Đại biểu Quốc hội đồng thuận giảm 2% thuế giá trị gia tăng

Dự thảo Nghị quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng và áp dụng chính sách đặc thù cho dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku nhận được sự đồng thuận cao từ các đại biểu Quốc hội.

Quang cảnh phiên họp tại tổ đoàn TP. Hồ Chí Minh

Quang cảnh phiên họp tại tổ đoàn TP. Hồ Chí Minh

Trong phiên thảo luận ở tổ chiều nay về dự thảo nghị quyết giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026 và dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, các đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ, đồng thời đưa ra nhiều ý kiến sâu sắc để hoàn thiện chính sách và đảm bảo triển khai hiệu quả.

Giảm thuế GTGT, hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân và kích cầu kinh tế

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình và nhiều đại biểu bày tỏ sự đồng tình với dự thảo nghị quyết tiếp tục giảm 2% thuế GTGT từ ngày 1/7/2025 đến hết năm 2026, cho rằng đây là chính sách tài khóa quan trọng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân, kích cầu tiêu dùng, và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đại biểu nhấn mạnh rằng, chính sách này phù hợp với Quyết định 68 và Nghị quyết 198 của Quốc hội về phát triển kinh tế tư nhân, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm và dịch vụ, từ đó tăng khả năng cạnh tranh.

Việc giảm thuế từ 10% xuống 8% đã chứng minh hiệu quả trong việc kích cầu tiêu dùng nội địa và thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Theo số liệu của Bộ Tài chính, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2022 tăng 19,8% so với năm 2021, năm 2023 tăng 9,6% so với năm 2022. Đại biểu cho rằng, chính sách này còn góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, và hỗ trợ tăng trưởng GDP, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng lần lượt 3,15% năm 2022, 3,25% năm 2023, và 3,63% năm 2024.

Tuy nhiên, đại biểu chỉ ra một số bất cập trong dự thảo nghị quyết. Thứ nhất, một số ngành như viễn thông, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, bất động sản, sản phẩm kim loại, khai khoáng, và hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt (trừ xăng) không được áp dụng giảm thuế GTGT, dẫn đến sự thiếu đồng đều trong hỗ trợ doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ.

Thứ hai, thời gian áp dụng chính sách thường ngắn, trước đây chỉ kéo dài sáu tháng và gia hạn từng giai đoạn, gây khó khăn cho doanh nghiệp trong việc lập kế hoạch dài hạn. Dù giai đoạn từ 1/7/2025 đến hết năm 2026 được đánh giá là dài hơn, đại biểu vẫn cho rằng thời gian này chưa đủ để tối ưu hóa hiệu quả chính sách.

Thứ ba, việc áp dụng chính sách giảm thuế liên tục nhiều năm khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng coi đây là trạng thái bình thường, làm giảm hiệu ứng tâm lý tích cực. Theo khảo sát của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam năm 2024, chỉ 26% doanh nghiệp đánh giá rằng giảm thuế GTGT có tác động đáng kể đến mở rộng sản xuất, giảm 43% so với năm 2022.

Thứ tư, chính sách này gây áp lực lên ngân sách nhà nước, với mức hụt thu khoảng 45.800 tỷ đồng năm 2023, hơn 40.000 tỷ đồng năm 2024, và dự kiến vượt 200.000 tỷ đồng nếu kéo dài đến năm 2026. Cuối cùng, việc duy trì giảm thuế GTGT nhiều năm làm chậm tiến trình cải cách Luật Thuế GTGT, ảnh hưởng đến tính minh bạch và hiện đại hóa hệ thống thuế.

Để khắc phục, đại biểu đề xuất bốn giải pháp. Thứ nhất, chuyển từ hỗ trợ đồng loạt sang hỗ trợ đúng đối tượng, giảm sâu thuế GTGT từ 4-5% cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, công nghệ, dịch vụ sản xuất, phụ trợ, và chế biến nông sản.

Thứ hai, áp dụng thời hạn cố định từ một đến hai năm, với giai đoạn từ 1/7/2025 đến hết năm 2026 là hợp lý, nhưng cần đánh giá hiệu quả sáu tháng một lần và công bố công khai để điều chỉnh kịp thời.

Thứ ba, chuẩn bị cải cách thuế GTGT theo hướng phân tầng thuế suất dựa trên chuỗi giá trị và khu vực doanh nghiệp, thay vì áp dụng mức thuế phổ quát.

Thứ tư, tăng hỗ trợ gián tiếp thông qua giảm chi phí bảo hiểm xã hội, ưu đãi lãi suất, miễn lệ phí đăng ký tài sản trí tuệ, và hỗ trợ chuyển đổi số.

Đại biểu cũng đề nghị bổ sung ba ngành vào diện giảm thuế GTGT: công nghệ thông tin để thúc đẩy chuyển đổi số, giáo dục đào tạo (đặc biệt là kỹ năng ngoại ngữ) để phát triển nguồn nhân lực, và y tế tư nhân để giảm chi phí khám chữa bệnh và khuyến khích đầu tư.

Tối ưu giải phóng mặt bằng và cơ chế đặc thù cho dự án cao tốc

Thảo luận tại tổ chiều nay, các đại biểu cũng bày tỏ sự đồng thuận cao với dự án đường bộ cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, đánh giá đây là công trình quan trọng quốc gia với tổng mức vốn đầu tư trên 30.000 tỷ đồng và quy mô thu hồi đất rừng phòng hộ trên 50 ha.

Các đại biểu cũng ủng hộ việc áp dụng chín nhóm cơ chế, chính sách đặc thù để đẩy nhanh tiến độ, giảm chi phí, và tối ưu hóa nguồn lực đầu tư công. Tuy nhiên, một số đại biểu băn khoăn về tác động của dự án đến tuyến Quốc lộ 19, vốn được nâng cấp theo hình thức BOT với chiều dài 56 km và thời gian thu phí đến năm 2040. Đại biểu nhận thấy, khi cao tốc hoàn thành vào năm 2029, lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 19 có thể giảm, gây khó khăn cho nhà đầu tư BOT. Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ đánh giá tác động và xây dựng giải pháp hỗ trợ nhà đầu tư BOT, qua đó duy trì niềm tin của doanh nghiệp và khuyến khích đầu tư vào các dự án hạ tầng tương lai.

Một số đại biểu nhấn mạnh rằng công tác giải phóng mặt bằng là thách thức lớn, với dự án ảnh hưởng đến 491 hộ dân và gần 1.000 ha đất, trong đó 200 ha là đất lúa. Các đại biểu tán thành ý kiến của Ủy ban Kinh tế và Tài chính về việc xem xét lại hướng tuyến để giảm số hộ bị di dời và diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi. Đại biểu cho rằng, nhiều dự án hạ tầng gặp khó khăn do hướng tuyến đi qua khu vực đông dân cư, trong khi các khu vực thuận lợi hơn lại không được chọn. Đại biểu đề nghị Bộ Xây dựng và các địa phương khảo sát kỹ lưỡng để chọn hướng tuyến tối ưu, tránh dư luận tiêu cực và giảm chi phí giải phóng mặt bằng. Các đại biểu cũng đề nghị Quốc hội giao nhiệm vụ cho địa phương xây dựng phương án hỗ trợ cụ thể ngay từ đầu để đảm bảo sự đồng thuận của người dân, tránh chậm trễ tiến độ hoàn thành dự án vào năm 2029.

Một số đại biểu khác thì đề xuất Chính phủ rà soát và điều chỉnh các quy định pháp luật để tích hợp cơ chế đặc thù vào hệ thống pháp luật, thay vì chỉ áp dụng qua nghị quyết Quốc hội. Việc điều chỉnh luật sẽ giúp triển khai các dự án lớn hiệu quả hơn, hỗ trợ cải cách thể chế và phát triển hạ tầng giao thông bền vững.

Trần Hương

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/dai-bieu-quoc-hoi-dong-thuan-giam-2-thue-gia-tri-gia-tang-164585.html
Zalo