Đại gia khai thác trái phép đất hiếm xin lại con dấu để công ty hoạt động tiếp
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các thủ tục, tạo điều kiện cho bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thái Dương) xin lại con dấu, giấy tờ liên quan để Công ty Thái Dương tiếp tục được hoạt động.
Chiều 14/5, phiên tòa xét xử vụ khai thác trái phép đất hiếm tiếp tục với phần tranh luận.
Bào chữa cho bị cáo Đoàn Văn Huấn (Chủ tịch HĐQT kiêm TGĐ Công ty Thái Dương), luật sư Vũ Thị Nga đưa ra quan điểm cho rằng, trong vụ án này, cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (VKS) xác định giá trị khoáng sản để định tội, định khung hình phạt cho các bị cáo trên cơ sở giá trị khoáng sản đã qua chế biến, không phải giá trị khoáng sản nguyên khai là đi ngược lại với tinh thần của luật và chưa đảm bảo việc xác định giá trị khoáng sản để tính thiệt hại.
Theo luật sư, cần phải xác định cụ thể giá trị của lượng khoáng sản nguyên khai trên cơ sở khối lượng khoáng sản đã chế biến. Như vậy, giá trị thiệt hại cho Nhà nước mới được xác định chính xác.
Đối với Công ty Thái Dương, do không có con dấu pháp nhân nên từ ngày 9/10/2023 đến nay, công ty ngừng toàn bộ hoạt động, gây khó khăn cho việc thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động như lương, chế độ và các nghĩa vụ như thanh toán tiền điện, nước và các nghĩa vụ tài chính khác.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: CTV
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét các thủ tục, tạo điều kiện cho bị cáo Huấn làm thủ tục ủy quyền cho cổ đông trong công ty (vợ bị cáo), đồng thời xin lại con dấu, giấy tờ liên quan để Công ty Thái Dương tiếp tục được hoạt động, thực hiện các nghĩa vụ đối với người lao động. Luật sư nhận thấy các yêu cầu này là rất chính đáng.
Bào chữa cho bị cáo Lưu Anh Tuấn (Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam), luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương và Lê Thị Thu Hằng đưa ra quan điểm cho rằng mức án 16-18 năm tù mà đại diện VKS đề nghị tuyên phạt bị cáo Tuấn là quá nghiêm khắc.
Luật sư đề nghị HĐXX xem xét cho ông Tuấn khi bị cáo đã ý thức rõ ràng về hành vi vi phạm pháp luật của mình, đề nghị được khắc phục hậu quả đối với tội "Buôn lậu". Đồng thời, ông Tuấn đã tha thiết đề nghị HĐXX xem xét về bối cảnh phạm tội do bị cáo được giao thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu khoa học.
Mặt khác, bị cáo có nhân thân tốt, là doanh nhân có trình độ chuyên môn hàng đầu về lĩnh vực tài nguyên đất hiếm. Bị cáo có tinh thần đi đầu trong việc đầu tư, sản xuất, hợp tác quốc tế về đất hiếm và nghiên cứu khoa học khoáng sản; có đóng góp cho ngành công nghiệp đất hiếm Việt Nam...
Về giá trị hàng hóa buôn lậu bị quy buộc, đại diện VKS quy kết bị cáo Tuấn buôn lậu 473.980kg ''Tổng ôxit đất hiếm'' trị giá hơn 379 tỷ đồng.
Theo luật sư, sau khi cộng số học các tờ khai hải quan thì nhận thấy con số trên bị tăng 34.516kg ''Tổng ôxit đất hiếm'' trị giá hơn 33 tỷ đồng. Vì vậy đề nghị HĐXX xem xét loại trừ trách nhiệm dân sự đối với số tiền này cho bị cáo Tuấn nói riêng và các bị cáo trong Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam nói chung.
Đối với tội ''Buôn lậu'' mà Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đất hiếm Việt Nam bị cáo buộc, luật sư đề nghị HĐXX cho bị cáo được áp dụng khoản 1, Điều 54, Bộ luật Hình sự 2015, tuyên bị cáo Lưu Anh Tuấn mức hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng, để bị cáo sớm được trở về với xã hội, đóng góp kiến thức, trí tuệ của mình cho việc nghiên cứu, phát triển công nghiệp đất hiếm tại Việt Nam.