Luật hóa bán thuốc online: Cần chế tài đủ mạnh!

'Nóng' và tạo nhiều luồng ý kiến tranh luận trên Nghị trường Quốc hội, kỳ họp thứ 7 khóa XV cũng như trên mặt báo những ngày qua là việc Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược có nội dung cho phép bán thuốc kê đơn online. Dù thương mại điện tử là xu thế tất yếu nhưng việc kê đơn bán thuốc cũng có thể xem là một lĩnh vực hết sức đặc thù bởi liên quan tới tính mạng, sức khỏe người dân. Liệu có thể có chế tài đủ mạnh, cơ chế kiểm soát đủ chặt chẽ hay không, để người dân có thể mua thuốc thuận tiện và an toàn? - đây đang là những điều cốt yếu mà các chuyên gia cũng như báo giới, dư luận đang hết sức băn khoăn.

Luật Dược sửa đổi: Thuốc không kê đơn được bán trên mạng

Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) Vũ Tuấn Cường khi trao đổi với báo chí về những điểm mới trong lần sửa đổi này của Luật Dược đã cho biết, Luật Dược sửa đổi có bổ sung ngoài việc bán thuốc tại các hiệu thuốc truyền thống sẽ cho phép kinh doanh thuốc trên sàn thương mại điện tử (TMĐT). Thuốc được bán trên sàn TMĐT phải thuộc danh mục thuốc không kê đơn. Thuốc kê đơn bán trực tiếp, có đơn thuốc của bác sĩ. Người bán thuốc trên mạng phải được cấp phép đầy đủ, có người chịu trách nhiệm chuyên môn. Nếu vi phạm sẽ bị chế tài xử phạt nặng.

Trước đó, chiều 18/6, Quốc hội nghe tờ trình, thẩm tra và thảo luận tại tổ về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Thay mặt Chính phủ trình bày tờ trình, liên quan đến một số quy định trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, cùng với sự phát triển của cách mạng công nghiệp 4.0, trải qua dịch COVID-19… việc kinh doanh, mua sắm trên internet, giao dịch điện tử ngày càng phổ biến.

Để kiểm soát được chất lượng thuốc, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các cơ sở đủ điều kiện kinh doanh thuốc theo phương thức truyền thống, được phép kinh doanh thêm trên thương mại điện tử.

Đặc biệt, dự thảo Luật quy định, chỉ cho phép các thuốc không kê đơn được phép kinh doanh trên thương mại điện tử.

Đối với loại hình kinh doanh chuỗi nhà thuốc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết, đây không phải quy định mới trong dự thảo Luật lần này mà đã được quy định trong Luật Dược năm 2016. Tuy nhiên, trong Luật Dược năm 2016 chưa có điều khoản quy định cụ thể loại hình kinh doanh này.

Vì vậy, trong lần sửa đổi Luật Dược này, Ban soạn thảo mong muốn quy định cụ thể về cơ cấu, tổ chức, điều kiện kinh doanh; phát huy tính ưu việt của chuỗi nhà thuốc; kiểm soát chất lượng thuốc, giá thuốc, dịch vụ đi cùng…

“Quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi, tính bán thuốc online sẽ rất nhiều nguy cơ”

Đó là băn khoăn của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (đoàn TP. Hồ Chí Minh) khi Quốc hội thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. “Quản nhà thuốc truyền thống còn chưa nổi mà tính bán online sẽ rất nhiều nguy cơ. Nhất là, nguy cơ thuốc giả, thuốc kém chất lượng rất khó phát hiện và xử lý trên không gian mạng” - đại biểu Phạm Khánh Phong Lan bày tỏ quan điểm. “Hiện chưa phải là thời điểm chín muồi để thực hiện bán thuốc online” - bà Phạm Khánh Phong Lan nói.

Băn khoăn của đại biểu Phạm Khánh Phong Lan không phải là không có căn cứ, nếu nhìn vào thực trạng trên mạng xã hội xuất hiện ngày càng nhiều những thông tin chào bán thuốc kê đơn, thuốc đặc trị. Theo Luật Dược năm 2016 quy định, thuốc là loại hàng hóa đặc biệt và chỉ được bán lẻ dưới 4 hình thức: Nhà thuốc, quầy thuốc, tủ thuốc của trạm y tế xã/phường và cơ sở chuyên bán lẻ dược liệu, thuốc dược liệu, thuốc cổ truyền.

Tuy nhiên, hiện nay các quầy thuốc online đang nở rộ phổ biến nhưng trên thực tế, trên các nền tảng mạng xã hội, nhiều loại thuốc nằm trong danh mục bắt buộc phải kê đơn vẫn đang được mua, bán một cách công khai, dễ dàng mà không cần bất kỳ đơn thuốc nào. Chỉ cần gõ từ khóa “mua bán thuốc tây” tại thanh công cụ tìm kiếm của mạng xã hội Facebook, kết quả có hàng loạt hội nhóm buôn bán, trao đổi thuốc có tên gọi na ná nhau kiểu “Hội nhà thuốc tây” có số thành viên lên tới hàng trăm ngàn…

Không chỉ được bao phủ bởi những lời quảng cáo “có cánh”, các loại thuốc này cũng được nhiều người lựa chọn bởi chỉ cần một vài thao tác đơn giản trên điện thoại, sản phẩm sẽ được giao tận nhà trong vài ngày với những lời hứa hẹn đầy sức hấp dẫn: “Cam kết rẻ hơn thị trường”, “Vận chuyển tận nhà sau khi chốt đơn”....

Nói một cách khác, chưa bao giờ một loại hàng hóa có điều kiện kinh doanh khắt khe lại mua bán dễ dàng đến vậy. Nói “người bán dễ dàng, người mua dễ dãi” khi bàn về thực trạng mua bán thuốc online hiện nay quả không sai khi phần lớn người mua lựa chọn mà không tìm hiểu kỹ về sản phẩm và tin tưởng vào công dụng của thuốc qua lời giới thiệu của người bán hàng, không ít người dù đã sử dụng sản phẩm nhưng không biết rõ về thành phần, xuất xứ của loại thuốc mình mua.

Theo các chuyên gia, với loại thuốc này, nếu không có sự tư vấn của bác sĩ, dùng sai liều hoặc không đúng chỉ định tiềm ẩn nhiều nguy cơ như: hạ huyết áp, rối loạn điện giải, thậm chí sốc phản vệ diễn biến nhanh dẫn đến tử vong. Nhiều y bác sĩ ví von “tử thần nấp trong những viên thuốc kê đơn online mua dễ hơn mua mớ rau ngoài chợ” là vì vậy.

Cần quy định hết sức ngặt nghèo, cẩn trọng

Nói như Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, bán hàng online là xu hướng tất yếu của thời đại công nghệ. Tuy nhiên, y dược là lĩnh vực đặc thù, quản lý hoạt động quảng cáo thuốc và bán thuốc, hoạt động khám chữa bệnh trong đời sống xã hội hiện nay cũng là một công việc khá khó khăn. Nếu quy định ngay việc bán hàng online thuốc chữa bệnh nhưng không có sự chuẩn bị về nhân lực, phương tiện, phương pháp, cách thức để quản lý trên không gian mạng thì có thể đe dọa đến tính mạng sức khỏe của người bệnh, ảnh hưởng đến an toàn xã hội. Bởi vậy, cần nghiên cứu kỹ lưỡng về thực trạng để có giải pháp quản lý tốt hơn việc bán thuốc chữa bệnh trên không gian mạng.

Đồng quan điểm, luật sư Lê Văn Thiệp - Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho rằng, rõ ràng là chúng ta khuyến khích phát triển thương mại điện tử. Bởi hiện nay, có nhiều hàng hóa được kinh doanh thông qua phương thức này.

Tuy nhiên, với thuốc, cũng như hoạt động khám chữa bệnh, phải dựa trên dấu hiệu lâm sàng, tìm ra nguyên nhân phát sinh bệnh tật. “Chúng ta khuyến khích kinh doanh qua thương mại điện tử, nhưng phải xác định tính đặc thù của hoạt động khám chữa bệnh. Thực tiễn là, những gì liên quan đến pháp luật, phải tuân thủ nghiêm ngặt, đặc biệt là vấn đề bảo vệ sức khỏe người dân. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần triển khai, đánh giá, nghiên cứu để đưa ra quy định liên quan đến vấn đề này” - luật sư Thiệp cho biết.

Cùng góc nhìn, trên nghị trường Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Công Hoàng (đoàn Thái Nguyên) đề nghị, cần cân nhắc và có quy định hết sức ngặt nghèo, cẩn trọng vì hiện nay việc rao bán thuốc rất phức tạp, nhiều người bị mất tiền oan, rồi việc người bán để thuốc ở đâu, có đảm bảo quy chuẩn hay không cũng là vấn đề cần xem xét. Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn Hải Phòng) cũng cho rằng cần quy định cụ thể hơn nữa về quản lý, kinh doanh thuốc online. Trong đó, ông Tân đặc biệt lưu ý về các loại thuốc được kinh doanh, đối tượng được tham gia mua bán, cách thức hướng dẫn, sử dụng thuốc, trách nhiệm của các bên liên quan, khi xảy ra sự cố...

Thương mại điện tử là xu thế tất yếu nên việc luật hóa bán thuốc online là cần thiết. Nhưng dù có là xu hướng hay cần thiết đến đâu thì tính mạng, sức khỏe con người vẫn là yếu tố phải được cân nhắc kỹ lưỡng, trước tiên, trên hết. Nói như ông Nguyễn Thanh Lâm - Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược (Bộ Y tế): “Thuốc chữa bệnh là mặt hàng đặc biệt… Do đó, cần quản lý chặt chẽ, có chế tài hoạt động livestream, quảng cáo, kinh doanh thuốc trên MXH… Những quy định cụ thể, chặt chẽ hơn liên quan tới việc kinh doanh thuốc chữa bệnh là rất cần thiết, nhằm điều chỉnh các vấn đề đã phát sinh trong thực tiễn, và quan trọng hơn là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân cũng như quyền lợi, kinh tế của người tiêu dùng”.

Anh Thư

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/luat-hoa-ban-thuoc-online-can-che-tai-du-manh-post302105.html
Zalo