Đại biểu Quốc hội tán thành việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương
Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, chiều 21/11, Quốc hội đã thảo luận ở hội trường về Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương (Đề án). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Thừa Thiên Huế Lê Trường Lưu cho biết, việc xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế thành thành phố trực thuộc Trung ương là quá trình nỗ lực, phấn đấu lâu dài, từ những năm 1996 của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế. Đề án được Bộ Chính trị, Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương quan tâm chỉ đạo, hỗ trợ, đặc biệt là Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị.
Đến nay, mô hình đô thị Huế theo hướng di sản, sinh thái, cảnh quan và thân thiện với môi trường đã hình thành, phát triển được các trung tâm về văn hóa du lịch; trung tâm giáo dục đào tạo đa ngành đa lĩnh vực; trung tâm y tế chuyên sâu của khu vực và cả nước; công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản đạt được nhiều kết quả quan trọng, kinh tế đạt mức tăng trưởng khá, môi trường, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm, an ninh được giữ vững…
Ông Lưu nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế sẽ tạo động lực và sức mạnh mới để đóng góp vào sự phát triển của Vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, góp phần thực hiện chiến lược phát triển đô thị quốc gia.
Với mô hình đô thị lựa chọn là đô thị di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường và thông minh, không phát triển dân cư, nhà cửa mật độ cao, đô thị nén sẽ giải quyết hài hòa giữa bài toán bảo tồn phát triển, tạo điều kiện cho Huế giữ gìn, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị di sản đặc sắc của thế giới và cả nước…
Ông Lưu cũng kiến nghị ban soạn thảo bổ sung vào dự thảo nghị quyết quy định chuyển tiếp về tổ chức bộ máy chức danh vị trí việc làm, tài sản và các vấn đề áp dụng pháp luật liên quan khi chuyển từ chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế sang chính quyền thành phố Huế; quy định về việc bầu cử bổ sung đại biểu hội đồng nhân dân ở các quận mới được thành lập.
Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho hay, phiên thảo luận ghi nhận ý kiến góp ý của 9 Đại biểu Quốc hội (ĐBQH); Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, thay mặt Chính phủ đã có tiếp thu giải trình một số nội dung quan trọng mà ĐBQH quan tâm.
“Qua các ý kiến phát biểu của ĐBQH cho thấy, hầu hết các đại biểu tán thành chủ trương thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ thảo luận với Chính phủ để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết trình Quốc hội thông qua vào cuối kỳ họp này. Sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ ban hành ngay nghị quyết về sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã và các điều kiện bảo đảm để thực hiện thành công nghị quyết của Quốc hội”, ông Định nói.
Đại biểu Trần Văn Tiến, Đoàn ĐBQH tỉnh Vĩnh Phúc: Đề xuất tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế
Tôi đồng tình với sự cần thiết thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, về tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương, dự thảo quy định tên thành phố Huế trực thuộc Trung ương.
Hiện tại, tỉnh Thừa Thiên Huế có thành phố Huế là đô thị loại 1. Tuy nhiên, nếu lấy tên là thành phố Huế trực thuộc Trung ương thì rất dễ bị nhầm lẫn là chỉ thành phố Huế hiện tại là thành phố trực thuộc Trung ương. Do vậy, để tránh nhầm lẫn với tên gọi thành phố Huế trực thuộc Trung ương với thành phố Huế hiện tại, tôi đề nghị thành phố Huế trực thuộc Trung ương phải bao quát hết phạm vi của tỉnh Thừa Thiên Huế. Do vậy, tôi đề xuất tên gọi là thành phố Thừa Thiên Huế.
Với tên gọi như vậy sẽ bao quát hết cả tỉnh Thừa Thiên Huế. Trong hồ sơ thành lập, thành phố Huế chưa đề cập tới việc lấy ý kiến về tên gọi thành phố Huế.
Đại biểu Phạm Văn Hòa, Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp: Động lực quan trọng để đưa Huế vươn mình tiến xa
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc, phù hợp với từng vùng miền và đầu tư phát triển các đô thị có giá trị về di sản du lịch, tạo lập không gian kinh tế, động lực phát triển mới cho địa phương, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, kiến tạo hình ảnh đô thị khang trang, xanh - sạch - đẹp, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa của Huế.
Nếu được Quốc hội cho phép thành lập thành phố trực thuộc Trung ương là điều kiện thuận lợi, là động lực quan trọng để đưa Huế vươn mình tiến xa về kinh tế - xã hội, phát triển nhanh, bền vững theo hướng đô thị, di sản văn minh, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường và văn minh, đáp ứng mọi kỳ vọng của Nhân dân và sự tin tưởng cao của Quốc hội. Tuy nhiên, hiện nay thành phố Huế nếu được thành lập bước đầu sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là đô thị hóa hiện nay mới chỉ có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện cho nên tôi đề nghị Trung ương có quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế - xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô.
Đại biểu Phạm Thị Kiều, Đoàn ĐBQH tỉnh Đắk Nông: Tạo một mô hình đô thị đặc trưng của Việt Nam
Việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương là cơ cơ sở để tỉnh Thừa Thiên Huế triển khai quy hoạch tỉnh, quy hoạch chung đô thị tỉnh, chương trình phát triển đô thị tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, tạo ra một mô hình đô thị đặc trưng của Việt Nam là đô thị văn hóa di sản quốc gia với đặc trưng văn hóa di sản sinh thái bản sắc Huế thông minh, hướng biển, thích ứng với bền vững, là đô thị lớn thuộc nhóm có trình độ phát triển kinh tế ở mức độ cao của cả nước…
Thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương sẽ tạo ra sức bật mới, không chỉ cho thành phố Huế phát triển mà còn gìn giữ, bảo tồn tốt kho tàng di sản văn hóa phong phú mà cố đô Huế đang sở hữu, đó cũng là sự đóng góp thiết thực cho vùng kinh tế trung trung bộ và cho đất nước, trong đó thành phố Huế trở thành động lực phát triển của ngành kinh tế biển Trung Trung Bộ đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển phát triển thành trung tâm kinh tế biển mạnh, có tầm quốc tế hàng đầu ở Đông Nam Á.
Hiện nay, biến đổi khí hậu và những vấn đề liên quan rất nhiều như nắng hạn, thâm nhập mặn... cũng đang ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến mọi mặt của đời sống. Do đó, cần quan tâm đến việc bảo vệ đất rừng, rừng phòng hộ, rừng đặc dụng. Vì vậy, đây cũng là những nhóm rừng rất đặc biệt nên cần chặt chẽ khi chuyển đổi mục đích sử dụng đối với loại đất này cũng như vấn đề chuyển mục đích sử dụng đất trồng lúa, vì đất trồng lúa được hình thành trong hàng ngàn năm kiến tạo của địa lý, của tự nhiên, cho nên lấy đất trồng lúa chuyển thành những đất khác nên cân nhắc bởi vì liên quan đến an ninh lương thực cho cả trước mắt và trong tương lai.
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương: Quan tâm kết nối du lịch giữa thành phố Huế với các địa phương khác
Thành phố Huế mang những đặc trưng rất riêng biệt so với các địa phương khác, các đô thị khác trong cả nước nên để thành phố Huế trực thuộc Trung ương phát triển mạnh mẽ thì việc cá nhân hóa, tối ưu hóa các đặc trưng riêng phải được coi là trục cơ bản xuyên suốt của quá trình phát triển của thành phố Huế trực thuộc Trung ương, không cần thiết phải liệt kê đầy đủ, đồng đều các lĩnh vực phát triển khác như những đô thị khác, như các thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Tôi nhất trí cao với quan điểm phát triển trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế và du lịch là kinh tế mũi nhọn, thành phố Huế là đô thị di sản.
Bên cạnh việc giải quyết tốt mâu thuẫn phát sinh trong quá trình đô thị hóa, để giữ gìn cảnh quan, môi sinh, di sản, di tích, tôi trân trọng mong muốn có sự xem xét thỏa đáng việc đào tạo nghề chuyển đổi cho người dân, nhất là người dân ở khu vực nông thôn, khu vực miền núi, người dân là người dân tộc thiểu số, trong đó cần đặc biệt chú trọng đến các ngành nghề thuộc lĩnh vực dịch vụ và du lịch với quần thể di tích Cố đô Huế và gia tài di sản văn hóa đồ sộ bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và di sản văn hóa phi vật thể. Việc kết nối du lịch giữa thành phố Huế với các địa phương khác và các quốc gia khác trong khu vực rất cần được quan tâm, đẩy mạnh.
Đại biểu Dương Văn Phước, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam: Thúc đẩy khu vực miền Trung phát triển
Với tính chất đô thị di sản là vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa, việc nâng Thừa Thiên Huế lên thành phố trực thuộc Trung ương là cơ hội để địa phương phát triển nhưng vẫn giữ được nét riêng có của xứ Huế để Huế cùng với Đà Nẵng trở thành phố động lực, thúc đẩy khu vực miền Trung phát triển.
Một trong những yêu cầu lớn để bảo tồn di sản Cố đô Huế là di dân, giãn dân ở khu vực kinh thành Huế, đây là việc làm cực kỳ phức tạp và khó khăn, đòi hỏi nguồn lực rất lớn và trải qua nhiều giai đoạn, Huế đã hoàn thành tốt việc di dân dân tái định cư giai đoạn 1 với 5.000 hộ dân, tuy nhiên còn hơn 700 hộ dân trong giai đoạn 2 cùng với những công việc tôn tạo khác.
Do vậy, đề nghị Trung ương cần phải có sự hỗ trợ, đồng hành cùng với Thừa Thiên Huế hoàn thành yêu cầu đặt ra, sớm trả lại nguyên trạng không gian Cố đô Huế.
Ngoài ra, cùng với việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, theo tôi cũng cần có những cơ chế đặc thù, vượt trội, phù hợp với thực tiễn để thành phố Huế phát triển nhanh, mạnh, bền vững trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội: Huế là thành phố trực thuộc Trung ương rất xứng đáng
Đây là nguyện vọng khao khát gần 30 năm nay của Nhân dân Huế, có cơ sở chính trị vững chắc, có đủ cơ sở pháp lý, đã có đầy đủ các tiêu chí như quy định để trở thành phố trực thuộc Trung ương và đặc biệt là có cơ sở thực tiễn rất phong phú.
Huế là thành phố trực thuộc Trung ương xứng đáng, vì đó là thành phố của lịch sử, thành phố của di sản, thành phố của văn hóa, thành phố của festival. Mọi việc đã rất rõ, tôi rất mong Quốc hội thông qua để trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Tôi tin tưởng rằng khi trở thành thành phố trực thuộc Trung ương thì cơ hội phát triển của thành phố Huế càng được mở rộng, rõ ràng và khả năng thành công cao.
Đại biểu Trịnh Thị Tú Anh, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng: Cần kế thừa, phát huy những chủ trương, chính sách
Để đô thị Huế đóng vai trò đô thị trung tâm kết nối vùng, có năng lực cạnh tranh và thương hiệu ở tầm khu vực và quốc tế thì cần kế thừa, phát huy những chủ trương, chính sách mà tỉnh Thừa Thiên Huế đã xác định triển khai trước đây.
Cụ thể là, tập trung đầu tư mở rộng không gian phát triển Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô, khu kinh tế nằm ở khu trung điểm của 2 trung tâm kinh tế và văn hóa của miền Trung là thành phố Huế và thành phố Đà Nẵng, thuộc vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung Việt Nam.
Khu Kinh tế Chân Mây là khu vực ven biển duy nhất nằm giữa 2 đô thị lớn của miền Trung Việt Nam, cảng nước sâu Chân Mây của khu kinh tế là cửa ngõ ra biển Đông gần nhất trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây, với 5 khu chức năng, gồm khu công nghiệp, khu phi thuế quan, khu đô thị, khu du lịch, khu cảng và chi phí liên quan đến đầu tư ở mức thấp so với các địa phương khác trong cả nước...
Đại biểu Trần Thị Hồng Thanh, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình: Làm rõ các giải pháp để giải quyết các vấn đề phát sinh
Tôi đề nghị cần bổ sung làm rõ hơn trong đề án một số giải pháp, phương hướng, kế hoạch để giải quyết một số vấn đề sau khi Huế trở thành phố trực thuộc Trung ương.
Một là, thành phố Huế trực thuộc Trung ương đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ. Điều này đặt ra yêu cầu phải bảo đảm sớm thực hiện các chính sách đổi mới khoa học, công nghệ hướng tới phát triển xanh, đáp ứng mục tiêu đề ra tại các chiến lược về chương trình quốc gia về bảo vệ môi trường, tăng trưởng xanh, sử dụng công nghệ sạch đã được Đảng và Nhà nước ban hành trong thời gian qua. Do vậy, trong đề án cần xác định rõ hơn các giải pháp, phương hướng, kế hoạch để thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, trong đó đề nghị làm rõ hơn những quan điểm, mục tiêu, các đột phá trong xây dựng chiến lược phát triển khoa học, công nghệ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của Thừa Thiên Huế phù hợp với bối cảnh chung của cả nước và thế giới. Ưu tiên tiếp thu, hấp thụ, làm chủ nhanh chóng các ứng dụng thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của thế giới, đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng phục vụ thiết thực, đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội.
Hai là, việc phát triển thành đô thị trực thuộc Trung ương sẽ cần nguồn lực đầu tư rất lớn, trong khi nguồn thu ngân sách địa phương chưa cao phần nào cũng sẽ tạo áp lực đối với thành phố trong giai đoạn đầu. Do vậy, đề nghị trong đề án xác định rõ hơn các giải pháp đồng bộ cả về cơ chế và chính sách để phát huy cao nhất tiềm năng và nguồn lực của thành phố và của trung ương cho đầu tư phát triển.
Ba là, đề nghị bổ sung, lồng ghép trong đề án nội dung về thực hiện chương trình mục tiêu phát triển văn hóa gắn với những công việc, nội dung, nhiệm vụ cụ thể cần đặc biệt quan tâm để tăng cường các chính sách hỗ trợ, đẩy mạnh phát triển văn hóa mạnh mẽ, thiết thực hơn tại thành phố Huế.