Đại biểu Thạch Phước Bình: Đảm bảo thống nhất, minh bạch và khả thi khi xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước
Tại phiên thảo luận Hội trường sáng ngày 14/02, trong khuôn khổ Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Thạch Phước Bình, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Trà Vinh đã có những ý kiến đóng góp quan trọng đối với dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Phiên thảo luận được tổ chức dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định.

Phiên thảo luận sáng ngày 14/02 của Quốc hội. Ảnh: media.quochoi.vn
Theo ĐBQH Thạch Phước Bình, việc ban hành Nghị quyết nhằm xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về “một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” là một bước đi quan trọng trong quá trình cải cách hành chính, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền. Tuy nhiên, để nghị quyết thực sự phát huy tác dụng, cần xem xét kỹ lưỡng một số nội dung nhằm đảm bảo tính thống nhất, minh bạch và khả thi trong quá trình triển khai.
Thứ nhất, về phạm vi điều chỉnh (Điều 1).
Quy định tại Điều 1 về phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết có một số bất cập cần xem xét như sau:
(1) Khoản 1 quy định Nghị quyết điều chỉnh việc “xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước”, nhưng không làm rõ nguyên tắc xử lý là gì, dẫn đến cách hiểu khác nhau khi áp dụng.
(2) Quy định về “thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị” và “chức danh có thẩm quyền” chưa nêu rõ tiêu chí và điều kiện cụ thể để thực hiện. Điều này có thể gây lúng túng hoặc thiếu nhất quán trong quá trình triển khai.
(3) Khoản 2 nêu nhiều hình thức sắp xếp như “chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn” nhưng không quy định nguyên tắc và điều kiện để thực hiện, dễ dẫn đến tình trạng vận dụng khác nhau giữa các cấp, ngành.
(4) Khoản 3 quy định về việc xử lý các vấn đề chưa được quy định trong văn bản pháp luật hiện hành, ngoại trừ Hiến pháp. Tuy nhiên, cần làm rõ phạm vi áp dụng đối với các vấn đề chưa có quy định cụ thể, tránh tình trạng xung đột pháp lý hoặc vận dụng tùy tiện.

Đại biểu Thạch Phước Bình phát biểu ý kiến tại Hội trường. Ảnh: media.quochoi.vn
Từ 04 bất cập nêu trên, đề xuất sửa đổi nội dung Điều 1 theo hướng:
(1) Sửa đổi khoản 1 thành “Nghị quyết này quy định về nguyên tắc, trình tự và phương thức xử lý các vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, bao gồm: a) Nguyên tắc xử lý đảm bảo tính đồng bộ, minh bạch, hiệu quả, không làm gián đoạn hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; b) Điều kiện và tiêu chí để thay đổi tên gọi của cơ quan, tổ chức, đơn vị và chức danh có thẩm quyền; c) Quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của các cơ quan trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn khi có sự sắp xếp tổ chức bộ máy.
(2) Sửa đổi Khoản 2 thành “Việc sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước theo Nghị quyết này bao gồm các hình thức: a) Thành lập mới, tổ chức lại (bao gồm chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, chuyển đổi hoặc điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn); b) Thay đổi tên gọi, thay đổi mô hình, cơ cấu tổ chức; c) Giải thể cơ quan để thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn bộ máy, đảm bảo hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
(3) Sửa đổi khoản 3 thành “Trong quá trình thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, nếu phát sinh vấn đề chưa được quy định trong hệ thống pháp luật hiện hành (trừ Hiến pháp), việc xử lý phải: a) Dựa trên nguyên tắc pháp quyền, đảm bảo không làm ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan; b) Có sự hướng dẫn cụ thể của cơ quan có thẩm quyền để đảm bảo tính thống nhất trong thực hiện”.
Thứ hai, về thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền (Điều 4).
Khoản 1, 2 chưa làm rõ cơ quan mới được tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có thể sửa đổi, bổ sung nhiệm vụ mới như thế nào trong phạm vi pháp luật cho phép. Điều này có thể gây ra tình trạng chồng chéo hoặc thiếu nhất quán giữa các cơ quan sau sắp xếp. Khoản 3 quy định “chậm nhất sau 5 năm phải giảm số lượng cấp phó theo đúng quy định” nhưng chưa đề cập đến các biện pháp cụ thể để thực hiện, dẫn đến nguy cơ kéo dài tình trạng dư thừa nhân sự. Khoản 5 chỉ nêu trách nhiệm của cơ quan tiếp nhận nhưng chưa quy định cơ chế hợp tác giữa cơ quan đã bị giải thể/sáp nhập và cơ quan tiếp nhận để xử lý các vấn đề tồn đọng.
Đề xuất sửa đổi như sau: (1) Làm rõ phạm vi điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của cơ quan tiếp nhận. Theo đó, cơ quan tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ có quyền tiếp tục thực hiện nhiệm vụ theo quy định của pháp luật hiện hành. Nếu cần điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ mới, phải có quyết định của cấp có thẩm quyền. (2) Sửa đổi quy định về số lượng cấp phó. Theo đó, trong thời gian không quá 5 năm, các cơ quan có số lượng cấp phó vượt quá quy định phải thực hiện lộ trình giảm cấp phó bằng các hình thức như tinh giản biên chế, điều chuyển công tác hoặc không bổ nhiệm mới khi có vị trí trống. (3) Bổ sung cơ chế phối hợp giữa cơ quan cũ và cơ quan tiếp nhận. Theo đó, trong thời gian 12 tháng sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy, cơ quan cũ có trách nhiệm phối hợp, chuyển giao hồ sơ, tài liệu và hướng dẫn nghiệp vụ cho cơ quan tiếp nhận để bảo đảm tính liên tục trong hoạt động quản lý nhà nước.
Thứ ba, về thực hiện thủ tục hành chính (Điều 5).
Dự thảo luật có bất cập là chưa có thời hạn cụ thể để điều chỉnh và công bố thủ tục hành chính mới khi có sự thay đổi cơ quan, chức danh có thẩm quyền. Thiếu chế tài xử lý vi phạm nếu cơ quan mới yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ hoặc thực hiện lại các bước đã hoàn thành trước đó. Chưa đề cập đến ứng dụng công nghệ thông tin để hỗ trợ việc chuyển giao và tiếp nhận thủ tục hành chính. Đề xuất sửa đổi như sau:
(1) Bổ sung thời hạn công bố thủ tục hành chính đã điều chỉnh vào khoản 1 như sau: "Trường hợp có sự thay đổi về cơ quan, chức danh có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, cơ quan, người có thẩm quyền công bố thủ tục hành chính phải thực hiện việc điều chỉnh và công bố trong thời hạn không quá 30 ngày kể từ ngày có quyết định thay đổi tổ chức".
(2) Bổ sung chế tài nếu vi phạm quy định về tiếp nhận hồ sơ và thực hiện thủ tục hành chính vào khoản 2 như sau: "Cơ quan, chức danh có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện thủ tục hành chính không được yêu cầu cá nhân, tổ chức nộp lại hồ sơ đã nộp và không thực hiện lại các bước đã hoàn thành trước khi sắp xếp. Trường hợp vi phạm, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và bị xử lý theo quy định".
(3) Bổ sung khoản 3 mới về yêu cầu ứng dụng công nghệ để hỗ trợ tiếp nhận thủ tục hành chính như sau: "Việc tiếp nhận và xử lý thủ tục hành chính phải được thực hiện trên nền tảng công nghệ thông tin, bảo đảm việc chuyển đổi hồ sơ giữa các cơ quan được nhanh chóng, minh bạch, không gây ảnh hưởng đến tổ chức, cá nhân".
Thứ tư, về hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án (Điều 6).
Dự thảo có bất cập là chưa quy định rõ ràng về trách nhiệm xử lý khi có tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan cũ và cơ quan mới. Thiếu hướng dẫn về cơ chế phối hợp khi việc sắp xếp làm thay đổi hệ thống tổ chức liên quan đến hoạt động tố tụng và thi hành án. Không có thời hạn cụ thể để tiếp nhận và xử lý các vụ án, vụ việc đang thụ lý.
Đề xuất sửa đổi như sau: (1) Bổ sung trách nhiệm phối hợp giữa các cơ quan liên quan vào khoản 1 thành: "Cơ quan, người có thẩm quyền tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong hoạt động tạm giữ, tạm giam, tố tụng, thi hành án phải chủ động phối hợp với cơ quan trước đó để bảo đảm quá trình chuyển giao không làm ảnh hưởng đến tiến độ xử lý vụ án, vụ việc". (2) Quy định thời hạn tiếp nhận và xử lý vụ án, vụ việc đang thụ lý vào khoản 2 là "Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan, người có thẩm quyền mới phải rà soát và tiếp nhận toàn bộ hồ sơ, tài liệu liên quan đến các vụ án, vụ việc đang giải quyết để bảo đảm tiến độ và tính liên tục của hoạt động tố tụng, thi hành án". (3) Bổ sung khoản 3 mới về cơ chế xử lý nếu xảy ra tranh chấp thẩm quyền giữa cơ quan cũ và cơ quan mới nội dung: "Trường hợp phát sinh tranh chấp về thẩm quyền giữa cơ quan trước và cơ quan tiếp nhận sau khi sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Viện Kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm xem xét và phân định thẩm quyền trong thời hạn không quá 10 ngày".