Đại chiến An Khê, Đồng Nai xoay chuyển cục diện áo cam và đồng đội
Đại chiến An Khê giúp đội đua miền Đông biến cục diện xoay chiều sau chặng 13 cuộc đua xe đạp Cúp Truyền Hình TP.HCM - Tôn Đông Á 2025.

Đại chiến An Khê . Ảnh: PHẠM HUY
Tại chặng đấu dài 166 km từ TP Quy Nhơn lên phố núi Pleiku (Gia Lai) được dự báo rất khốc liệt, các tay đua phải vượt hai ngọn đèo An Khê và Mang Yang. Đây cũng chính là hai trọng điểm, đánh dấu những cuộc tấn công bứt phá sắc lẹm của các tay đua Le Fruit Maxxis Đồng Nai.
Clip các tay đua tung nước rút tại mức đến TP Pleiku. Clip: MQ
Đại chiến An Khê
Với hai tay đua chủ lực gồm Nguyễn Hoàng Sang và Ethan Batt, Đồng Nai tạo được lợi thế hơn sau đại chiến An Khê, khi có thêm tay đua thứ 3 Nguyễn Hướng cùng tham chiến trong khi các đối thủ cạnh tranh đồng đội chỉ có hai tay đua bám dính tốp đầu.

Savvi Novikov chiến thắng đèo An Khê và Mang Yang

Tốp đầu trước khi lên đỉnh đèo Mang Yang.

Minh Tuấn, Ngọc Sơn hụt hơi sau đỉnh đèo Mang Yang.
Nếu như đại chiến An Khê kết thúc với chiến thắng đỉnh đèo thuộc về Savva Novikov (Nhựa Bình Minh Bình Dương), cuộc chinh phạt tại đỉnh đèo Mang Yang đã khiến tốp đầu bao gồm các ngoại binh tranh chấp áo vàng Mikhail Fokin (Tập Đoàn Lộc Trời An Giang), Ethan Batt (Le Fruit Maxxis Đồng Nai), Loic Desriac (Dược Domesco Đồng Tháp), Johnny Hoogerland (TP.HCM Vinama), Samuel Jenner (620 Châu Thới Vĩnh Long) tách tốp. Kéo theo đó là áo trắng Phạm Lê Xuân Lộc (Quân Khu 7) và Nguyễn Hoàng Sang (Le Fruit Maxxis Đồng Nai) hình thành tốp đầu.
Trong khi đó, cú hụt hơi tai hại tại đỉnh đèo Mang Yang – nơi Novikov lần thứ hai giành chiến thắng đèo đã khiến áo cam Lê Ngọc Sơn (Tập Đoàn Lộc Trời An Giang) và Trần Lê Minh Tuấn (TP.HCM Vinama) tụt lại. Tạo cơ hội cho đội đua miền Đông mở nước lớn, một công đôi việc, đánh chiếm giải áo cam lẫn ngôi nhất đồng đội do An Giang nắm giữ.
Dù đã rất nỗ lực để vào lại tốp đầu nhưng việc “hai máy kéo”, chật vật chống chọi với tốp đầu nhiều ngoại binh cùng tham vọng đánh chiếm “cú đúp” của Nguyễn Hoàng Sang và Ethan Batt khiến hai tay đua nội binh phía sau càng lúc càng bị giãn xa gần 10 phút. Và sau đại chiến An Khê và Mang Yang, trận chiến ở chặng 13 gần như trở thành sàn diễn độc diễn của các tay đua ngoại binh.

Ethan Batt và Hoàng Sang tấn công giúp Đồng Nai đại thắng ở chặng 13.
Cục diện áo cam, đồng đội xoay chiều
Cách mức đến TP Pleiku khoảng 10 km, Loic Desriac quyết định tung đòn tấn công tách tốp đầu. Thế nhưng, nhiều cú nhấn bàn đạp cực mạnh của tay đua người Pháp không thể thoát khỏi sự phòng thủ của bộ đôi Đồng Nai. Và chiến thắng sau 4 giờ 26 phút 37 giây tranh tài một lần nữa được Ethan Batt tái hiện, sau cú nước rút đánh bại Johnny Hoogerland và Mikhail Fokin tại vạch đích.

Ethan Batt lần thứ hai giành chiến thắng chặng.

Tốp 2 về đích sau nhóm đầu 8 phút 37 giây.

Nguyễn Hoàng Sang vượt lên giành áo cam.

56 tay đua không thể hoàn thành chặng 13 quá khốc liệt.
Với kết quả về đích cách Nguyễn Hoàng Sang quá xa, Lê Ngọc Sơn ngậm ngùi chia tay chiếc áo cam trong khi trên bảng tổng sắp đồng đội, êkíp Le Fruit Maxxis Đồng Nai cũng chính thức vượt qua Tập Đoàn Lộc Trời An Giang chiếm đỉnh bảng. Đội TP.HCM Vinama xếp hạng 3 sau 13 chặng. Nội binh trẻ xuất sắc nhất Phạm Lê Xuân Lộc giữ vững ngôi đầu giải thưởng áo trắng.
Cán đích trong nhóm về đích an toàn, ngoại binh người New Zealand – Nick Kergozou bảo vệ thành công giải áo xanh.
Sáng 18-4, đoàn đua tiếp tục tranh tài chặng 14, TP Pleiku – TP Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk) có lộ trình dự kiến 179 km.