'Đãi chứng trường' tìm cổ phiếu mạnh

Các thông tin tiêu cực được cho rằng đã phản ánh vào giá cổ phiếu nhưng nhiều môi giới kỳ cựu, chuyên gia phân tích đều nhìn nhận dòng tiền yếu nên chỉ số VN-Index chưa thể phục hồi nhanh được. Đây là giai đoạn nhà đầu tư nên ưu tiên quản trị rủi ro vị thế tài khoản, cơ cấu lại danh mục theo hướng tăng tỷ trọng các cổ phiếu mạnh.

Ở vùng trũng thông tin, giới chuyên gia cho rằng, thị trường chưa thể hồi phục mạnh trong ngắn hạn

Ở vùng trũng thông tin, giới chuyên gia cho rằng, thị trường chưa thể hồi phục mạnh trong ngắn hạn

Tín hiệu tạo đáy quanh 1.180 - 1.200 điểm

Sau khi chạm mốc 1.180 điểm vào trung tuần tháng 8 - lần đầu chạm mốc này sau 4 tháng, chỉ số VN-Index đã ghi nhận một số phiên hồi phục. Đặc biệt, trong phiên cuối tuần qua, VN-Index tăng hơn 28,6 điểm, lên mức 1.252 điểm, đi kèm thanh khoản khớp lệnh ở sàn HOSE đạt hơn 23.000 tỷ đồng, gần gấp đôi so với trung bình 5 phiên gần nhất. Ở góc nhìn kỹ thuật, có thể xem như thị trường đã xuất hiện phiên bùng nổ theo đà để xác định xu hướng ngắn hạn đang đảo chiều từ tích lũy sang tăng.

Phiên này ghi nhận dòng tiền lan tỏa mạnh khi số mã tăng giá áp đảo hoàn toàn so với số mã giảm giá (413 mã tăng, 41 mã giảm, 39 mã tham chiếu); trong đó, đáng chú ý là nhóm cổ phiếu ngành chứng khoán tăng mạnh, dư mua trần. Đây là nhóm cổ phiếu có độ beta cao và kích thích tâm lý nhà đầu tư giao dịch lướt sóng. Theo đó, nhiều môi giới kỳ cựu cho rằng, nếu duy trì được mức tăng trong tuần sau, nhà đầu tư lướt sóng có lãi, qua đó cải thiện tâm lý thị trường từ hoảng sợ, thận trọng sang tích cực.

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch Công ty cổ phần FIDT cho rằng, vùng 1.180 - 1.200 điểm được xem là vùng hỗ trợ mạnh nhất của chỉ số VN-Index trong năm 2024, tương ứng một số ngành/cổ phiếu đã điều chỉnh rất mạnh về vùng hấp dẫn về định giá trung và dài hạn. Sau các phiên phục hồi thanh khoản tốt, FIDT nhận thấy các rủi ro liên quan đến margin call đã dần được giải tỏa ở đa số các ngành/cổ phiếu. Xu hướng chung của thị trường cũng đã có những tín hiệu cải thiện tốt sau một nhịp điều chỉnh rất sâu.

Theo FIDT, khả năng cao chỉ số chung sẽ tiếp tục tích lũy vùng 1.220 - 1.250 điểm trong thời gian tương đối (2 - 4 tuần) trước khi bước vào một xu hướng tăng trung, dài hạn cùng pha với triển vọng kinh tế Việt Nam nửa cuối 2024 và năm 2025. Điểm đảo chiều đáng chú ý đối với xu hướng chung toàn cầu và thị trường tài chính Việt Nam sẽ được xác định rõ ràng hơn tại thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) chính thức đảo chiều chính sách tiền tệ, dự kiến xung quanh cuộc họp của cơ quan này vào ngày 18/9 tới.

Nhiều ý kiến đồng thuận, trong ngắn hạn, các tin xấu về vĩ mô trong nước và thế giới đã chiết khấu vào giá cổ phiếu khá mạnh nên xu hướng chính của thị trường là giằng co, hồi phục trong nghi ngờ với thanh khoản thấp, nhưng sự phân hóa mạnh sẽ tiếp tục diễn ra khi nhóm cổ phiếu tăng sẽ là nhóm có nền tảng cơ bản tốt.

Ông Nguyễn Duy Thanh Phương, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam nhìn nhận, vì dòng tiền trên thị trường đang yếu quá, thể hiện qua thanh khoản rất thấp nên cơ sở để kỳ vọng việc hồi phục tăng nhanh là rất khó. Trong điều kiện thị trường này, nhà đầu tư muốn giao dịch lướt sóng có hiệu quả thì chỉ nên canh giá đỏ mới mua và biên độ kỳ vọng lướt ngắn chỉ quanh mức 3 - 7%.

Thông tin nổi bật tuần qua được các nhà đầu tư thảo luận liên quan đến câu chuyện phục hồi của nhóm phân bón - lợi nhuận tăng mạnh nhưng doanh thu tăng chưa đến 10% có thể do mức nền năm ngoái thấp. Điều tương tự diễn ra với lĩnh vực may mặc, cao su và gỗ. Với nhóm thủy sản, doanh thu tăng nhờ thị trường Trung Quốc với mặt hàng cá tra tăng ổn, nhưng con số lợi nhuận lại giảm nhẹ so với cùng kỳ. Tương tự với nhóm logistics, doanh thu tăng nhưng lợi nhuận giảm. Câu hỏi đặt ra là, chọn cổ phiếu với nhóm doanh thu tăng, hay nhóm lợi nhuận tăng?

Nếu nhìn ở góc độ định giá cổ phiếu, nhiều nhóm đã tạo đáy như chứng khoán, đầu tư công, hóa chất, bất động sản khu công nghiệp… Phiên cuối tuần qua đã tạo nhiều hứng khởi khi nhóm cổ phiếu bất động sản, chứng khoán… đồng loạt bật trần hoặc tăng mạnh, mở ra kỳ vọng mới cho nhà đầu tư. “Bất động sản có dấu hiệu tạo đáy khi đánh cả cụm PDR, CEO, DXG, DIG… Nhóm yếu nhất ổn định thì VN-Index có xu hướng tăng giá” là thảo luận cũng là kỳ vọng của các nhà đầu tư cuối tuần qua.

Dĩ nhiên, nhiều quan điểm vẫn cho rằng, việc các cổ phiếu tạo đáy thì cần test đáy và đi ngang tích lũy để tìm kiếm động lực. Thị trường chưa thể qua một phiên để xác nhận đã thực sự ổn trong ngắn hạn. Các nhà đầu tư cũng nhận thấy rõ, rất nhiều cổ phiếu giảm 30 - 50% sau đó vẫn tiếp tục lẹt đẹt, ngược lại nhiều cổ phiếu sau mỗi lần rung lắc vẫn trụ vững để rồi thị trường vào pha hồi, dù hồi nhẹ thì vẫn có những tín hiệu tốt, chờ vượt đỉnh.

Trong room thảo luận, các nhà đầu tư lâu năm và môi giới bám thị trường cho rằng, trải qua nhiều giai đoạn thị trường thì doanh nghiệp càng chất lượng sẽ hút tiền về đúng chỗ - dòng tiền sẽ được nắn về cổ phiếu tốt. Các cổ phiếu có tính thị trường cao, cổ phiếu đầu cơ “hết sóng” thì cần thời gian để “setup ván mới”.

FIDT đưa ra kịch bản (xác suất cao) là VN-Index tạo đáy thành công tại khu vực hỗ trợ 1.180 - 1.200 điểm và tiếp tục tích lũy ở khu vực 1.220, 1.240 và 1.260 điểm. Các tín hiệu tạo đáy trung hạn cũng chỉ vừa xuất hiện sau một nhịp giảm rất sâu, cần thời gian để xác nhận. Vì vậy, nhà đầu tư không nên gia tăng tỷ trọng lên quá cao trong ngắn hạn. Các yếu tố liên quan đến định giá rẻ trung, dài hạn; triển vọng tăng trưởng hoạt động kinh doanh trong hai quý cuối năm 2024 tiếp tục là các yếu tố quan trọng để xác định các ngành/cổ phiếu dẫn dắt trong thời gian sắp tới.

Chọn ngành, lọc cổ phiếu

Điều nhiều nhà đầu tư quan tâm sau đà giảm sâu của thị trường chứng khoán vừa qua và kéo theo đó là việc call margin và force sell là nguồn margin ở các công ty chứng khoán đang ra sao. Ghi nhận thực tế cho thấy các công ty chứng khoán đang dư nguồn cho vay margin, thậm chí còn chạy đua giảm lãi suất margin. Tiền không thiếu, nhưng vì sao thanh khoản lại èo uột, chỉ số loanh quanh? Các môi giới lâu năm cho rằng, trong giai đoạn thị trường yếu, định giá sẽ là thước đo các bên nhìn vào để giao dịch. Vậy định giá hiện đã hấp dẫn tiền lớn nhập cuộc chưa?

Nhìn lại dòng tiền bắt đáy nhập cuộc hai tuần qua, có thể thấy nổi bật ở nhóm chứng khoán và đầu tư công, ngoài ra các cổ phiếu bán lẻ cũng ấn tượng và tốt hơn mặt bằng chung. Trong đó, ngành chứng khoán ghi nhận các thông tin tích cực liên quan đến triển vọng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước thông qua rào cản kỹ thuật cuối cùng về vấn đề ký quỹ trước giao dịch đối với tổ chức ngoại, dự kiến sẽ chốt thông qua vào cuối tháng 8, giúp Việt Nam có cơ hội được xem xét nâng hạng lên thị trường mới nổi của tổ chức Russell FTSE trong kỳ review vào tháng 9 tới. Nhóm đầu tư công được hưởng lợi từ các thông tin về chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong việc đặt trọng tâm vào chi đầu tư công trung hạn, cùng với đó là nỗ lực giải ngân hơn 450.000 tỷ đồng trong nửa cuối năm 2024 (tương ứng tỷ lệ giải ngân đầu tư công đạt 95% kế hoạch).

Theo ông Phương, giai đoạn này, nhà đầu tư nên ưu tiên việc quản trị rủi ro vị thế tài khoản hơn là việc đặt mục tiêu tìm kiếm lợi nhuận cao, đặc biệt việc cơ cấu lại danh mục cũng nhưng lọc tìm cổ phiếu có nền tảng cơ bản chất lượng cao, có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 - 2025 và canh giảm về vùng giá chiết khấu đủ hấp dẫn để giải ngân mua chính là chìa khóa cho việc đầu tư hiệu quả trong thời gian tới. Nhà đầu tư nên hạn chế mua các cổ phiếu có nền tảng cơ bản kém, tính đầu cơ cao vì khi thị trường hồi phục trở lại, khả năng nhóm này sẽ có sức bật kém.

Về nhóm ngành và cổ phiếu, theo chuyên gia này, nhà đầu tư nên tập trung xem xét dựa trên các tiêu chí: doanh nghiệp đầu ngành có lợi thế cạnh tranh, sức khỏe tài chính lành mạnh, có câu chuyện tăng trưởng lợi nhuận trong năm 2024 - 2025, định giá còn hấp dẫn như ngành công nghệ hoặc doanh nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi số (FPT, FRT, VTP, CTR); hàng không (ACV, SCS), ngân hàng (VCB, MBB, TCB), dầu khí (PVB), bán lẻ (MWG, MSN), hóa chất (DGC).

Nhã An

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/dai-chung-truong-tim-co-phieu-manh-post351838.html
Zalo