Đại hội Đảng - Niềm tin của dân tộc
Ngày 01/12/2024, phát biểu tại Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII; tình hình kinh tế - xã hội năm 2024, giải pháp tăng tốc, phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 và tháo gỡ những điểm nghẽn, nút thắt về thể chế, Tổng Bí thư Tô Lâm đã đề cập đến nội dung liên quan đến Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng: '…phải chuẩn bị thật tốt Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng'.
Đại hội Đảng có ý nghĩa to lớn, có tầm quan trọng đặc biệt với Đảng, đất nước và Nhân dân ta. Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “Đại hội Đảng rất quan hệ đến tương lai cách mạng của Đảng ta và của Nhân dân ta. Đại hội sẽ làm cho Đảng ta đã đoàn kết càng đoàn kết hơn nữa, tư tưởng và hành động đã nhất trí, càng nhất trí hơn nữa”.
Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng xác định để bảo đảm Đại hội Đảng thành công tốt đẹp phải thảo luận kỹ càng các đề án và đóng góp ý kiến dồi dào. Người cho rằng việc thảo luận các văn kiện Đại hội Đảng là một dịp để học tập tiến bộ. Người cũng yêu cầu phải thật sự mở rộng dân chủ trong thảo luận để mọi đảng viên bày tỏ hết ý kiến của mình và “phải gom góp ý kiến của đảng viên để giúp đỡ Trung ương chuẩn bị Đại hội Đảng cho thật tốt”.
Trong ý kiến chỉ đạo ngày 01/12/2024, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng xác định: Đại hội đảng các cấp từ các chi bộ cơ sở, đến cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh và các cơ quan trung ương phải là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn Đảng, thảo luận về tầm nhìn và mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước vươn mình giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Tổng Bí thư thông báo: Trung ương đã xây dựng công phu, kỹ càng, khoa học, biên tập kỹ nhiều lần Dự thảo Báo cáo chính trị, Báo cáo kinh tế - xã hội, Báo cáo xây dựng Đảng và Báo cáo tổng kết 40 năm đổi mới trình Đại hội XIV của Đảng, sẽ gửi Đại hội đảng các cấp đóng góp ý kiến. Tổng Bí thư chỉ rõ cấp ủy các cấp có nhiệm vụ sớm tổ chức cho cán bộ, đảng viên, nghiên cứu, đóng góp ý kiến vào Dự thảo và các văn kiện trên của Trung ương và từ nội dung Dự thảo các Văn kiện của Đại hội XIV của Đảng, cấp ủy các cấp lấy đó làm cơ sở xây dựng nội dung báo cáo chính trị, phương hướng nhiệm vụ công tác cho các văn kiện của cấp mình. Các văn kiện của các cấp ủy phải xác định cụ thể những mục tiêu, nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình và đóng góp vào mục tiêu chung của đất nước.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Văn kiện Đại hội Đảng phải bám sát hơi thở cuộc sống, phải ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện. Văn kiện phải trở thành “Sách giáo khoa”, thành “Từ điển” để cần thì “tra” vào đó sẽ thấy ngay “ánh sáng soi đường”. Tổng Bí thư nhắc nhở hạn chế tối đa việc phải ban hành các nghị quyết, chỉ thị tiếp theo để thực hiện Nghị quyết Đại hội XIV của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm vai trò quan trọng công tác nhân sự của Đại hội Đảng. Người từng nói: “Đại hội Đảng ta lần này sẽ bầu ra Ban Chấp hành Trung ương mới của Đảng. Chúng ta tin chắc rằng, với Ban Chấp hành Trung ương mới, toàn Đảng ta sẽ đoàn kết chặt chẽ hơn nữa, động viên mạnh mẽ hơn nữa nhân dân cả nước đấu tranh thực hiện mục tiêu vĩ đại trước mắt”.
Trong chỉ đạo đại hội đảng các cấp thời gian tới, Tổng Bí thư Tô Lâm chỉ rõ: công tác tổ chức cán bộ là công tác của Đảng, do vậy các cấp ủy đảng phải thực hiện thật nghiêm túc Điều lệ Đảng cũng như các quy định của Đảng. Cụ thể, cấp ủy các cấp cần tập trung chuẩn bị nhân sự cấp ủy nhiệm kỳ mới theo đúng nội dung đã được hướng dẫn, chuẩn bị thật tốt đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất và năng lực. Tổng Bí thư nhắc nhở từng cán bộ, đảng viên phải không ngừng tự học hỏi để “nâng mình lên” để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của Đảng, của đất nước trong tình hình mới. Tổng Bí thư đặc biệt lưu ý các cấp ủy và cán bộ, đảng viên phải hết sức khắc phục căn bệnh của công tác cán bộ trước Đại hội Đảng. Đó là: Căn bệnh người không tái cử thì giữ an toàn, thủ thế, không dám triển khai cái mới; người dự kiến tham gia cấp ủy khóa mới thì giữ mình, không muốn va chạm, sợ mất phiếu; căn bệnh tính toán cho người thân, người quen, người “cánh hẩu” với mình vào các vị trí lãnh đạo hoặc dùng “thủ thuật tổ chức” để gạt người mà mình không thích.
Việc tổ chức thực hiện thắng lợi nghị quyết Đại hội Đảng luôn là điều cốt yếu, có ý nghĩa sống còn của Đảng, của cách mạng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phân tích rất sâu sắc: “Đại hội cần bàn bạc nêu những vấn đề thiết thực, nêu những biện pháp thiết thực. Làm được những việc ấy là Đại hội đã thành công. Không phải nghị quyết cho nhiều, khẩu hiệu cho dài là tốt. Phải làm được những điều mà Trung ương Đảng đã nêu. Làm được bao nhiêu thành công bấy nhiêu. Làm được nhiều thành công nhiều, làm được vừa thành công vừa, làm được ít, thành công ít”. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ, đảng viên cần tiên phong, gương mẫu trong thực hiện nghị quyết Đại hội Đảng: “Mỗi đảng viên, mỗi chi bộ cần căn cứ vào những văn kiện đó, liên hệ với công tác thực tế của mình, để nâng cao tư tưởng, ý thức tổ chức và kỷ luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tiến bộ hơn nữa”.
Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nêu rõ cán bộ, đảng viên phải tự giác, gương mẫu, sẵn sàng hy sinh lợi ích cá nhân của mình vì Đảng, vì nước, vì dân, theo tinh thần: “Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, gương mẫu thực hiện nhiệm vụ trên tinh thần đặt lợi ích chung lên trên hết, mạnh dạn đổi mới, sáng tạo, đột phá, dũng cảm hy sinh để đất nước phát triển”.
Để Nghị quyết của Đảng thắng lợi, Tổng Bí thư Tô Lâm cho rằng: Cùng với nỗ lực của Đảng, Chính phủ, Nhà nước, đội ngũ cán bộ, đảng viên, thì rất cần sự hưởng ứng, vào cuộc của Nhân dân. Tổng Bí thư chỉ rõ những việc cần làm là: Phải giải phóng sức lao động, sức sản xuất, phải huy động được nguồn vốn vật chất và tinh thần trong Nhân dân và người dân phải cảm nhận được Nhân dân là người thụ hưởng những thành quả thì mọi người sẽ chung sức đồng lòng cùng thực hiện.
Mỗi cán bộ, đảng viên và người dân Việt Nam nguyện quyết tâm đoàn kết thống nhất, tích cực phấn đấu, góp phần vào thành công Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng và đưa Nghị quyết Đại hội Đảng vào thực tiễn cuộc sống của nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.