Đại học Thái Nguyên mở ra triển vọng mới trong hợp tác quốc tế
Ngày 24/4, Đại học Thái Nguyên có buổi làm việc với nhóm chuyên gia xây dựng kế hoạch kinh doanh của dự án LEARN-VN.

Nhóm chuyên gia xây dựng kế hoạch kinh doanh của dự án LEARN-VN đã có buổi làm việc tại Đại học Thái Nguyên.
Tham dự chương trình có ông Robert van den Heuvel – Trưởng nhóm chuyên gia dự án LEARN-VN. Tiếp và làm việc với Đoàn có PGS.TS Trần Thanh Vân – Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên, cùng đại diện các ban chức năng, các trung tâm trực thuộc và Viện Lâm nghiệp và Phát triển bền vững (Trường Đại học Nông Lâm).
Chương trình nhằm trao đổi, thu thập thông tin và đánh giá tiềm năng hợp tác giữa các bên trong lĩnh vực đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao tri thức về thích ứng, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu.
Tại buổi làm việc, Đại học Thái Nguyên đã chia sẻ tổng quan chiến lược phát triển, hiện trạng cơ sở vật chất, nguồn lực nhân sự cũng như định hướng hình thành mô hình Trung tâm học tập bền vững gắn với nhu cầu phát triển vùng miền núi phía Bắc. Nhóm chuyên gia cũng trình bày mục tiêu khảo sát, phương pháp làm việc và đề xuất các nội dung trọng tâm để hai bên cùng thảo luận.

PGS.TS Trần Thanh Vân - Phó Giám đốc Đại học Thái Nguyên phát biểu tại chương trình.
Các nội dung trao đổi tập trung vào việc đánh giá năng lực hiện có tại Trường Đại học Nông Lâm, cơ hội hợp tác trong mạng lưới các đơn vị trực thuộc Đại học Thái Nguyên và khả năng huy động nguồn lực phục vụ kế hoạch kinh doanh của trung tâm.
Cũng tại buổi làm việc hai bên thống nhất tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong các giai đoạn tiếp theo để xây dựng mô hình hoạt động thực tiễn, hiệu quả và có tính lan tỏa.
Thông qua chương trình làm việc đã mở ra triển vọng mới trong hợp tác quốc tế và phát triển bền vững của Đại học Thái Nguyên, góp phần cụ thể hóa cam kết về trung hòa phát thải và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Dự án “Trung tâm học tập về trung hòa phát triển và bền bỉ với khí hậu ở miền Bắc Việt Nam” (gọi tắt là Dự án LEARN-VN) do Tổ chức Bánh mỳ cho Thế giới (BfgW) tài trợ và đồng thực hiện bởi Tổ chức Nghiên cứu nông - lâm quốc tế (ICRAF). Dự án cũng góp phần giúp Việt Nam đạt được mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 (theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại COP-26).