Đại dịch COVID-19 gây khó cả Tổng thống Mỹ và Thủ tướng Anh

Số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh ở cả Anh và Mỹ đang trở thành trở ngại lớn trong sự nghiệp chính trị của cả Thủ tướng Anh Boris Johnson và Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Thủ tướng Anh Boris Johnson (trái) và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Getty Images

Theo kênh CNN, ngày 16/12, Cơ quan An ninh y tế Vương quốc Anh (UKHSA) cho biết trong vòng 24 giờ qua, nước này đã ghi nhận thêm 88.376 ca mắc mới COVID-19, mức cao nhất kể từ đầu đại dịch, nâng tổng số ca nhiễm lên 11.097.851 ca. Trong số ca nhiễm mới, giới chức y tế Anh đã xác nhận 4.671 ca nhiễm biến thể Omicron, mức cao nhất theo ngày kể từ khi biến thể mới này xuất hiện tại Anh, nâng tổng số ca nhiễm Omicron ở nước này lên 10.017 ca. Anh cũng thông báo thêm 146 ca tử vong liên quan COVID-19, nâng tổng số ca tử vong lên 146.937 ca.

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày tại Phố Downing, Giám đốc Cơ quan Y tế Anh Chris Whitty cảnh báo sẽ tiếp tục có những kỷ lục buồn về số ca nhiễm mới COVID-19 trong vài tuần tới. Ông cho rằng biểu đồ lây lan của biến thể Delta hiện tại đi ngang và Omicron lây lan khiến cho tình hình hiện nay giống như “dịch chồng dịch”.

Tại Mỹ, trong ngày 16/12, nước này ghi nhận gần 145.000 ca mắc mới và 997 ca tử vong. Tổng số ca mắc từ đầu đại dịch ở Mỹ đã là trên 51,4 triệu ca, trong đó trên 824.000 ca tử vong.

Khi ca mắc gia tăng, sự xuất hiện của biến thể Omicron khiến giới chức y tế Mỹ lo ngại khi đã lây lan ra ít nhất 32 bang. Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Bệnh truyền nhiễm và Dị ứng Quốc gia Mỹ, nhận định: “Omicron sẽ là thách thức vì nó lan rất nhanh”.

Thách thức bủa vây Tổng thống Biden

Trong bối cảnh đại dịch phức tạp, mỗi bước đi và quyết sách sai lầm đều khiến các lãnh đạo trả giá.

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Nhân viên y tế chuyển thi thể bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở New York, Mỹ ngày 6/4/2020. Ảnh: AFP/TTXVN

Với Tổng thống Biden, nhiều bước đi đã khiến tỷ lệ ủng hộ ông sụt giảm mạnh: coi nhẹ tình trạng lạm phát gia tăng, hứa quá nhiều về đối phó với dịch bệnh và chịu trách nhiệm về các sự cố khi rút quân khỏi Afghanistan.

Tuy nhiên, cũng cần lưu ý rằng chưa tổng thống Mỹ thời hiện đại nào gặp cùng lúc nhiều cuộc khủng hoảng như ông Biden. Ông đang phải chống lại đại dịch đã bộc lộ những điểm yếu về chính trị, xã hội Mỹ. Nhiều vấn đề kinh tế khiến ông không giành được tỷ lệ ủng hộ cao cũng là vấn đề mang tính toàn cầu, không phải của riêng nước Mỹ, ví dụ như đứt gãy chuỗi cung khiến hàng hóa đắt đỏ hơn.

Dù vì lý do khách quan hay chủ quan thì các con số khảo sát dư luận chưa bao giờ ủng hộ ông Biden. Thế cân bằng tại Thượng viện và thế đa số mỏng manh tại Hạ viện khiến chương trình nghị sự của ông Biden không bao giờ có thành công một cách dễ dàng. Cho dù đã thông qua một số luật mang tính di sản ấn tượng, nhưng tâm trạng đen tối ở nước Mỹ vẫn khiến ông mất điểm trong mắt cử tri. Người Mỹ kiệt sức, chia rẽ, chống đối lẫn nhau, chán nản với giá cả tăng vọt, sợ ảnh hưởng mà con cái phải chịu khi phải ở nhà học trực tuyến hàng tháng trời. Đại dịch xuất hiện từ năm 2019 sẽ chi phối cuộc sống của họ có lẽ là phần lớn năm 2022 sắp tới.

Dường như Nhà Trắng đang quá tải với các sự kiện. Cả sự kiện ngoài tầm kiểm soát lẫn lựa chọn của Tổng thống Biden đều khiến ông rơi vào tình thế nguy hiểm khi năm 2021 sắp kết thúc. Có ý kiến còn hoài nghi về khả năng thành công của ông Biden khi tái tranh cử năm 2024 tới.

Dù vậy, cũng có tia hy vọng với ông Biden khi ngày 14/12, ông Biden lạc quan trước báo cáo của công ty dược Pfizer nói rằng thử nghiệm thuốc điều trị COVID-19 cho thấy nguy cơ nhập viện và tử vong giảm 89%, nếu người có nguy cơ cao được điều trị trong vòng vài ngày sau khi có triệu chứng bệnh đầu tiên.

Trong một tuyên bố, ông Biden nói: “Tin tức này mang tới một công cụ mạnh mẽ tiềm năng trong cuộc chiến với virus của chúng ta, trong đó có biến thể Omicron. Mỹ đã đặt hàng đủ thuốc này để trị bệnh cho 10 triệu người”.

Thủ tướng Anh trong cơn ác mộng chính trị

Trong khi Tổng thống Mỹ đang trải qua thời gian khó khăn, Thủ tướng Anh Boris Johnson cũng có cơn ác mộng chính trị của riêng mình, cơn ác mộng khó có thể mô tả bằng lời.

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại London, Anh, ngày 9/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Một điểm xét nghiệm COVID-19 tại London, Anh, ngày 9/12/2021. Ảnh: THX/TTXVN

Đầu đại dịch, ông Johnson bị bắt gặp vi phạm các quy tắc phòng dịch mà ông áp đặt cho người dân, ví dụ ra ngoài ăn tối hay cắt tóc trong lúc Anh bị phong tỏa. Gần đây, người ta còn nhìn thấy ông không đeo khẩu trang tại sự kiện công cộng. Thêm nữa, vừa xuất hiện thông tin tai hại về các bữa tiệc tại Phố Downing vào năm 2020 – thời điểm mà người Anh thậm chí không được chăm sóc người thân hấp hối trong viện hay tổ chức Giáng sinh.

Thời điểm xảy ra khủng hoảng đặc biệt có hại với Thủ tướng Anh. Ông đang áp đặt các biện pháp chống dịch mới để đối phó với biến thể Omicron, đặt ra câu hỏi tại sao người dân phải tuân thủ trong khi trước đây, ông thường bỏ qua các quy định y tế.

Khó khăn của ông Johnson nhiều thêm khi ngày 14/12, gần 100 nghị sĩ bỏ phiếu phản đối các biện pháp chống dịch COVID-19 mới. Nếu đảng của ông Johnson để mất thế đa số mạnh như hiện nay vào bầu cử bổ sung tại vùng Shropshire ngày 23/12 tới, ông sẽ gặp khủng hoảng nhiều hơn.

Thùy Dương/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dai-dich-covid19-gay-kho-ca-tong-thong-my-va-thu-tuong-anh-20211217113808293.htm
Zalo