Đại biểu Quốc hội đề xuất cấp xã xác lập khu vực bỏ phiếu bầu cử

Việc sửa Luật Bầu cử cần đảm bảo hiệu quả tổ chức bầu cử, không gây quá tải cấp tỉnh, không rút ngắn quyền ứng cử, xử lý khiếu nại hay vận động tranh cử.

Sáng 21/5/2025, Quốc hội tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, thảo luận tại hội trường về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý về những nội dung liên quan trực tiếp đến tổ chức bầu cử ở cơ sở, quyền ứng cử, xử lý khiếu nại, cũng như tính khả thi khi thực hiện trong bối cảnh sáp nhập đơn vị hành chính.

Sáng 21/5/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Ảnh: VPQH

Sáng 21/5/2025, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân. Ảnh: VPQH

Quy định về khu vực bỏ phiếu, giao quyền cho xã là hợp lý

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) và nhiều đại biểu khác đều bày tỏ quan điểm đồng tình với đề xuất giao thẩm quyền xác lập khu vực bỏ phiếu cho Ủy ban nhân dân cấp xã. Theo phân tích của đại biểu, hiện nay, cấp huyện đã không còn trong nhiều đơn vị hành chính sau sắp xếp, nên việc chuyển quyền về cấp xã là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với thực tiễn.

Đại biểu Phạm Văn Hòa dẫn chứng: “Dù các xã nhập lại với nhau nhưng thực tế, các khu vực bỏ phiếu cũ vẫn giữ nguyên. Cán bộ xã có kinh nghiệm tổ chức bầu cử nhiều nhiệm kỳ. Mỗi khu vực chỉ có 300 - 400 hộ dân, rất dễ quản lý”.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: VPQH

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp). Ảnh: VPQH

Tuy nhiên, một số nội dung trong dự thảo quy định rằng, trong trường hợp cần thiết, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể điều chỉnh khu vực bỏ phiếu. Nhiều đại biểu cho rằng, điều này chưa thực sự cần thiết, thậm chí có thể phát sinh thêm thủ tục hành chính và gây quá tải cho cấp tỉnh. Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa) phân tích: “Nếu cấp tỉnh phải xử lý từng thay đổi nhỏ, sẽ rất mất thời gian. Nên để cấp tỉnh chỉ đạo, còn cấp xã quyết định”.

Đại biểu Lã Thanh Tân (Đoàn TP. Hải Phòng) cũng ủng hộ quan điểm này và cho rằng, cần bỏ quy định cấp tỉnh điều chỉnh khu vực bỏ phiếu. Nếu cần thiết, tỉnh có thể chỉ đạo nhưng vẫn giao quyền quyết định cho xã.

Hội đồng bầu cử cấp xã nên linh hoạt, tăng số thành viên

Theo dự thảo, Hội đồng bầu cử cấp xã có từ 9 đến 15 thành viên. Tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng, con số này là chưa hợp lý, nhất là tại các xã có diện tích rộng, dân số đông hoặc là xã đặc biệt sau khi nhập nhiều đơn vị hành chính.

Đại biểu Phạm Văn Hòa đề xuất: “Nên cho phép linh hoạt tăng lên tối đa 19 người để đủ sức giám sát, phân công các tổ dân phố, ấp, khóm. Thêm vài người cũng không phát sinh chi phí lớn, nhưng tăng hiệu quả điều hành”.

Cũng tại phiên họp, nhiều đại biểu kiến nghị quy định rõ hơn về thẩm quyền thành lập Tổ bầu cử ở những khu vực đặc biệt như đơn vị vũ trang nhân dân, bệnh viện, nhà an dưỡng, trại tạm giam. Đại biểu Lã Thanh Tân cho rằng, cần xác định rõ ràng việc đơn vị nào có quyền quyết định thành lập tổ, là Ủy ban nhân dân cấp xã hay đơn vị chủ quản sau khi thống nhất với chính quyền địa phương.

Đại biểu Lã Văn Tân (Đoàn Hải Phòng). Ảnh: VPQH

Đại biểu Lã Văn Tân (Đoàn Hải Phòng). Ảnh: VPQH

Về vấn đề thành phần hội nghị hiệp thương của Mặt trận Tổ quốc, đại biểu Lã Thanh Tân nêu: “Sau sắp xếp, số đơn vị hành chính cấp xã tăng mạnh, nhiều tỉnh có trên 100 đơn vị. Nếu mời tất cả tham dự sẽ rất khó khăn. Có thể tổ chức hội nghị hiệp thương trực tuyến hoặc chọn đại diện một số đơn vị tham dự để đảm bảo hiệu quả”.

Nhiều ý kiến về việc rút ngắn thời gian thực hiện các bước

Một nội dung được nhiều đại biểu bày tỏ sự lo ngại là việc rút ngắn thời gian các bước trong quy trình bầu cử, nhất là các hội nghị hiệp thương và thời gian tiếp nhận, xử lý khiếu nại.

Theo dự thảo, thời gian tổ chức Hội nghị hiệp thương lần hai đến lần ba rút từ 30 ngày xuống còn 17 ngày. Đại biểu Phạm Văn Hòa nói: “Khối lượng công việc giữa hai hội nghị rất lớn, gồm xác minh, lấy ý kiến cử tri, lập danh sách sơ bộ, phân bổ ứng cử viên. Nếu rút ngắn thời gian đột ngột, các cơ quan thực hiện không kịp”.

Đại biểu Mai Văn Hải cũng băn khoăn với việc rút ngắn thời gian giải quyết khiếu nại. Cụ thể, khiếu nại về bầu cử đại biểu Quốc hội từ 30 ngày giảm xuống còn 7 ngày, Hội đồng nhân dân từ 20 còn 7 ngày. “Nhiều khiếu nại rất phức tạp, thời gian như vậy là quá ngắn. Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc để đảm bảo quyền khiếu nại chính đáng của công dân”, đại biểu nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: VPQH

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn Thanh Hóa). Ảnh: VPQH

Một điểm nữa được đề cập là việc vận động bầu cử trực tuyến. Các đại biểu đánh giá cao việc bổ sung hình thức vận động trực tuyến để đối phó với dịch bệnh, thiên tai. Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn nhấn mạnh vai trò không thể thay thế của vận động trực tiếp, nhất là với ứng cử viên lần đầu. “Cử tri cần biết mặt ứng viên. Tiếp xúc qua màn hình mờ mờ thì sao nắm bắt được chân dung người đại diện cho mình?”, đại biểu Phạm Văn Hòa chia sẻ.

Theo Đại biểu Phạm Văn Hòa: “Dù các xã nhập lại với nhau nhưng thực tế, khu vực bỏ phiếu cũ vẫn giữ nguyên. Cán bộ xã có kinh nghiệm tổ chức bầu cử nhiều nhiệm kỳ. Mỗi khu vực chỉ có 300 - 400 hộ dân, rất dễ quản lý”.

Hoàng Nhưỡng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-xuat-cap-xa-xac-lap-khu-vuc-bo-phieu-bau-cu-388624.html
Zalo