Đại lý thu mua nông sản 'vỡ nợ' và những hệ lụy
Cà-phê là cây trồng chủ lực của nông dân tỉnh Đắk Lắk nói riêng, các tỉnh Tây Nguyên nói chung. Hiện nay, nông dân các tỉnh Tây Nguyên đang bước vào thời kỳ cao điểm thu hoạch cà-phê niên vụ 2024-2025 với niềm vui, phấn khởi vì giá cà-phê đang ở mức cao nhất trong vòng 50 năm qua. Tuy nhiên, một vấn đề nhức nhối xảy ra ở Tây Nguyên trong nhiều năm qua là nhiều đại lý thu mua nông sản sau khi nhận ký gửi cà-phê của nông dân với số tiền lớn rồi tuyên bố 'vỡ nợ' khiến hàng trăm hộ dân trắng tay, điêu đứng.
Trong thời gian qua, mặc dù nhiều đại lý thu mua nông sản ở các tỉnh Tây Nguyên tuyên bố “vỡ nợ” gây ra nhiều hệ lụy với người nông dân nhưng vì sao tình trạng này vẫn tiếp tục xảy ra? Đây là vấn đề nhức nhối, trăn trở không chỉ đối với người nông dân mà cả với chính quyền và các ngành chức năng.
Đến nay đã tròn một năm, hàng chục hộ dân ở các xã của huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông và một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk làm đơn tố cáo và cầu cứu các cấp, các ngành chức năng của huyện Krông Nô và tỉnh Đắk Nông vào cuộc điều tra, xử lý, thu hồi số lượng lớn cà-phê trị giá hàng chục tỷ đồng mà họ ký gửi tại Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu do bà Trần Thị Mai ở thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành, huyện Krông Nô làm chủ. Trong khi hàng chục hộ dân điêu đứng, trắng tay phải đi làm thuê để sống, còn vợ chồng bà Trần Thị Mai, chủ đại lý sau khi tuyên bố “vỡ nợ” vẫn sống ung dung, tự tại tại địa phương.
Từ đơn cầu cứu của người dân, chúng tôi tìm về thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành, huyện Krông Nô trong những ngày cuối năm 2024, đây là thời kỳ cao điểm thu hoạch cà-phê niên vụ 2024-2025 và giá cà-phê đang ở mức cao trên dưới 120.000 đồng/kg, nhưng không khí ở đây khá trầm lắng, không sôi động như mọi năm. Nhiều hộ dân càng bức xúc hơn khi hằng ngày đi qua nhìn Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu “cửa đóng then cài”, bên ngoài treo biển bán đất mà số tiền hàng tỷ đồng của mình không biết bao giờ mới đòi được.
Anh Nguyễn Văn Hoan ở thôn Giang Đông 2, xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk, một trong những nạn nhân của vụ vỡ nợ cho biết: Từ năm 2021, thông qua các mối quan hệ làm ăn, anh bắt đầu thu gom cà-phê của người dân ở tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng bán cho Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu. Trong thời gian đầu, bà Trần Thị Mai, chủ đại lý đều mua bán trả tiền sòng phẳng. Do tin tưởng buôn bán với nhau, đến cuối năm 2023, anh Hoan cho bà Mai thiếu nợ tiền mua cà-phê lên đến 1,5 tỷ đồng. Sau đó, anh Hoan đã nhiều lần đến đòi nợ thì bà Mai hẹn và khất dần, rồi lấy lý do con trai bà đang nợ xã hội đen một khoản tiền lớn phải trả. Sau đó, bà lại nói do buôn bán lâu nay thua lỗ và đến ngày 9/1/2024 thì tuyên bố “vỡ nợ” không còn khả năng thanh toán các khoản nợ và nghỉ kinh doanh.
“Khi nghe tin bà Mai tuyên bố “vỡ nợ”, tôi và các hộ dân ký gửi cà-phê tức tốc đến Đại lý thu mua nông sản của bà Mai thì hàng trăm tấn cà-phê ký gửi không còn hạt nào, kho xưởng đã dọn dẹp sạch sẽ. Từ khi bà Mai tuyên bố “vỡ nợ” đến nay, gia đình tôi lâm vào hoàn cảnh hết sức khó khăn, phải bán nhiều tài sản và sang nhượng nhà đất gia đình đang ở để trả nợ ngân hàng. Trong khi đó, gia đình bà Mai vẫn sống ung dung, ăn ngon, mặc đẹp tại địa phương, ai đến đòi nợ bà đều nói để bán đất, nhà cửa, nương rẫy và làm trả dần. Từ đó đến nay, bà Mai không trả cho ai đồng nào, khi thấy chúng tôi đến đòi nợ bà đều lẩn trốn không gặp, gọi điện thoại thì không nghe máy. Mặc dù chúng tôi đã làm đơn tố cáo gửi các cấp, các ngành từ xã đến huyện, tỉnh về việc bà Mai lợi dụng lòng tin để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nhưng đến nay vụ việc vẫn chưa có kết luận cuối cùng”, anh Hoan bức xúc.
Còn ông Lưu Quang Mùi ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô năm nay đã 72 tuổi, hằng ngày ngoài thời gian chăm sóc bốn sào cà-phê của gia đình thì ai thuê gì làm nấy để sống qua ngày, bởi số tiền vợ chồng ông dành dụm mang đi chốt gửi cà-phê với Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu coi như đã mất.
Ông Lưu Quang Mùi ngậm ngùi kể: Tháng 9/2023, ông có việc nên về quê ở tỉnh Hải Dương, vợ ông là bà Phùng Thị Chiểng ở nhà đã mang 141 triệu đồng ông bà dành dụm được ra chốt ba tấn cà-phê nhân với bà Mai, với giá 47 triệu đồng/tấn, đến tháng 12/2023 sẽ thanh lý. Tuy nhiên, ngày 31/12/2023, vợ ông đến thanh lý lấy tiền thì bà Mai cứ hẹn, khất lần và đến ngày 9/1/2024 thì tuyên bố “vỡ nợ” không có khả năng chi trả.
“Tôi không hiểu sao, vợ tôi cũng như nhiều người ở địa phương cả tin, mang số tiền, tài sản lớn đến ký gửi cho chủ Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu, xong họ chỉ viết cho tờ giấy xác nhận mang về. Khi ký gửi, không biết họ có nghĩ tới hậu quả của ngày hôm nay hay không?”, ông Mùi ấm ức.
Trong số hàng chục người dân là nạn nhân trong vụ “vỡ nợ” của Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu ở xã Tân Thành, thì bà Trương Thị Ngộ ở thôn Nam Phúc, xã Nam Đà, huyện Krông Nô là người bị mất số tiền lớn nhất với hơn 12,7 tỷ đồng.
Cầm tờ đơn tố cáo chủ Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu lợi dụng lòng tin rồi chiếm đoạt số tiền lớn của mình, mắt bà Ngộ đỏ hoe và ngấn lệ. Bà Ngộ rưng rức: “Khoảng ba năm gần đây, thông qua mối quan hệ làm ăn, tôi quen biết và đầu tư làm ăn với bà Trần Thị Mai. Để tạo lòng tin, thời gian đầu, bà Mai mua bán trả tiền sòng phẳng nên tôi đã vay mượn tiền mua cà-phê và đầu tư cho Mai kinh doanh nông sản. Tuy nhiên, thời gian cuối năm 2023, khi đến lấy tiền, bà Mai cứ nợ và khất dần, tính đến thời điểm ngày 7/1/2024, bà Mai còn nợ tôi hơn 12,7 tỷ đồng và tuyên bố “vỡ nợ” không còn khả năng thanh toán. Từ đó đến nay, tôi phải cấn nhà cửa, xe cộ và vay ngân hàng ba tỷ đồng để trả nợ cho công ty nơi tôi ứng tiền để đưa cho bà Mai”.
Từ khi xảy ra vụ việc đến nay, bà Ngộ cũng như các nạn nhân khác đã làm đơn tố cáo gửi các cấp, các ngành vào cuộc điều tra, xử lý, bảo vệ quyền lợi cho mình, nhưng đến nay vẫn chưa có kết luận cuối cùng. Khi người dân đến đòi nợ, bà Mai cứ nói để bán đất, thanh lý tài sản và làm trả nợ dần khiến người dân hết sức bức xúc.
Theo người dân địa phương, trước khi tuyên bố “vỡ nợ”, vào tháng 6/2023, vợ chồng bà Mai xây dựng, mở rộng thêm lò sấy cà-phê để người dân tin tưởng mang cà-phê đến ký gửi với số lượng lớn. Sau khi thu hoạch xong cà-phê niên vụ 2023-2024, vào ngày 9/1/2024, bà Mai tuyên bố “vỡ nợ”, lý do là làm ăn thua lỗ và con trai bà nợ xã hội đen một khoản tiền lớn nên bà phải lo trả nợ cho con.
Cũng theo người dân địa phương, sau khi tuyên bố “vỡ nợ”, bà Trần Thị Mai còn nợ hàng chục người dân với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Những hộ có số nợ lớn như bà Trương Thị Ngộ ở thôn Nam Phúc, xã Nam Đà, huyện Krông Nô với số nợ hơn 12,7 tỷ đồng; anh Nguyễn Văn Hoan ở thôn Giang Đông 2, xã Buôn Tría, huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk với số tiền khoảng 1,5 tỷ đồng; bà Đàm Thị Phương trú tại thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô 10.000kg cà-phê nhân, trị giá khoảng 680 triệu đồng vào thời điểm đầu năm 2024; bà Nguyễn Thị Thúy ở thôn Đắk Hoa, xã Tân Thành, huyện Krông Nô 43.000kg cà-phê nhân; bà Trịnh Thị Hoa ở xã Nam Xuân, huyện Krông Nô 20.000kg; bà Nguyễn Thị Liễu ở thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành, huyện Krông Nô 15.000kg cà-phê nhân; bà Nguyễn Thị Khuyên ở thôn Đắk Lắk, xã Tân Thành, huyện Krông Nô hơn 1,1 tỷ đồng và 2.000kg cà-phê nhân…
Kể từ khi Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu tuyên bố “vỡ nợ” đến nay khiến hàng chục gia đình lâm vào hoàn cảnh khó khăn, điêu đứng, nợ nần chồng chất, phải làm thuê cuốc mướn để sống qua ngày.
Trao đổi với chúng tôi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tân Thành Lưu Văn Uất cho biết: Thời gian đầu, nhiều người kéo đến gia đình bà Trần Thị Mai đòi nợ, chửi bới gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Sau khi được chính quyền và lực lượng Công an địa phương tuyên truyền, vận động, các hộ dân đã làm đơn cầu cứu gửi các cấp, các ngành đề nghị vào cuộc điều tra, xử lý, bảo vệ quyền lợi cho mình. Thời gian gần đây, tình hình an ninh trật tự trên địa bàn đã ổn định, vợ chồng bà Trần Thị Mai vẫn sinh sống tại địa phương, còn công tác điều tra, xử lý thế nào thì chính quyền xã không nắm được.
Trong khi đó, trao đổi với chúng tôi, lãnh đạo Công an huyện Krông Nô cho biết: Sau khi tiếp nhận đơn trình báo của người dân tố giác bà Trần Thị Mai, trú tại thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành là chủ Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu đã có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, do đơn tố giác nhiều, số tiền thiệt hại lớn, gây bức xúc trong quần chúng nhân dân nên Công an huyện phối hợp với Công an xã Tân Thành tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, làm việc với các hộ dân liên quan và bà Trần Thị Mai, đồng thời xác minh tài sản các thành viên gia đình bà Trần Thị Mai…
Ngày 10/10/2024, Công an huyện Krông Nô có Thông báo số 164/TB-CAH về kết quả xác minh đơn của công dân cho biết: Kết quả xác minh xác định trong thời gian kinh doanh nông sản, cơ sở kinh doanh của bà Trần Thị Mai đã bị thua lỗ do giá nông sản tăng cao đột biến; không quản lý tốt việc mua vào, bán ra; không quản lý tốt tài chính; một số người dân nợ tiền bà Mai chưa trả; người dân chốt giá cà-phê với đại lý trước lúc thu hoạch nhưng đến lúc thu hoạch giá cà-phê tăng cao đột biến không bán cho đại lý… Ngoài ra, bà Mai sử dụng tiền ứng trước của các đại lý để kinh doanh và trả nợ trước đó dẫn đến mất khả năng chi trả và tuyên bố vỡ nợ.
Kết quả xác minh tài sản các thành viên trong gia đình bà Trần Thị Mai đến thời điểm hiện tại chưa có dấu hiệu tẩu tán tài sản.
Căn cứ kết quả xác minh, Công an huyện Krông Nô xác định đây chỉ là quan hệ dân sự, không đủ cơ sở xác định bà Trần Thị Mai có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi bổ sung năm 2017). Đề nghị các hộ dân có liên quan khởi kiện ra tòa án dân sự để được giải quyết và bảo vệ quyền lợi theo quy định của pháp luật.
Không đồng tình với kết quả xác minh của Công an huyện Krông Nô, các hộ dân là nạn nhân trong vụ “vỡ nợ” tiếp tục làm đơn cầu cứu gửi Công an tỉnh Đắk Nông và các ngành chức năng đề nghị vào cuộc điều tra, xử lý việc bà Trần Thị Mai có dấu hiệu phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của mình và răn đe chung trong xã hội.
Thực tế trong những năm qua, không chỉ có Đại lý thu mua nông sản Mai Cầu ở thôn Đắk Lưu, xã Tân Thành, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông tuyên bố “vỡ nợ” mà ở khắp các tỉnh Tây Nguyên đều xảy ra tình trạng này. Cứ mỗi vụ “vỡ nợ” xảy ra khiến bao gia đình phải trắng tay, tan nát nhà cửa, nợ nần chồng chất và gây mất an ninh trật tự ở cơ sở… Trong khi đó, phần lớn các chủ đại lý thu mua nông sản sau khi tuyên bố “vỡ nợ” không bị xử lý hình sự, vì cơ quan chức năng vào cuộc xác minh xác định đây chỉ là quan hệ dân sự, không đủ cơ sở xác định phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Chính điều này khiến tình trạng, không ít đại lý thu mua nông sản ở Tây Nguyên sau khi mở ra, tạo được lòng tin và nhận ký gửi cà-phê, tiêu của người dân với số lượng lớn rồi tuyên bố “vỡ nợ”, đẩy hàng chục hộ dân lâm vào cảnh tan nát nhà cửa, nợ nần chồng chất…
Vì vậy, các cơ quan chức năng khuyến cáo, đối với người nông dân khi thu hoạch cà-phê, tiêu và các loại nông sản, tốt nhất là xây dựng nhà kho để cất giữ, không nên ký gửi tại các đại lý, còn nếu bán thì dù đắt hay rẻ cũng lấy tiền ngay, nhất là trong tình hình giá cà-phê, tiêu tăng cao chót vót như hiện nay.
Bên cạnh đó, các cấp, các ngành chức năng cũng cần có biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm chủ các đại lý thu mua nông sản có dấu hiệu lợi dụng lòng tin, nhận ký gửi nông sản của người dân với số tiền lớn rồi đem bán, tẩu tán tài sản và tuyên bố “vỡ nợ”, đẩy hàng trăm hộ dân vào cảnh tan nát nhà cửa, nợ nần chồng chất… để bảo vệ cuộc bình yên cho nhân dân Tây Nguyên.