Đại lễ Phật đản năm 2025: Lan tỏa tuệ giác, kết nối nhân sinh
Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi cộng đồng Phật giáo toàn cầu cùng nhau tinh tấn hành trì chánh pháp, lan tỏa năng lượng từ bi và trí tuệ, đóng góp thiết thực cho hòa bình, hạnh phúc của nhân loại.

Đông đảo Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản phật lịch 2569 - Dương lịch 2025. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Ngày 12/5 (tức 15/4 năm Ất Tỵ), tại Trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (chùa Quán Sứ-Hà Nội), Hội đồng chứng minh, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ kính mừng Phật đản Phật lịch 2569-Dương lịch 2025.
Tại buổi lễ, Hòa thượng Thích Thiện Nhơn-Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuyên đọc thông điệp của Đức pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Quảng tại lễ khai mạc Vesak Liên hợp quốc 2025, gửi đến toàn thể tăng ni Phật tử trong và ngoài nước, nhân mùa Phật đản Phật lịch 2569.
Diễn văn Đại lễ Phật đản, Phật lịch 2569-dương lịch 2025 do Hòa thượng Thích Gia Quang, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự, Trưởng ban Thông tin truyền thông Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 không chỉ là dịp để tưởng niệm 3 sự kiện vĩ đại trong cuộc đời Đức Phật Thích Ca Mâu Ni: Đản sinh-Thành đạo-Nhập Niết bàn, còn là một ngày hội tụ văn hóa tâm linh toàn cầu; nơi nhân loại cùng nhau hướng về những giá trị phổ quát của tuệ giác Phật giáo: lòng từ bi, trí tuệ và hòa bình đối với thế giới hôm nay.

Thực hiện nghi thức tắm Phật tại Đại lễ. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Đây là lần thứ 4 Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được tổ chức tại Việt Nam, diễn ra tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 6-8/5/2025.
Chủ đề của Vesak năm nay: "Đoàn kết và bao dung vì nhân phẩm con người: Tuệ giác Phật giáo vì Hòa bình thế giới và Phát triển bền vững" là thông điệp cấp thiết hơn bao giờ hết, mang một ý nghĩa đầy nhân văn, sâu sắc, đầy tính thời đại mà cộng đồng Phật giáo muốn gửi đến toàn thế giới.
Theo Hòa thượng Thích Gia Quang, là quốc gia có truyền thống Phật giáo lâu đời và gắn bó mật thiết với tiến trình xây dựng, phát triển đất nước, Việt Nam vinh dự được tổ chức Đại lễ Vesak 2025 trong không khí cả nước tưng bừng kỷ niệm đại thắng lịch sử mùa Xuân năm 1975 thống nhất đất nước.
Nhìn lại chặng đường lịch sử đó, Phật giáo Việt Nam tự hào đã góp phần vào chiến thắng hào hùng của dân tộc, góp phần làm nên bản lĩnh và trí tuệ Việt Nam với ngọn lửa trái tim bất diệt của Bồ tát Thích Quảng Đức và biết bao các thế hệ tăng ni, phật tử đã dấn thân vì sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Chặng đường lịch sử hào hùng 50 năm qua cho chúng ta thấy rõ con đường phát triển mà dân tộc Việt Nam đang đi là con đường của sự đoàn kết, của sự bao dung và của một xã hội mà mỗi người đều được sống trong hòa bình, hạnh phúc và an lạc.
Con đường đó đang đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, phát triển phồn vinh, thịnh vượng.
Nhân dịp này, Giáo hội Phật giáo Việt Nam kêu gọi cộng đồng Phật giáo trên toàn cầu hãy cùng nhau tinh tấn hành trì chánh pháp, nuôi dưỡng bình an nội tâm, lan tỏa năng lượng từ bi và trí tuệ, đóng góp thiết thực cho hòa bình và hạnh phúc chung của toàn nhân loại.
Tiếp sau đó, các chư Tôn giáo phẩm Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam trang nghiêm cử hành nghi lễ dâng hương, tụng kinh Khánh đản và nghi thức tắm Phật truyền thống.

Phật tử thực hiện nghi lễ tắm Phật truyền thống. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)
Cùng ngày, đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã đến thăm, chúc mừng Đại lễ kính mừng Phật đản Phật lịch 2569-Dương lịch 2025.
Đoàn đại biểu Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cảm ơn, biểu dương những đóng góp tích cực của Giáo hội, cá nhân Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Ủy viên Thường trực Hội đồng chứng minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam và các vị lãnh đạo Giáo hội trong việc phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo, đoàn kết cũng như vận động tăng ni, phật tử thực hiện tốt các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước và các chương trình hành động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.
Tiêu biểu là các đóng góp của Phật giáo trong việc tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc; phát triển giáo dục mầm non, bảo trợ xã hội, dạy nghề, khám chữa bệnh cho người nghèo, phòng chống HIV/AIDS, bảo vệ môi trường và phòng ngừa, ứng phó với biến đổi khí hậu...nhất là hưởng ứng phong trào thi đua "Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên phạm vi cả nước năm 2025."
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, các vị lãnh đạo Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng toàn thể tăng ni, tín đồ phật tử luôn đoàn kết gắn bó trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tiếp tục gìn giữ và phát huy truyền thống tốt đẹp của Phật giáo Việt Nam trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Bên cạnh đó, hưởng ứng và tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phát động; tiếp tục tăng cường vận động tăng ni, phật tử Phật giáo Việt Nam ở trong và ngoài nước tham gia xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ, tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển các hoạt động bảo trợ xã hội và an sinh xã hội...
Từ đó, góp phần củng cố, tăng cường và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.