Đại biểu Quốc hội hiến kế ngăn tình trạng phụ huynh hành hung giáo viên
Tình trạng phụ huynh hành hung giáo viên đã làm ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo, chính vì vậy, luật cần bổ sung quy định rõ những việc phụ huynh, học không được làm đối với nhà giáo.
Cần quy định rõ những việc phụ huynh, học không được làm đối với nhà giáo
Sáng nay (20/11), tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, các đại biểu thảo luận tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Trước khi bước vào phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh đã phát biểu chúc mừng các thầy cô giáo, các đại biểu công tác trong ngành giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11.
Tham gia thảo luận, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định) băn khoăn khi thời gian vừa qua, xảy ra một số vụ việc phụ huynh học sinh hành hung giáo viên, hay học sinh xúc phạm thầy cô, trong khi trước đây, tình trạng này gần như không xảy ra.
"Việc này ảnh hưởng đến truyền thống tôn sư trọng đạo, ảnh hưởng đến hình ảnh người thầy", ông Nguyễn Văn Cảnh nêu.
Do đó, đại biểu Cảnh đề nghị tại Điều 11 dự thảo Luật cần bổ sung quy định rõ những việc phụ huynh, học sinh không được làm đối với nhà giáo. Cụ thể, cần quy định phụ huynh không được giải quyết mâu thuẫn trực tiếp với nhà giáo mà cần thông qua ban giám hiệu nhà trường, ban đại diện cha mẹ, cơ quan nhà nước.
Cũng liên quan đến quy định về những việc không được làm tại Điều 11, đại biểu Nguyễn Văn Mạnh (đoàn Vĩnh Phúc) đề nghị bổ sung nội dung không được xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của nhà giáo để đảm bảo nhà giáo được bảo vệ và giúp nhà giáo thực sự thấy an tâm với nghề nghiệp, yên tâm công tác và cống hiến cho sự nghiệp giáo dục.
Nhà trường là nơi dạy chữ, rèn nhân cách
Quan tâm tới quy định về tuyển dụng nhà giáo, đại biểu Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum), nhận thấy, dự thảo Luật đã trao quyền tuyển dụng nhà giáo cho cơ quan quản lý giáo dục chủ trì tuyển dụng hoặc phân cấp, ủy quyền hoặc người đứng đầu cơ sở giáo dục thực hiện việc tuyển dụng tại điểm a, b khoản 2 Điều 16.
Ông Tô Văn Tám cho rằng việc trao quyền như vậy sẽ tạo cơ sở cho cơ quan quản lý giáo dục, cơ sở giáo dục tuyển dụng nhà giáo đáp ứng yêu cầu ngành giáo dục cũng như chủ động trong điều phối biên chế, điều phối nhà giáo của ngành giáo dục.
Tuy nhiên, đại biểu Tám đề nghị cần giải thích rõ thế nào là người có trình độ cao, người có tài năng tại điểm a khoản 3 về các trường hợp đặc cách ưu tiên để dễ thực hiện khi tuyển dụng, bảo đảm tính khả thi của quy định.
Liên quan tới chuẩn nghề nghiệp nhà giáo tại Điều 14 dự thảo Luật, đại biểu nêu rõ, giáo dục có vai trò quan trọng và nhà giáo là trung tâm, là người quyết định chất lượng đào tạo, giáo dục con người, trực tiếp tác động, truyền thụ tư duy, tư tưởng, kiến thức của các thế hệ người học.
Do vậy, đòi hỏi cao ở nhà giáo không chỉ về đạo đức, chuẩn mực, mô phạm, sự hiểu biết, tính sáng tạo mà còn đòi hỏi về phẩm chất, tư tưởng chính trị của nhà giáo. Phẩm chất chính trị, tư tưởng nhà giáo là nhân tố cơ bản giữ vai trò chủ đạo, định hướng sự phát triển đạo đức của đội ngũ nhà giáo.
Nhà trường không chỉ là nơi dạy chữ và các trí thức khoa học mà còn là nơi rèn luyện, truyền thụ phẩm chất, nhân cách của người học. Từ phân tích trên, đại biểu Tô Văn Tám đề nghị bổ sung tiêu chuẩn về phẩm chất chính trị, tư tưởng vào khoản 1 Điều 14 dự thảo Luật.
Thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ngày càng trầm trọng
Đại biểu Trần Văn Thức (đoàn Thanh Hóa) đồng tình và thống nhất cao với việc dự thảo Luật giao quyền chủ động cho ngành giáo dục trong tuyển dụng, sử dụng nhà giáo. Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội là cơ quan chủ trì xây dựng chiến lược, đề án, kế hoạch phát triển, tổng biên chế đội ngũ nhà giáo thuộc thẩm quyền quản lý trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Đồng thời, điều phối biên chế nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập theo số lượng được cơ quan có thẩm quyền giao; các cơ quan quản lý giáo dục hoặc cơ sở giáo dục chủ trì trong tuyển dụng nhà giáo.
Theo ông Thức, đây chính là quy định rất quan trọng có thể tháo gỡ ngay những vấn đề khó khăn nhất và ngày càng trầm trọng về thừa - thiếu giáo viên từ nhiều năm nay ở nhiều địa phương, trong đó có Thanh Hóa.
Từ thực tiễn kinh nghiệm quản lý trong ngành giáo dục, đại biểu Trần Văn Thức cho biết thực trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ, đặc biệt là đối với giáo viên tiểu học, trung học cơ sở thực hiện chương trình giáo dục phổ thông ngày càng trầm trọng. Trong đó, một trong những nguyên nhân cơ bản là do các cơ quan quản lý giáo dục thiếu vai trò chủ trì nên không thể chủ động trong việc tuyển dụng, sử dụng giáo viên.
Vị đại biểu đoàn Thanh Hóa cũng đồng tình với đề xuất lương cơ bản theo bảng lương nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, phụ cấp ưu đãi nghề và các phụ cấp khác tùy theo tính chất công việc, theo vùng.