Đại biểu Quốc hội: Tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng

Ngày 8/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Dữ liệu. Đề cập đến vấn đề bảo mật dữ liệu và bảo vệ quyền riêng tư, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) cho rằng, hiện nay tình trạng lộ, lọt dữ liệu, xâm phạm quyền riêng tư ngày càng gia tăng, đòi hỏi phải có những quy định cụ thể về bảo mật và bảo vệ quyền riêng tư của người tiêu dùng.

Đề nghị ban hành Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân

Từ thực tế trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, dự thảo luật cần quy định rõ về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân phải áp dụng các biện pháp bảo mật như mã hóa, xác thực 2 yếu tố, bảo vệ bức tường lửa, việc sử dụng công nghệ Blockchain… "Đồng thời, cần kết nối chúng lại thành một chuỗi dài và bảo đảm thông tin dữ liệu”, đại biểu nêu.

 Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). Ảnh: Như Ý

“Cử tri rất quan tâm đến tình trạng dữ liệu cá nhân bị lộ lọt, bị khai thác, mua bán trái phép nhưng chưa được kiểm soát, hệ thống thông tin còn các lỗ hổng bảo mật hoặc việc kết nối cơ sở dữ liệu quốc gia với dân cư vẫn còn khó khăn. Do vậy, tôi đề nghị dự thảo luật lần này tiếp tục nghiên cứu, khắc phục các vấn đề trên”, đại biểu Đào Chí Nghĩa bày tỏ.

Trong khi đó, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (đoàn Bình Phước) đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, quy định cụ thể về nguyên tắc công khai, minh bạch, bình đẳng đối với từng loại dữ liệu, chủ thể dữ liệu. Bởi theo đại biểu, hiện nay có rất nhiều dữ liệu, như: Dữ liệu dùng riêng, dữ liệu gốc, dữ liệu cá nhân, tổ chức... bị hạn chế quyền truy cập, thu thập thông tin.

Cũng tại phiên họp, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đề nghị Chính phủ sớm nghiên cứu, đề xuất trình Quốc hội dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, hoặc luật về bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm cả dữ liệu cá nhân.

“Việc ban hành đạo luật này nhằm thể chế hóa quy định tại Điều 21 của Hiến pháp 2013 cũng như tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các quyền con người trong các công ước quốc tế có liên quan”, ông Nghĩa bày tỏ.

Mua bán dữ liệu đã trở thành các dịch vụ kinh doanh

Liên quan đến việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài, đại biểu Đào Chí Nghĩa cho rằng, hiện nay việc mua bán dữ liệu nói chung và việc chuyển giao dữ liệu giữa tổ chức, cá nhân ngày càng phổ biến, không chỉ mang tính chất đơn lẻ mà đã thể hiện rõ tính chuyên nghiệp, thường xuyên và đã trở thành các dịch vụ kinh doanh. Trong đó, bao gồm các dữ liệu thô, dữ liệu cá nhân đã qua xử lý, dữ liệu phi cá nhân…

Đại biểu đoàn Cần Thơ nhìn nhận, hoạt động này đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng, trật tự, an toàn xã hội, nhất là các dữ liệu lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia. Nhiều nước trên thế giới cũng đã có quy định về hạn chế và kiểm soát việc chuyển giao các dữ liệu này ra nước ngoài để bảo đảm an ninh tài nguyên dữ liệu, như Trung Quốc, Nga, Mỹ...

Như vậy, đại biểu đồng tình với quy định trong dự thảo Luật Dữ liệu, quy định rõ ràng yêu cầu cũng như điều kiện và thủ tục chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài đối với dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng, đồng thời việc này cũng đã giao cho Chính phủ quy định chi tiết.

 Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Như Ý

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu). Ảnh: Như Ý

Cùng mối quan tâm, đại biểu Huỳnh Thị Phúc (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài cho tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định cụ thể trong dự thảo luật là một điều “hết sức cần thiết”.

“Có những tổ chức, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoặc những tổ chức, cá nhân người nước ngoài có tham gia các hoạt động chuyển dữ liệu này, nhất là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng của quốc gia. Hoạt động này tiềm ẩn những nguy cơ, trong đó có tác động đến quốc phòng, an ninh và những nội dung quan trọng khác của quốc gia", bà Phúc nêu.

Theo đại biểu đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu, quy định các nội dung hạn chế việc chuyển dữ liệu và kiểm soát chuyển giao các dữ liệu ra nước ngoài chính là thắt chặt việc dữ liệu cá nhân, dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an toàn thông tin. Bà Phúc đề nghị quy định chi tiết các nội dung trên.

Cuối phiên họp, Phó Thủ tướng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo Bộ Công an tiếp tục tập trung nguồn lực nghiên cứu, tiếp thu, giải trình một cách hợp lý, xác đáng các ý kiến góp ý của đại biểu Quốc hội để hoàn thiện dự án luật này.

Luân Dũng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-trang-lo-lot-du-lieu-xam-pham-quyen-rieng-tu-ngay-cang-gia-tang-post1689759.tpo
Zalo