Đại biểu Thạch Phước Bình: Sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 2013 cần bảo đảm tính hiệu lực, ổn định và phản ánh ý chí Nhân dân

Chiều ngày 05/5, tại Hội trường Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Quốc hội thảo luận ở hội trường về các nội dung: (i) Đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; (ii) Việc thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Quốc hội thảo luận và biểu quyết thông qua nghị quyết đề nghị sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Ảnh: media.quochoi.vn)

Tại phiên thảo luận có 04 đại biểu Quốc hội phát biểu; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản nhất trí về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 nhằm tiếp tục thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng, hoàn thiện, nâng cao hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách tỉnh Trà Vinh, có một số ý kiến đóng góp nhằm hoàn thiện nội dung và quy trình của Dự thảo Nghị quyết, bảo đảm tính toàn diện, chặt chẽ và dân chủ trong quá trình tổ chức sửa đổi Hiến pháp.

Làm rõ phạm vi và nguyên tắc sửa đổi tại Điều 1

Dự thảo Nghị quyết đã thể hiện rõ định hướng trọng tâm là tinh gọn bộ máy chính trị, nâng cao hiệu lực hoạt động của các cơ quan công quyền và phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cũng như chính quyền địa phương. Tuy nhiên, để đảm bảo tính minh bạch và định hướng rõ ràng hơn cho quá trình sửa đổi, cần bổ sung nội dung cụ thể hóa phạm vi tác động của Nghị quyết. Đề xuất cụ thể: phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các điều từ Điều 9 đến Điều 116 của Hiến pháp 2013, trong đó chia thành hai nhóm nội dung chính: (i) Nhóm các quy định liên quan đến Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội: Điều 9, 10, 84, 96, 101, 116; (ii) Nhóm các quy định liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương: Điều 110 đến Điều 115. Bên cạnh đó, cần khẳng định nguyên tắc sửa đổi Hiến pháp: kế thừa có chọn lọc, bảo đảm phù hợp với định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, tăng cường phân quyền, giám sát xã hội, và duy trì sự ổn định, linh hoạt của Hiến pháp.

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình. Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình. Ảnh: media.quochoi.vn

Tăng cường tính đại diện và công khai trong thành lập Ủy ban Dự thảo (Điều 2)

Việc thành lập Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp là một khâu trọng yếu, đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng, khách quan. Do đó, nội dung của Điều 2 cần bổ sung các tiêu chí rõ ràng về thành phần, cơ cấu, thời hạn hoạt động và cơ chế tham vấn ý kiến nhân dân. Cụ thể, nên quy định rõ: Ủy ban Dự thảo gồm đại diện các cơ quan như Quốc hội, Chính phủ, Tòa án, Viện Kiểm sát, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, chuyên gia pháp lý, đại diện các địa phương và giới khoa học. Đặc biệt, cần xác lập trách nhiệm công bố công khai dự thảo, tổ chức lấy ý kiến nhân dân bằng nhiều hình thức, gồm hội thảo, khảo sát, kênh trực tuyến và tiếp cận cộng đồng. Lộ trình đề xuất cho hoạt động lấy ý kiến là từ ngày 06/5 đến ngày 05/6/2025; sau đó, hoàn thiện dự thảo và trình Quốc hội. Đồng thời, cần quy định rõ thời hạn hoạt động của Ủy ban Dự thảo, ví dụ: từ 3 tháng đến tối đa 12 tháng kể từ ngày thành lập. Đây là cơ sở pháp lý để đảm bảo tiến độ và chất lượng của bản sửa đổi.

Kiến nghị bổ sung Điều 3: Tổ chức giám sát việc thực hiện

Hiện tại, Dự thảo Nghị quyết chưa đề cập nội dung quan trọng liên quan đến tổ chức giám sát sau khi nghị quyết được thông qua. Vì vậy, cần bổ sung Điều 3 mới với nội dung Quốc hội giao cho Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội làm đầu mối giám sát toàn diện quá trình triển khai sửa đổi, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan, nhằm đảm bảo quy trình diễn ra đúng pháp luật, đúng tiến độ và phản ánh đúng nguyện vọng của nhân dân.

Báo Trà Vinh Online

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/chinh-tri/dai-bieu-thach-phuoc-binh-sua-doi-bo-sung-hien-phap-2013-can-bao-dam-tinh-hieu-luc-on-dinh-va-phan-anh-y-chi-nhan-dan-45767.html
Zalo