Dải Gaza: Tiềm ẩn nguy cơ xung đột sau thỏa thuận ngừng bắn
Israel và Hamas đạt thỏa thuận ngừng bắn 42 ngày và trao đổi tù nhân, mang đến hy vọng hòa bình nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ xung đột tái diễn.
Tờ The New York Times đưa tin, vào ngày 15/1, nước trung gian hòa giải Qatar thông báo, Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã đạt một thỏa thuận trao đổi tù nhân và ngừng bắn 42 ngày nhằm chấm dứt xung đột ở Dải Gaza.
Thủ tướng Qatar, Sheikh Mohammed bin Abdulrahman al-Thani đã công bố thông tin trên sau nhiều tuần đàm phán giữa các bên liên quan tại thủ đô Doha của Qatar. Đài CNN dẫn lời Sheikh Al-Thani cho biết, thỏa thuận ngừng bắn và trao đổi tù nhân giữa Israel - Hamas dự kiến sẽ có hiệu lực từ ngày 19/1, “nhằm tránh đổ máu và leo thang hơn nữa xung đột trong khu vực”.
Sau 15 tháng chịu đựng bom đạn và mất mát, viễn cảnh về một thỏa thuận ngừng bắn cùng việc giải cứu con tin ở Gaza mang lại chút niềm vui cho cả người Palestine lẫn người Israel. Tuy nhiên, nỗi hoài nghi về tính bền vững của thỏa thuận này vẫn hiện hữu.
Đối với người Palestine, nếu thỏa thuận này được hoàn tất, nó có thể mang lại ít nhất vài tuần tạm ngừng chiến dịch quân sự của Israel. Trước đó, chiến dịch này đã khiến hơn 45.000 người ở Gaza thiệt mạng, bao gồm cả dân thường và chiến binh.
Về phía Israel, thỏa thuận có thể mở ra cơ hội giải thoát ít nhất một phần ba số con tin bị Hamas và các đồng minh bắt giữ từ cuộc tấn công ngày 7/10/2023. Cuộc tấn công này đánh dấu ngày đầu tiên trong tổng cộng 466 ngày chiến tranh.
Tuy nhiên, bản thỏa thuận với những nội dung mơ hồ được tiết lộ bởi tờ The New York Times cũng đặt ra nguy cơ xung đột tái diễn trong vài tuần tới. Để đạt được sự đồng thuận, các nhà trung gian đã soạn thảo thỏa thuận với nội dung mang tính linh hoạt cao, đến mức một số điều khoản vẫn chưa được giải quyết, khiến nó có nguy cơ đổ vỡ bất kỳ lúc nào.
Những bất đồng trong giai đoạn đầu thỏa thuận
Trong sáu tuần đầu tiên, Hamas dự kiến thả 33 con tin để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine do Israel giam giữ. Israel cũng dự kiến rút quân dần về phía đông, tạo điều kiện cho hàng trăm nghìn người Palestine bị mất nhà cửa có thể quay lại nơi ở.
Để thỏa thuận kéo dài hơn sáu tuần, Israel và Hamas cần giải quyết các vấn đề lớn, bao gồm việc Hamas sẽ thả thêm khoảng 65 con tin còn lại. Ngoài ra, hai bên cần đạt được thỏa thuận chấm dứt hoàn toàn chiến tranh, trong đó Israel phải rút khỏi các khu vực chiến lược ở Gaza, điều mà các thành viên chủ chốt trong liên minh cầm quyền Israel kịch liệt phản đối.
Nếu các cuộc đàm phán này thất bại, chiến tranh có thể tái diễn ngay sau thời hạn 42 ngày của lệnh ngừng bắn hoặc thậm chí sớm hơn.
Rủi ro chính trị và quân sự
Tình trạng bấp bênh này đe dọa cả Hamas lẫn Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Nếu chiến tranh tái diễn, lực lượng Hamas, vốn đã suy yếu nghiêm trọng có thể mất hoàn toàn quyền kiểm soát Gaza. Nhưng nếu thỏa thuận trở thành vĩnh viễn, Hamas sẽ có cơ hội củng cố quyền lực tại vùng lãnh thổ này, họ có thể xem đây là một chiến thắng mang tính biểu tượng cho tổ chức vốn từng đứng trước nguy cơ mất quyền kiểm soát sau 17 năm cầm quyền.
Ngược lại, một kết quả giúp Hamas tiếp tục kiểm soát Gaza có thể gây tổn hại nặng nề cho ông Netanyahu. Các đối tác trong liên minh cực hữu của ông đã đe dọa rời khỏi chính phủ nếu Hamas vẫn tồn tại, điều này có thể đe dọa đến sự ổn định trong chính quyền của ông.
Những tuần sắp tới sẽ là thời điểm kiểm nghiệm liệu ông Netanyahu có đủ sức mạnh chính trị để đối mặt với các đối tác trong liên minh hay không. Ngay cả khi vượt qua, ông vẫn phải đối mặt với những trở ngại khác: Kết thúc chiến tranh sẽ dẫn đến một cuộc điều tra về những thất bại an ninh của Israel vào ngày 7/10/2023. Những tiết lộ từ cuộc điều tra này có thể gây tổn hại không chỉ cho ông Netanyahu mà còn cả các lãnh đạo an ninh của ông.
Dù vậy, các nhà phân tích nhận định thỏa thuận vẫn có cơ hội trở thành vĩnh viễn. Ngôn ngữ lỏng lẻo trong thỏa thuận có thể cho phép lệnh ngừng bắn kéo dài nếu hai bên tiếp tục đàm phán, ngay cả khi phải mất nhiều hơn sáu tuần để đạt được đồng thuận.
Động lực kéo dài đàm phán giữa hai bên
Cả hai bên xung đột đều có lý do để kéo dài đàm phán, ngay cả khi các cuộc đối thoại không mang lại kết quả rõ ràng.
Về phía Hamas, tình thế cô lập và suy yếu hiện tại khiến tổ chức này mong muốn duy trì vị thế thống trị ở Gaza và lệnh ngừng bắn này mang đến cơ hội quý báu để tái thiết lực lượng.
Trong khi đó, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đang theo đuổi mục tiêu thiết lập quan hệ ngoại giao mang tính bước ngoặt với Ả Rập Xê Út. Các cuộc đàm phán về thỏa thuận này đã bị gián đoạn do cuộc chiến bùng nổ vào năm 2023 và có khả năng chỉ được khôi phục nếu lệnh ngừng bắn được duy trì.
“Một thỏa thuận giữa Ả Rập Xê Út - Israel không thể xảy ra trong bối cảnh chiến tranh ở Gaza vẫn đang tiếp diễn, số lượng lớn người Palestine thương vong, Hamas giam giữ con tin Israel và thảm họa nhân đạo ngày càng tồi tệ”, ông Aaron David Miller, nhà nghiên cứu tại Carnegie Endowment for International Peace nhận định.
Tại Israel, một phong trào phản đối quy mô lớn cũng đang gia tăng sức ép lên ông Netanyahu nhằm kéo dài thỏa thuận để giải thoát toàn bộ con tin. Áp lực công chúng này có thể áp đảo mọi chỉ trích mà ông Netanyahu phải đối mặt nếu quyết định kết thúc chiến tranh.
Hơn thế, sự phấn khích và niềm vui từ việc từng nhóm con tin được trả tự do có thể tạo ra động lực lớn, thúc đẩy sự ủng hộ của dư luận Israel cho một thỏa thuận lâu dài, dẫn đến việc giải cứu tất cả các con tin còn lại.
Vai trò của chính quyền ông Donald Trump
Một yếu tố quan trọng không thể bỏ qua là vai trò của chính quyền ông Donald Trump. Theo các quan chức, đặc phái viên Trung Đông của ông Donald Trump - ông Steve Witkoff đã đóng vai trò quyết định trong việc thúc đẩy Israel tiến tới thỏa thuận ngừng bắn gần đây. Sự quan tâm liên tục từ phía chính quyền Donald Trump có thể quyết định thời gian thỏa thuận được duy trì.
“Ông Donald Trump sẽ là biến số then chốt khi xét đến lập trường của Israel”, ông Michael Koplow, nhà phân tích thuộc Israel Policy Forum cho biết.
“Nếu ông Donald Trump hài lòng với việc dàn xếp giai đoạn đầu và sau đó chuyển sự chú ý sang các vấn đề khác, việc duy trì lệnh ngừng bắn sẽ trở nên khó khăn hơn”, ông Koplow nói.
Tuy nhiên, nếu ông Donald Trump duy trì sự tập trung, “ ông Netanyahu sẽ khó có thể không tìm cách kéo dài thỏa thuận ngừng bắn và đồng thời xoa dịu các thành viên bất mãn trong liên minh của mình”, ông Koplow bổ sung.