Đại biểu Quốc hội: Sớm gỡ vướng chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Đại biểu Quốc hội nhấn mạnh phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp.

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên. Ảnh: quochoi.vn

Sáng 29/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

Để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng

Phát biểu tại hội trường, đại biểu Tạ Thị Yên - Đoàn ĐBQH tỉnh Điện Biên đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023, những tháng đầu năm 2024 với nhiều kết quả tích cực.

Đại biểu nêu bối cảnh, tình hình mâu thuẫn địa chính trị, địa kinh tế, xung đột cục bộ diễn ra hết sức khốc liệt, có nguy cơ kéo dài, vừa chia cắt, vừa làm đứt gãy chuỗi cung ứng đã có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định đến nền kinh tế Việt Nam.

Dẫu vậy, kinh tế vĩ mô Việt Nam vẫn giữ được ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm, giải ngân vốn đầu tư công và xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông được đẩy mạnh, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025.

"Trong sự bất ổn đó của nền kinh tế thế giới, Chính phủ đã có những chỉ đạo, điều hành quyết liệt, nhất là tận dụng những cơ hội thuận lợi để thúc đẩy phát triển những ngành công nghiệp mới như hydrogen, vi mạch bán dẫn và tiếp tục quá trình chuyển đổi số quốc gia, đem lại những động lực mới cho nền kinh tế," đại biểu nhận định.

Để các ngành kinh tế mới trở thành động lực tăng trưởng trong giai đoạn tới dựa trên lợi thế so sánh quốc gia, đại biểu Yên cho rằng, bên cạnh việc cần khẩn trương sửa đổi các quy định pháp luật có liên quan thì cần có các cơ chế, chính sách hết sức cụ thể để có thể chuyển hóa tiềm năng thành hành động thực tế.

Bên cạnh đó, cần tiếp tục phát triển các ngành công nghiệp nền tảng như cơ khí chế biến, chế tạo, luyện kim, dệt may, da giày,…

"Đặc biệt, phát triển khu vực kinh tế tư nhân là rất quan trọng. Nhất là khi xu thế đầu tư tư nhân có dấu hiệu giảm đáng kể so với giai đoạn trước, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường gia tăng, tăng trưởng tín dụng thấp như báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế đã chỉ rõ," đại biểu nêu quan điểm.

Sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân

Cũng cho ý kiến tại hội trường sáng 29/5, đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh đánh giá, năm 2023 đến đầu năm 2024, thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song dưới sự lãnh đạo của Trung ương, sự chủ động đồng hành của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã nỗ lực, quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp đạt kết quả trên các lĩnh vực.

Trong đó tiêu biểu như tăng trưởng kinh tế đạt mức cao, thu ngân sách vượt dự toán, tập trung thực hiện tái cơ cấu các ngành kinh tế, tái cấu trúc nâng cao hiệu quả hoạt động các tập đoàn kinh tế Nhà nước, kim ngạch xuất khẩu, xuất siêu tiếp tục tăng, lạm phát được kiểm soát,…

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đỗ Thị Lan - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Đỗ Thị Lan cho biết, bên cạnh những kết quả đạt được, Chính phủ cũng đã thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, bất cập và đưa ra 12 nhóm giải pháp. Nữ đại biểu bày tỏ sự thống nhất với giải pháp đưa ra trong báo cáo đề nghị của Chính phủ và đề nghị thêm một số giải pháp sau:

Thứ nhất, đề nghị Quốc hội có chính sách tài khóa phù hợp, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư kích cầu sản xuất trong nước, hỗ trợ lĩnh vực ưu tiên đầu tư phát triển.

Thứ hai, cần có cơ chế chính sách phù hợp để bảo vệ cán bộ, khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đồng thời kiểm tra, giám sát việc tổ chức, thực hiện chính sách pháp luật có liên quan đến môi trường đầu tư kinh doanh, có giải pháp khắc phục tình trạng kéo dài thời gian thực hiện quy trình thủ tục hành chính gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Thứ ba, theo đại biểu, cần sớm tháo gỡ vướng mắc bất cập về chính sách phát triển kinh tế tư nhân, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch, lành mạnh, giảm thời gian chi phí tuân thủ và các chi phí không chính thức trong thực hiện các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp.

Đồng thời, cung cấp thông tin hỗ trợ, pháp lý, kỹ thuật, kỹ năng quản trị và tiếp cận vốn tín dụng, mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, sản phẩm cho doanh nghiệp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển.

Kiều Chinh

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/dai-bieu-quoc-hoi-som-go-vuong-chinh-sach-phat-trien-kinh-te-tu-nhan-post35101.html
Zalo