Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình: Cải cách tiền lương cần đi đôi với các giải pháp kiềm chế lạm phát

Chiều 25/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Chiều 25/6, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã thảo luận, đóng góp ý kiến về các nội dung cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024 và phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, ngày 17/11/2020 của Quốc hội.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình phát biểu thảo luận.

Phát biểu tại phiên thảo luận, Phó trưởng Đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cho biết: Qua nghiên cứu báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội, đại biểu cơ bản đồng tình với những nội dung báo cáo. Nội dung cải cách tiền lương trong báo cáo cho thấy sự nỗ lực, quyết tâm rất lớn của Chính phủ. Đặc biệt, khi có thông tin về cải cách tiền lương, với góc độ là ĐBQH, đại biểu đã nhận được nhiều thông tin phản hồi tích cực từ cử tri và Nhân dân. Điều đó cho thấy cử tri và Nhân dân rất đồng thuận và phấn khởi. Các báo cáo cũng cho thấy, với quyết tâm cao, việc thực hiện cải cách tiền lương lần này của Chính phủ đã bám sát chủ trương của Đảng, bảo đảm tương quan cân đối, công bằng, bình đẳng giữa các đối tượng hưởng lương và trợ cấp, tạo động lực để nâng cao năng suất và hiệu quả làm việc, góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Về thực hiện điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng/tháng lên 2,34 triệu đồng/tháng, đại biểu cho rằng, đây là mức tăng đáng ghi nhận trong quá trình điều chỉnh tiền lương, góp phần rất lớn trong phát triển kinh tế - xã hội. Theo đại biểu, cử tri và Nhân dân cả nước mong rằng, cùng với cải cách tiền lương, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp để kiềm chế lạm phát, giúp người lao động, cán bộ, công chức nâng cao mức sống, giúp cho quá trình thực hiện theo mục tiêu Nghị quyết số 27-NQ/TW của Trung ương được thuận lợi. Điều này sẽ tạo sự đồng thuận và góp phần giải quyết được mong mỏi rất lớn của cử tri, Nhân dân thời gian qua.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà phát biểu thảo luận.

Hoàn toàn nhất trí với báo cáo và các nội dung đề xuất của Chính phủ về cải cách tiền lương; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công, trợ cấp xã hội từ ngày 1/7/2024, ĐBQH tỉnh Hòa Bình Nguyễn Thị Phú Hà cũng khẳng định: Điều này cho thấy Chính phủ đã thực hiện nghiêm túc, nỗ lực trong triển khai thực hiện các nghị quyết của Trung ương liên quan đến cải cách tiền lương. Mặc dù chưa thực hiện được hết tất cả các nội dung theo yêu cầu tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, nhưng mức tiền lương đưa ra đã cải thiện đáng kể thu nhập cho cán bộ, công chức, người lao động, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và cả khu vực doanh nghiệp. Đây là mức điều chỉnh hợp lý và tối ưu.

Liên quan đến đề xuất của Chính phủ về phương án gia hạn trả nợ đối với khoản vay tái cấp vốn theo Nghị quyết số 135/2020/QH14, ngày 17/11/2020 của Quốc hội để tháo gỡ khó khăn cho Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (VNA), ĐBQH Nguyễn Thị Phú Hà cơ bản nhất trí về sự cần thiết có những biện pháp để tháo gỡ khó khăn, tiếp tục khẳng định vai trò chủ đạo của VNA. Lý giải nguyên nhân Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội không thẩm tra nội dung này, đại biểu cho biết: Toàn bộ khoản vay của VNA là vay của tổ chức tín dụng, ngân sách nhà nước không bố trí kinh phí hỗ trợ. Những khoản vay tái cấp vốn này của VNA do các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân cho vay, không phải là các ngân hàng thương mại cổ phần Nhà nước. Việc đánh giá VNA có khả năng trả nợ hay không do các tổ chức tín dụng chịu trách nhiệm thực hiện, Nhà nước không bảo lãnh các khoản vay này. Đồng thời, để đảm bảo tính công khai, minh bạch và quyền lợi, lợi ích của Nhà nước, Chính phủ đã yêu cầu VNA nghiên cứu xây dựng phương án xử lý mức chênh lệch chi phí lãi vay tái cấp vốn so với lãi suất vay ngắn hạn tiền đồng thấp nhất mà VNA huy động trên thị trường vào thời điểm kết thúc khoản vay. Do đó, đại biểu hoàn toàn nhất trí với đề xuất của Chính phủ. Đồng thời, nhất trí quyết nghị nội dung này vào Nghị quyết kỳ họp, tương tự như Nghị quyết số 135/2020/QH14 của Quốc hội.

Ngô Hường

(Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh Hòa Bình)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/190629/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-hoa-binh-cai-cach-tien-luong-can-di-doi-voi-cac-giai-phap-kiem-che-lam-phat.htm
Zalo