Đại học Đà Nẵng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Là đại học (ĐH) vùng trọng điểm Quốc gia đa lĩnh vực, đa ngành, có truyền thống 30 năm xây dựng và phát triển (1994 - 2024), kế thừa kinh nghiệm gần 50 năm đào tạo của các trường thành viên, ĐH Đà Nẵng ngày càng khẳng định rõ vai trò trung tâm, nòng cốt trong việc đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực (NNL) chất lượng cao (CLC) cho vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (BTB-DHTB).

Từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay, ĐH Đà Nẵng là cái “nôi” đào tạo nguồn NNL CLC, cung ứng hàng chục vạn kỹ sư, cán bộ quản lý kinh tế, chuyên gia, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân thuộc nhiều lĩnh vực, ngành nghề then chốt, đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng BTB-DHTB cũng như cả nước. Nhiều cựu sinh viên ĐH Đà Nẵng đảm nhận những vị trí chủ chốt trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, trường học, tham gia nhiều công trình, dự án lớn.

ĐH Đà Nẵng tham gia khởi xướng Liên minh các đại học hàng đầu đào tạo nhân lực Chip bán dẫn.

ĐH Đà Nẵng tham gia khởi xướng Liên minh các đại học hàng đầu đào tạo nhân lực Chip bán dẫn.

Theo PGS.TS. Nguyễn Ngọc Vũ - Giám đốc ĐH Đà Nẵng, thành quả to lớn đó là nhờ công sức, trí tuệ, tâm huyết của các thế hệ lãnh đạo, thầy và trò nhà trường trong suốt 30 năm qua; sự quan tâm, chỉ đạo, ủng hộ và giúp đỡ của Chính phủ, các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương, nhất là Bộ Giáo dục và Đào tạo và TP Đà Nẵng.

Bước sang giai đoạn phát triển mới, nhu cầu NNL để phát triển vùng và các địa phương rất lớn. Bản sắc văn hóa, con người miền Trung vốn sẵn có tính cần cù, hiếu học, nỗ lực, sáng tạo và tự lực, tự cường. Khi tài nguyên thiên nhiên, đất đai, lợi thế biển và vị trí địa chiến lược của các địa phương trong vùng đã được huy động, khai thác ở mức cao thì động lực mới còn nhiều dư địa chính là phát huy nhân tố con người. Sứ mệnh đào tạo NNL CLC là rất quan trọng và cấp thiết như Nghị quyết Đại hội XIII đã chỉ rõ là một trong ba đột phá chiến lược.

ĐH Đà Nẵng đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn.

ĐH Đà Nẵng đồng hành cùng thành phố Đà Nẵng phát triển ngành Công nghiệp bán dẫn.

Do đó, cần sự hợp lực, đồng hành giữa các bên để phát triển các ngành mũi nhọn, công nghệ cao, công nghệ nguồn, các ngành dịch vụ, kinh tế biển… Sự gắn kết cung - cầu NNL sẽ tạo lợi thế cạnh tranh, tham gia mạng sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu, thu hút đầu tư, tăng trưởng kinh tế; bắt kịp, tiến cùng hai trung tâm lớn ở hai đầu đất nước.

Với giá trị cốt lõi “Chất lượng - Sáng tạo - Nhân văn - Phụng sự xã hội”, ĐH Đà Nẵng luôn coi chất lượng đào tạo là cam kết với xã hội; là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt làm kim chỉ nam cho sự phát triển bền vững. Đây là mục tiêu trọng tâm của Nhà trường không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo và nghiên cứu khoa học bằng những giải pháp có tính đột phá, căn cơ như: ĐH Đà Nẵng chú trọng đổi mới quản trị ĐH để nâng cao hiệu quả quản lý ĐH vùng, phát huy sức mạnh tổng hợp của các trường ĐH thành viên; Đổi mới chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy và nghiên cứu khoa học gắn liền với đổi mới sáng tạo.

Hợp tác với doanh nghiệp tăng cường các phòng thực hành, thí nghiệm cho sinh viên như “Không gian Sáng tạo số” tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.

Hợp tác với doanh nghiệp tăng cường các phòng thực hành, thí nghiệm cho sinh viên như “Không gian Sáng tạo số” tại Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng.

Các thế hệ giảng viên, sinh viên mới của ĐH Đà Nẵng đã và đang được truyền cảm hứng sáng tạo ra các giá trị, đề tài, sản phẩm ứng dụng thực tiễn “thông minh hơn”, thích ứng với Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, điển hình như: Các giải pháp, sản phẩm ứng dụng phòng chống COVID-19 trong giai đoạn cao điểm (máy đo thân nhiệt từ xa, robot khử khuẩn bằng tia UV tại các bệnh viện, robot vận chuyển nhu yếu phẩm, xe vận chuyển bệnh nhân trong khu cách ly…); các giải pháp phát triển đô thị thông minh (Mạng LoRa không dây ứng dụng trong nhiều lĩnh vực tại thành phố Đà Nẵng, công nghệ lưu trữ Hydrogen rắn giúp giảm ô nhiễm môi trường và xây dựng năng lượng thông minh…); các sản phẩm khởi nghiệp, sáng tạo hữu ích, có nguồn gốc vật liệu tự nhiên (tảo xoắn Spirulla ứng dụng góp phần phát triển kinh tế địa phương của Quảng Ngãi, mực thực vật BINKS tận dụng rau, củ, quả phế thải, không dùng hóa chất nên đem lại an toàn cho người sử dụng, máy ép chén đĩa, dung dịch tấy rửa đa năng, màng bọc bảo vệ da đầu từ vật liệu sinh học...).

Truyền cảm hứng cho học sinh THPT qua các sân chơi giáo dục STEM.

Truyền cảm hứng cho học sinh THPT qua các sân chơi giáo dục STEM.

Thời gian qua, ĐH Đà Nẵng coi trọng, gắn kết chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp để nắm bắt nhu cầu NNL để đào tạo phù hợp, gắn với nhu cầu thực tiễn, bám sát chiến lược, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của vùng và các địa phương; tăng cường kết nối, hỗ trợ các trường THPT xây vững nền tảng giáo dục STEM (khoa học - kỹ thuật và công nghệ kết hợp với toán học) để nâng cao chất lượng đầu vào, tư vấn tuyển sinh, thu hút học sinh giỏi theo học các ngành mũi nhọn như Vi mạch bán dẫn, Trí tuệ nhân tạo, Công nghệ Tài chính, Công nghệ thông tin; Mở rộng hội nhập, hợp tác quốc tế để tạo thêm nhiều cơ hội trao đổi giảng viên, sinh viên, hướng đến công dân toàn cầu và thị trường lao động khu vực và quốc tế…

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng nghiên cứu ứng dụng công nghệ lưu trữ Hydrogen rắn góp phần phát triển năng lượng thông minh.

Sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật - ĐH Đà Nẵng nghiên cứu ứng dụng công nghệ lưu trữ Hydrogen rắn góp phần phát triển năng lượng thông minh.

Được biết, trong chuỗi sự kiện chào mừng 30 năm xây dựng và phát triển ĐH Đà Nẵng, ngày 15/11/2024 sắp đến, ĐH Đà Nẵng chủ trì tổ chức Hội thảo lớn với chủ đề “Gắn kết đào tạo NNL CLC cho các tỉnh thuộc Vùng BTB-DHTB”. Chủ đề này có ý nghĩa thực tiễn và thời sự cao với sự tham dự của hơn 250 đại biểu từ các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương và các địa phương; các ĐH, trường ĐH và viện nghiên cứu; các tổ chức, hiệp hội và doanh nghiệp cùng các trường THPT thuộc vùng BTB-DHTB.

Tại Hội thảo lần này, các nhà lãnh đạo, quản lý, chuyên gia, doanh nhân sẽ cùng nhận diện bối cảnh, chia sẻ kinh nghiệm, hiến kế, đề xuất giải pháp thúc đẩy gắn kết giữa “ba nhà” (Nhà nước - Nhà trường và Nhà Doanh nghiệp) nhằm mục tiêu vừa nâng cao chất lượng đào tạo, vừa nâng cao hiệu quả sử dụng NNL, góp phần tạo động lực để phát triển bền vững.

Mỹ Phương

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/giao-duc/dai-hoc-da-nang-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao-cho-cac-tinh-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-i750073/
Zalo