Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn

Sáng 25/10, tại Nhà Quốc hội tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của Dự thảo Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn (ĐT&NT). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Tại phiên họp, Quốc hội nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Quy hoạch ĐT&NT. Sau khi Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật, cơ quan trình và cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Đoàn Thị Lê An phát biểu thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Tham gia thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Quy hoạch ĐT&NT, đại biểu Đoàn Thị Lê An, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cơ bản nhất trí với các nội dung của báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý, sửa đổi trong dự thảo luật. Quan tâm quy định về việc bảo đảm sự phù hợp, tuân thủ của dự án đầu tư xây dựng với quy hoạch đô thị, nông thôn trong trường hợp có sự mâu thuẫn giữa các quy hoạch ĐT&NT tại Điều 8, đại biểu cho biết; Dự thảo Lluật đang quy định việc phát sinh mâu thuẫn giữa các quy hoạch ĐT&NT cùng cấp độ, cùng cấp có thẩm quyền phê duyệt; cùng cấp độ, khác cấp có thẩm quyền phê duyệt thì phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch cao hơn quyết định quy hoạch được thực hiện. Vấn đề này sẽ làm cho việc tổ chức thực hiện các quy hoạch đô thị, nông thôn trong phạm vi địa bàn thành phố, thị trấn, thị xã, huyện, xã mang tính chất rời rạc, không có sự chia sẻ, trao đổi thông tin kịp thời giữa các cấp thẩm định quy hoạch, do vậy đề nghị Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh phù hợp.

Về việc không lập riêng quy hoạch chung xã đối với tất cả các xã mà giao cho UBND tỉnh quyết định xã cần phải lập quy hoạch chung tại khoản 2, điều 25, đại biểu cho rằng, quy hoạch chung huyện có thể tích hợp các nội dung định hướng phát triển xã trong huyện tại điều 26, 27, 28. Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì đơn vị hành chính được chia thành 4 cấp; mặt khác, đơn vị hành chính cấp huyện được giao phụ trách, quản lý đơn vị hành chính cấp xã theo địa bàn, lĩnh vực quản lý nhà nước. Vì vậy, không cần thiết phải lập riêng quy hoạch chung cấp xã mà tích hợp quy hoạch chung cấp xã trong quy hoạch chung cấp tỉnh.

Về thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh quy hoạch ĐT&NT tại điều 47, đại biểu cho rằng nội dung cơ bản trong dự thảo luật quy định phân cấp cho cấp thẩm quyền thấp hơn được tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt, công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền cao hơn phê duyệt (cấp tỉnh điều chỉnh cục bộ quy hoạch do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cấp huyện điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp tỉnh phê duyệt) theo trình tự được cấp cao hơn quy định. Nội dung này chưa bảo đảm nguyên tắc tuân thủ trong quản lý hành chính nhà nước “cơ quan nhà nước cấp dưới phải tuân thủ văn bản của cơ quan hành chính nhà nước cấp trên”. Việc cho phép cấp dưới điều chỉnh cục bộ quy hoạch do cấp trên phê duyệt sẽ dẫn tới việc khó theo dõi, kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện quy hoạch của cấp trên. Ban soạn thảo xem xét điều chỉnh để đảm bảo nguyên tắc trên.

Về nguồn lực triển khai thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, tại khoản 5 điều 5 Luật Đầu tư công năm 2019 quy định đối tượng của đầu tư công là các đối tượng theo quy định của pháp luật về quy hoạch (hiện nay là Luật Quy hoạch năm 2017). Dự thảo Luật sửa đổi Luật Quy hoạch năm 2017 đang xin ý kiến rộng rãi đã quy định chi tiết việc sử dụng nguồn vốn để thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đối tượng điều chỉnh theo Luật Quy hoạch 2017, trong đó quy định chi tiết đầu tư công được sử dụng để thực hiện 5 quy hoạch gồm: quy hoạch quốc gia, quy hoạch ngành quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch tổng thể đô thị nông thôn; các quy hoạch mang tính chất kỹ thuật, chuyên ngành khác sử dụng nguồn vốn chi thường xuyên và các nguồn vốn hợp pháp khác. Việc triển khai thực hiện quá nhiều quy hoạch trên 1 địa bàn hành chính (quy hoạch xã, quy hoạch huyện trên địa bàn hành chính 1 tỉnh)sẽ làm tăng các khoản mục chi trong cơ cấu chi nhân sách Nhà nước từ Trung ương đến địa phương. Điều này gây lãng phí nguồn lực ngân sách, chưa đảm bảo mục tiêu mà Bộ Chính trị đề ra tại Nghị quyết số 07-NQ/TW, ngày 18/11/2016 về chủ trương, giải pháp cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, trong đó có nội dung “từng bước cơ cấu lại chi ngân sách Nhà nước theo hướng tăng hợp lý tỉ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng trong chi thường xuyên”. Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu chỉnh lý phù hợp.

Lê Điệp

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-tinh-doan-thi-le-an-thao-luan-tai-hoi-truong-ve-du-an-luat-quy-hoach-do-thi-va-non-3173111.html
Zalo