Đại biểu Quốc hội đề nghị xem xét mua lại vàng miếng từ người dân

Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa cho biết, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường, khiến người dân phải bán vàng ở 'thị trường đen'. Đại biểu đề nghị ngân hàng xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng.

Sáng 11/11, tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, kể từ Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, là Kỳ họp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước trả lời chất vấn các đại biểu đến nay, kinh tế thế giới biến động phức tạp, khó lường. Đại dịch Covid-19 được kiểm soát nhưng hệ lụy và tác động vẫn còn dai dẳng. Căng thẳng chính trị, thương mại gia tăng, lạm phát tăng cao trên phạm vi toàn cầu. Chính sách tiền tệ thắt chặt nhanh và mạnh ở nhiều nước khiến mặt bằng lãi suất thế giới tăng cao.

Trước bối cảnh khó khăn nêu trên, Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng đã nhận được sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp chặt chẽ của các Bộ, Ban, ngành Trung ương và địa phương, sự đồng hành của doanh nghiệp và người dân, các cơ quan báo chí. Ngân hàng Nhà nước đã luôn kiên định mục tiêu, bình tĩnh, chủ động theo dõi sát diễn biến kinh tế, tiền tệ quốc tế và trong nước để điều hành các công cụ và giải pháp chính sách với liều lượng, thời điểm hợp lý với từng bối cảnh; phối hợp chặt chẽ chính sách tài khóa với các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Hoạt động ngân hàng đã có đóng góp tích cực đối với việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, ổn định thị trường tiền tệ ngoại hối.

 Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực ngân hàng.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận, hoạt động ngân hàng không tránh khỏi thiếu sót, tồn tại, hạn chế, cần tiếp tục nhận diện để khắc phục, tiến tới điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng hiệu quả hơn trong thời gian tới, đóng góp vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội…

Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, vừa qua, việc bán vàng miếng của Ngân hàng Nhà nước bình ổn giá vàng được người dân rất đồng tình ủng hộ. “Tuy nhiên, ngân hàng chỉ bán mà không mua. Nếu người dân muốn bán vàng do nhu cầu để sử dụng tiền mặt thì bán ở đâu, ngân hàng không mua thì các cửa hàng vàng khác cũng không mua. Mặt khác, ngân hàng bán vàng chỉ có ở TP.Hà Nội và TP.Hồ Chí Minh, sao không bán tại những nơi khác ở trong nước cho người dân có nhu cầu mua để thuận lợi, dễ dàng?”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa đặt câu hỏi.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại phiên họp Quốc hội sáng 11/11.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại phiên họp Quốc hội sáng 11/11.

Ngoài ra, đại biểu Phạm Văn Hòa cũng băn khoăn là hiện nay, lượng kiều hối về nước rất nhiều. Chỉ trong năm 2023 là 16 tỷ USD nhưng người dân gửi vào ngân hàng thì lãi suất 0 đồng, nếu để ở nhà thì có khả năng không an toàn.

“Trong khi đó, ngân hàng vay vốn nước ngoài bằng ngoại tệ phải trả lãi, sao không vay của người dân để có lợi cho dân, dù là lãi suất thấp hơn vay của nước ngoài?”, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Trả lời chất vấn về vấn đề ngân hàng chỉ bán vàng miếng mà không mua vào, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nêu rõ: Về mua vàng, các tổ chức tín dụng thực hiện theo yêu cầu về bình ổn thị trường, chỉ mua khi các tổ chức tín dụng bán vàng. Với mua vàng, không như ngoại tệ, phải kiểm định chất lượng, hàm lượng vàng, cũng là khó khăn. Các tổ chức cũng phải đầu tư con người, thiết bị… có thể gặp rủi ro về chất lượng vàng.

 Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn.

“Chúng tôi sẽ cân nhắc, tới đây, những đề xuất mới về thị trường vàng miếng sẽ có giải pháp để xử lý vấn đề trên”, bà Hồng nói.

Tuy nhiên, theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, hiện nay, 22 tổ chức tín dụng và 16 doanh nghiệp có chi nhánh giao dịch vàng ở nhiều nơi. Việc doanh nghiệp không mua có thể do một số nguyên nhân, nhất là biến động giá vàng rất cao. Họ bán hay mua cũng phải cân nhắc, để phòng ngừa rủi ro. Với mặt hàng vàng, Ngân hàng nhà nước cũng khuyến cáo, thị trường biến động khó lường phức tạp, có thể chịu rủi ro.

Về lí do vì sao chỉ bán vàng ở TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, Ngân hàng Nhà nước chỉ cấp phép đối với doanh nghiệp kinh doanh mua bán vàng miếng chứ không có quy định bắt buộc ở địa điểm nào.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, bản thân các doanh nghiệp và các tổ chức tín dụng sẽ tự xem xét, đánh giá nhu cầu của các tỉnh, thành và mở các địa điểm mua bán vàng miếng. Do đó, thực tế nhu cầu chủ yếu ở TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và các thành phố lớn, còn các tỉnh thành khác không có hiện tượng người dân xếp hàng mua vàng.

 Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tranh luận.

Đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp tranh luận.

Phát biểu tranh luận tại phiên họp, đại biểu Phạm Văn Hòa cho biết, Ngân hàng Nhà nước bán vàng miếng nhưng không mua lại từ thị trường, khiến người dân phải bán vàng ở thị trường đen. Đại biểu đề nghị ngân hàng xem xét mua lại vàng miếng từ người dân để tạo điều kiện thuận lợi cho họ khi cần bán vàng.

Liên quan đến vấn đề về huy động vốn từ kiều hối, đại biểu Phạm Văn Hòa nêu rõ: “Theo số liệu từ năm 1993 - 2023, lượng kiều hối về Việt Nam rất lớn, lên tới 206 tỷ đô la Mỹ. Tuy nhiên, ngân hàng không chủ động huy động nguồn vốn này, mà chỉ trả lãi suất bằng 0%. Trong khi đó, Nhà nước lại đi vay ODA với lãi suất cao hơn. Đề nghị ngân hàng nên huy động vốn từ kiều hối với lãi suất thấp hơn so với vay nước ngoài, để tạo động lực cho người dân gửi tiền về Việt Nam”.

Trả lời câu hỏi này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, chúng ta có chủ trương hạn chế đô la hóa, vì khi huy động ngoại tệ của người dân, các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với rủi ro tỷ giá. “Chính vì đó, chúng ta phải làm cho doanh nghiệp và người dân có ngoại tệ thì chuyển hóa thành VND để đầu tư cho sản xuất kinh doanh. Về việc này, Ngân hàng Nhà nước đã có chính sách rất đồng bộ từ năm 2016 đến nay”, bà Hồng nói.

Nguyễn Hường

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-xem-xet-mua-lai-vang-mieng-tu-nguoi-dan-post320856.html
Zalo