Đại biểu Quốc hội đề nghị công bố mức sống tối thiểu, sửa mức giảm trừ gia cảnh

Đại biểu Trần Kim Yến nêu nghịch lý nhiều người dân không tiếp cận được nhà ở xã hội do phải đóng thuế thu nhập cá nhân, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn ít. Đại biểu Trần Hoàng Ngân đề cập tiền khấu trừ của người nộp thuế tại các đô thị lớn là không đảm bảo...

Sáng 26/10, Quốc hội thảo luận ở tổ về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KTXH) năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển KTXH năm 2025; tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước (NSNN) năm 2024, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025; một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán NSNN; chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Lạm phát mức thấp, tăng trưởng đạt cao

Tại tổ TP Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta phải nhìn nhận năm 2022 thế giới đã bắt đầu bất ổn, sau đại dịch COVID-19, xung đột địa chính trị lan rộng ra một số khu vực, bối cảnh tình hình kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, bất ổn, khó lường. Nhưng Việt Nam nổi lên "điểm sáng" là vẫn duy trì được sự ổn định về chính trị, KTXH, lạm phát kiểm soát ở mức thấp trong vòng 10 năm (2015 đến nay), chỉ ở 3%.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân thảo luận tại tổ.

ĐBQH Trần Hoàng Ngân thảo luận tại tổ.

"Điều này rất tuyệt vời. Giai đoạn 2006 - 2015 lạm phát Việt Nam là 9,3%, rất cao, có những năm như 2008, 2011 lạm phát khoảng 20%, song hiện nay lạm phát chỉ 3%. Đây là sự đánh giá rất cao về việc tập trung ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, cán cân thương mại thặng dư liên tục. Có những năm bất ổn về kinh tế vĩ mô là 2006, 2010, vừa chống chọi với lạm phát, vừa chống chọi với nhập siêu. Nhập siêu giai đoạn đó mỗi năm 12,6 tỷ USD, trong 5 năm nhập siêu 63 tỷ USD; trong khi từ năm 2016 đến nay chúng ta liên tục xuất siêu, 5 năm gần đây 2019 - 2024 chúng ta xuất siêu 85 tỷ USD, nghĩa là mỗi năm xuất siêu khoảng 17 tỷ USD - những con số thể hiện nỗ lực của cả hệ thống chính trị và là thành quả đáng tự hào, trong bối cảnh thế giới đầy bất ổn", ông phân tích.

"Điểm sáng" thứ hai theo ĐBQH Trần Hoàng Ngân là kinh tế thế giới bắt đầu chững lại, tăng trưởng kinh tế bình quân chung của thế giới thấp hơn năm 2023, chỉ khoảng 3,2%; một số nước trong khu vực như Thái Lan 2,8%; Indonesia 5%, Philippines 5,8%... thì Việt Nam 9 tháng đầu năm đạt 6,82% và ông tin tưởng cả năm chúng ta sẽ đạt tăng trưởng trên 7%. Thêm vào đó, xuất khẩu tăng 15,4%, trong khi chi phí logistics toàn cầu chiếm tỷ lệ lớn do xung đột địa chính trị, tàu chở hàng hóa phải đi đường vòng; giá cả thế giới liên tục biến động, tăng trưởng bất thường như giá dầu, giá vàng...

Bàn về những động lực tăng trưởng của nước ta hiện nay, đại biểu đồng tình với các giải pháp trong báo cáo của Chính phủ, đồng thời đề nghị phải "làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và thúc đẩy, khai thác các động lực tăng trưởng mới". Chúng ta có 3 động lực truyền thống là: xuất khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Chúng ta đã duy trì, xuất khẩu 9 tháng tăng so với cùng kỳ, nhưng bàn sâu hơn một chút thì khu vực xuất khẩu 300 tỷ USD này chủ yếu là khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, với các mặt hàng chủ lực như điện tử, máy tính, điện thoại, máy móc, thiết bị... Nhưng giá trị gia tăng từ xuất khẩu này đối với nước ta còn hạn chế, vì phần lớn doanh nghiệp FDI nhập linh kiện, phụ liệu từ nước ngoài về, trong nước chúng ta chủ yếu gia công.

ĐBQH Trần Kim Yến phát biểu ý kiến.

ĐBQH Trần Kim Yến phát biểu ý kiến.

"Giải pháp là tập trung kết nối doanh nghiệp FDI với các doanh nghiệp trong nước, xây dựng hệ thống thể chế liên quan đến việc phát triển công nghiệp, dịch vụ phụ trợ, phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu, phụ tùng, linh kiện để cung cấp đầu vào cho các doanh nghiệp FDI chế biến, lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh để xuất khẩu ra nước ngoài", đại biểu nêu. Đối với các mặt hàng thủy sản, nông sản, rau quả, tiêu, điều, gạo, chè... 9 tháng đầu năm xuất khẩu 22,5 tỷ USD, tăng rất cao với cùng kỳ, do đó, cần tiếp sức cho các mặt hàng thế mạnh, mang thương hiệu Việt này của Việt Nam ra thế giới.

Chăm lo cuộc sống con người là yếu tố căn bản phát triển bền vững

Về động lực tiêu dùng nội địa, ĐBQH Trần Hoàng Ngân cho rằng, chúng ta có cải thiện, tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ, tiêu dùng tăng 8,8% trong 9 tháng đầu năm, tuy nhiên còn thấp hơn trước dịch, nên phải có chính sách hỗ trợ cho tiêu dùng nội địa. "Khuyến khích người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Nhưng, quan trọng là phải hỗ trợ thu nhập, có tiền mới mua được hàng", ông nhấn mạnh.

Đại biểu đoàn TP Hồ Chí Minh cũng đề nghị Chính phủ lưu ý tiền lương lĩnh vực giáo dục, y tế và lương hưu, trợ cấp ưu đãi người có công bởi hiện vẫn đang ở mức thấp. "Tiếp tục giảm thuế, nhất là thuế thu nhập cá nhân, tiền khấu trừ của người nộp thuế 11 triệu đồng và tiền khấu trừ người phụ thuộc 4,4 triệu đồng đối với người dân ở đô thị lớn là không đảm bảo. Phải tăng tiền khấu trừ, cải thiện việc này thì mới tăng được tiêu dùng, từ đó hỗ trợ tăng trưởng", đại biểu hiến kế.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân thảo luận tại tổ.

ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân thảo luận tại tổ.

Đồng quan điểm, ĐBQH Trần Kim Yến nêu, nhiều người dân hiện không tiếp cận được với nhà ở xã hội, một trong những nguyên nhân chính là do quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân. Bởi người dân đã đóng thuế thu nhập cá nhân thì không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội, trong khi mức giảm trừ để đóng thuế vẫn thấp.

"Tôi nhớ rằng, kỳ họp Quốc hội nào cũng nói về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng có giải trình nhưng cuối cùng, mức giảm trừ gia cảnh cho người phụ thuộc vẫn ít. Với giá nhà hiện nay thì người có thu nhập thấp và thu nhập trung bình không thể với tới được", đại biểu đề nghị cần giải pháp cho vấn đề này để người tiêu dùng có nhu cầu thật có thể tiếp cận với nhà ở xã hội.

Cũng liên quan vấn đề tiền lương, thu nhập, ĐBQH Nguyễn Thiện Nhân đề cập một vấn đề lâu nay "còn nợ" mà Nghị quyết của Trung ương về chính sách cải cách tiền lương cũng nêu là Chính phủ phải công bố mức sống tối thiểu, tiền lương tối thiểu. Đã 5 năm có nghị quyết nhưng chúng ta vẫn chưa công bố điều này. Báo cáo của Ban Dân nguyện cũng nói, chúng ta có văn bản hỗ trợ người dân thu nhập thấp trong quá trình đào tạo nghề, nhưng các địa phương không áp dụng được, vì không biết như thế nào là thu nhập thấp, mức sống tối thiểu.

Dẫn 4 bài học kinh nghiệm mà Thủ tướng nêu trong báo cáo KTXH về lấy con người là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là nguồn lực, động lực quan trọng nhất cho sự phát triển, đại biểu cho rằng, chúng ta phải chăm lo cho nguồn lực con người như thế nào, vì nguồn lực này là của chính chúng ta chứ không phải đi vay mượn của ai cả, đây cũng là yếu tố căn bản nhất của phát triển bền vững.

Theo ông, để chăm lo cho con người thì chăm lo cuộc sống rất quan trọng. Đại biểu kiến nghị trong năm 2025, Chính phủ nên công bố mức sống tối thiểu này và dự kiến diễn biến trong 5 năm tới, để làm cơ sở chi lương cho viên chức, người lao động. Qua tìm hiểu các nước, hiện nay họ đã chuyển sang giai đoạn mới, không chỉ công bố mức sống tối thiểu mà còn công bố lương đủ sống cho gia đình 4 người.

"Ví dụ Mỹ hoặc Nhật Bản, một gia đình 2 người đi làm thì lương tối thiểu là bao nhiêu để đủ sống, nuôi 2 người con", đại biểu Nguyễn Thiện Nhân dẫn chứng. Ông cũng kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng chỉ số hạnh phúc của Việt Nam; có báo cáo chuyên đề đánh giá năng suất lao động của Việt Nam trong 5 năm qua, các giải pháp và định hướng phương án 5 năm tới, coi năng suất lao động là một chỉ số quốc gia được giám sát...

Quỳnh Vinh

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/su-kien-binh-luan-thoi-su/dai-bieu-quoc-hoi-de-nghi-cong-bo-muc-song-toi-thieu-sua-muc-giam-tru-gia-canh-i748357/
Zalo