Đại biểu Trịnh Xuân An tỉnh Đồng Nai: Có nên cho các doanh nghiệp làm trang sức mỹ nghệ được nhập vàng nguyên liệu?

Tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn, sáng 11-11, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng đã trả lời chất vấn các vấn đề mà đại biểu nêu.

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: CTV

Đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai đặt câu hỏi chất vấn. Ảnh: CTV

Liên quan đến vấn đề quản lý thị trường vàng, đại biểu Trịnh Xuân An, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho biết, Nghị định 24 không cấm các doanh nghiệp nhập nguyên liệu để làm vàng trang sức, mỹ nghệ nhưng hiện đang cấm, ảnh hưởng đến quyền lợi cho người dân.

Đại biểu đề nghị Thống đốc cho biết quan điểm là có nên để các doanh nghiệp làm trang sức mỹ nghệ được nhập vàng để làm phục vụ cho người dân, phục vụ cho nền kinh tế. Còn liên quan đến thị trường vàng, đại biểu cho rằng cần dùng những công cụ khác mang tính vĩ mô hơn như thuế, các công cụ tài chính để quản lý.

Trả lời vấn đề này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, về quản lý thị trường vàng, Nghị định 24 có quy định về cách thức quản lý đối với thị trường vàng miếng và vàng trang sức mỹ nghệ.

Đối với vàng trang sức mỹ nghệ, hiện Ngân hàng Nhà nước quản lý bằng cách cấp phép cho giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất. Còn về việc kinh doanh vàng trang sức mỹ nghệ, đây là mặt hàng kinh doanh có điều kiện, Ngân hàng Nhà nước đã có một số thông tư quản lý vấn đề này.

Trong khi đó, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đặt câu hỏi về lộ trình tiến tới xóa bỏ hạn mức tăng trưởng tín dụng?

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn. Ảnh: Media Quốc hội

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết, sau phiên chất vấn tháng 5-2022, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 62/2022/QH15. Ngân hàng Nhà nước đã tổ chức các cuộc tọa đàm để phân tích, đánh giá, rà soát kỹ lưỡng về tình hình thực trạng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay cũng như tình hình của các tổ chức tín dụng. Xét trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước chưa thể bỏ cách thức điều hành theo hạn mức tín dụng.

Thống đốc cho biết, với thực trạng nền kinh tế phụ thuộc rất lớn vào vốn của hệ thống ngân hàng, nếu chúng ta không kiểm soát, để mỗi tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng đến vài chục phần trăm như những năm trước đây thì cũng tiềm ẩn những rủi ro.

Nhất là khi phân khúc của thị trường tài chính đáp ứng nhu cầu về trung, dài hạn như trái phiếu doanh nghiệp, cổ phần, cổ phiếu… vẫn còn chưa giải quyết được vấn đề về vốn dài hạn, thì việc bỏ hạn mức tín dụng là chưa thực hiện được.

Thống đốc cũng nêu rõ, thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã linh hoạt hơn trong các giải pháp đáp ứng nhu cầu tín dụng như: cấp hạn mức tín dụng theo đánh giá, xếp loại của cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước; cân nhắc đối với những mục tiêu ưu tiên của Chính phủ trong từng giai đoạn (nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, bất động sản…). Đến cuối năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện thông báo tăng trưởng tín dụng của cả năm 2024 cho tất cả các tổ chức tín dụng với chỉ tiêu định hướng khoảng 15%.

Khi Fed giảm lãi suất, thoạt đầu có vẻ áp lực đối với tỷ giá và thị trường ngoại hối được giảm bớt, tuy nhiên giá và thị trường ngoại hối chịu rất nhiều tác động của nhiều yếu tố. Không chỉ yếu tố lãi suất của Fed mà còn phục thuộc vào nhu cầu thực sự của nền kinh tế.

Nếu chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, thu hút đầu tư, cung - cầu thuận lợi thì tỷ giá sẽ thuận lợi hơn. Trên tinh thần kiên định mục tiêu điều hành để ổn định giá trị VND, Ngân hàng Nhà nước sẽ có giải pháp để làm cho VND hấp dẫn hơn, khuyến khích người dân chuyển hóa ngoại tệ sang VND.

Theo Thống đốc, năm 2024, Ngân hàng Nhà nước định hướng tăng trưởng tín dụng 15%, tuy nhiên cần theo dõi diễn biến để có thể điều chỉnh tăng giảm tùy theo tình hình thực tế. Tăng trưởng tín dụng sẽ thường tăng cao trong hai tháng cuối năm. Do đó, khả năng đạt được chỉ tiêu này cũng khả thi cao.

Riêng về nợ xấu, nếu nguyên nhân nợ xấu là do yếu tố khách quan thì Ngân hàng Nhà nước cũng khó kiểm soát. Còn về bản thân các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đã chỉ đạo tăng cường các biện pháp kiểm soát nợ xấu bằng cách thẩm định kỹ các khoản vay, đối tượng vay, thận trọng, cân đối các nguồn vốn.

Thanh Hải (ghi)

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chinh-tri/202411/dai-bieu-trinh-xuan-an-tinh-dong-nai-co-nen-cho-cac-doanh-nghiep-lam-trang-suc-my-nghe-duoc-nhap-vang-nguyen-lieu-35a3669/
Zalo