'Đại điền' sẽ mở cánh cửa lớn cho nông nghiệp…

Đó là thông điệp và cũng là kỳ vọng của nhóm tác giả Báo Thái Bình khi thực hiện loạt tác phẩm 'Đại điền xây ruộng lớn'. Loạt bài 5 kỳ đã nêu đúng và hay vấn đề đại điền xây dựng ruộng lớn ở đất lúa Thái Bình với những cách làm, mô hình, doanh nhân nông nghiệp đầu tư vào đất hoang, diện tích lớn, sản xuất theo hướng hàng hóa… Loạt bài đoạt giải B Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XVIII.

Nhận định của tư lệnh ngành là phát kiến cho nhóm phóng viên thực hiện

Nhà báo Lưu Ngần - đại diện nhóm tác giả chia sẻ: Thái Bình là tỉnh trọng điểm về sản xuất nông nghiệp của khu vực Đồng bằng sông Hồng, do đó, nông nghiệp – nông dân – nông thôn luôn là ưu tiên hàng đầu trong định hướng tuyên truyền của Báo Thái Bình.

Tích tụ, tập trung ruộng đất là xu hướng tất yếu của sản xuất nông nghiệp đang diễn ra mạnh mẽ ở các địa phương. Không nằm ngoài xu thế đó, nông nghiệp Thái Bình đang chuyển mình từ phong trào tích tụ, tập trung ruộng đất nhờ những nông dân “dám nghĩ, dám làm” cùng sự động viên, khích lệ, quan tâm từ những cơ chế, chính sách hỗ trợ. Trước đó, Báo Thái Bình cũng có nhiều loạt bài phản ánh thực trạng nông dân chán ruộng, bỏ ruộng; xu hướng, hiệu quả của tích tụ, tập trung ruộng đất và cũng có tác phẩm đạt các giải thưởng báo chí quốc gia, giải của ngành.

 Một số hình ảnh, video được kết hợp nhuần nhuyễn trong tác phẩm.

Một số hình ảnh, video được kết hợp nhuần nhuyễn trong tác phẩm.

Trong một lần về Thái Bình, khi thăm, trò chuyện cùng các “đại điền” Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan ngỡ ngàng, không nghĩ với điều kiện ruộng đất manh mún, phân tán khác hẳn vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long quê ông vậy mà vẫn có nhiều “đại điền” tích tụ, tập trung ruộng đất với quy mô hàng chục héc ta. Bộ trưởng đánh giá, CLB Đại điền của Thái Bình là một cách nghĩ mới. Các địa phương cần kiến tạo không gian để người nông dân cùng nuôi dưỡng ý tưởng, chủ đề, sáng tạo trong nông nghiệp.

“Và nhận định của tư lệnh ngành trở thành phát kiến để nhóm phóng viên Báo Thái Bình thực hiện đề tài “Đại điền xây ruộng lớn” – nhà báo Lưu Ngần nhấn mạnh.

Khai thác sâu 2 vấn đề “Đầu tiên và duy nhất”…

Chia sẻ về hành trình tác nghiệp, Lưu Ngần cho biết: Khi thực hiện loạt bài, nhóm phóng viên đã đi sâu vào 2 vấn đề “đầu tiên và duy nhất” có tại Thái Bình đó là Câu lạc bộ Đại điền và cơ chế, chính sách của tỉnh Thái Bình với tích tụ, tập trung đất đai. Phản ánh cái duy nhất tại Thái Bình nhưng cũng là thực tế tích tụ, tập trung ruộng đất tại nhiều địa phương trên cả nước hiện nay khi khung pháp lý, cụ thể là Luật Đất đai chưa được sửa đổi để bắt nhịp với chuyển mình của nông nghiệp.

Loạt bài khắc họa chân dung những nông dân mới cũng là thay lời “đại điền” của Thái Bình, nông dân trong cả nước gửi gắm tâm tư, nguyện vọng ở sự thay đổi của Luật Đất đai năm 2013, cởi trói hạn điền… Và để loạt bài đạt hiệu quả cao nhất, nhóm phóng viên cũng đề xuất và được Ban Biên tập đồng ý, đầu tư công phu, dựng bài Longform, 4 thành viên sẽ chia các đầu việc cụ thể: 2 người làm nội dung và ảnh, 1 người quay phim, dựng và 1 thiết kế để thực hiện 5 kỳ với đa phương tiện gồm video kết hợp hình ảnh, đồ họa…

 Nhà báo Lưu Ngần tác nghiệp.

Nhà báo Lưu Ngần tác nghiệp.

Đặt ra kịch bản triển khai thông tin như vậy nhưng Lưu Ngần và đồng nghiệp cũng đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác khi gặp được những con người “nghĩ lớn, làm lớn”. Nhà báo Lưu Ngần giãi bày: Có cơ hội được trò chuyện, lắng nghe những “đại điền” trải lòng, chúng tôi thêm cảm phục những con người dám nghĩ, dám làm, không ngại khó, sợ khổ đầu tư công sức, vốn liếng vào đồng ruộng như chủ doanh nghiệp may Nguyễn Công Tới tại xã Thụy Thanh (Thái Thụy).

Vốn liếng tích lũy của hơn 10 năm làm giám đốc doanh nghiệp may được anh Tới dồn hết vào mua máy móc, thực hiện 100% cơ giới hóa từ máy làm đất, máy cày, máy cấy, máy gặt, máy bay phun thuốc trừ sâu, máy gieo mạ khay đến máy sấy thóc; phối hợp với chính quyền địa phương thuê và mượn ruộng của người dân đào đắp hệ thống mương máng, cải tạo đồng ruộng để sản xuất lúa hàng hóa, lúa hữu cơ. Cứ thế, cái ý nghĩ “làm ruộng thì ra, làm nhà thì thiếu” đã thôi thúc anh tiếp tục “ôm” hết những diện tích đất nông nghiệp hoang hóa ở địa phương với tổng diện tích lên tới 50 ha…

Hay như anh Đào Trọng Huyền - xã Hiệp Hòa (Vũ Thư) từ bỏ 18 năm làm kỹ sư cầu đường với mức lương cao, ổn định để tìm đến nông nghiệp với kinh nghiệm, hiểu biết “bằng con số 0”; chị Trần Thị Lanh - xã Bình Minh (Kiến Xương) từ gom mượn vài ba sào, tình yêu, niềm say mê với nông nghiệp đã dẫn dắt chị mở mang, phát triển trở thành “đại điền chủ” với gần 100 ha ruộng thuê, mượn.

Cả cuộc đời gắn bó với đồng ruộng như ông Đỗ Văn Dân, xã Vũ Quý (Kiến Xương), chúng tôi lại thấy tư duy “đi trước đón đầu” ở người nông dân chính hiệu này khi ông là người tiên phong trong tích tụ ruộng đất nhưng ở thời kỳ phong trào nở rộ, ông lại chủ động “nhả ruộng” để các đại điền trẻ có cơ hội mở rộng sản xuất còn mình lùi về cung cấp dịch vụ hậu cần như máy cấy, mạ khay, thu mua nông sản, sơ chế, chế biến… mang lại thu nhập cả tỷ đồng mỗi năm.

“Ngoài các tổng hợp, báo cáo của ngành chuyên môn (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài nguyên và Môi trường), chất liệu chính tạo nên loạt bài là ở những chia sẻ, tâm tư của “đại điền”. Có những nhân vật – nông dân quá “quen” với mặt báo nhưng có thời gian được nghe họ trải lòng, chúng tôi như vỡ vạc ra nhiều điều, để rồi từ sự lắng nghe ấy, chúng tôi thấy được những giọt nước mắt, những phút giây nghẹn ngào khi họ hồi tưởng về quãng thời gian khốn khó, về thành quả hôm nay…

Một kỷ niệm đáng nhớ với nhóm phóng viên khi về phỏng vấn một bạn thanh niên trẻ đam mê làm nông nghiệp. Tích tụ quy mô nhất nhì của huyện nhưng khi đứng trước ống kính lại như “gà mắc tóc” dù trước đó ngồi trò chuyện, khai thác thông tin bạn chia sẻ gan ruột, đoạn phỏng vấn chỉ vẻn vẹn hơn 20 giây nhưng phải trên dưới chục lần bấm máy…” - Lưu Ngần kể lại.

Những kỷ niệm, những tư liệu quý báu sẽ không thể có được qua những cuộc gặp gỡ, hỏi han chóng vánh. Đại điền Thái Bình tuy bước đầu “nghĩ lớn, làm lớn” nhưng tựu chung lại, họ vẫn là những nông dân vì yêu ruộng, tiếc ruộng mà gom ruộng, rất ít trong số họ được đào tạo qua trường lớp.

“Mỗi nông dân, mỗi đại điền có cách làm khác nhau nhưng tựu chung lại, chúng tôi thấy ở họ sự đổi thay căn bản trong nhận thức về nông nghiệp khi trong tay họ có tư liệu sản xuất đủ lớn, được làm chủ đồng ruộng để tự quyết trồng cây gì, nuôi con gì; sản xuất theo tín hiệu, nhu cầu, thậm chí định hướng thị trường chứ không phải làm theo kinh nghiệm….” - Lưu Ngần nhấn mạnh.

An Vinh (Ghi)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-dien-se-mo-canh-cua-lon-cho-nong-nghiep-post299586.html
Zalo