Đại sứ Dương Chính Chức: Đến Angola… tôi mang theo một niềm tin và tinh thần phụng sự!
Chỉ vài ngày trước khi lên đường bắt đầu nhiệm kỳ công tác mới, Đại sứ Việt Nam được bổ nhiệm tại Angola Dương Chính Chức đã chia sẻ về hành trang ông mang theo tới mảnh đất Phi châu đầy nắng gió.
Thưa Đại sứ, mọi người trong Bộ Ngoại giao hay nhắc đến ông với ấn tượng về một chuyên gia tiếng Hàn Quốc, chuyên gia về Triều Tiên… Với nhiệm vụ mới được giao, có lẽ là điều gì đó mới mẻ với Đại sứ?
Angola nói riêng và châu Phi nói chung là mảnh đất mới đối với tôi. Khi được tiến cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại nước Cộng hòa Angola đồng thời kiêm nhiệm 6 nước khác tại châu Phi, tôi vừa vui vừa lo. Vui vì mình lại có thêm cơ hội để khám phá những vùng đất mới, có thêm nhiều bạn mới, có thêm cơ hội để hoàn thiện năng lực của bản thân.
Nhưng cảm thấy lo nhiều hơn. Tôi lo rằng với kiến thức còn ít ỏi của mình, liệu tôi có thể hoàn thành vai trò và nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó tại mảnh đất Angola nói riêng và châu Phi nói chung này không! Có quá nhiều thứ mới mẻ, lạ lẫm đang chờ đón.
Tuy vậy, tôi rất háo hức và tự tin rằng mình sẽ hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Với Đại sứ, vùng đất mới đó có điều gì ấn tượng nhất cho tới thời điểm này?
Angola tuy xa xôi nhưng là đất nước năng động, nhiều tiềm năng phát triển, đa dạng về văn hóa, có vị trí địa chính trị quan trọng, được Việt Nam và nhiều đối tác, kể cả các đối tác lớn, hết sức coi trọng.
Việt Nam và Angola thiết lập quan hệ từ ngày 12/11/1975, chỉ một ngày sau khi thành lập nước Cộng hòa Angola. Quan hệ hai nước đã được thúc đẩy mạnh mẽ và trở thành bạn bè truyền thống, tin cậy của nhau, luôn dành cho nhau sự ủng hộ chân thành về nhiều mặt.
Angola cũng là nơi có rất nhiều đồng bào Việt Nam đang sinh sống, làm việc. Họ chính là cầu nối gắn kết hữu nghị giữa hai nước từ nhiều năm qua.
Tôi cho rằng, đó chính là những thuận lợi rất lớn giúp tôi hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian tới.
Quan hệ giữa Việt Nam với Angola trong thời gian qua phát triển như thế nào, lĩnh vực hợp tác nào là điểm nhấn trong hợp tác song phương, thưa Đại sứ?
Thời gian qua, quan hệ hữu nghị truyền thống và hợp tác giữa hai nước không ngừng được thúc đẩy về nhiều mặt, kể cả trên các kênh Đảng, Nhà nước, Nghị viện và giao lưu nhân dân.
Trao đổi đoàn là điểm sáng về hợp tác. Vừa qua, sau một thời gian gián đoạn do dịch Covid-19, hoạt động trao đổi đoàn đã được hai bên nối lại, tiêu biểu là chuyến thăm Angola của đoàn đại biểu Đảng ta do đồng chí Phó Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương dẫn đầu vào tháng 10/2022 và chuyến thăm Việt Nam kết hợp dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam-Angola của Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Angola vào tháng 11/2022. Chúng tôi tin công tác giao lưu đoàn các cấp, các ban, bộ, ngành và địa phương hai nước sẽ nhộn nhịp vào thời gian tới.
Hợp tác kinh tế thương mại, đầu tư, giáo dục, y tế, văn hóa, giao lưu nhân dân tuy có chuyển biến tích cực nhưng vẫn còn gặp nhiều khó khăn cần thêm thời gian để phục hồi.
Hiện nay, các cơ quan liên quan của hai nước đang tích cực chuẩn bị tổ chức Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban Liên chính phủ Việt Nam-Angola dự kiến diễn ra tại Angola vào quý III/2023. Đây là hoạt động có ý nghĩa quan trọng vì hai bên sẽ rà soát tình hình hợp tác thời gian qua cũng như đề xuất những biện pháp mới tới Chính phủ hai nước nhằm nâng cao hiệu quả và đưa việc hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từng dùng câu "Mang chuông đi đánh xứ người” để nói về nhiệm vụ của người làm công tác đối ngoại. Vậy, ở vùng đất Phi châu xa xôi ấy, với “hành trang” là quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước, Đại sứ ấp ủ điều gì trong nhiệm kỳ công tác của mình?
Tuy có nhiều lĩnh vực có thể thúc đẩy mạnh và hiệu quả hơn thời gian tới nhưng xét những khó khăn khách quan, chủ quan, nhất là khoảng cách xa xôi, khác biệt cơ chế hai nước, chúng ta cần đề ra trọng tâm, ưu tiên thúc đẩy.
"Tôi và các Trưởng Cơ quan đại diện đều tự tin rằng chúng tôi đã có đủ hành trang để lên đường thực hiện nhiệm vụ vì chúng tôi đã được trang bị toàn diện về tư tưởng, kiến thức và kỹ năng".
Chúng tôi sẽ tập trung thực hiện nhiệm vụ ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, coi phục vụ doanh nghiệp, địa phương là trong tâm.
Bên cạnh việc tiếp tục thúc đẩy, nâng cao chất lượng hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như y tế, giáo dục, đặc biệt là chất lượng chuyên gia Việt Nam, chúng ta cần đẩy mạnh hơn nữa hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư.
Angola là mảnh đất của cơ hội phát triển, là thị trường xuất khẩu hàng hóa đầy tiềm năng, là mảnh đất của những "cơ hội vàng" để doanh nghiệp Việt Nam đến đầu tư mà chúng ta cần tiếp cận tích cực hơn.
Mục tiêu hoàn toàn tương xứng với tiềm năng, phù hợp với mong muốn của người dân hai nước. Chúng tôi sẽ cố gắng giúp đưa nhiều hàng hóa Việt Nam tiếp cận với người tiêu dùng Angola và giúp cho các doanh nghiệp Angola biết thêm về thị trường Việt Nam hơn nữa.
Ngoài ra, hợp tác nông nghiệp, nhất là hình thức hợp tác ba bên với sự tham gia hỗ trợ tài chính, kỹ thuật của các đối tác như Ngân hàng Phát triển châu Phi (AfDB), Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO)… cũng sẽ là nhiệm vụ cần tập trung thúc đẩy.
Cộng hòa Angola và 6 địa bàn kiêm nhiệm gồm Cộng hòa Congo, Cộng hòa Zambia, Cộng hòa Dân chủ Congo, Cộng hòa Guineé Xích đạo, Cộng hòa Dân chủ São Tomé và Príncipe và Cộng hòa Cape… đều bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác với Việt Nam tại lĩnh vực này.
Cộng đồng người Việt Nam tại Angola hiện nay khá lớn, là cộng đồng người Việt đông nhất tại châu Phi với khoảng 20.000 người. Tuy nhiên, người Angola đến Việt Nam chúng ta chưa nhiều.
Trong nhiệm kỳ công tác này, tôi mong muốn tăng cường giao lưu nhân dân, quảng bá văn hóa, du lịch để thu hút thêm nhiều người Angola đến với Việt Nam hơn nữa.
Trước khi lên đường nhận nhiệm vụ, các Đại sứ đã có rất nhiều hoạt động, gặp gỡ các bộ, ngành, đi các địa phương, làm việc với các doanh nghiệp… Lắng nghe và chia sẻ - Đại sứ cảm nhận thêm được gì về sứ mệnh của mình từ những trải nghiệm này?
Từ nhiều năm nay, Bộ Ngoại giao đã duy trì công tác hỗ trợ cập nhật kiến thức về chuyên môn cũng như tình hình hợp tác các mặt giữa các địa phương, các ban, bộ, ngành, các tổ chức của Việt Nam với các đối tác của các nước cho các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam trước khi lên đường công tác. Sự hỗ trợ này đã góp phần quan trọng vào việc giúp các Trưởng Cơ quan đại diện thực hiện đúng, trúng, kịp thời nhiệm vụ của mình.
Theo ý kiến của một số đồng chí đã từng là Trưởng Cơ quan đại diện các nhiệm kỳ trước đây thì lần này chúng tôi nhận được sự hỗ trợ kỹ hơn các lần trước. Quả là đoàn Trưởng các cơ quan đại diện nhiệm kỳ 2023-2026 lần này được đi nhiều, gặp gỡ nhiều, lắng nghe rất nhiều trước khi lên đường công tác.
Qua các cuộc làm việc và đi thực tế tại các địa phương, các Trưởng Cơ quan đại diện đã nắm vững hơn đường lối chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong lĩnh vực đối ngoại, hiểu hơn nhu cầu phát triển kinh tế của Chính phủ, các địa phương, bộ, ngành trong bối cảnh sau đại dịch Covid-19, quán triệt sâu sắc những chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn.
Chúng tôi vẫn nói vui với nhau rằng, nhóm Trưởng Cơ quan đại diện lần này rất đặc biệt vì là nhóm đầu tiên đi công tác sau đại dịch Covid-19 và chính vì thế mà nhiệm vụ của chúng tôi cũng nhiều hơn, trách nhiệm cũng nặng nề hơn.
Thời gian qua, sự phối hợp giữa Cơ quan đại diện với các cơ quan trong nước được duy trì chặt chẽ, hiệu quả, điều này được thể hiện rõ qua các thành quả công tác đối ngoại của các ban, bộ, ngành và của các địa phương.
Tuy nhiên, qua quá trình là việc, trao đổi với doanh nghiệp, địa phương, chúng tôi hiểu rằng, Cơ quan đại diện tại nước ngoài không chỉ cần làm tốt việc thúc đẩy giao lưu, hợp tác mà cần chủ động hơn nữa trong việc phát hiện và tận dụng cơ hội hợp tác, kịp thời tư vấn, tham mưu cho các cơ quan trong nước, nhất là hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường, triển khai hoạt động ngoại giao kinh tế đúng với tinh thần ngoại giao phục vụ phát triển kinh tế, coi phục vụ doanh nghiệp và địa phương là trọng tâm.
Chúng tôi đã quán triệt và sẽ làm tốt nhiệm vụ này.
“Các nhà ngoại giao, các nhà hoạt động đối ngoại cần luôn luôn ghi nhớ rằng, phía sau mình là Đảng, là đất nước, là nhân dân. Phải tự tin, vững vàng, kiên định và khôn khéo, mưu lược”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị Đối ngoại toàn quốc tháng 12/2021. Điều đó với cá nhân Đại sứ đã tiếp thêm động lực như thế nào?
Tôi và các Trưởng Cơ quan đại diện đều tự tin rằng chúng tôi đã có đủ hành trang để lên đường thực hiện nhiệm vụ vì chúng tôi đã được trang bị toàn diện về tư tưởng, kiến thức và kỹ năng.
Chúng tôi được trang bị kỹ lưỡng về tư tưởng, trong đó xác định tinh thần phụng sự, cống hiến vì lợi ích quốc gia - dân tộc, luôn giữ gìn phẩm chất đảng viên, hình ảnh cán bộ ngoại giao Việt Nam cũng như để Cơ quan đại diện trở thành ngôi nhà thân thiết của mỗi một người Việt Nam tại nước ngoài; là biểu tượng cây cầu kết nối hữu nghị, hợp tác của Việt Nam với chính phủ và người dân sở tại.
Chúng tôi đã nhận được những cam kết hỗ trợ tối đa từ Bộ Ngoại giao cũng như các cơ quan trong nước giúp chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, đặc biệt trong việc cập nhật tình hình và yêu cầu từ trong nước.
Tư chất cá nhân cũng rất quan trọng. Cùng với sự hỗ trợ của cơ quan, đồng nghiệp, mỗi cá nhân cũng cần hoàn thiện bản thân. Tôi tin rằng mỗi người chúng tôi sẽ hoàn thành tốt công việc của mình, bất kể là việc gì nếu quán triệt tinh thần chí công vô tư, phục vụ đất nước và nhân dân. Tôi tin chúng tôi sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ vì đã có sẵn trong lòng tinh thần ấy.