Đại sứ Kazakhstan: Kỳ vọng nâng tầm quan hệ song phương qua chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh cho biết, chuyến thăm cấp Nhà nước tới Kazakhstan của Tổng Bí thư Tô Lâm là một sự kiện được kỳ vọng sẽ nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.

Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, ngày 16/7/2024.

Chủ tịch nước Tô Lâm tiếp Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh, ngày 16/7/2024.

Nhân dịp Tổng Bí thư Tô Lâm và Phu nhân cùng đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sắp thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Kazakhstan, Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh đã chia sẻ với báo chí ý nghĩa quan trọng của chuyến thăm cũng như kỳ vọng về hợp tác song phương.

Cột mốc mới

Đề cập chuyến thăm lịch sử tới Việt Nam của Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev cách đây hai năm, Đại sứ Kanat Tumysh cho biết chuyến thăm sắp tới của Tổng Bí thư Tô Lâm là một sự kiện được kỳ vọng sẽ nâng quan hệ song phương lên tầm cao mới.

"Năm nay cũng là dịp kỷ niệm 66 năm chuyến thăm Kazakhstan của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1959-2025), 33 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1992-2025) và chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ đánh dấu cột mốc mới trong quan hệ song phương", Đại sứ Kanat Tumysh nhấn mạnh.

Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh hai nước đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong thời gian qua.

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh. (Ảnh: Thu Trang)

Đại sứ Kazakhstan tại Việt Nam Kanat Tumysh. (Ảnh: Thu Trang)

Hợp tác liên chính phủ giữa hai nước cũng có bước phát triển vượt bậc. Từ năm 2024, cơ chế hợp tác được nâng từ cấp Thứ trưởng lên cấp Bộ trưởng. Vào tháng 5/2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Thương mại Kazakhstan Arman Shakkaliyev đã đồng chủ trì Khóa họp lần thứ 11 Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Kazakhstan về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học – kỹ thuật. Tháng 3/2025, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đã cùng Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan A. Bakayev chủ trì Tham vấn chính trị.

Ngày 25/5/2024, hiệp định miễn thị thực cho công dân mang hộ chiếu phổ thông chính thức có hiệu lực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch, giao thông vận tải và logistics. Tháng 4/2025, hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù (ký năm 2023) cũng đã có hiệu lực.

Cùng với đó, hợp tác địa phương cũng được thúc đẩy mạnh mẽ với nhiều đoàn đại biểu địa phương trao đổi và ký kết thỏa thuận hợp tác. Các hãng hàng không hai nước đã mở đường bay và tăng cường tần suất chuyến bay tới các thành phố của nhau.

Thương mại song phương tăng trưởng mạnh với kim ngạch năm 2024 đạt gần 1 tỷ USD – mức cao nhất từ trước đến nay. Hoạt động đầu tư diễn ra sôi nổi từ cả hai phía. Trong khi doanh nghiệp Kazakhstan có nhiều dự án thành công tại Việt Nam, thì doanh nghiệp Việt Nam cũng đầu tư mạnh vào thành phố Almaty trong lĩnh vực du lịch, nhà hàng, khách sạn. Hiện nay hai nước cũng đang xúc tiến hợp tác trong lĩnh vực xuất khẩu kỹ thuật quốc phòng.

"Những thành quả hợp tác này có được nhờ mối quan hệ hữu nghị truyền thống, sự gắn kết và đối thoại hiệu quả giữa lãnh đạo hai nước, cùng với chính sách đối ngoại mềm dẻo, trách nhiệm và đa phương của cả Việt Nam và Kazakhstan", Đại sứ Kanat Tumysh khẳng định.

Theo ông, tình hình biến động hiện nay, bao gồm những thách thức từ rào cản thương mại và thiên tai ở cả hai nước (các cơn bão lũ tại Việt Nam hay lũ lụt nghiêm trọng tại Kazakhstan), khiến việc phát triển kinh tế trở nên phức tạp hơn. Trong bối cảnh đó, các thỏa thuận và văn kiện sẽ được ký kết giữa hai nước trong chuyến thăm của Tổng Bí Thư Tô Lâm có ý nghĩa đặc biệt, tạo động lực mới cho hợp tác song phương.

"Trong tình hình thế giới đầy biến động, chúng tôi luôn tự hỏi: Cần làm gì để ứng phó hiệu quả? Nhìn lại lịch sử và những bài học của các nhà lãnh đạo tiền bối, tôi càng tin tưởng rằng nghịch cảnh là phép thử của sức chịu đựng và ý chí con người. Việt Nam và Kazakhstan cần tận dụng những giai đoạn thử thách này để thể hiện sức mạnh nội tại, tinh thần bền bỉ và quyết tâm vươn lên", nhà ngoại giao Kazakhstan nói.

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan A. Bakayev chủ trì Tham vấn chính trị, ngày 3/3. (Ảnh: Bảo Chi)

Thứ trưởng Lê Thị Thu Hằng cùng Thứ trưởng Ngoại giao Kazakhstan A. Bakayev chủ trì Tham vấn chính trị, ngày 3/3. (Ảnh: Bảo Chi)

Thời kỳ vàng

Theo Đại sứ Kanat Tumysh, trải qua hơn ba thập kỷ được hai bên không ngừng vun đắp, quan hệ Việt Nam-Kazakhstan đang bước vào giai đoạn phát triển mới, có thể nói là “thời kỳ vàng” với tiềm năng mở rộng hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, ông đặc biệt nhấn mạnh đến các lĩnh vực logistics, giao thông vận tải, quốc phòng và du lịch.

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, nhà ngoại giao Kazakhstan cho rằng Việt Nam có thể kết nối dự án đường sắt Hải Phòng – Hà Nội – Lào Cai với tuyến đường sắt Côn Minh (Trung Quốc), Almaty (Kazakhstan), rồi đến cảng biển lớn nhất Kazakhstan – Aktau, sau đó nối tiếp đến Baku (Azerbaijan), kéo dài đến Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) và từ đó kết nối với mạng lưới đường sắt khắp châu Âu.

Trong bối cảnh thế giới có thể tiếp tục đối mặt với nhiều rào cản thuế quan, tuyến vận tải đường sắt kết nối Á-Âu, có tên gọi là "hành lang giữa", sẽ là giải pháp kết nối đầy tiềm năng với Việt Nam. Đồng thời, Kazakhstan cũng sẵn sàng cấp diện tích đất từ 100–200 ha để xây dựng các trung tâm logistics phục vụ cho mở rộng việc trung chuyển hàng hóa.

Về năng lượng, Kazakhstan đã tổ chức trưng cầu dân ý về việc xây dựng các nhà máy điện hạt nhân. Hiện nay, nước này cũng đang hợp tác với các đối tác như Pháp, Hàn Quốc và Trung Quốc để khởi động các dự án mới. Kazakhstan có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực điện hạt nhân và rất quan tâm đến việc hợp tác với Việt Nam, nhất là khi Việt Nam đang cân nhắc tái khởi động chương trình điện hạt nhân quốc gia.

Về quốc phòng, Kazakhstan sở hữu nhiều doanh nghiệp sản xuất thiết bị quân sự từ thời Liên Xô cũ, với nhiều sản phẩm tương thích với các tiêu chuẩn mà Việt Nam từng sử dụng. Vì vậy, Kazakhstan có thể cung cấp các thiết bị quốc phòng chất lượng cao và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Về du lịch, Việt Nam có khí hậu ấm áp, bờ biển dài và ngành dịch vụ phát triển, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn. Trong khi đó, Kazakhstan cũng có thế mạnh về du lịch mùa Đông với các khu trượt tuyết nổi tiếng ở tỉnh Almaty.

Mỗi mùa du lịch, có đến hàng trăm nghìn lượt du khách Kazakhstan tới Việt Nam, đưa quốc gia Trung Á này trở thành nguồn khách du lịch lớn thứ ba tại các điểm đến như Phú Quốc, Nha Trang và Đà Nẵng.

Bên cạnh đó, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực như nông nghiệp, địa phương, thể thao, văn hóa...

Với tiềm năng rộng mở và thời cơ chín muồi, Đại sứ Kanat Tumysh bày tỏ kỳ vọng chuyến thăm của Tổng Bí thư Tô Lâm sẽ tạo điều kiện để lãnh đạo các cấp hai nước gặp gỡ, trao đổi và mở rộng hợp tác trong các lĩnh vực chiến lược này.

Kazakhstan có thế mạnh về du lịch mùa đông với các khu trượt tuyết nổi tiếng ở tỉnh Almaty. (Nguồn: Astana Times)

Kazakhstan có thế mạnh về du lịch mùa đông với các khu trượt tuyết nổi tiếng ở tỉnh Almaty. (Nguồn: Astana Times)

Thu Trang

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-kazakhstan-ky-vong-nang-tam-quan-he-song-phuong-qua-chuyen-tham-cua-tong-bi-thu-to-lam-313039.html
Zalo