Dai dẳng nỗi đau da cam

Đã 63 năm trôi qua kể từ ngày quân đội Mỹ rải chất độc hóa học (còn gọi là chất độc da cam) xuống những cánh rừng miền Nam Việt Nam, đến nay, nỗi đau da cam vẫn còn giày vò thể xác, tinh thần của biết bao người. Tại Kiên Giang, có 8 huyện bị ảnh hưởng trực tiếp với 1.199 nạn nhân bị nhiễm chất độc da cam.

CÒN ĐÓ NHỮNG NỖI ĐAU

Năm 1973, chàng trai 16 tuổi Bùi Văn Quới, ngụ ấp 7 Sáng, xã Đông Hòa, huyện An Minh (Kiên Giang) không tiếc tuổi xuân tham gia kháng chiến chống Mỹ. Kết thúc chiến tranh, ông Quới không biết mình nhiễm chất độc hóa học nên lập gia đình và sinh được hai người con.

Người con trai lớn của ông Quới năm nay 33 tuổi nhưng hoàn toàn vô thức, chân tay teo tóp, dị tật, mọi sinh hoạt đều không thể tự chủ. Người con gái hàng ngày phải chống chọi với các di chứng, bệnh tật bởi chất độc da cam.

Ông Quới nói: “Hàng ngày, vợ tôi buôn bán ở chợ, tôi ở nhà chăm sóc các con và đan lợp cua bán để kiếm thêm thu nhập. Nhìn con bệnh tật, đau đớn tôi buồn lắm, sức khỏe vợ chồng tôi ngày càng yếu dần, không biết các con sau này sẽ thế nào”.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Minh tặng quà nạn nhân chất độc da cam huyện An Minh.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Minh tặng quà nạn nhân chất độc da cam huyện An Minh.

Theo Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang, hiện toàn tỉnh có 1.199 nạn nhân chất độc cam/dioxin được công nhận và hưởng chính sách, trong đó có 812 nạn nhân ảnh hưởng trực tiếp, 387 người ảnh hưởng gián tiếp.

Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Minh cho biết đa số nạn nhân da cam sống ở vùng sâu, vùng xa, không có khả năng lao động, sản xuất nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Các di chứng, bệnh hiểm nghèo bởi dioxin như liệt hoàn toàn hay một phần cơ thể, mù lòa, câm điếc, động kinh, thiểu năng trí tuệ, ung thư, dị tật bẩm sinh… phải điều trị thường xuyên làm cho kinh tế gia đình nạn nhân ngày càng kiệt quệ.

ĐỒNG HÀNH CÙNG NẠN NHÂN DA CAM

Để xoa dịu nỗi đau da cam, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể, tổ chức thiện nguyện trên địa bàn tỉnh Kiên Giang luôn quan tâm, thực hiện nhiều hoạt động, chương trình thiết thực vì nạn nhân da cam.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang vận động trên 3 tỷ đồng thực hiện công tác an sinh xã hội, hỗ trợ nạn nhân da cam như tặng hơn 4.000 suất quà nhân dịp lễ, tết, ngày thảm họa da cam Việt Nam, xây mới và sửa chữa 6 căn nhà mái ấm da cam, tặng thiết bị tập vật lý trị liệu; thăm hỏi, động viên 150 lượt nạn nhân da cam ốm đau; trao học bổng cho học sinh là con nạn nhân da cam…

Sự quan tâm, giúp đỡ của cộng đồng đã tiếp thêm nghị lực giúp nạn nhân da cam vượt qua nỗi đau bệnh tật, vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh Thượng tặng quà nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật trên địa bàn huyện.

Đại diện Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang và Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện U Minh Thượng tặng quà nạn nhân chất độc da cam, người khuyết tật trên địa bàn huyện.

Là thế hệ thứ hai bị di truyền chất độc da cam từ cha khiến đôi chân anh Trần Văn Vạn, ngụ xã Hòa Chánh, huyện U Minh Thượng (Kiên Giang) bị khuyết tật. Dù cuộc sống chịu nhiều thiệt thòi nhưng anh Vạn vẫn lạc quan, vươn lên trong cuộc sống.

“Từ khi sinh ra, hai chân tôi đã teo tóp, không thể chạy nhảy như những đứa trẻ bình thường. Cuộc sống tuy khó khăn nhưng tôi luôn được gia đình, chính quyền địa phương và Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh quan tâm, thăm hỏi, tặng quà và tạo điều kiện học nghề. Đó là động lực giúp tôi vươn lên trong cuộc sống. Hiện tôi có một cơ sở chăm sóc sức khỏe đông y với thu nhập ổn định, chăm lo cho các con học tập đến nơi đến chốn”, anh Vạn nói.

Thời gian qua, Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang luôn đồng hành cùng nạn nhân da cam bằng những việc làm thiết thực như hỗ trợ xây nhà, giúp vốn phát triển kinh tế, thăm hỏi, tặng quà dịp lễ, tết... Dịp kỷ niệm ngày thảm họa da cam ở Việt Nam năm nay, hội tặng trên 400 suất quà cho các nạn nhân da cam.

"Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hoàn cảnh khó khăn do nhiễm chất độc da cam cần được trợ giúp, Hội mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ của các cơ quan, đơn vị, nhà hảo tâm để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam cho các nạn nhân", Chủ tịch Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Kiên Giang Nguyễn Hoàng Minh nói.

Bài và ảnh: BẢO TRÂN

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/xa-hoi/dai-dang-noi-dau-da-cam-21684.html
Zalo