Đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

Ngày 21/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương và một số dự thảo Nghị quyết.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Thanh Thủy

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình phát biểu thảo luận tại hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ảnh: Thanh Thủy

Theo đó, trong phiên họp buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo các Nghị quyết: Dự thảo Nghị quyết thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất; dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án, đất đai trong kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại Thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng và tỉnh Khánh Hòa.

Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương.

Tham gia thảo luận tại hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Phó Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình) nhất trí cao về sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương với đầy đủ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn và những lý do như Tờ trình của Chính phủ.

Đại biểu đánh giá cao những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có những bước tiến vượt bậc, từ một địa phương còn nhiều khó khăn, tỉnh đã có nhiều đột phá rất quan trọng về kết cấu hạ tầng và diện mạo đô thị gắn với giữ gìn, bảo tồn bản sắc văn hóa, di sản Cố đô Huế. Đến nay, phần lớn các di sản gắn liền với các phức hệ kiến trúc vẫn được bảo tồn rất tốt và trở thành những bộ phận cấu thành nên Quần thể di tích Cố đô Huế, di sản thế giới đầu tiên được UNESCO công nhận và vinh danh từ năm 1993.

Việc Chính phủ trình Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên và quy mô dân số của tỉnh Thừa Thiên Huế, là phù hợp với lịch sử hình thành và phát triển của đô thị Huế, phù hợp với mô hình đô thị của các cố đô trên thế giới; đồng thời kế thừa trọn vẹn các di sản lịch sử, văn hóa đa dạng, phong phú và có quy mô rất lớn mà Cố đô Huế đang sở hữu.

Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã bảo đảm đáp ứng đầy đủ 5 điều kiện theo quy định tại khoản 2 Điều 128 của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng thời đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn thành lập thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định tại Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 (sửa đổi, bổ sung tại Nghị quyết số 27/2022/UBTVQH15). Trong đó, đã áp dụng tiêu chuẩn đặc thù đô thị di sản khi đánh giá 2 chỉ tiêu thuộc 2 tiêu chuẩn đó là: Tỷ lệ số quận, thị xã, thành phố trực thuộc trên tổng số đơn vị hành chính cấp huyện (đạt 55,56% vượt so với quy định tiêu chuẩn đặc thù là từ 30% trở lên); thu nhập bình quân đầu người/tháng so với trung bình cả nước, dự kiến đạt 0,95 lần vượt so với quy định tiêu chuẩn đặc thù là từ 0,875 lần trở lên).

Về tên gọi, đại biểu nhất trí tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương đã được Chính phủ lý giải cụ thể các lý do lựa chọn tên gọi gắn với yếu tố lịch sử, truyền thống, văn hóa của địa phương và được đông đảo cử tri và Nhân dân đồng thuận.

Quốc hội quyết định thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương có các tác động tích cực là chủ yếu và cơ bản. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn có những khó khăn, thách thức có thể phát sinh, đặt ra yêu cầu đối với cả hệ thống chính trị địa phương cần có đánh giá đầy đủ toàn diện để có những giải pháp giải quyết hiệu quả.

Đại biểu đề nghị cần bổ sung làm rõ trong Đề án về giải pháp, phương hướng, kế hoạch để giải quyết một số vấn đề sau khi Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đó là: Cần phải bảo đảm sớm thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh, đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược và chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch… đã được Đảng và Nhà nước ban hành trong thời gian qua, qua đó góp phần đảm bảo thực hiện mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ (KH&CN).

Đề án cần xác định rõ hơn các giải pháp, phương hướng, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, đề nghị làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, các đột phá trong xây dựng chiến lược phát triển KH&CN, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế phù hợp với bối cảnh chung của cả nước và thế giới; ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ và ứng dụng nhanh chóng thành tựu KH&CN tiên tiến của thế giới; đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội, đồng thời chú trọng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng để tiến tới sáng tạo, tự chủ và cạnh tranh về công nghệ ở những lĩnh vực then chốt mà tỉnh Thừa Thiên Huế có nhu cầu, tiềm năng và lợi thế.

Tăng cường đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư cho KH&CN và cho đổi mới sáng tạo cùng với đào tạo, thu hút và trọng dụng nhân lực chất lượng cao. Thu hút đầu tư từ doanh nghiệp cho phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhất là các nguồn lực hợp tác quốc tế; sớm hình thành Khu công nghệ cao tại địa phương.

Đại biểu cũng cho rằng, việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao phần nào tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu.

Do vậy, đại biểu đề nghị trong Đề án xác định rõ hơn các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố và của Trung ương cho đầu tư phát triển. Trong đó, chú trọng có giải pháp để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân; nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ; cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư; thu hút các nguồn lực xã hội, nhất là nguồn lực tư nhân tham gia đầu tư theo phương thức hợp tác công - tư trong phát triển hạ tầng, nhất là hệ thống hạ tầng giao thông.

Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh cũng đề nghị bổ sung, lồng ghép trong Đề án nội dung về thực hiện Chương trình mục tiêu phát triển văn hóa; gắn với những công việc, nội dung nhiệm vụ cụ thể cần đặc biệt quan tâm để tăng cường các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển văn hóa mạnh mẽ, thiết thực hơn tại thành phố Huế. Đồng thời cần có giải pháp để nâng tầm vóc phát triển ngành du lịch lên vị thế mới để thành phố Huế sẽ là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về văn hóa, du lịch.

Cũng trong ngày, Quốc hội thảo luận về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại thành phố Hải Phòng và biểu quyết thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-thao-luan-o-hoi-truong-ve-viec-thanh-808768.htm
Zalo