'Đại gia một thời' Angimex miễn nhiệm lãnh đạo vì quản lý yếu kém

Từng là một 'đại gia' trong ngành xuất khẩu gạo, giờ đây Angimex đang đối diện với loạt khó khăn, hoạt động kinh doanh bị tê liệt...

Công ty Cổ phần Xuất Nhập Khẩu An Giang (Angimex – HoSE: AGM) vừa công bố nghị quyết HĐQT về việc miễn nhiệm chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật đối với ông Lương Đức Tâm. Quyết định có hiệu lực từ ngày ký 21/4/2025.

Lý do miễn nhiệm được đưa ra là do ông Tâm không thực hiện báo cáo định kỳ đúng hạn, dẫn đến tình trạng quản trị lỏng lẻo, kéo theo hàng loạt hệ quả nghiêm trọng. Lỗ lũy kế kéo dài khiến công ty âm vốn chủ sở hữu, trong khi cổ phiếu AGM bị Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) ra quyết định hủy niêm yết kể từ ngày 09/05/2025.

Đồng thời, doanh nghiệp còn bị áp dụng biện pháp thi hành án từ ngày 4/4/2025, khiến toàn bộ hoạt động gần như tê liệt. Đáng chú ý, tại ngày họp HĐQT, tiền mặt và tiền khả dụng của công ty gần như bằng 0.

Dữ liệu thời điểm kết thúc năm 2024, Angimex khi nhận trữ tiền vỏn vẹn hơn 5,7 tỷ đồng, giảm mạnh so với đầu năm là khoảng 16 tỷ đồng. Trong đó, tiền mặt 3,28 tỷ đồng và các khoản tương đương tiền là 2,47 tỷ đồng.

Kết quả biểu quyết cuộc họp cho thấy 3/4 thành viên tham dự tán thành, còn lại 1 thành viên không có ý kiến với quyết định nêu trên.

Ngay sau đó 2 ngày, vào ngày 23/4, HĐQT Angimex đã thống nhất bầu ông Nguyễn Hoàng Tiến giữ chức vụ Tổng Giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật. Thời gian bổ nhiệm kể từ ngày Hội đồng quản trị ban hành Nghị quyết.

Theo giới thiệu, ông Nguyễn Hoàng Tiến sinh năm 1982, ông đã có hơn 10 năm kinh nghiệm quản lý và điều hành tại nhiều công ty lớn, với năng lực nổi bật trong quản lý tài chính, xử lý pháp lý, và tái cấu trúc tổ chức.

Hiện ông Tiến đang đảm nhiệm vị trí lãnh đạo trong các doanh nghiệp khác bao gồm: Tổng Giám đốc Công ty PVCLAND; Đồng sáng lập kiêm Giám đốc Điều hành The King Wine World; Chủ tịch HĐQT ECI Saigon

Với kinh nghiệm của ông Tiến, Angimex hi vọng dưới sự điều hành của ông, doanh nghiệp có thể xử lý được khủng hoảng tài chính, công nợ, và xây dựng chiến lược phát triển bền vững, phù hợp với nhu cầu hiện tại của AGM (xử lý lỗ âm vốn, nợ thi hành án, khôi phục hoạt động kinh doanh sau khi cổ phiếu bị dời sàn HoSE).

 Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Từng là một "đại gia" trong ngành xuất khẩu gạo, nhưng tình hình kinh doanh của Angimex những năm gần đây lại không mấy khả quan.

Đáng chú ý, tất cả mảng kinh doanh chính đều hoạt động không hiệu quả, khiến công ty liên tục thua lỗ. Lỗ lũy kế kéo dài đã bào mòn tài sản và vốn chủ sở hữu, dẫn đến việc Angimex đang âm vốn chủ sở hữu, đối mặt nguy cơ mất khả năng thanh toán và bị kiểm soát đặc biệt.

Trước tình hình đó, Angimex cho biết dù đã tiến hành thanh lý các tài sản không cần thiết hoặc kém hiệu quả, đồng thời cắt giảm chi phí và dồn mọi nguồn lực để khôi phục hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhưng tình hình tài chính vẫn tiếp tục xấu đi.

Theo báo cáo tài chính năm 2024, Angimex ghi nhận khoản lỗ ròng kỷ lục gần 260 tỷ đồng, tăng 3% so với mức lỗ 251 tỷ đồng theo báo cáo tự lập trước đó.

Đây cũng là năm thứ ba liên tiếp (2022, 2023, 2024) doanh nghiệp này báo lỗ. Tính đến ngày 31/12/2024, Angimex ghi nhận khoản lỗ lũy kế lên tới 426 tỷ đồng, với vốn chủ sở hữu âm 244 tỷ đồng.

Đây cũng là nguyên nhân khiến HoSE đã ra quyết định hủy niêm yết đối với cổ phiếu AGM từ ngày 9/5/2025. Ngày giao dịch cuối cùng của cổ phiếu AGM tại HoSE là 8/5/2025.

Ngoài kinh doanh thua lỗ, áp lực từ các khoản nợ trái phiếu, nợ thuê tài chính và chi phí lãi vay đã đè nặng lên hoạt động tài chính của công ty.

Tính đến ngày 31/12/2024, tổng nợ phải trả của Angimex là 1.280 tỷ đồng, tăng so với đầu năm là 1.215 tỷ đồng. Trong đó, nợ tài chính là 954 tỷ đồng, tương ứng 74,5% tổng nợ phải trả. Nhưng đáng nói, gần 99% trong số đó là nợ ngắn hạn. Riêng năm 2024, Angimex phải trả 93,2 tỷ đồng tiền lãi vay.

Mới đây, Angimex đã bị Chi cục Thi hành án Dân sự TP Long Xuyên ban hành 6 quyết định cưỡng chế, bao gồm: Phong tỏa tài khoản ngân hàng và tài sản doanh nghiệp; tạm dừng chuyển nhượng, thay đổi hiện trạng của 11 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nhiều địa phương ở An Giang.

Không chỉ dừng lại ở đó, công ty còn đối mặt với nhiều vụ kiện đòi nợ từ trái chủ, trong đó có khoản nợ trái phiếu gần 10 tỷ đồng chưa thanh toán.

Minh Vy

Nguồn Vietnamdaily: https://vietnamdaily.kienthuc.net.vn/golf-doanh-nhan/dai-gia-mot-thoi-angimex-mien-nhiem-lanh-dao-vi-quan-ly-yeu-kem-245908.html
Zalo