Đại sứ Kees van Baar: Việt Nam và Hà Lan biến mục tiêu chung thành hành động cùng tăng trưởng xanh bền vững

Đại sứ Kees van Baar khẳng định, cam kết của Hà Lan trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam rất mạnh mẽ và ổn định trong nhiều thập kỷ qua.

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar. (Ảnh: Thu Trang)

Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees Van Baar. (Ảnh: Thu Trang)

Nhân dịp Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn đối tác vì tăng trưởng xanh và mục tiêu toàn cầu (P4G) lần thứ tư diễn ra tại thủ đô Hà Nội từ ngày 15-17/4, Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar chia sẻ với Báo Thế giới và Việt Nam sự hợp tác sâu rộng và hiệu quả của hai nước trong lĩnh vực tăng trưởng xanh bền vững.

Đại sứ đánh giá thế nào về ý nghĩa của Hội nghị P4G lần thứ tư trong bối cảnh hiện tại?

Trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với những thách thức ngày càng tăng của biến đổi khí hậu, các sáng kiến như P4G không chỉ là cơ hội mà còn là sự cần thiết. Diễn đàn đổi mới này thu hẹp khoảng cách giữa các cam kết khí hậu đầy tham vọng và việc thực hiện trên thực tế của cả Thỏa thuận Paris và các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc (SDGs).

Hà Lan đã tham gia P4G với tư cách là quốc gia đối tác và nhà tài trợ chính vào năm 2018, công bố thành lập Diễn đàn quốc gia P4G vào năm 2020.

Điểm khác biệt của P4G so với các sáng kiến khí hậu khác là tập trung vào quan hệ đối tác công - tư và hợp tác quốc tế. Việc Việt Nam áp dụng các nguyên tắc của P4G cho thấy tư duy tiến bộ, thức thời. Thông qua mô hình quan hệ đối tác công - tư sáng tạo, P4G tạo ra những con đường hữu hình để các quốc gia như Việt Nam vượt qua các giai đoạn phát triển thâm dụng carbon.

Hà Lan mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam thông qua khuôn khổ P4G, không chỉ bằng cách cung cấp công cụ và nguồn lực phù hợp mà còn chia sẻ chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm về chính sách. Trong đó bao gồm việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp Việt Nam và Hà Lan, nhiều doanh nghiệp trong số đó đã tiên phong và ứng dụng các giải pháp bền vững trong các lĩnh vực như quản lý nước, nông nghiệp và kinh tế tuần hoàn.

Điều này rất ý nghĩa đối với Việt Nam - một nền kinh tế đang phát triển nhanh chóng, nhưng lại dễ bị tổn thương sâu sắc trước biến đổi khí hậu. Việt Nam trở thành đối tác quan trọng và là mô hình tiềm năng cho các quốc gia khác đang điều hướng quá trình chuyển đổi xanh tương tự.

Tôi tin rằng, P4G cung cấp cho chúng ta các công cụ và quan hệ đối tác để biến mục tiêu chung thành hành động, và hơn hết, đó chính là điều mà thế giới cần lúc này.

Lễ ký thỏa thuận cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án xanh giữa các đối tác Việt Nam và Hà Lan ngày 23/1/2025. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Lễ ký thỏa thuận cung cấp tài chính và hỗ trợ kỹ thuật cho các dự án xanh giữa các đối tác Việt Nam và Hà Lan ngày 23/1/2025. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 do Việt Nam đề xuất là “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm”. Đại sứ cảm nhận thế nào về chủ đề này?

Chủ đề do Việt Nam đề xuất cho Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025 “Chuyển đổi xanh bền vững, lấy con người làm trung tâm” vừa kịp thời vừa hướng tới tương lai.

Chủ đề này nêu bật một chân lý cơ bản làm nền tảng cho mọi nỗ lực về khí hậu toàn cầu rằng, các quá trình chuyển đổi xanh thành công không chỉ là giảm phát thải hoặc chuyển đổi nền kinh tế mà còn phải đặt phúc lợi con người, công lý xã hội và tính toàn diện vào cốt lõi.

"Tại Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025, tôi tin rằng chủ đề của Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho tất cả chúng ta suy ngẫm rằng, tham vọng về khí hậu của chúng ta sẽ chỉ thực sự đạt được nếu nó thúc đẩy phẩm giá con người cùng với sức khỏe của hành tinh." (Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar)

Điều tôi đặc biệt ấn tượng về chủ đề này là sự nhấn mạnh vào việc lấy con người làm trung tâm. Cụm từ đơn giản đó nhưng lại thách thức chúng ta phải suy nghĩ nhiều hơn về công bằng, công lý và phát triển toàn diện - những câu hỏi mà chúng tôi ở châu Âu đã phải đối mặt trong hành trình khí hậu của mình và chúng ta vẫn đang vật lộn với chúng cho đến ngày nay.

Hà Lan đồng cảm sâu sắc với chủ đề này thông qua cách chúng tôi chuyển đổi tham vọng tăng trưởng xanh của mình thành các chính sách và hành động dựa trên sự hợp tác trên mọi lĩnh vực – điều mà chúng tôi gọi là phương pháp tiếp cận Kim cương Hà Lan. Đó là việc tập hợp chính phủ, doanh nghiệp, tổ chức xã hội và cộng đồng trí thức để cùng nhau định hình các giải pháp.

Bằng cách lắng nghe mọi tiếng nói và cân bằng lợi ích của từng bên liên quan, chúng ta có thể giải quyết các thách thức và bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi quan trọng này. Điều này không phải lúc nào cũng dễ dàng, nhưng đây là mô hình hiệu quả và phù hợp chặt chẽ với tinh thần của Hội nghị thượng đỉnh năm nay và công việc của P4G nói chung.

Tôi cũng thấy chủ đề này liên hệ chặt chẽ với quan điểm của Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân trong việc định hình tương lai của nền kinh tế Việt Nam. Việc công nhận vai trò quan trọng của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) trong cơ cấu nền kinh tế và rằng khu vực kinh tế tư nhân phải được phát triển trên nền tảng bền vững, với các hoạt động kinh doanh có đạo đức và trách nhiệm xã hội hoàn toàn phù hợp với các giá trị được đưa vào chủ đề của Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025. Điều này đòi hỏi đầu tư vào lực lượng lao động xanh, bảo đảm rằng mọi người có các kỹ năng, đào tạo và cơ hội để tích cực tham gia và hưởng lợi từ quá trình chuyển đổi xanh.

Tại Hội nghị thượng đỉnh P4G 2025, tôi tin rằng chủ đề của Việt Nam sẽ tạo cơ hội cho tất cả chúng ta suy ngẫm rằng, tham vọng về khí hậu của chúng ta sẽ chỉ thực sự đạt được nếu nó thúc đẩy phẩm giá con người cùng với sức khỏe của hành tinh. Hà Lan sẵn sàng trở thành một phần của cuộc trò chuyện đó và một phần của giải pháp với kinh nghiệm, chuyên môn và tầm nhìn chung của hai nước chúng ta.

Diễn đàn doanh nghiệp "Việt Nam - Hà Lan tìm kiếm giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long" tại Cần Thơ, ngày 27/11/2024. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Diễn đàn doanh nghiệp "Việt Nam - Hà Lan tìm kiếm giải pháp thực tiễn cho nuôi trồng thủy sản bền vững ở Đồng bằng sông Cửu Long" tại Cần Thơ, ngày 27/11/2024. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Đại sứ có thể nêu một số thành tựu nổi bật của hợp tác Việt Nam-Hà Lan trong quá trình chuyển đổi xanh?

Cam kết của Hà Lan trong việc hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam rất mạnh mẽ và ổn định trong nhiều thập kỷ qua. Trong những năm qua, chúng ta đã chứng kiến sự tham gia tích cực từ các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội và các sáng kiến cộng đồng của Hà Lan trên nhiều lĩnh vực. Cách tiếp cận chiến lược dài hạn của hai nước dựa trên quan hệ đối tác học hỏi lẫn nhau và mục tiêu chung về tăng trưởng toàn diện và bền vững.

Một trong những ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là hỗ trợ Việt Nam hội nhập thương mại quốc tế. Ví dụ thông qua chương trình Ready2Export, Hà Lan đã cung cấp chương trình đào tạo thực hành giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, dệt may và sản xuất, thích ứng với các chính sách lớn của Liên minh châu Âu (EU), chẳng hạn như Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), Chỉ thị thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD) và Quy định chống phá rừng của EU (EUDR).

Trong nông nghiệp, hai nước hợp tác chặt chẽ với nhau chuẩn bị cho hàng xuất khẩu nông sản của Việt Nam, đặc biệt là cà phê tuân thủ theo EUDR, khi mà Hà Lan là bên liên quan chính của EU trong lĩnh vực này.

Một thành tựu nổi bật khác là sự hợp tác thúc đẩy phát triển nuôi trồng thủy sản bền vững tại Đồng bằng sông Cửu Long thông qua cách tiếp cận tích hợp toàn diện: cải thiện phương pháp canh tác, tăng cường chuỗi giá trị, quản lý tài nguyên nước và áp dụng giải pháp dựa trên thiên nhiên. Tại khu vực này, hai nước cũng hợp tác trong quản lý nước ngầm và nhiễm mặn, những vấn đề rất quan trọng đối với khả năng tồn tại lâu dài của đồng bằng. Hai nước đang kết hợp chuyên môn của Hà Lan trong quản lý tài nguyên nước tích hợp với kiến thức địa phương của Việt Nam để giảm sụt lún và xâm nhập mặn.

Chúng tôi cũng hợp tác về bảo vệ bờ biển, một lĩnh vực mà Hà Lan có nhiều thập kỷ kinh nghiệm trong việc đưa ra các giải pháp “thuận thiên” và kết hợp để bảo vệ bờ biển dễ bị tổn thương. Cả hai quốc gia cũng đang ngày càng quan tâm đến việc tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với biến đổi khí hậu của đô thị, cụ thể là các thành phố đang phát triển nhanh chóng như Thành phố Hồ Chí Minh, thông qua quy hoạch cơ sở hạ tầng thông minh và thiết kế thích ứng.

Trong quản lý nước thải, công nghệ nước của Hà Lan đang được áp dụng để cải thiện hệ thống xử lý nước thải, giảm tác động môi trường và thu hồi các nguồn tài nguyên có giá trị. Những cải tiến này không chỉ cải thiện chất lượng nước mà còn góp phần vào các mục tiêu kinh tế tuần hoàn ở các khu vực đô thị và công nghiệp.

Điều đáng nói là cách hai nước xây dựng quan hệ đối tác công - tư, kết hợp với trao đổi kiến thức và đào tạo nghề, cùng nhau tạo ra tác động trên thực tế và giá trị thực sự cho cộng đồng địa phương.

Đây không chỉ là ví dụ về hợp tác song phương tốt đẹp, mà còn là bằng chứng cho thấy Việt Nam và Hà Lan có thể đạt được nhiều kết quả khi cùng nhau làm việc với tầm nhìn rõ ràng, lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh. Và tôi thực sự mong thấy nhiều kết quả hữu hình hơn nữa từ sự hợp tác của chúng ta trong thời gian tới.

Đặc phái viên về nước của Hà Lan Meike van Ginneken trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 11/2024. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Đặc phái viên về nước của Hà Lan Meike van Ginneken trong chuyến thăm Việt Nam, tháng 11/2024. (Nguồn: ĐSQ Hà Lan tại Việt Nam)

Là quốc gia đồng sáng lập và hoạt động tích cực trong P4G, Hà Lan là quốc gia tiên phong trong ứng phó với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh bền vững. Đại sứ có thể chia sẻ các chính sách và kinh nghiệm thực tiễn của Hà Lan trong việc thúc đẩy giảm thiểu biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo với các phương pháp tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm?

Hà Lan từ lâu đã được công nhận trên toàn cầu về vai trò lãnh đạo trong việc thúc đẩy các chiến lược khí hậu dài hạn, tập trung vào giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu. Những đóng góp chiến lược và vai trò lãnh đạo của chúng tôi về hành động vì khí hậu và phát triển bền vững đã củng cố mạng lưới P4G trên toàn thế giới thông qua việc tạo điều kiện chia sẻ kiến thức chuyên môn của khu vực công - tư Hà Lan tại các nước đang phát triển.

Cam kết về các giải pháp xanh của Hà Lan trong khuôn khổ P4G được thể hiện qua các đóng góp tại nhiều quốc gia và khu vực khác nhau trên nhiều lĩnh vực. Ví dụ, tại ASEAN, từ năm 2018-2022, trọng tâm của P4G là các dự án kinh tế tuần hoàn, Hà Lan đã hỗ trợ Indonesia với hai dự án "Nhựa trong vòng tròn": "Thu thập thông minh rác thải nhựa" và "Tái chế 2 giá trị", cung cấp dịch vụ quản lý chất thải tích hợp và tái chế nhựa.

Tại châu Phi, một dự án có tên SokoLink tại Kenya kết nối những người nông dân trồng bơ Kenya với các thị trường quốc tế thông qua công ty xây dựng liên doanh Enviu của Hà Lan, cung cấp đào tạo về canh tác bền vững và triển khai các hệ thống truy xuất nguồn gốc kỹ thuật số giúp định giá cao. Những người nông dân đã tăng 45-60% thu nhập khi áp dụng các biện pháp thông minh về khí hậu giúp giảm tác động đến môi trường.

Các quan hệ đối tác này minh họa cho cách tiếp cận của P4G trong việc tạo ra các giải pháp dựa trên thị trường, đồng thời thúc đẩy các mục tiêu về khí hậu và phát triển kinh tế bằng cách liên kết các ưu đãi tài chính với các kết quả về môi trường. Các sáng kiến này có liên quan trực tiếp đến những thách thức hiện tại của Việt Nam, đặc biệt là trong nông nghiệp bền vững và tiếp cận năng lượng sạch.

Một trong những thông lệ tốt nhất hiệu quả nhất của Hà Lan trong ngoại giao khí hậu, có liên quan đặc biệt đến Việt Nam, nằm ở cam kết đối với các quan hệ đối tác dài hạn kết hợp chuyên môn kỹ thuật, hỗ trợ chính sách và quản trị toàn diện. Qua đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc điều chỉnh hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Hà Lan theo nhu cầu của các quốc gia đối tác với sự hợp tác song phương bền vững và các nền tảng đa phương liên quan.

Tại Việt Nam, các chiến lược quản lý tài nguyên nước và bảo vệ vùng ven biển phản ánh chuyên môn của Hà Lan trong quản lý đồng bằng thích ứng, đồng thời đảm bảo rằng các cộng đồng địa phương, bao gồm phụ nữ và các nhóm dễ bị tổn thương, tích cực tham gia vào quá trình lập kế hoạch và thực hiện.

Bằng cách lồng ghép hành động ứng phó với biến đổi khí hậu vào phát triển bền vững và điều chỉnh hành động này phù hợp với tham vọng của Việt Nam về năng lượng tái tạo và khả năng phục hồi khí hậu, Hà Lan thúc đẩy một mô hình mà trong đó các nỗ lực giảm thiểu và thích ứng song hành với các phương pháp tiếp cận toàn diện, lấy con người làm trung tâm.

Với việc Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị P4G, tôi tin tưởng mạnh mẽ rằng chúng ta có nhiều tiềm năng để thiết lập các quan hệ đối tác mới dựa trên chuyên môn của cả hai nước. Các quan hệ đối tác này có thể tận dụng các giải pháp của khu vực tư nhân và chia sẻ kiến thức để giải quyết các ưu tiên cụ thể về môi trường và kinh tế của Việt Nam.

Phương pháp tiếp cận lấy con người làm trung tâm, bao gồm sự tham gia của chính quyền địa phương, các chuyên gia và cộng đồng, không chỉ nâng cao quyền tiếp cận và tính bền vững mà còn giúp Việt Nam vượt qua những thách thức phức tạp trong giảm thiểu biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo và khả năng phục hồi đô thị, đặc biệt là ở các vùng đồng bằng dễ bị tổn thương.

Xin cảm ơn Đại sứ!

"Đây không chỉ là ví dụ về hợp tác song phương tốt đẹp, mà còn là bằng chứng cho thấy Việt Nam và Hà Lan có thể đạt được nhiều kết quả khi cùng nhau làm việc với tầm nhìn rõ ràng, lấy con người làm trung tâm trong quá trình chuyển đổi xanh. Và tôi thực sự mong thấy nhiều kết quả hữu hình hơn nữa từ sự hợp tác của chúng ta trong thời gian tới." (Đại sứ Hà Lan tại Việt Nam Kees van Baar)

(thực hiện)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-kees-van-baar-viet-nam-va-ha-lan-bien-muc-tieu-chung-thanh-hanh-dong-cung-tang-truong-xanh-ben-vung-311176.html
Zalo