Đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
Hôm nay, 27/5, tiếp tục nội dung chương trình kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Buổi sáng, Quốc hội nghe các báo cáo, tờ trình và thảo luận tại hội trường; buổi chiều, các tổ ĐBQH thảo luận về 2 dự án luật.
Theo đó, dưới sự chủ trì của đồng chí Vũ Đại Thắng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình, Tổ ĐBQH 19 đã thảo luận về 2 dự án gồm: Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an Nhân dân (CAND) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh (XC,NC) của công dân Việt Nam và Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú (NC,XC,QC,CT) của người nước ngoài tại Việt Nam.
Tham gia phiên thảo luận tổ, các ĐBQH tỉnh Quảng Bình là Nguyễn Minh Tâm và Nguyễn Mạnh Cường đã có ý kiến cụ thể về hai dự án Luật. Cơ bản nhất trí về sự cần thiết phải ban hành 2 luật, đối với Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật CAND, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu quy định trong dự thảo Luật những tiêu chí, tiêu chuẩn khung cho toàn bộ lực lượng CAND. Trên cơ sở đó, giao Chính phủ quy định cụ thể, đầy đủ từng tiêu chí, điều kiện gắn với đặc thù công việc của từng hệ lực lượng trong CAND để bảo đảm sự công bằng, thống nhất trong triển khai thực hiện.
Khẳng định việc tăng hạn tuổi phục vụ cao nhất của lực lượng CAND là phù hợp với chủ trương của Đảng về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và thống nhất với quy định của Bộ luật Lao động năm 2019 về độ tuổi nghỉ hưu, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị Ban soạn thảo cần giải trình rõ cơ sở để đề xuất mức tăng đối với từng cấp bậc hàm như trong dự thảo Luật. Ý kiến cũng đề nghị việc nâng hạn tuổi phục vụ cao nhất cần cân nhắc, xem xét để phù hợp với yếu tố đặc thù nghề nghiệp, vị trí, môi trường công tác, tính chất từng nhóm nhiệm vụ, công việc để bảo đảm điều kiện thể lực, sức khỏe của sĩ quan, hạ sĩ quan trong các môi trường làm việc khác nhau, đặc biệt là đối với nữ sĩ quan CAND.
Về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật XC,NC của công dân Việt Nam và Luật NC,XC,QC,CT của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu nêu rõ: Việc bổ sung thông tin “nơi sinh” vào thông tin trên giấy tờ xuất nhập cảnh tại khoản 3 Điều 6 Luật XC,NC của công dân Việt Nam là bước đi nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý vững chắc sau khi Quốc hội đã đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Điều này góp phần bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho công dân Việt Nam khi nhập cảnh vào các nước trên thế giới, không để xảy ra tình huống tương tự như tại một số nước ở Châu Âu thời gian vừa qua.
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, Dự thảo Luật XC,NC của công dân Việt Nam và Luật NC,XC,QC,CT của người nước ngoài tại Việt Nam đã sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm hoàn thiện quy định về việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên môi trường điện tử (MTĐT) là cần thiết, phù hợp với thực tiễn, nhằm bảo đảm cơ sở pháp lý thực hiện dịch vụ công trực tuyến đối với hoạt động cấp, báo mất, khôi phục giá trị sử dụng của hộ chiếu phổ thông.
Tuy nhiên, dự thảo mới chỉ nêu chung chung là “trên MTĐT” mà không rõ địa chỉ cổng thông tin điện tử, trang thông tin điện tử nào. Ngoài ra, các điều luật trên cũng chưa quy định rõ trình tự, thủ tục thực hiện các giao dịch trên MTĐT. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung các điều khoản quy định cụ thể việc thực hiện các thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh trên MTĐT hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết để có cơ sở áp dụng trên thực tế; đồng thời đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các quy định nêu trên đảm bảo tương thích với Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) sẽ được thông qua tại kỳ họp này.
Tại khoản 2 Điều 33 Luật NC,XC,QC,CT của người nước ngoài tại Việt Nam quy định: “2. Cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua môi trường điện tử. Cơ sở lưu trú khác khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua MTĐT hoặc Phiếu khai báo tạm trú…”, ý kiến đại biểu Nguyễn Minh Tâm đề nghị sửa đổi theo hướng không chỉ cơ sở lưu trú khác mà cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn cũng thực hiên việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua MTĐT hoặc phiếu khai báo tạm trú. Theo đại biểu, nếu cơ sở lưu trú du lịch là khách sạn chỉ được thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua MTĐT sẽ khiến cho các khách sạn gặp một số khó khăn (chưa có tài khoản lưu trú, quên mật khẩu tài khoản…). Do vậy, cần cho phép các khách sạn được lựa chọn thực hiện việc khai báo tạm trú cho người nước ngoài qua MTĐT hoặc phiếu khai báo tạm trú.
Ý kiến của đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị làm rõ thêm các nội dung của Luật CAND. Đó là báo cáo đánh giá tác động chính sách của Luật; lộ trình tăng hạn tuổi nghỉ hưu; việc sửa đổi quy định về chế độ, chính sách của CAND; thời điểm Luật có hiệu lực thi hành…