mình, đồng thời là khoảng thời gian để trở nên thân thiết hơn với gia đình và Thánh Allah. Sau một tháng này, người Hồi giáo sẽ có một ngày lễ lớn để kỷ niệm việc kết thúc tháng Ramadan chính là lễ Hari Raya Aidfiltri".

Đại sứ Malaysia Dato’ Tan Yang Thai

Trong ngày lễ Hari Raya Aidfiltri, mọi người ở Malaysia sẽ đi thăm hỏi nhau, thăm hỏi các thành viên trong gia đình. Mọi người sẽ đón ngày lễ này với gia đình đầu tiên và sau đó với cả bạn bè của mình.

Họ cũng mở rộng cửa trong dịp đặc biệt này để đón hàng xóm tới nhà tận hưởng các món ăn truyền thống trong Lễ Hari Raya như Rendang, Satay hay Nasi Impit trong bầu không khí cộng đồng.

Những người tham dự tiệc sẽ thưởng thức các món ăn được chế biến theo công thức truyền thống của Malaysia. Ảnh: Phương Thảo.

Những người tham dự tiệc sẽ thưởng thức các món ăn được chế biến theo công thức truyền thống của Malaysia. Ảnh: Phương Thảo.

Đây là khoảng thời gian mà Malaysia, một đất nước đa sắc tộc và đa tôn giáo, thể hiện tinh thần đoàn kết với nhau bởi vì người dân có thể tới thăm nhau và đón ngày lễ của nhau. Do đó, Lễ Hari Raya là một dịp rất thú vị và được mong chờ với đông đảo người dân Malaysia.

Chia sẻ thêm về việc tổ chức lễ Hari Raya tại Hà Nội lần này, Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai cho rằng đây là một thách thức lớn do rất nhiều nguyên liệu nấu các món ăn truyền thống lại không có sẵn ở Việt Nam, đặc biệt là gia vị để nấu các món ăn đặc trưng của Malaysia.

“Tuy nhiên điều may mắn là tại Đại sứ quán Malaysia, chúng tôi có những người phụ nữ khéo tay, một vài người trong số họ là vợ của những cán bộ tại đây. Họ đã giúp nấu một số món ngày hôm nay để cùng đón ngày lễ đặc biệt này", Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai cho biết.

Các món ăn đều là sản phẩm Halal. Ảnh: Phương Thảo.

Các món ăn đều là sản phẩm Halal. Ảnh: Phương Thảo.

Điểm nhấn của buổi lễ là các đồ vật trang trí xung quanh nhà được tạo ra bằng thủ công rất tỉ mỉ. Ví dụ như những túi giấy nhỏ đang được treo khắp mọi nơi chính là vỏ bánh Ketupat với nhân là gạo nếp. Người Malaysia thường ăn món ăn này trong các dịp lễ với sốt. Đây là cách truyền thống để gói món bánh này truyền lại từ ngày xưa.

Quy trình chuẩn bị món này bao gồm gạo nếp được gói chặt trong vỏ, sau đó được hấp lên. Món bánh này thể hiện sự dồi dào của lương thực và mọi người có thể chia sẻ nó với gia đình cũng như bạn bè của mình. Giống như Việt Nam, Đại sứ Dato’ Tan Yang Thai cho biết, Malaysia cũng có nền văn minh trồng lúa và tổ chức nhiều lễ hội xoay quanh lúa gạo.

Dây treo trang trí được mô phỏng vỏ bánh Ketupat, biểu tượng đặc trưng nền nông nghiệp lúa nước. Ảnh: Phương Thảo.

Dây treo trang trí được mô phỏng vỏ bánh Ketupat, biểu tượng đặc trưng nền nông nghiệp lúa nước. Ảnh: Phương Thảo.

Lễ Hari Raya ở Malaysia và Việt Nam có gì khác nhau?

Theo Đại sứ Malaysia Dato’ Tan Yang Thai, mọi thứ diễn ra gần như tương đồng trừ việc vào buổi sáng, mọi người thường tới Nhà thờ Hồi giáo để cầu nguyện và sau đó họ sẽ dành thời gian cùng gia đình và tới thăm nhà bạn bè.

"Tại Malaysia, mọi người thường sẽ trở về quê để gặp mặt người thân và ba mẹ của mình để thể hiện sự tôn trọng và cùng nhau trải qua ngày lễ quan trọng này. Tuy nhiên ở Hà Nội, chúng tôi sẽ mời những người không trở về Malaysia tới đây để cùng trải qua lễ với thức ăn truyền thống trong khi mặc trang phục truyền thống", Đại sứ Malaysia cho biết.

Đại sứ Malaysia Dato’ Tan Yang Thai và phu nhân. Ảnh: Phương Thảo.

Đại sứ Malaysia Dato’ Tan Yang Thai và phu nhân. Ảnh: Phương Thảo.

"Tại Hà Nội, Lễ Hari Raya được tổ chức dưới hình thức một buổi tụ họp có mời người Malaysia cùng những người bạn Việt Nam tới, để cùng nhau trải qua ngày lễ này. Tôi nghĩ rằng đây chính là tinh thần của Aidfiltri".

Đại sứ Malaysia Dato’ Tan Yang Thai

Tại Malaysia cũng như vậy, Hari Raya không chỉ dành cho cộng đồng người Hồi giáo mà mọi người còn mở cửa đón chào cả những người không theo đạo Hồi tới nhà mình và cùng trải nghiệm ngày lễ.

Đây là một sự kiện mang tính cộng đồng cao tại Malaysia và mọi người rộng cửa đón chào khách, thể hiện sự hào phóng. Trong dịp này, mọi người có cơ hội sống chậm lại và thăm hỏi nhau nhiều hơn. Đây là một truyền thống tốt đẹp và Malaysia muốn gìn giữ nó.

Bên cạnh Lễ Hari Raya, Đại sứ Malaysia tại Việt Nam cũng cho biết, người Malaysia cũng có nhiều lễ hội khác nhau như Giáng sinh và cả Tết âm lịch. "Chúng tôi kỷ niệm tất cả những ngày lễ này, tuy nhiên Hari Raya được coi như quan trọng nhất do nó được kỷ niệm bởi phần lớn dân số theo đạo Hồi", Đại sứ Malaysia Dato’ Tan Yang Thai chia sẻ.

Phương Thảo - Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dai-su-malaysia-dato-tan-yang-thai-mang-khong-khi-le-hari-raya-toi-viet-nam-post20792.html
Zalo