Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi: UNCLOS 1982 - 'mỏ neo' vô giá để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông

Thông qua việc sớm phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam đã nâng cao vị thế quốc tế của mình để góp phần củng cố hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa tất cả các quốc gia trên biển và đại dương.

UNCLOS rất phù hợp và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quản trị biển toàn cầu, trong đó có Biển Đông. (Nguồn: IILSS)

UNCLOS rất phù hợp và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quản trị biển toàn cầu, trong đó có Biển Đông. (Nguồn: IILSS)

Trả lời phỏng vấn độc quyền Báo Thế giới và Việt Nam, Đại sứ Indonesia Denny Abdi nhớ lại những nỗ lực của quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới đối với việc xây dựng Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982. Khẳng định giá trị to lớn của UNCLOS trong việc quản trị biển và đại dương, Đại sứ đồng thời đề cập khuôn khổ pháp lý toàn diện của Công ước, vốn được coi là "mỏ neo" quan trọng, để thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Xin Đại sứ bình luận về tầm quan trọng và vai trò của UNCLOS trong 3 thập niên qua?

Là quốc gia quần đảo lớn nhất thế giới, với hơn 17.400 hòn đảo, Indonesia dựa rất nhiều vào UNCLOS, coi đây như một tài liệu tham khảo pháp lý để quản lý nhiều khía cạnh của đại dương như ranh giới trên biển và quản lý tài nguyên biển. Việc đưa các điều khoản và nguyên tắc quản lý các quốc gia quần đảo vào UNCLOS được coi là một trong những thành công ngoại giao lớn nhất của Indonesia. Công ước giúp Indonesia xác lập chủ quyền đối với vùng biển quần đảo và thiết lập đường cơ sở quần đảo.

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi. (Nguồn: VGP News)

Đại sứ Indonesia tại Việt Nam Denny Abdi. (Nguồn: VGP News)

UNCLOS có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền, quyền tài phán của các quốc gia trên biển, thúc đẩy việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và tạo điều kiện cho hợp tác biển. Vai trò này đạt được thông qua sự cân bằng tinh tế do UNCLOS tạo ra, giúp hài hòa lợi ích của các quốc gia ven biển với lợi ích của cộng đồng quốc tế.

Sau ba thập niên, UNCLOS vẫn rất phù hợp và đóng vai trò quan trọng trong việc định hình quản trị biển toàn cầu. Bằng cách thiết lập một khuôn khổ pháp lý toàn diện, UNCLOS tạo điều kiện cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, sử dụng bền vững nghề cá và tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an ninh và an toàn hàng hải. Cách tiếp cận toàn diện này đảm bảo rằng UNCLOS vẫn có thể áp dụng cho nhiều vấn đề trên biển.

Công ước cũng đã chứng minh được tính thích ứng trong việc giải quyết các thách thức trên biển mới nổi và làm cơ sở cho các thỏa thuận mới. Ví dụ mới nhất là Thỏa thuận Đa dạng sinh học nằm ngoài phạm vi quyền tài phán quốc gia (BBNJ) năm 2023, góp phần tăng cường khuôn khổ UNCLOS, thúc đẩy việc sử dụng bền vững và bảo tồn đa dạng sinh học biển ở các khu vực nằm ngoài quyền tài phán quốc gia.

UNCLOS tạo điều kiện cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, sử dụng bền vững nghề cá và tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an ninh và an toàn hàng hải. (Ảnh: Anh Tuấn/un.org)

UNCLOS tạo điều kiện cho việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, sử dụng bền vững nghề cá và tài nguyên biển, bảo vệ môi trường biển, bảo vệ an ninh và an toàn hàng hải. (Ảnh: Anh Tuấn/un.org)

Đại sứ đánh giá như thế nào về những nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy thực hiện và xây dựng UNCLOS, đặc biệt khi chúng ta đang phải đối mặt với nhiều thách thức mới liên quan đến biển?

Việc Việt Nam sớm phê chuẩn UNCLOS vào tháng 7/1994 cho thấy cam kết của Việt Nam đối với trật tự pháp lý quốc tế cũng như việc sử dụng hòa bình các vùng biển và đại dương. Thông qua việc sớm phê chuẩn UNCLOS, Việt Nam đã nâng cao vị thế quốc tế của mình để góp phần củng cố hòa bình, an ninh, hợp tác và quan hệ hữu nghị giữa tất cả các quốc gia trên biển và đại dương.

Kể từ đó, Việt Nam luôn kiên định ủng hộ UNCLOS; ủng hộ giải quyết hòa bình các tranh chấp biển; thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định, an toàn và tự do hàng hải, tham gia vào các nỗ lực chung hướng tới việc sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển.

Cam kết của Việt Nam đối với UNCLOS là điều cần thiết trong bối cảnh căng thẳng đang diễn ra ở Biển Đông, nơi việc tuân thủ UNCLOS có tầm quan trọng trong việc giảm căng thẳng, xây dựng lòng tin lẫn nhau và mở đường cho giải pháp hòa bình cho các tranh chấp phù hợp với UNCLOS.

Sự tham gia tích cực của Việt Nam tại Hội nghị các quốc gia thành viên UNCLOS và Hội nghị Đại dương của Liên hợp quốc (LHQ) đã góp phần vào những nỗ lực chung trong việc giải quyết các thách thức trên biển mới nổi như rác thải nhựa trên biển, biến đổi khí hậu, sử dụng bền vững đa dạng sinh học biển và nghề cá bền vững.

Về quá trình xây dựng Luật biển quốc tế, tháng 10/2022, Việt Nam cùng các nước có cùng quan điểm đã đưa ra sáng kiến tìm kiếm ý kiến tư vấn của Tòa án Công lý quốc tế (ICJ) về nghĩa vụ của các quốc gia liên quan đến biến đổi khí hậu.

Năm 2023, Việt Nam cũng tham gia vào thủ tục ý kiến tư vấn của Tòa án quốc tế về Luật biển (ITLOS) liên quan đến nghĩa vụ của các quốc gia đối với biến đổi khí hậu. Thủ tục ý kiến tư vấn được khởi xướng bởi Ủy ban các quốc đảo nhỏ về biến đổi khí hậu và luật pháp quốc tế (COSIS). Bằng cách tham gia vào các quá trình thủ tục ý kiến này, Việt Nam đã chứng minh sự ủng hộ của mình đối với ITLOS và vai trò chủ động trong bảo vệ môi trường biển.

Trong Ý kiến tư vấn vào tháng 5/2024, ITLOS khẳng định rằng, các quốc gia có nghĩa vụ tuân theo UNCLOS trong việc ngăn ngừa, giảm thiểu và kiểm soát ô nhiễm môi trường biển do khí thải nhà kính. Ý kiến tư vấn của ITLOS đã đóng góp vào quá trình xây dựng Luật biển bằng cách giải quyết các câu hỏi pháp lý liên quan đến nghĩa vụ của các quốc gia trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ, bảo tồn môi trường biển.

Hơn nữa, sự tham gia của Việt Nam vào Hiệp định BBNJ cũng nhấn mạnh nỗ lực của Việt Nam trong việc thúc đẩy sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên biển và bảo vệ đa dạng sinh học biển. Việt Nam đã tham gia vào quá trình đàm phán BBNJ từ năm 2004, ký Hiệp định vào ngày 20/9/2023 và đang chuẩn bị phê duyệt.

Thông qua những nỗ lực này, Việt Nam đóng góp tích cực vào mục tiêu rộng lớn hơn là phát triển Luật biển và sử dụng bền vững, hòa bình các vùng biển và đại dương.

Đại sứ nhận định như thế nào về các nỗ lực hợp tác của Việt Nam và Indonesia trong việc tuân thủ UNCLOS?

Indonesia và Việt Nam đã tham gia vào nhiều nỗ lực hợp tác khác nhau để thực hiện UNCLOS và thúc đẩy hòa bình, an ninh, an toàn và hợp tác biển trong khu vực. Về phân định ranh giới biển, cả hai nước đã đạt được thỏa thuận phân định thềm lục địa vào năm 2003 và Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) vào năm 2022.

Thông qua hai thỏa thuận, hai nước đã thiết lập ranh giới biển rõ ràng cho thềm lục địa và EEZ. Thỏa thuận EEZ năm 2022 đánh dấu một cột mốc quan trọng không chỉ đối với hai nước mà còn đối với cả khu vực. Thỏa thuận phản ánh nỗ lực của hai nước trong việc giải quyết phân định biển một cách hòa bình theo luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Trong khu vực, việc ký kết thỏa thuận sẽ là minh chứng về việc tạo ra một môi trường thuận lợi và phát triển kinh tế biển bền vững. Cả hai nước có thể hợp tác để xây dựng ngành chế biến thủy sản dựa trên các hoạt động đánh bắt bền vững.

Để thực hiện sâu hơn các điều khoản của UNCLOS trong lĩnh vực an ninh và an toàn hàng hải, Indonesia và Việt Nam đang tích cực tham gia vào nhiều sáng kiến và thỏa thuận khác nhau nhằm tăng cường hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải.

Vào tháng 12/2021, Cơ quan An ninh Hàng hải Indonesia (Bakamla) và Cảnh sát biển Việt Nam đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) nhằm tăng cường hợp tác về an ninh và an toàn hàng hải. Ngoài ra, Cảnh sát biển và Hải quân của cả hai nước cũng thường xuyên tiến hành các cuộc tập trận chung để tăng cường năng lực an ninh hàng hải và thực thi pháp luật, góp phần duy trì an ninh, an toàn và ổn định trên biển trong khu vực.

Các đại biểu tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (SOM DOC) tháng 3/2023. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Các đại biểu tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN-Trung Quốc lần thứ 20 về thực hiện Tuyên bố ứng xử của các bên tại Biển Đông (SOM DOC) tháng 3/2023. (Nguồn: Bộ Ngoại giao Việt Nam)

Theo Đại sứ, UNCLOS có vai trò như thế nào trong việc thúc đẩy hòa bình, ổn định ở Biển Đông?

UNCLOS đặt ra khuôn khổ pháp lý trong đó mọi hoạt động trên biển và đại dương cần phải tuân thủ. Để đạt được mục tiêu này, UNCLOS đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông bằng cách cung cấp khuôn khổ pháp lý toàn diện, làm rõ các quyền và lợi ích trên biển, thiết lập các cơ chế giải quyết tranh chấp và hướng dẫn việc quản lý các vấn đề trên biển giữa các quốc gia.

Về các vùng biển, UNCLOS điều chỉnh liên quan chiều rộng của lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, EEZ và thềm lục địa. Công ước vô hiệu hóa mọi yêu sách không tuân thủ các chế định vùng biển do Công ước thiết lập. Thông qua việc thiết lập các vùng biển rõ ràng, UNCLOS tạo ra các quy tắc cho các quốc gia trong việc đàm phán và giải quyết phân định biển dựa trên luật pháp quốc tế.

Phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sử dụng hòa bình các vùng biển và đại dương như đã nêu trong Lời nói đầu của UNCLOS, các quốc gia có nghĩa vụ duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác, quan hệ hữu nghị và giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Nghĩa vụ tương tự cũng được đưa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002.

Phù hợp với mục tiêu thúc đẩy sử dụng hòa bình các vùng biển và đại dương như đã nêu trong Lời nói đầu của UNCLOS, các quốc gia có nghĩa vụ duy trì hòa bình, an ninh, hợp tác, quan hệ hữu nghị và giải quyết mọi tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình. Nghĩa vụ tương tự cũng được đưa vào Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) năm 2002, đóng vai trò là cơ sở để ASEAN và Trung Quốc giải quyết các bất đồng theo cách xây dựng và ngăn ngừa leo thang căng thẳng.

Bằng cách tuân thủ UNCLOS, các quốc gia cam kết duy trì luật pháp và chuẩn mực quốc tế trong mọi hoạt động trên biển. Sự tuân thủ này là điều cần thiết để duy trì trật tự và khả năng dự đoán trong khu vực, đảm bảo rằng tất cả các quốc gia, bất kể nước lớn hay nước nhỏ, đều phải tuân theo cùng một bộ quy tắc, giảm nguy cơ tính toán sai lầm và xung đột trên biển.

UNCLOS cũng tạo điều kiện giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp pháp lý và hòa bình. Sự hiện diện của các cơ chế giải quyết tranh chấp theo UNCLOS, chẳng hạn như Tòa án quốc tế về Luật biển và trọng tài cung cấp giải pháp pháp lý cho các quốc gia giải quyết tranh chấp biển của họ một cách hòa bình.

Trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Hà Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dai-su-indonesia-tai-viet-nam-denny-abdi-unclos-1982-mo-neo-vo-gia-de-thuc-day-hoa-binh-on-dinh-o-bien-dong-298880.html
Zalo