Đại dịch COVID-19 chưa kết thúc, vaccine vẫn là 'vũ khí chiến lược'
Theo WHO, hiện nay số mắc và tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và số tử vong tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương, châu Phi. WHO và các tổ chức quốc tế khuyến cáo, đại dịch COVID-19 chắc chắn chưa kết thúc và vaccine vẫn được coi là 'vũ khí chiến lược' chống dịch.
Biến thể phụ BA.4 và BA.5 của Omicron gia tăng
Tính đến ngày 16/6, trên thế giới ghi nhận hơn 542,6 triệu ca mắc COVID-19, trên 6,32 triệu ca tử vong. Còn tại Việt Nam, ghi nhận 10.734.925 ca mắc, trong đó 10.728.729 ca trong nước; đã có 9.583.105 ca khỏi bệnh, 43.083 ca tử vong.
Theo WHO, hiện nay số ca mắc, tử vong do COVID-19 vẫn tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ, số tử vong tiếp tục gia tăng ở khu vực Tây Thái Bình Dương và châu Phi. WHO và các tổ chức quốc tế đều đưa ra khuyến cáo: Đại dịch COVID-19 chắc chắn chưa kết thúc.
Mới đây (ngày 13/6), Trung tâm Kiểm soát phòng ngừa và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) bước đầu nhận định, biến thể phụ BA.4 và BA.5 của biến chủng Omicron đã ghi nhận tại nhiều nước châu Âu và gia tăng tại một số nước trong những tuần gần đây, trong đó tại Bồ Đào Nha biến thể phụ BA.5 đã chiếm ưu thế trong số các ca mắc.
Trung tâm ECDC cảnh báo, 2 dòng biến thể phụ này có thể dẫn đến sự gia tăng các ca mắc COVID-19 trong thời gian tới. Các quốc gia cần duy trì các biện pháp ứng phó, tăng cường hệ thống giám sát trọng điểm (ILI/ARI, SARI), nhất là những chỉ số nhập viện, nặng, tử vong, đặc biệt là đối với người từ 65 tuổi trở lên.
Dự báo, thời gian tới dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến khó lường. Số ca nhiễm có thể tiếp tục theo xu hướng giảm hoặc tăng trở lại, tùy thuộc các điều kiện về tác nhân (xuất hiện các biến thể mới), về chính sách (thay đổi các biện pháp phòng chống dịch). Đối tượng cảm nhiễm có thể còn khá lớn. Các biến thể, biến thể phụ đáng lo ngại mới vẫn tiếp tục xuất hiện với tốc độ khá nhanh trên thế giới. Tình hình dịch bệnh ở một số quốc gia (Trung Quốc, Triều Tiên…) vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, tác động hậu COVID-19 chưa có nghiên cứu đầy đủ.
Hơn nữa, các chuyên gia y tế cảnh báo, miễn dịch do tiêm vaccine phòng bệnh và miễn dịch mắc phải không bền vững. Bên cạnh đó, có nguy cơ gia tăng "gánh nặng kép" cho hệ thống y tế do xu hướng gia tăng các dịch bệnh mùa hè, như sốt xuất huyết, tay chân miệng… đồng thời không loại trừ nguy cơ xâm nhập các dịch bệnh mới phát sinh, như viêm gan cấp tính chưa rõ nguyên nhân, bệnh đậu mùa khỉ...
Vaccine vẫn là vũ khí chiến lược
Tại Việt Nam, mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, nhưng Bộ Y tế cho biết vẫn tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch, sự xuất hiện của các biến chủng mới. Bộ cũng sẽ thường xuyên trao đổi với WHO để cập nhật thông tin kịp thời, chính xác về các biến chủng, đồng thời xây dựng phương án bảo đảm công tác y tế ứng phó với các tình huống dịch COVID-19 giai đoạn 2022-2023.
Trong bối cảnh hiện nay, các chuyên gia y tế tiếp tục khẳng định, vaccine là vũ khí chiến lược, là yếu tố quyết định nền tảng trong phòng, chống dịch COVID-19.
Chính vì vậy, Bộ Y tế sẽ tiếp tục cùng các bộ, ngành, địa phương tập trung đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, bảo đảm hoàn thành tiêm mũi 3 cho người cần tiêm và tiêm mũi 2 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi trong quý II/2022.
Bộ Y tế thường xuyên gửi công điện tới các tỉnh, thành phố về tăng cường công tác tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi và mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên.
PGS.TS. Trần Đắc Phu, cố vấn cao cấp Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng cho biết, hiện nay, nhiều nước trên thế giới và ở Việt Nam đã triển khai tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) để phòng bệnh cho người dân. Hầu hết những đối tượng này khi mắc bệnh hoặc tái nhiễm đều có triệu chứng nhẹ. Một số nước cũng đã triển khai tiêm mũi 4 cho những đối tượng có nguy cơ cao, như người già, người có bệnh nền, những người có nguy cơ cao như nhân viên y tế… Việc tiêm mũi nhắc lại (mũi 3, mũi 4) cho người dân là rất cần thiết trong phòng bệnh.
Bộ Y tế đề nghị các bộ, ngành địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh tiêm vaccine mũi 3 cho đối tượng được chỉ định tiêm trong quý II/2022; hoàn thành việc tiêm mũi 2 cho trẻ em từ 12-18 tuổi; đẩy nhanh tiến độ tiếp nhận, nhập khẩu và phân bổ vaccine cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi, hoàn thành việc tiêm chủng trong quý II/2022 để bảo đảm an toàn cho trẻ trong kỳ nghỉ hè và chuẩn bị cho năm học mới.
Các bộ, ngành địa phương cần từng bước tự chủ về thuốc, sinh phẩm xét nghiệm, vật tư y tế để chuẩn bị cho mọi tình huống dịch bệnh; tiếp tục thực hiện hiệu quả việc quản lý rủi ro, nhất là đối với các đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, bệnh nền, trẻ em…); rà soát, xây dựng các chính sách đãi ngộ, thu hút đối với cán bộ y tế, nhất là y tế dự phòng, y tế cơ sở...
Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các quy định hiện hành để giải quyết các khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quản lý nhà nước đối với hoạt động mua sắm công trong lĩnh vực y tế. Bộ cũng tiếp tục xử lý các vướng mắc, tồn tại liên quan tới công tác phòng, chống dịch của các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tiêu cực, lãng phí, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống dịch.