Đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri 5 xã, phường của TP. Nha Trang
Sáng 14-4, tại phường Vĩnh Phước, đại biểu Quốc hội tỉnh gồm các ông: Hà Quốc Trị - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương; Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam tiếp xúc cử tri 5 xã, phường của TP. Nha Trang, gồm: Vĩnh Phước, Vĩnh Lương, Vĩnh Thọ, Vĩnh Hải, Vĩnh Hòa. Tham dự buổi tiếp xúc cử tri có ông Đinh Văn Thiệu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hà Quốc Trị phát biểu tiếp thu ý kiến cử tri.
Tại buổi tiếp xúc, đại biểu Quốc hội tỉnh đã báo cáo tới cử tri dự kiến nội dung chương trình Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV. Cử tri kiến nghị một số vấn đề như: Xem xét giải quyết một số chế độ đối với người trực tiếp tham gia chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, làm nhiệm vụ quốc tế ở Campuchia, giúp bạn Lào; cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án treo; mở lối đi từ cụm dân cư thuộc tổ 3 Đông Bắc (phường Vĩnh Hòa) ra đường Trần Quang Diệu thuộc Dự án Khu dân cư Bắc Vĩnh Hải (phường Vĩnh Hòa) để đảm bảo phòng cháy, chữa cháy, chống ngập, thoát nước mùa mưa tại khu vực; xem xét đặt tên các xã, phường sau sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng ghép tên gọi Nha Trang với các số thứ tự để giữ được “thương hiệu Nha Trang”…

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri.
Phát biểu tại buổi tiếp xúc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Hà Quốc Trị ghi nhận các ý kiến và mong muốn cử tri tiếp tục giám sát việc thực hiện các dự án, chính sách tại tỉnh. Đồng thời, đề nghị tỉnh quan tâm giải quyết các ý kiến, nguyện vọng của người dân trong quá trình triển khai các chương trình, chính sách phát triển kinh tế - xã hội địa phương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thiệu đề nghị UBND TP. Nha Trang quan tâm giải quyết các kiến nghị của cử tri. Đối với một số ý kiến liên quan đến lĩnh vực đất đai, UBMTTQ Việt Nam tỉnh khẩn trương thu thập, tổng hợp tài liệu cử tri cung cấp để UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV dự kiến sẽ khai mạc ngày 5-5, bế mạc ngày 28-6, chia làm 2 đợt làm việc với tổng thời gian 35,5 ngày. Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung theo thẩm quyền về lập hiến; 44 nội dung thuộc công tác lập pháp; 12 nhóm nội dung về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, giám sát và các vấn đề quan trọng khác. Ngoài ra, đại biểu Quốc hội sẽ nghiên cứu 8 nhóm nội dung mà các cơ quan gửi báo cáo.