Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh phát huy 3 'tiên phong xuất sắc'
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu này khi dự Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Đại học Quốc gia (ĐHQG) TP. Hồ Chí Minh, sáng 23/02, tại TP. Hồ Chí Minh.

Thủ tướng: ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là một biểu tượng của sự nỗ lực vượt bậc, đổi mới toàn diện và phát triển không ngừng của nền giáo dục đại học Việt Nam với nhiều thành tích xuất sắc, rất đáng tự hào. Ảnh: CP
Khẳng định vai trò cơ sở giáo dục đại học hàng đầu đất nước
Phát biểu tại sự kiện, Thủ tướng bày tỏ vui mừng đến dự lễ kỷ niệm tại TP. Hồ Chí Minh - Thành phố mang tên Bác - đầu tàu kinh tế năng động, sáng tạo của cả nước - nơi hội tụ và giao thoa các giá trị văn hóa, lịch sử, truyền thống và là một điểm đến an toàn, sống động, thân thiện, mến khách.
Nhấn mạnh ĐHQG TP. Hồ Chí Minh là một biểu tượng của sự nỗ lực vượt bậc, đổi mới toàn diện và phát triển không ngừng của nền giáo dục đại học Việt Nam với nhiều thành tích xuất sắc, rất đáng tự hào, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và với tình cảm cá nhân, Thủ tướng gửi tới các thế hệ thầy cô giáo, cán bộ, nhân viên và học sinh, sinh viên ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, các đại biểu khách quý lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Xác định rõ giáo dục, đào tạo là quốc sách hàng đầu và với tầm nhìn chiến lược, ngay từ đầu những năm 1990, Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo tập trung đổi mới công tác giáo dục đào tạo, Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/HNTW ngày 14/01/1993 về tiếp tục đổi mới sự nghiệp giáo dục và đào tạo; trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ "xây dựng một số trường đại học trọng điểm quốc gia" để làm đầu tàu và nòng cốt cho hệ thống giáo dục đại học.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã thành lập ĐHQG Hà Nội vào cuối năm 1993 (Nghị định số 97/CP ngày 10/12/1993) và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh vào đầu năm 1995 (Nghị định số 16/CP ngày 27/01/1995). Đây là quyết sách được xem là giải pháp đột phá để tích hợp các nguồn lực đang phân tán ở nhiều đại học trường đơn ngành thành đại học lớn với sứ mệnh bồi dưỡng nhân tài, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ và chuyển giao tri thức đa ngành, đa lĩnh vực, đa cấp; đồng thời được đầu tư trọng điểm và trao cơ chế tự chủ để thúc đẩy đổi mới giáo dục đại học toàn diện hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, với tầm nhìn chiến lược từng bước vươn mình ra khu vực, quốc tế.
Thủ tướng nhấn mạnh, với sứ mệnh lớn lao đó, đòi hỏi 2 ĐHQG nói chung và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh nói riêng phải hoạch định chiến lược phát triển dựa trên tư duy đột phá, kiến tạo các giá trị mới, kiên trì, bền bỉ phấn đấu, nỗ lực vươn lên bằng trí tuệ, sự can đảm và bản lĩnh để vừa khẳng định những giá trị riêng có, vừa định hướng, dẫn dắt sự phát triển nền giáo dục đại học Việt Nam.
Thủ tướng vui mừng nhận thấy trong 30 năm qua, với sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt là của các đồng chí lãnh đạo chủ chốt, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã không ngừng phát triển lớn mạnh, đạt được những thành tựu quan trọng, khẳng định vai trò là một trong những cơ sở giáo dục đại học hàng đầu của đất nước - là nơi không chỉ truyền dạy kiến thức, nghiên cứu khoa học, mà còn tạo động lực, truyền cảm hứng cho khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo; xây dựng, bồi dưỡng thế hệ trẻ trí tuệ, tài năng, tự tin vươn tầm khu vực, thế giới.
Với nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng và danh hiệu cao quý, đặc biệt là Huân chương Lao động Hạng Nhất nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập.
Thay mặt lãnh đạo Đảng và Nhà nước, Thủ tướng ghi nhận, biểu dương, đánh giá cao và nhiệt liệt chúc mừng những kết quả rất đáng tự hào mà các thế hệ thầy và trò ĐHQG TP. Hồ Chí Minh đã đạt được trong 30 năm xây dựng, phát triển, trưởng thành, góp phần quan trọng vào thành tựu chung của đất nước.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: CP
Nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa trí tuệ, văn hóa Việt Nam
Người đứng đầu Chính phủ nêu rõ, đất nước ta đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của dân tộc; hướng tới 2 mục tiêu chiến lược 100 năm: phấn đấu đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao.
Để thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược đó, chúng ta cần tập trung đẩy mạnh thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo đảm duy trì mức tăng trưởng cao hai con số, bền vững, liên tục trong 2 thập kỷ tới. Trong đó, xác định rõ những yếu tố then chốt, có ý nghĩa quyết định, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững.
Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tập trung nghiên cứu, hoàn thiện các cơ chế, chính sách và ưu tiên dành nguồn lực cho đào tạo nhân lực chất lượng cao - một trong 3 đột phá chiến lược, vừa có vai trò đặc biệt quan trọng, mang tính quyết định đến việc thực hiện các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, nhất là về tăng năng suất lao động, phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Đặc biệt, đây cũng là một yếu tố cấu thành quan trọng tạo nên môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn, tăng cường thu hút đầu tư trong và ngoài nước, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Để thực hiện thành công những mục tiêu trên, hệ thống giáo dục đại học nói chung và ĐHQG TP. Hồ Chí Minh nói riêng đóng vai trò đặc biệt quan trọng, nhất là góp phần nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực trình độ cao, bồi dưỡng nhân tài, phát triển phẩm chất, năng lực tự học, tự làm giàu tri thức, sáng tạo của người học và thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo sự chuyển biến về chất cho nền kinh tế, tạo nền tảng vững chắc cho phát triển nhanh, bền vững.
Thủ tướng hoan nghênh, đánh giá cao và cơ bản nhất trí với tầm nhìn phát triển Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh trở thành hệ thống đại học nghiên cứu trong tốp đầu châu Á, nơi hội tụ nhân tài và lan tỏa trí tuệ, văn hóa Việt Nam với 3 giá trị cốt lõi: Xuất sắc, tiên phong, chính trực trong đào tạo, nghiên cứu; trách nhiệm, minh bạch, hiệu quả trong hoạt động; gắn kết, phục vụ cộng đồng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính trao Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước tặng ĐHQG TPHCM. Ảnh: CP
Đến năm 2030 thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á
Thời gian tới, để đạt được tầm nhìn nêu trên và mục tiêu "phát triển ĐHQG TP. Hồ Chí Minh theo hướng trọng tâm, trọng điểm đạt trình độ tiên tiến, thuộc nhóm hàng đầu châu Á" theo Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển vùng Đông Nam bộ, các Quy hoạch vùng Đông Nam bộ và cả nước, Thủ tướng đề nghị tập trung thực hiện tốt một số nội dung trọng tâm.
Đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo, các bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng đề nghị tập trung tổ chức triển khai quyết liệt, đồng bộ Kết luận 91 của Bộ Chính trị, bảo đảm hiệu quả, thiết thực. Tiếp tục quan tâm, chăm lo sự nghiệp giáo dục đào tạo với phương châm "Lấy học sinh, sinh viên làm trung tâm, chủ thể - Thầy cô giáo là động lực - Nhà trường làm bệ đỡ - Gia đình là điểm tựa - Xã hội là nền tảng".
Đẩy mạnh tự chủ gắn với nâng cao chất lượng đào tạo đại học theo hướng thực chất, đi vào chiều sâu, gắn với trách nhiệm giải trình, bảo đảm công khai, minh bạch.
Tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, quy định pháp luật và ưu tiên đầu tư nâng cao tiềm lực, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo trong các cơ sở giáo dục đại học theo hướng tạo thuận lợi, tháo gỡ các nút thắt, rào cản, tính đến đặc thù về độ trễ và rủi ro trong nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo.
Có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích thương mại hóa kết quả nghiên cứu và hợp tác nghiên cứu, triển khai giữa các cơ sở giáo dục đại học, viện nghiên cứu, nhà nghiên cứu với doanh nghiệp.
Ưu tiên phân bổ chi ngân sách nhà nước cho sự nghiệp khoa học công nghệ tương xứng với năng lực và kết quả hoạt động khoa học công nghệ của các cơ sở giáo dục đại học…
Với ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị nỗ lực phấn đấu để thực hiện thành công mục tiêu: đến năm 2030 thuộc nhóm 100 cơ sở giáo dục đại học hàng đầu châu Á.
Thủ tướng nhấn mạnh, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh có đủ tự tin, bản lĩnh, điều kiện để phát triển, để tiến nhanh, bền vững; cần tiếp tục phát huy mạnh mẽ tinh thần tự lực, tự cường, không trông chờ, ỷ lại, chủ động, tích cực đề xuất các cơ chế, chính sách, đóng góp cao nhất, hiệu quả nhất cho sự nghiệp giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ, xây dựng đất nước và hội nhập quốc tế.
Theo đó, cần tập trung xây dựng và vận hành mô hình quản trị đại học trên nền tảng số, đảm bảo tự chủ đại học, phát huy sức mạnh hệ thống đại học đa ngành, đa lĩnh vực; phát triển thành một hệ sinh thái giáo dục - khoa học - công nghệ - quản lý hàng đầu Việt Nam. Phát huy vai trò là một trụ cột quan trọng, tiên phong triển khai thực hiện Kết luận số 91 của Trung ương, Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị, các nghị quyết khác có liên quan trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, khoa học công nghệ.
Đẩy mạnh tuyển chọn và đào tạo, bồi dưỡng tài năng xuất sắc, học sinh giỏi, sinh viên, học viên chương trình tài năng các ngành khoa học cơ bản, quan tâm hơn nữa thúc đẩy nghiên cứu khoa học cơ bản...
Cùng với đó, chú trọng thu hút, trọng dụng và phát triển đội ngũ nhà khoa học, nhất là các nhà khoa học đầu ngành, nhà khoa học trẻ xuất sắc, trong đó có các nhà khoa học từ nước ngoài. Tập trung xây dựng, triển khai chương trình đào tạo, nghiên cứu và đổi mới sáng tạo trong các lĩnh vực: Công nghệ bán dẫn, sinh học, chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo thuộc nhóm hàng đầu châu Á. Phát triển Trung tâm Đổi mới sáng tạo quốc gia, kết nối với Vùng và khu vực châu Á. Đến năm 2030, ươm tạo ít nhất 10 công ty khởi nghiệp gọi vốn thành công với quy mô hàng chục triệu USD. Phát triển nguồn lực tài chính bền vững và xây dựng Khu đô thị ĐHQG TP. Hồ Chí Minh sáng xanh sạch đẹp, hiện đại và bản sắc.
Đặc biệt, trên cơ sở các giá trị cốt lõi của ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, Thủ tướng đề nghị ĐHQG TP. Hồ Chí Minh thực hiện 3 "tiên phong xuất sắc":
Thứ nhất, tiên phong xuất sắc trong đổi mới tư duy, phương pháp luận, cách tiếp cận giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra trên tinh thần nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, coi trọng thời gian, trí tuệ và sự quyết đoán.
Thứ hai, tiên phong xuất sắc trong đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành mới nổi trong kỷ nguyên thông minh.
Thứ ba, tiên phong xuất sắc trong giữ gìn, phát huy bản sắc, giá trị cốt lõi để góp phần phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, khoa học công nghệ, nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài theo chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước.
Để tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ĐHQG TP. Hồ Chí Minh thực hiện sứ mệnh, tầm nhìn, mục tiêu đề ra, Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì cùng các cơ quan liên quan và 2 ĐHQG khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ ban hành Nghị định về ĐHQG. Trong đó, xác định rõ trao quyền tự chủ cao; có cơ chế, chính sách vượt trội về thu hút nhân tài, tuyển dụng các giảng viên, nhà khoa học từ các trường đại học hàng đầu thế giới; thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ các tổ chức quốc tế, trong nước, nâng cao quản trị thông minh
UBND TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Bình Dương, các tỉnh có liên quan cùng các bộ, cơ quan liên quan hỗ trợ ĐHQG TP. Hồ Chí Minh tháo gỡ ngay các vướng mắc về tài chính, quy hoạch, giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính... để sớm hoàn thành giai đoạn 2 của Khu đô thị ĐHQG TP. Hồ Chí Minh hơn 640 ha…/.