Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Việt Nam - Malaysia có tiềm năng lớn trong hợp tác Halal

Nhân dịp năm mới 2024, Đại sứ Việt Nam tại Malaysia Đinh Ngọc Linh trao đổi với Mekong ASEAN về chặng đường hợp tác 50 năm qua giữa hai quốc gia cũng như những tiềm năng có thể khai phá trong tương lai.

Mekong ASEAN: Đảm nhiệm vai trò Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, xin Đại sứ chia sẻ cảm nhận của ông về đất nước, văn hóa và con người Malaysia?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Tôi rất vinh dự và tự hào được Đảng và Nhà nước giao trọng trách Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Malaysia, một đất nước láng giềng thân thiết có mối quan hệ hữu nghị truyền thống và hiện là một trong 12 Đối tác Chiến lược của Việt Nam. Càng đặc biệt hơn nữa khi tôi nhận nhiệm vụ trong bối cảnh hai nước đang long trọng kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

Kể từ khi đảm nhận nhiệm vụ, cá nhân tôi cảm thấy đặc biệt ấn tượng về đất nước, văn hóa và con người Malaysia. Malaysia có sự đa dạng về cảnh quan thiên nhiên, từ những hòn đảo xinh đẹp, những cao nguyên mát mẻ đến những khu rừng nhiệt đới nguyên sơ. Malaysia còn nổi tiếng bởi sự đa dạng văn hóa khi có sự giao thoa giữa các dân tộc Malay bản địa, Ấn Độ và Trung Quốc, tất cả đã tạo ra nét văn hóa đặc sắc.

Chính sự đa dạng văn hóa đã tạo nên một cộng đồng người dân rất thân thiện và mến khách. Đối với những người nước ngoài khi đến Malaysia, họ không cảm thấy lạc lõng xa lạ và có thể hòa nhập bởi bên cạnh việc duy trì sử dụng tiếng địa phương Melayu, hiện nay hầu hết người dân Malaysia đều sử dụng tiếng Anh rất tốt trong giao tiếp hàng ngày. Đây chính là thuận lợi của Malaysia trong việc hội nhập quốc tế cũng như thu hút khách du lịch.

Đại sứ Đinh Ngọc Linh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác và Phát triển Doanh nghiệp Malaysia Ewon Benedick tại Lễ Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2023) và 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Malaysia (1973-2023) diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 12/10/2023.

Đại sứ Đinh Ngọc Linh và Bộ trưởng Bộ Hợp tác và Phát triển Doanh nghiệp Malaysia Ewon Benedick tại Lễ Kỷ niệm 78 năm Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (1945-2023) và 50 năm thiết lập Quan hệ Ngoại giao Việt Nam-Malaysia (1973-2023) diễn ra ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày 12/10/2023.

Mekong ASEAN: Năm 2023 đánh dấu kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Malaysia và cũng đánh dấu một sự kiện ngoại giao quan trọng khi lần đầu tiên Thủ tướng Anwar Ibrahim tới thăm Việt Nam kể từ khi nhậm chức. Theo Đại sứ, đâu là những cột mốc đáng nhớ nhất trong hành trình hợp tác 50 năm này?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 30/3/1973, quan hệ Việt Nam-Malaysia đã trải qua chặng đường dài 50 năm xây dựng và liên tục phát triển với nhiều dấu mốc quan trọng, trong đó, theo tôi, điểm nhấn đáng chú ý nhất là việc hai nước đã ký Tuyên bố chung về Khuôn khổ đối tác chiến lược vào ngày 7/8/2015.

Việc nâng cấp quan hệ đối tác chiến lược một mặt thể hiện mức độ phát triển sâu rộng của quan hệ hai nước và sự tin tưởng chính trị cao; mặt khác mở ra trang mới cho hợp tác toàn diện trên nhiều lĩnh vực từ chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, quốc phòng - an ninh, khoa học - công nghệ và phát triển bền vững...

Điều này càng đặc biệt hơn khi Việt Nam hiện là đối tác chiến lược duy nhất của Malaysia trong ASEAN. Hiện nay, hai nước đã và đang tích cực phối hợp thực thi hiệu quả Chương trình Hành động triển khai quan hệ đối tác chiến lược giai đoạn 2021 – 2025, tiền đề quan trọng nhằm củng cố hơn nữa quan hệ hợp tác song phương trong những năm tiếp theo.

Mekong ASEAN: Thưa Đại sứ, những lĩnh vực hợp tác nào giữa hai nước là quan trọng nhất và có nhiều triển vọng phát triển nhất trong tương lai?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Nhìn lại chặng đường vừa qua, tôi cho rằng hợp tác chính trị vẫn là nền tảng cốt lõi quan trọng nhất trong quan hệ song phương. Thời gian qua, hai bên vẫn thường xuyên duy trì các hoạt động trao đổi đoàn, tiếp xúc ở cấp cao và các cấp trên tất cả các kênh đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội và giao lưu nhân dân dưới nhiều hình thức linh hoạt, nổi bật là chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim tháng 7/2023.

Các cơ chế hợp tác cũng được lãnh đạo hai nước quan tâm thúc đẩy và duy trì với việc Bộ trưởng Ngoại giao hai nước đã đồng chủ trì Kỳ họp lần thứ 7 Ủy ban hợp tác về Kinh tế, Khoa học và kỹ thuật Việt Nam – Malaysia vào tháng 07/2023.

Một lĩnh vực hợp tác nữa không kém phần quan trọng trong quan hệ song phương thời gian qua chính là hợp tác kinh tế - thương mại – đầu tư. Năm 2022, Malaysia là đối tác thương mại lớn thứ hai của Việt Nam trong ASEAN và thứ 9 trên thế giới với kim ngạch thương mại song phương đạt 14,7 tỷ USD. Bên cạnh đó, Malaysia là nhà đầu tư lớn thứ hai trong ASEAN tại Việt Nam và nằm trong số 10 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư lớn nhất vào Việt Nam với hơn 700 dự án còn hiệu lực, tổng số vốn đăng ký trên 13 tỷ USD.

Mekong ASEAN: Trong phạm vi ASEAN, theo ông Việt Nam và Malaysia có thể cùng hợp tác trong những khía cạnh nào để thúc đẩy duy trì khối đoàn kết và vai trò trung tâm của khối?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Trong khuôn khổ ASEAN, Việt Nam và Malaysia đều là những thành viên tích cực, có trách nhiệm của khối. Hai nước cũng cam kết phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên ASEAN trong việc duy trì và thúc đẩy tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, đảm bảo thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 cũng như các chiến lược và sáng kiến có liên quan nhằm xây dựng một cộng đồng ASEAN hài hòa, gắn kết, giàu bản sắc, có khả năng ứng phó trước những vấn đề nổi lên trong khu vực và trên thế giới.

Mekong ASEAN: Với số lượng khách hàng chiếm 23% dân số thế giới, tức khoảng 2 tỷ người, ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Halal là một lĩnh vực tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác. Đại sứ đánh giá thế nào về tiềm năng hợp tác công nghiệp Halal với Malaysia?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Thời gian qua, Malaysia đã khẳng định vị thế là trung tâm Halal hàng đầu thế giới với giá trị xuất khẩu các sản phẩm Halal đạt trên 7 tỷ USD/năm. Dự kiến sau năm 2025, ngành công nghiệp Halal Malaysia sẽ đóng góp trên 14 tỷ USD/năm, chiếm tới 8% GDP nước này. Malaysia có nhiều thế mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực này như cung cấp chứng chỉ Halal, đào tạo quy trình sản xuất, liên kết chuỗi…

Tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030”. Đây là một hướng đi rất đúng đắn trong bối cảnh thị trường Halal toàn cầu có quy mô rất lớn với khoảng gần 2 tỷ người, chiếm gần 1/4 dân số thế giới và còn có xu hướng gia tăng trong tương lai.

Từ những yếu tố nêu trên, tôi cho rằng tiềm năng hợp tác song phương trong lĩnh vực này là rất lớn. Lãnh đạo Malaysia đã từng bày tỏ mong muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam sang lĩnh vực công nghiệp Halal và khẳng định sẵn sàng hỗ trợ Việt Nam mở rộng và phát triển ngành công nghiệp này. Hy vọng từ những thống nhất, định hướng của lãnh đạo cấp cao, thời gian tới các cơ quan chức năng và doanh nghiệp hai nước sẽ sớm kết nối để trao đổi cụ thể phương hướng hợp tác cũng như xây dựng, thống nhất các văn kiện hợp tác trong lĩnh vực mới này.

Mekong ASEAN: Cùng với những thuận lợi, xin Đại sứ cho biết đâu là những khó khăn cần tháo gỡ để tăng cường mạnh mẽ hơn quan hệ thương mại Việt Nam - Malaysia? Trên cương vị của mình, Đại sứ sẽ có hành động gì để thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại song phương, đặc biệt trong việc đạt được mục tiêu kim ngạch song phương 18 tỷ USD của hai nước?

Đại sứ Đinh Ngọc Linh: Với dân số khoảng 35 triệu người, quy mô thị trường tiêu dùng của Malaysia không phải quá lớn nhưng lại rất đa dạng bởi đặc trưng nền văn hóa đa sắc tộc. Đặc tính của người tiêu dùng Malaysia nhìn chung là tương đồng với Việt Nam, tuy nhiên yêu cầu về tiêu chuẩn Halal thực sự là một thách thức lớn cho các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam. Các mặt hàng thực phẩm vào Malaysia đều yêu cầu có chứng chỉ Halal, và việc đạt tiêu chuẩn này sẽ làm doanh nghiệp sản xuất tăng thêm chi phí.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải cạnh tranh quyết liệt với các nước xuất khẩu khác trong khu vực. Đây là một trong những khó khăn góp phần làm cho cán cân thương mại hai nước chưa thực sự cân bằng.

Lãnh đạo cấp cao hai nước đã nhất trí đặt mục tiêu đưa kim ngạch song phương lên 18 tỷ USD vào năm 2025. Hướng tăng trưởng kim ngạch là rất khả thi, tuy nhiên để hiện thực hóa được mục tiêu này thì hai bên cần đẩy mạnh hơn nữa hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp, tích cực tổ chức, tham gia các hội chợ, triển lãm để quảng bá sản phẩm của nhau. Đồng thời, các doanh nghiệp hai bên không ngừng tìm kiếm các hướng hợp tác trao đổi thương mại các mặt hàng mà hai nước có thế mạnh như nông thủy sản, các sản phẩm Halal, công nghiệp thực phẩm, sản phẩm linh kiện điện tử...

Trong thời gian tới, Đại sứ quán Việt Nam sẽ phối hợp với các cơ quan trong nước tổ chức thêm nhiều hoạt động để thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp trong nước đến thị trường Malaysia; thúc đẩy các doanh nghiệp xuất khẩu hàng thực phẩm tuân thủ tiêu chuẩn Halal để đáp ứng yêu cầu của các thị trường Hồi giáo trong đó có Malaysia.

Mekong ASEAN: Xin trân trọng cảm ơn Đại sứ!

Ngân Hà

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dai-su-dinh-ngoc-linh-viet-nam-malaysia-co-tiem-nang-lon-trong-hop-tac-halal-post31555.html
Zalo