Đại biểu Quốc hội phân tích lý do nên bỏ tử hình đối với một số tội danh
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự sửa đổi do Bộ Công an - Cơ quan được Chính phủ giao chủ trì soạn thảo trình ra Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV nhận được sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là về 8 tội danh dự kiến bỏ hình phạt tử hình. Nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) bày tỏ tán thành với quy định này và phân tích làm rõ quan điểm.
Tư duy lập pháp tiến bộ, thích nghi với thực tiễn
ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng, chúng ta quy định mức án tử hình cho một tội danh nào đó là căn cứ vào việc, loại tội danh đó gây nguy hiểm mức độ nào cho xã hội, cần phải có mức trừng trị cao nhất là tử hình để đảm bảo tính nghiêm khắc và răn đe của pháp luật. Do đó, hình phạt tử hình đối với các tội danh như: Tham ô, Nhận hối lộ, Vận chuyển trái phép chất ma túy là hoàn toàn phù hợp với bối cảnh lịch sử và pháp lý của nước ta trước đây. Khi đó, hệ thống pháp luật còn chưa hoàn thiện, công tác phòng, chống tội phạm gặp nhiều khó khăn, nhận thức pháp luật trong xã hội còn hạn chế, nên cần đến hình phạt tử hình như một biện pháp răn đe đặc biệt.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga.
Tuy nhiên, cũng tùy từng giai đoạn lịch sử xã hội của đất nước, không phải bất cứ tội danh nào đã đưa vào mức án đó là sẽ y án từ đầu đến cuối. Đến nay, chúng ta đã có những chuyển biến rõ rệt: pháp luật ngày càng hoàn thiện, hệ thống tư pháp được cải cách theo hướng minh bạch, kiểm soát quyền lực được tăng cường, nhận thức pháp luật của cán bộ và người dân được nâng cao. Đặc biệt, Việt Nam đang tích cực hội nhập, tham gia nhiều công ước quốc tế về quyền con người, hoàn toàn có cơ sở để chúng ta xem xét bỏ những tội danh ấy ra khỏi khung tử hình. "Việc xem xét bỏ hình phạt tử hình đối với một số tội danh không chỉ hợp lý mà còn là dấu hiệu của một tư duy lập pháp tiến bộ, biết thích nghi với điều kiện thực tiễn và thể hiện bản lĩnh của nhà nước pháp quyền", nữ đại biểu nhấn mạnh.
Theo bà, riêng với tội danh Vận chuyển trái phép chất ma túy, rất nhiều người bày tỏ sự băn khoăn lo ngại vì hiện nay tội phạm ma túy vẫn đang là vấn đề nhức nhối, các vụ án lớn về ma túy vẫn đang được triệt phá, thậm chí có những vụ án đối tượng manh động, điên cuồng chống trả quyết liệt cơ quan chức năng, làm các cán bộ Công an hy sinh...
Lựa chọn pháp lý phù hợp hơn với quyền con người và cam kết cải cách tư pháp
"Tại sao lại bỏ tội danh này ra khỏi danh sách những tội danh phải chịu án tử hình? Liệu điều đó có làm gia tăng hiện tượng mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy hay không, khi mà tác hại của ma túy đối với đời sống con người đã là những ẩn họa khôn lường? Nhiều người băn khoăn như vậy. Qua rà soát Bộ luật Hình sự hiện hành, liên quan ma túy có 3 loại tội danh được quy định có án tử hình: Sản xuất trái phép chất ma túy, Vận chuyển trái phép chất ma túy, Mua bán trái phép chất ma túy. Theo đề xuất của Cơ quan soạn thảo, chỉ bỏ tội về vận chuyển. Vận chuyển so với sản xuất hay mua bán thì mức độ nguy hiểm ít hơn, có thể xem xét được", ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phân tích.

ĐBQH Nguyễn Hải Dũng.
Thêm vào đó, tất cả tội danh bỏ án tử hình còn kèm theo điều kiện nữa là thay thế bằng hình phạt tù chung thân không xét giảm án. Hình phạt tù chung thân không giảm án nếu được thiết kế và thực thi nghiêm túc hoàn toàn có thể bảo đảm tính nghiêm khắc, tính răn đe và trừng phạt tương đương. Bị cáo sẽ bị cách ly vĩnh viễn khỏi xã hội, không còn cơ hội quay lại vị trí công tác, không thể hưởng lợi từ hành vi phạm tội, cũng không có bất kỳ cơ hội được tha tù trước thời hạn hay đặc xá. Đây là hình phạt kéo dài suốt phần đời còn lại, tạo sức ép tâm lý nặng nề và mang tính trừng phạt sâu sắc - đủ để răn đe và cảnh tỉnh người khác...
Đồng thời, đại biểu đề nghị quy định rõ việc áp dụng hình phạt tù chung thân không được giảm án, không đặc xá, không tha tù trước thời hạn đối với các tội danh thay thế cho tử hình, nhằm giữ nguyên tính nghiêm khắc và răn đe; hoàn thiện cơ chế tịch thu toàn bộ tài sản do phạm tội mà có, đặc biệt với tội Tham ô, Nhận hối lộ để "không ai phạm tội mà vẫn được hưởng lợi".
"Tôi đề nghị Chính phủ, các cơ quan truyền thông và các đoàn thể cần truyền thông minh bạch, nhất quán, giúp nhân dân hiểu rõ rằng, bỏ án tử hình không phải là khoan dung với tội phạm, mà là lựa chọn pháp lý phù hợp hơn với quyền con người và cam kết cải cách tư pháp", ĐBQH tỉnh Hải Dương nêu rõ.
Việc xem xét bỏ một số tội danh ra khỏi mức án tử hình cũng là điều có lý trong bối cảnh hiện nay, nhất là việc Việt Nam đang đẩy mạnh đảm bảo tính nhân văn của hệ thống pháp luật và đảm bảo nhân quyền. Với những tội danh như Tham ô, Nhận hối lộ khi bỏ ra khỏi danh sách án tử hình cũng cần quan tâm đẩy mạnh việc thu hồi tài sản do tham nhũng mà có, trả về ngân sách nhà nước. "Chúng ta phối hợp nhiều giải pháp thì hoàn toàn có thể thực hiện được", đại biểu tin tưởng.
Phù hợp tình hình thế giới và yêu cầu về tương trợ tư pháp

ĐBQH Mai Thị Phương Hoa.
Thực tiễn công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm về ma túy, chủ trương chung của Bộ Công an là đấu tranh không khoan nhượng. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn cho thấy, đa số người thực hiện hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy là người được các đối tượng sản xuất, mua bán trái phép chất ma túy thuê để vận chuyển, và thường rơi vào đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức pháp luật còn hạn chế, hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, thu lợi ít. Họ chỉ là khâu trung gian bị những kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng. So sánh tương quan với tội mua bán trái phép chất ma túy và tội sản xuất trái phép chất ma túy (các tội vẫn duy trì hình phạt tử hình) thì tội vận chuyển trái phép chất ma túy có tính chất trung gian, ít nguy hiểm hơn với hành vi mua bán, sản xuất.
Bên cạnh đó, đối với hành vi vận chuyển trái phép chất ma túy để nhằm mục đích mua bán hoặc mục đích sản xuất trái phép chất ma túy, theo quy định của pháp luật sẽ bị xử lý về tội mua bán trái phép chất ma túy hoặc sản xuất trái phép chất ma túy và 2 tội danh này theo quy định của Bộ luật Hình sự thì đều có khung hình phạt cao nhất là tử hình. Qua đó, việc thay thế hình phạt tử hình bằng hình phạt chung thân không xét giảm án đối với tội vận chuyển trái phép chất ma túy vẫn bảo đảm cách ly người phạm tội ra khỏi xã hội.
Ngoài ra, nhiều nước trên thế giới đã yêu cầu Việt Nam phải cam kết không áp dụng hình phạt tử hình hoặc tuyên nhưng không thi hành án tử hình đối với những vụ án về ma túy, nhưng Việt Nam chưa cam kết nên khi Việt Nam yêu cầu tương trợ tư pháp có liên quan đến án tử hình thì gần như không có phản hồi. Nếu quy định như hướng dự thảo luật đưa ra sẽ góp phần giải quyết được vấn đề bất cập này...
ĐBQH Nguyễn Hải Dũng (Nam Định) cho rằng, với tội Tham ô tài sản và tội Nhận hối lộ lần này không chỉ được đề xuất bỏ hình phạt tử hình, mà còn được hưởng chính sách khoan hồng "không áp dụng tù chung thân không giảm án hoặc giảm từ chung thân không giảm án xuống tù chung thân nếu người phạm tội nộp lại 3/4 tài sản hoặc lập công chuộc tội".

ĐBQH Nguyễn Thành Trung.
Ông ủng hộ lập luận của Ban soạn thảo vì dù bỏ hình phạt tử hình, nhưng vẫn đảm bảo cách ly hoàn toàn người phạm tội ra khỏi xã hội bằng hình thức phạt tù chung thân không giảm án. Việc này vẫn đạt mục đích trừng trị tội phạm. Việc bỏ hình phạt tử hình, vừa đảm bảo quyền được sống, phù hợp tính nhân văn của các nước trên thế giới. Bên cạnh đó, bỏ hình phạt tử hình thì số phạm nhân chờ tử hình cũng giảm, tạo thuận lợi cho công tác quản lý phạm nhân.
Nghiêm khắc và răn đe nhưng vẫn bảo đảm tính nhân đạo
ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, tử hình là hình phạt nghiêm khắc nhất trong pháp luật hình sự, tước đi mạng sống con người. Bà cho biết xu hướng các nước hiện nay đã bỏ hình phạt tử hình, một số nước giữ nhưng không thi hành, không áp dụng trên thực tế, còn một số nước thay tử hình bằng chung thân hoặc chung thân không xét giảm án. Việc này thể hiện tính nhân đạo.
"Thực tế, với những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng, tội ác dã man, ghê rợn, tước đi mạng sống của nhiều người, ở Việt Nam và một số nước vẫn duy trì hình phạt tử hình", bà nói và nhấn mạnh, đề nghị về lâu dài cần tiến tới giảm, bỏ hình phạt tử hình. Nữ đại biểu ủng hộ việc bổ sung hình phạt tù chung thân không xét giảm án, bởi một khi bỏ hình phạt tử hình thì phải có hình phạt thay thế đảm bảo nghiêm khắc và tính răn đe cao, nhưng vẫn đảm bảo tính nhân đạo.
Cùng quan điểm trên, ĐBQH Nguyễn Hữu Chính (Hà Nội) cho rằng, giảm án tử hình là phù hợp, bởi thực tế hình phạt này không có tác dụng răn đe, giáo dục, nên việc giảm hình phạt tử hình là thể hiện tính nhân đạo, phù hợp với xu thế chung, tình hình thế giới. Theo đại biểu, việc giảm án tử hình với 8 tội như dự thảo là phù hợp.
ĐBQH Nguyễn Thành Trung (Yên Bái) cho rằng, tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ không phải tội phạm xâm phạm tính mạng, nên có thể xử lý bằng các biện pháp khác như tù chung thân, tù chung thân không xem xét giảm án, tịch thu tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ. Đại biểu dẫn chứng nhiều nước không áp dụng tử hình với tội tham nhũng như các nước EU, Mỹ, Nhật Bản, Pháp... Luật Hình sự của Trung Quốc áp dụng án tử hình treo trong nhiều vụ án tham nhũng lớn, được xem là một cách xử lý "khoan hồng có điều kiện", đối với đối tượng có tình tiết giảm nhẹ như ăn năn, khắc phục hậu quả...
Đại biểu thống nhất với Cơ quan soạn thảo, không áp dụng hình phạt tử hình đối với tội Tham ô tài sản, Nhận hối lộ, thay bằng hình thức tù chung thân không xét giảm án, thu hồi triệt để tài sản tham nhũng, cấm vĩnh viễn tham gia vào bộ máy nhà nước...