Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh chỉ còn 18% viên chức nhận lương từ ngân sách
Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh vừa tổ chức Hội thảo Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về 'Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả' tại Đảng bộ Đại học Quốc gia.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, toàn đảng bộ đã quán triệt, triển khai quyết liệt thực hiện nghị quyết và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Theo đó, Đại học Quốc gia đẩy mạnh tự chủ đại học, hạn chế phụ thuộc vào ngân sách Nhà nước; đã cố gắng tinh gọn các đơn vị chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ; và đây cũng là phương hướng trong thời gian tới.
Tại hội thảo, Tiến sĩ Lê Thị Anh Trâm, Phó Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban Tổ chức Đảng ủy Đại học Quốc gia, cho biết, giai đoạn 2015-2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh đã giảm ba đầu mối quản lý, chiếm tỷ lệ 10% tinh giảm bộ máy; số lượng viên chức nhận lương từ ngân sách Nhà nước/tổng số viên chức giảm dần theo thời gian.
Cụ thể, vào năm 2015 có 3.502/5.603 viên chức nhận lương từ ngân sách Nhà nước (chiếm tỷ lệ 62,5%); đến năm 2024 chỉ còn 1.154/6.400 viên chức nhận lương từ ngân sách Nhà nước (chiếm tỷ lệ 18%). Kết quả này đã vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra.
Hiện, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh có 24/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 2 (chiếm tỷ trọng 66%) và có 12/36 đơn vị tự chủ tài chính nhóm 3 (chiếm tỷ trọng 34%); giảm 27% chi thường xuyên (178 tỷ đồng) từ ngân sách Nhà nước so với năm 2021.
Năm 2024, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì vị thế trong Top 901-950 các đại học tốt nhất trên thế giới (QS World 2025); top 184 các đại học xuất sắc nhất châu Á (QS Asia 2025); duy trì vị trí dẫn đầu cả nước về số lượng công bố quốc tế trong danh mục cơ sở dữ liệu Scopus (gần 3.000 bài) và số lượng chương trình đào tạo được kiểm định bởi các tổ chức quốc tế (154 chương trình).
Kết quả này khẳng định vai trò đầu tàu, nòng cốt của đơn vị trong hệ thống giáo dục Việt Nam.