Đại biểu quốc tế mặc áo dài, uống cà phê trứng ở TP.HCM

Khách mời quốc tế cùng lãnh đạo TP.HCM chiều nay đi bộ ngắm cảnh thành phố từ công viên Bến Bạch Đằng và trải nghiệm pha chế, thưởng thức món cà phê trứng độc đáo.

Trong khuôn khổ Đối thoại Hữu nghị TP.HCM năm 2024, chiều nay (24/9) Lễ công bố Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế TP.HCM được tổ chức tại công viên Bến Bạch Đằng Quận 1.

Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế không chỉ là công trình nghệ thuật, mà còn là biểu tượng sống động cho tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác lâu dài giữa TP.HCM và 58 địa phương trên thế giới.

Ý tưởng của biểu tượng này xuất phát từ mong muốn bạn bè quốc tế cảm nhận được sự gần gũi, trân trọng và tự hào khi đặt chân đến TP.HCM.

Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế TP.HCM được đặt tại Công viên Bến Bạch Đằng thể hiện tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác lâu dài giữa TP.HCM và 58 địa phương trên thế giới. (Ảnh: M. Hằng)

Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế TP.HCM được đặt tại Công viên Bến Bạch Đằng thể hiện tinh thần hữu nghị, đoàn kết và hợp tác lâu dài giữa TP.HCM và 58 địa phương trên thế giới. (Ảnh: M. Hằng)

Phần nổi bật trên cùng của biểu tượng là vòng tròn Mobius - biểu tượng của sự vô hạn, tượng trưng cho sự phát triển liên tục, bền vững và không có điểm dừng. Đây là cánh cửa kết nối giữa TP.HCM với thế giới, và giữa thế giới với TP.HCM.

Vòng tròn Mobius còn là phương tiện để trình diễn những hình ảnh văn hóa, nghệ thuật, nhằm giới thiệu vẻ đẹp và sự hiếu khách của thành phố đến bạn bè quốc tế.

"Đây là một sự kiện đặc biệt, đánh dấu mối quan hệ hợp tác bền chặt giữa TP.HCM và các địa phương, đối tác quốc tế. Khi chúng ta chiêm ngưỡng Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế này, hãy cùng khắc sâu những giá trị kết nối mà chúng ta đã và đang vun đắp, hướng đến một tương lai tươi sáng, nơi mà hòa bình, thịnh vượng, hợp tác sẽ mãi trường tồn", Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu.

Sau Lễ công bố Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế, các đại biểu quốc tế đã cùng lãnh đạo TP.HCM mặc áo dài truyền thống, đi bộ ngắm cảnh thành phố từ công viên Bến Bạch Đằng và đến Cà phê 3T (số 1A Tôn Đức Thắng, Quận 1) để thưởng thức cà phê trứng. Tại đây, các đại biểu đã tự tay trải nghiệm pha chế thức uống độc đáo này.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đại biểu công bố Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế TP.HCM. (Ảnh: M. Hằng)

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi và các đại biểu công bố Biểu tượng Hữu nghị Quốc tế TP.HCM. (Ảnh: M. Hằng)

Tham dự sự kiện, các đại biểu cùng khoác lên mình bộ áo dài truyền thống Việt Nam với chất liệu gấm, lụa có họa tiết lá tre cách điệu. (Ảnh: H.L)

Tham dự sự kiện, các đại biểu cùng khoác lên mình bộ áo dài truyền thống Việt Nam với chất liệu gấm, lụa có họa tiết lá tre cách điệu. (Ảnh: H.L)

Trước đó, trong buổi sáng, TP.HCM đã đãi tiệc trà hữu nghị các đại biểu quốc tế, mang tinh hoa trà Việt đến bạn bè quốc tế thông qua câu chuyện văn hóa truyền thống.

Cũng trong buổi chiều nay còn có chương trình biểu diễn dù lượn và khinh khí cầu bên bờ sông Sài Gòn, là màn chiêu đãi đặc biệt TP.HCM dành tặng cho các đại biểu tham dự Đối thoại Hữu nghị 2024.

Sau phần trình diễn dù lượn, 18 khinh khí cầu bay trên bầu trời từ 17h45 đến 20h00 ngày 24/9. Trên các khinh khí cầu thể hiện cờ Việt Nam và cờ của các nước có địa phương quốc tế kết nghĩa với TP.HCM.

Các khinh khí cầu này được neo lại bên bờ sông Sài Gòn, tạo điểm nhấn mới lạ để người dân có thể chiêm ngưỡng, chụp ảnh với khung cảnh độc đáo lần đầu tiên có tại TP.HCM.

Các đại biểu quốc tế mặc áo dài, uống cà phê trứng tại TP.HCM chiều 24/9 trong khuôn khổ sự kiện Đối thoại Hữu nghị 2024. (Ảnh: Ngô Tùng)

Các đại biểu quốc tế mặc áo dài, uống cà phê trứng tại TP.HCM chiều 24/9 trong khuôn khổ sự kiện Đối thoại Hữu nghị 2024. (Ảnh: Ngô Tùng)

Tự tay pha món cà phê trứng là trải nghiệm đặc biệt của bạn bè quốc tế đến từ các địa phương có quan hệ hữu nghị với TP.HCM. (Ảnh: Ngô Tùng)

Tự tay pha món cà phê trứng là trải nghiệm đặc biệt của bạn bè quốc tế đến từ các địa phương có quan hệ hữu nghị với TP.HCM. (Ảnh: Ngô Tùng)

Thêm một điểm mới trong chuỗi sự kiện Đối thoại Hữu nghị 2024 là mô hình check-in (mockup) được đặt tại các địa điểm tập trung đông người dân và du khách như Công viên Lam Sơn, Công viên Bến Bạch Đằng, Bưu điện Trung tâm, Phố đi bộ Nguyễn Huệ, Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, phía trước chợ Bến Thành.

Các mô hình check-in đặc biệt này được kỳ vọng thu hút sự quan tâm của công chúng, tăng độ nhận diện của chuỗi sự kiện, cũng để tạo góc check-in, chụp ảnh độc đáo cho người dân, khách du lịch, giới trẻ…

Đối thoại Hữu nghị TP.HCM 2024 đón hơn 35 đoàn đến từ các địa phương quốc tế có quan hệ hợp tác hữu nghị với TP.HCM.

Tại Hội nghị Thị trưởng sáng 24/9, các đại biểu đã nghe Báo cáo tổng quan về chuyển đổi công nghiệp tại TP.HCM và cùng thảo luận quá trình chuyển đổi công nghiệp của các địa phương quốc tế, bao gồm kinh nghiệm xây dựng chính sách thúc đẩy tăng trưởng công nghiệp ở địa phương; những đổi mới về công nghệ; huy động nguồn lực...

Hà Linh

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/dai-bieu-quoc-te-mac-ao-dai-uong-ca-phe-trung-o-tp-hcm-ar897926.html
Zalo